Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

CÂY ĐẠI THỤ NỀN SÂN KHẤU CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Bài phát biểu của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam trong 
Lễ Tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương
(3/7/2013)
                   

      Trước hết cho phép Tôi được thay mặt Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, và Ban tổ chức “Lễ Tưởng niệm 10 năm ngày mất của Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương” được nói lời cám ơn về sự hiện diện của các Quí vị trong buổi lễ tri ân và tưởng niệm dành cho một Nghệ sĩ lão thành của Sân khấu cách mạng Việt Nam đương đại đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác, và tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo tổ chức các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hướng dẫn nghề nghiệp cho các Nghệ sĩ đàn em để họ tiếp bước lớp cha ông để có những cống hiến lớn lao, để lại một dấu ấn sâu đậm trong tình cảm và sự kính trọng của giới Sân khấu Việt Nam. Nhà viết kịch, Nhà văn Lộng Chương (1918-2003) có tên khai sinh là Phạm Văn Hiền.
           Từ lúc 6,7 tuổi đã từng ngồi cùng với một bà cô ở trong “hố nhắc lời kịch” của Nhà hát Lớn Hà nội để xem một người bác diễn hài kịch của Molie. Có thể từ “duyên nợ” đó, trong môi trường sân khấu đó đã sớm hình thành nên tố chất của một Nhà Sân khấu lớn sau này và Ông đã chọn thể loại Hài kịch để dâng hiến cuộc đời và sự nghiệp trên con đường nghệ thuật của mình. Khi nhắc đến ông trong làng sân khấu đều nhớ câu:
Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngữ ngôn trào LỘNG. 
Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn CHƯƠNG. 
          Vì vậy trong những lời tự viết để giới thiệu cho các vở diễn của mình, tác giả Lộng Chương đã sớm xác lập cho mình một định hướng chuẩn mực, chính thống mang tính nhận thức cao và tinh thần trách nhiệm trong sáng tạo nghệ thuật của một người cầm bút. Ông khẳng định: Phương pháp Hư cấu trong sáng tác. Nhưng ông lại rất tôn trọng sự chân thực cuộc sống, vì “kịch là hình ảnh thực, mang những tình cảm thực, trình bày những việc thực, diễn ra hàng ngày trong đời sống “ “ với tính chất của kịch, thực bằng xương bằng thịt, thực bằng hành động, thực bằng ngôn ngữ, kịch đã đi sâu vào nhân dân và trở thành “món ăn” cần thiết của nhân dân” (Ông đã có những dòng viết như vậy). Ông lại rất chủ động và không trông chờ vào một điều gì đó thuận lợi, phù hợp trong chính sách và điều kiện rồi mới sáng tác, bởi “nếu cứ chờ đợi cái phù hợp thì không bao giờ có được. Vì cuộc sống không ngừng thay đổi và nhu cầu của con người cùng không dừng lại. Thế thì, sự phù hợp, đầy đủ luôn luôn chỉ là tạm thời thôi”. Và ông khẳng định: “Bởi lập trường của chúng ta là đứng hẳn về phía công chúng, tin tưởng ở công chúng và hòa mình với công chúng. Với hướng như vậy, nhất định sân khấu cũng sẽ phơi phới tiến lên”. Nhưng trong quá trình nhận thức về sự phát triển của nền Sân khấu Cách mạng Việt Nam, phải có Chân dung nghệ thuật với một quan điểm chính thống và một khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật. Ông viết: “Người cầm bút nói gì với thời đại? Nói gì? Nếu không nói đến những dữ kiện có tác động thuận hay nghịch đến thời đại. Thời đại nào cũng có sự đối kháng của cái nghịch với cái thuận, cái tiêu cực với cái tích cực. Khai thác hai mặt đó của thời đại, người cầm bút chân chính chỉ có một mục tiêu: Xây dựng thời đại. Tác phẩm cần mang nội dung thời đại, phục vụ đạo lý thời đại. Ông sớm và luôn trăn trở: “Làm sao cho kịch nói Việt Nam có sắc thái Việt Nam?” Và nhận thấy; “Phong cách dân tộc phải tìm ở những hình thức nghệ biểu diễn cổ truyền của dân tộc sẽ ở trong hai hình thức: Tuồng và Chèo. “Tôi tìm vào Chèo” - là quyết định của ông. Vì trong Chèo, ông bị hấp dẫn bởi: “tính lạc quan đặc biệt của Chèo … qua mặt trào lộng châm biếm mang tình thần của những truyện tiếu lâm rất phổ biến trong nhân dân, và cũng qua mặt trữ tình nhẹ nhàng đôn hậu đã được cách điệu một cách nhuần nhị tươi mát”. - “trong đường lối VHNT của Đảng có nội dung đề cao hướng khai thác vốn cổ dân tộc, thân khích lệ tôi đi sâu vào tiêu biểu nghệ thuật Chèo”. Ông đưa Chèo vào Kịch hay nói một cách khoa học là Ông chủ xướng, chủ trương và thực hiện việc “sáng tác kịch nói theo phong cách Chèo”. Đó là khuynh hướng và phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng biệt của Nhà viết kịch, Nhà văn Lộng Chương. Và thể loại “hài kịch” gắn với tên tuổi của ông. Và kịch bản đầu tiên mang tên: “Hỏi vợ” đã được Đội kịch Thanh niên của Thành Đoàn Hà nội, trong đó có chàng thanh niên Doãn Hoàng Giang nay là Đạo diễn, NSND ngày đó tham gia.
        Từ cuối 1960, Sân khấu Kịch VN ở phía Bắc có 1 sự kiện lớn, đó là sự ra đời của Vở “Quẫn” của Ông. Nhiều năm sau Vở vẫn tiếp tục đời sống của nó trong người xem với con số kỷ lục là hơn 1000 buổi diễn. “Quẫn” là một dấu ấn, một bước ngoặt tổng thể, đẹp đẽ của Sân khấu từ vấn đề và trình độ tay bút của tác giả; của Đạo diễn lừng danh Trần Hoạt; của một tập thể diễn viên tuyệt vời: Song Kim, Chu Xuân Hoan, Thu Hà, Bích Châu, Trần Tiến, Vũ Đình Hải, … và một không khí nghệ thuật toàn bích của xã hội và người xem kịch ngày đó. Theo dòng “hài kịch” lớn còn có “Quẫy” (chưa kịp dựng) và “Cửa mở hé” (Kịch Hải Phòng và Kịch Thanh Hóa dựng, biểu diễn”). Ông dự kiến viết “Quỵ” để có “bộ tam khúc” gồm: Quẫn, Quẫy, Quỵ. (nhưng chưa thực hiện được theo ý nguyện). “Cửa mở hé” cũng có được hàng trăm buổi diễn đầy ắp người xem trong khán phòng; vẫn là Đạo diễn Trần Hoạt và nhiều Diễn viên tài năng thể hiện mà Sân khấu thì chỉ là mấy cái “giá áo” xen lẫn với người vợ chỉ phát ra đúng có 1 âm là: “hé” (NS Bích Lân), 1viên Đại tá tỉnh trưởng cùng gia đình, 1 viên Trung úy Nguyễn Thế Kỷ bế tắc và quậy phá, 1 viên cố vấn người Mỹ, và những người lao động theo cách mạng đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình mà cửa chỉ “hé” do thế cuộc quá chán ngán, thì nay mở tung ra để đón chào cách mạng (Mậu Thân, 1968 tại Huế).
       Sau toàn quốc kháng chiến, 19.12,1946, Ông công tác tại Tuyên huấn Liên khu Ba, và Bốn; năm 1954 về lại Hà nội giải phóng; 1957 tham gia thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở chức danh Ủy viên Ban Thường vụ cho tới khi nghỉ hưu. Nhà viết kịch, Nhà văn Lộng Chương có một số lượng lớn tác phẩm ở nhiều lĩnh vực sáng tác khác nhau.
      Trong một bài viết của Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang có con số thống kê (như sau): Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: 17 vở kịch dài và ngắn; thời kỷ chống Mỹ và xây dựng CNXH: 43 vở kịch dài và ngắn. Ngoài ra Ông còn sửa chữa, chỉnh lý, nâng cao cho các anh chị em, học trò là tác giả viết không chuyên nghiệp; 21 vở dài và ngắn. (Vậy là về Sân khấu, Ông có chừng hơn 80 kịch bản) - Ngoài ra Ông còn viết: 9 tập truyện thơ và ca dao; 5 tập phóng sự ký sự kháng chiến; 7 bài tiểu luận, phê bình Sân khấu và 29 bài báo về Sân khấu. Một cuộc đời người trong sự nghiệp sáng tác có được số lượng tác phẩm lớn đến như vậy, mà trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng cao, thật sự đã là một kết quả lao động nghiêm túc với một cường độ cao, một kế hoạch làm việc khoa học, một sự bền bỉ yêu công việc đến trân trọng.
       Ở trách nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ Hội NSSKVN Khóa I - Nhà viết kịch, Nhà văn Lộng Chương luôn là “cánh chim đầu đàn” của công việc sáng tác mỗi khi có sự kiện chính trị và những tình huống có liên quan đến sân khấu cần xử lý. Đó là ở thời điểm mà Mỹ và chính quyền tay sai gây ra vụ thảm sát Phú Lợi (năm 1958). Căm thù và trách nhiệm dâng đầy ngay trong 1 đêm tác giả Lộng Chương cùng các học trò đã vừa nghĩ, vừa viết để có được vở kịch chính trị với tiêu đề “Chặn tay chúng lại” và ngay đêm hôm sau vở diễn đã kịp thời biểu diễn ngay trên phố Tràng Tiền, Hà nội để tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Về tư tưởng tác phẩm Ông thường tâm đắc và đầu tư nhiều cho những kịch bản lớn về đề tài lịch sử và xã hội như “Tình sử Loa Thành” hay còn gọi là “Mỵ Châu - Trọng Thủy”; “Quẫn”; “Cửa mở hé”; “Quẫy”, … nhưng ông cũng không quên những kịch bản được viết kịp thời cho một nhiệm vụ chính trị như: “Đổi đầu heo”, “Dì Mai”, “Bầu bán”, “Người nữ tự vệ áo trắng”, “19 tháng 12”, để tác động tới xã hội và người xem. Do tôn trọng tính chân thực của cuộc sống và sự kiện nên các nhân vật trong kịch của tác giả Lộng Chương bao giờ cũng gần gũi và đầy đặn về số phận và tính cách, thậm chí nhiều nhân vật đạt đến độ “điển hình” và tên của nhân vật trở thành một tố chất danh xưng chung, như: cụ Đại Lợi, bà Đại Cát, “kẻ sinh lầm thế kỷ”, …
Do học từ phương pháp nghệ thuật ước lệ của Chèo, nên ngôn ngữ kịch của Ông luôn sinh động, đa nghĩa, mang theo tính trào lộng, châm biếm; ông sử dụng “dàn đế” của Chèo trong kịch tạo nên những lớp diễn đối đáp, giao lưu trực tiếp giữa nhân vật và người xem, nhằm tạo nên sự đồng cảm, thân thiện như câu chuyện và tình huống kịch là của chính khán giả. Từ trong tư chất tự nhiên, tác giả Lộng Chương còn là một người thầy nghề (theo nghĩa Nho giáo) - ông cần mẫn, chịu khó, biết nghe, và biết cho lại các thế hệ học trò những kinh nghiệm về sáng tạo nghệ thuật.
       Vì vậy Giáo sư, tác giả Hà Văn Cầu vẫn luôn gọi tác giả Lộng Chương bằng thầy, Ông đã có một câu để đời viết về người thầy của mình như sau:
       Trọn một đời lấy bút làm gươm nhếch mép lên câu trào LỘNG. 
       Trải mấy độ coi trò như bạn dắt tay theo nghiệp văn CHƯƠNG.
        Ngôi nhà của Ông là nơi để đến của bao người thuộc nhiều tầng lớp văn nghệ sĩ khác nhau. Ai tới cũng được đón tiếp nồng hậu, chu đáo bên chén trà, ly rượu và gặp bữa mời dùng cơm cùng với gia đình. Tất cả là để được bên nhau để nói về nghề, về công việc, để khích lệ động viên, để tìm tòi sáng tạo, Nhưng trong thẳm sâu của con người Nghệ sĩ Lộng Chương ngoài tính trào lộng qua các nhân vật, qua trang viết. Chúng ta còn nhận ra một Con người có tâm hồn cao đẹp, nhưng trầm lặng, ít lời, có đôi chút buồn cảm. Nhưng khí chất của Ông không hạ thấp các tiêu chí nhân sinh và quan hệ. Ông luôn hào sảng và hào phóng của kẻ sĩ, của những trí giả, nên không bao giờ vụ lợi cho mình. Ông tự họa:
- Trọn 40 năm đội mũ đeo râu, khi làm lính, lúc ra quan, thác ghềnh lận đận. Ngẫm lại: giận mà thương. 
- Ngoài 60 tuổi sớm nắng chiều mưa, chân vẫn chắc, mắt chưa lòa, sương gió phôi pha. Trộm nghĩ: già nhưng trẻ.
       Và… người hiểu Ông hơn cả, chịu đựng nhiều hơn cả, dành cho Ông tất cả để Ông có điều kiện làm việc thiện của nghề nghiệp Văn chương - Sân khấu, của đạo người, đạo thầy … là người bạn đời son sắt, bà Nguyễn Thị Quy của chúng ta.
       Bước chân, tay bút, sự hiện diện của Ông đã để lại nhiều dấu ấn tình cảm và trách nhiệm ở cả công sức thành lập, dìu dắt Đoàn Chèo Cổ phong (1956-1957), Đoàn Chèo Nam Hà (1960); Đoàn Kịch Thanh Hóa (1966); Đoàn kịch Hà Tây (1968-1969) nhất là những ngày đầu tiên trứng nước của Đoàn kịch Thanh niên, và Đoàn kịch Công nhân Hà nội (từ 1957).
      Trong ngôi nhà cổ hào hiệp phố Hàm Long, bất chợt có lúc Ông ngồi lặng lẽ , thâm trầm như dáng của một Thiền sư. là lúc chợt nghĩ về một cấu tứ ý đồ hài kịch mới khi cuộc sống ngày càng biến động khó lường, với nhiều biểu hiện đạo lý đổi thay mà Nhà viết kịch hài Lộng Chương mỗi ngày, mỗi năm lại già hơn một chút. Chắc lúc đó là bao dung cho việc suy tính về điều: còn làm được gì nữa để cuộc sống và nghề nghiệp tiếp tục có ý nghĩa nhất với trách nhiệm của người Nghệ sĩ. Ta luyến tiếc và trân trọng ông khi ông ra đi, còn lại bao nhiêu ý đồ cho các kịch bản kế tiếp theo, để kết thúc phần đời vào ngày 26 tháng 6 năm 2003. Nhưng sự tôn kính ông thì không hề đứt đoạn trong tâm trí của chúng ta - điều đó khẳng định ông là cây đại thụ của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. 
        10 năm qua cây đại thụ này vẫn che bóng mát để cho lớp Nghệ sĩ trẻ Sân khấu Việt Nam coi đó là tấm gương lao động nghệ thuật, coi đó là nhân cách của người Nghệ si chân chính. Chân dung ông vẫn được kính cẩn treo tại phòng họp của Hội để mỗi người chúng ta (những nghệ sĩ sân khấu) vẫn như có ông luôn bên mình nhắc nhớ, khích lệ mọi sáng tạo để đưa sân khấu nước nhà vượt qua những khó khăn trong cơ chế thị trường. Đoàn kết cùng nhau sáng tạo nhiều tác phẩm để thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị : “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” trong hội nhập văn hóa xã hội .
       Và hôm nay ngày 03 tháng 7 năm 2013, trước Giỗ Ông 1 ngày - Chúng ta tề tựu về đây để thắp nén tâm nhang kính cẩn nghiêng mình trước cây đại thụ sân khấu mà Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT được tặng cho tác giả Lộng Chương là sự tưởng thưởng của Đảng, Nhà nước, Cuộc đời và sự tri ân của Sân khấu cách mạng VN đương đại trước những cống hiến lớn lao của Nhà viết kịch lão thành, cây đại thụ của Sân khấu Cách mạng Việt Nam.
Trân trọng!
3/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét