Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

THÉP ĐÃ VÀO LÒ(*) - Màn 4

Cảnh: Phòng khách nhà Khả Minh, như màn một. Nhưng bàn ghế bừa bãi. Bà Minh, Anh Đào và Hồ Mạnh ở phòng Lệ Minh ra.

Hồ Mạnh: Bà không ngại. Thế nào cô ấy cũng khỏi. Nhưng giá để cô ấy nằm điều trị ở bệnh viện thì việc săn sóc sẽ tiện hơn.
Anh Đào: Thưa, cũng không cần đưa vào bệnh viện đâu ạ. Ở nhà chúng tôi cũng không rời em nó phút nào.

Bà Minh: Thưa bác sĩ, thật may mà thằng cháu Phan nó lại gọi ông nhà tôi ra đúng lúc lò nổ, chứ không thì...
Hồ Mạnh: Phải, cũng là một điều may. Nhưng cô Lệ Minh tránh được, không bị thép sôi văng vào người là tốt rồi.
Bà Minh: (Thở dài) Bốn người chết, hơn chục người bị thương. Khổ! Kỹ sư Lê Ba để lại bà vợ với hai đứa con nhỏ...
Anh Đào: Các con nhỏ của kỹ sư Lê Ba sẽ được xưởng trông nom tử tế. Mẹ chẳng phải lo. Thôi, xin phép bác sĩ tôi vào xem em Lệ có cần điều gì không ạ. (Vào).
Hồ Mạnh: (Rút sổ tay, ghi đơn thuốc đưa cho bà Minh) Đây, đơn thuốc đây. Bà đừng lo ngại gì cả. Tôi quả quyết với bà, một thời gian ngắn, cô Lệ sẽ lại nhảy nhót vui hát như chim sơn ca vậy.
Bà Minh: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ. (Hồ Mạnh vào, Khả Minh ra).
Khả Minh: Thế nào bà, con Lệ Minh ra sao?
Bà Minh: Bác sĩ Hồ Mạnh bảo là đã khá lắm. Thế nào, có tin gì không ông?
Khả Minh: Chưa có gì cả. Cuộc điều tra vẫn đang tiến hành. Để tôi vào thăm con một tí. (Định vào thì Phan Minh ở ngoài về).
Bà Minh: À, Phan Minh. Con đi mua thuốc cho em hộ mẹ. (Đưa đơn thuốc cho Phan Minh rồi vào buồng Lệ Minh).
Phan Minh: Vâng ạ. (Định vào lối cửa ngoài).
Khả Minh: (Ngẩng đầu lên một cách khó nhọc) Thế nào, Phan con?
Phan Minh: Thày ạ, không hiểu sao mà bên phía Tây Đức họ đã biết tin này rồi đấy.
Báo chí bên đó có vẻ khoái chí. Họ bảo, đấy muốn đúc thép theo lối cộng sản nữa đi! Máu người Đức đã đổ. Họ bảo cả thày cũng là... phản quốc. Thật là quân khốn nạn!
Khả Minh: Thế ý con ra sao?       
Phan Minh: Riêng con thì con thấy việc thày làm là hết sức tốt. Nhưng không ngờ lại kết thúc một cách tai hại như thế.
Khả Minh: Kết thúc? Chưa thể kết thúc được đâu con ạ!
Anh Đào: (Ra) May quá! Chú Phan chưa đi. Chú mua hộ chị ít nước đá để chườm cho cô Lệ nhé.
Khả Minh: Em nó có sao không, hả con?
Anh Đào: Thưa thày, không có gì ạ.
(Phan Minh vào lối cửa, Chu Minh ở ngoài vào).
Khả Minh: (Nghẹn ngào) À, Chu con! Thế nào, công việc tiến hành ra sao, con?
Chu Minh: Con đang thăm dò. Kể ra vừa mới xảy ra việc nổ lò mà lại tiến hành đúc ngay thì cũng khó khăn. Nhưng đã có một số anh em thợ đúc xung phong. Cả một kỹ sư nữa.
Anh Đào: Tiếp tục làm là phải, nhưng không nên vội vàng quá, anh ạ. Phải nghiên cứu lại, kiểm soát lại thật kỹ càng. Nhất là phải cho mọi người thấy rõ, công việc anh làm là đúng, là phải mới được.
Chu Minh: Chính anh cũng nghĩ như thế. Mà thày ạ, tất cả các đồng chí đảng viên đều đứng về phía chúng ta, với sự ủng hộ nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên nữa.
Khả Minh: Nhất định là không thể bỏ dở được, con ạ! Ai cũng biết là thày và con đã kiểm soát rất kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào việc. Đúng thế nhé. Sáng mai ta phải triệu tập cuộc họp toàn chi bộ. Bây giờ thày với con đến gặp đồng chí Giám đốc. (Tiếng chuông gọi cửa. Anh Đào vào, rồi ra với Ái Khanh và Phan Đích).
Ái Khanh: Chào hai bác ạ. Chị Lệ con có đỡ không ạ?
Anh Đào: Cô Lệ đã đỡ nhiều rồi, cô ạ. Cô ấy ngủ được.
Phan Đích: Lệ đang ngủ hả chị?
Anh Đào: Không, cô ấy vừa dậy xong.
Ái Khanh: Chúng tôi xin phép chị, vào thăm chị Lệ một chút.
Anh Đào: Bác sĩ cho phép em Lệ tiếp khách rồi, chỉ có điều là không nên làm ồn quá thôi. (Anh Đào đưa mấy người vào buồng Lệ Minh. Sĩ Côn ra).
Khả Minh: Chào bác Côn.
Sĩ Côn: Chào bác Minh. Thật là một tai nạn bất ngờ, tôi đến chia buồn cùng bác.
Khả Minh: Bác chia buồn thế, sớm và vội vàng quá đấy. Bác ngồi chơi đã.
Sĩ Côn: Anh Chu, anh có thuốc lá không?
Chu Minh: (Đưa thuốc lá) Mời bác.
Sĩ Côn: (Rút một điếu) Cám ơn anh. (Cắm điếu thuốc vào bót, lấy bật lửa hút) Tính tôi kể ra, nó cũng hơi khác; nghiện thuốc lá nhưng không quen mang thuốc trong người. Để bao thuốc trong túi nó cứ khó chịu làm sao ấy.
Chu Minh: Chắc là để bao thuốc trong túi, bác thấy nó nặng quá chứ gì.
Sĩ Côn: Không phải. Bao thuốc lá thì có gì là nặng, nhưng của đáng tội nó cũng hơi cồng kềnh.
Chu Minh: Thế cái bật lửa bác mang theo kia thì sao? Chắc nó không lấy gì làm cồng kềnh lắm phải không?
Sĩ Côn: À, cồng kềnh thì có cồng kềnh đứt đi rồi. Nhưng phải mang đi để lấy ét xăng chứ.
Chu Minh: Bác lấy ét xăng ở đâu?
Sĩ Côn: Ấy, anh Tài Quý anh ấy cho. Anh Quý là người quý hóa và tốt đáo để đấy.
Chu Minh: Giá mà anh Tài Quý không có ét xăng tặng bác thì chắc cũng chẳng tốt và quý hóa đâu, bác nhỉ?
Sĩ Côn: Đúng đấy... (Chợt nghĩ ra) À, thế ra anh kê tôi đấy. Nhưng xét ra anh cũng còn khờ lắm, anh vừa mới mời tôi một điếu thuốc mà anh đã cho là hào phóng lắm hả? Anh Chu ạ, anh nhầm rồi. Anh nên nhớ là thuốc lá làm hại sức khỏe. Anh mời tôi thuốc thế là anh đã làm cơ thể tôi yếu đi.
Khả Minh: Vậy thì bác vứt quách đi. Hút làm gì cho nó tổn sức khỏe.
Sĩ Côn: Không được! Tôi đã mất ít đá lửa và ít ét xăng rồi, phải hút cho nó bõ chứ!
Chu Minh: Bác Côn ạ, tôi thấy các anh các chị con bác không giống bác tí nào cả.
Sĩ Côn: Anh định mỉa tôi đấy phải không?
Khả Minh: Cháu nó không mỉa bác đâu. Nhưng nó nói đúng đấy. Trong khi bao nhiêu người đều thay đổi, dốc tài dốc sức ra để học theo cái mới; bao nhiêu người đổ mồ hôi nước mắt ra để phục vụ cho Tổ quốc giống nòi, thì bác - một người thợ lành nghề, lại giữ cái thái độ khách quan hờ hững, không chịu bắt tay vào xây dựng sự nghiệp chung. Bác tự coi mình như một ký sinh trùng, sống bám vào xã hội. Bác coi quyền lợi riêng của bác, cá nhân bác to hơn cả tập thể, to hơn cả nhân dân. Hừ...
Đảo 2
Nào tôi có ngờ đâu một người thợ có tài
Chẳng cùng mọi người tiến hành công tác
Lại còn khích bác, giở giọng nói ngông
Đối với việc chung, ích quốc cùng lợi dân.
Chu Minh: Bác không trông gương anh Đích cùng chị Khanh
                        Góp hết sức mình để phục vụ nhân dân
                        Vì sự nghiệp chung tích cực vô cùng
                        Thật là lạ lùng, cha lại chẳng bằng con.
Khả Minh:
 Đảo 3
                        Tôi khuyên bác nên sửa lại tính người
                        Đừng để ai cười, là người thoái hóa
                        Kịp thời đả phá cái thái độ bàng quan
Góp sức lo toan với dân với nước.
Sĩ Côn: Bác nên tự thân kiểm điểm lại coi
            Bác nào khác ai, bàng quan cả lũ.
            Tan hoang lò nổ, bác bỏ bác đi
            Chết kẻ ngu thôi… Đời vốn như vậy!
Khả Minh: Tôi không bao giờ có thái độ dửng dưng như thế. Bác đừng nói đùa tôi vậy! Sĩ Côn: Tôi không nói đùa đâu, tôi nói thật đấy. Tôi xin hỏi bác câu này: Tại sao đúng lúc lò nổ thì bác lại cùng anh Chu Minh đây kéo nhau ra ngoài? Có phải bác biết rằng lò sẽ nổ, nên bác mới tránh trước đi, phải không?
Chu Minh: Bác xuyên tạc sự thật như thế thì thật là quá quắt đấy!
Sĩ Côn: Sự thật là thế chứ còn xuyên tạc gì! Tại sao bác là người phụ trách việc thực hiện phương pháp đúc thép cấp tốc, bác lại cẩn thận tránh xa lò đúc, để kỹ sư Lê Ba ở lại một mình canh lò lúc đó nào?
Khả Minh: Cháu Phan nó gọi tôi. Nó có việc cần nói với tôi và anh nó...
Sĩ Côn: Việc gì mà cần thế? Mà lại cần đúng lúc như thế?
Khả Minh: Đó là một sự ngẫu nhiên thôi.
Sĩ Côn: Ngẫu nhiên à? Sao lại ngẫu nhiên lạ lùng đến thế được?
Khả Minh: (Quắc mắt) Bác Côn, bác có hiểu rõ câu bác nói thế là có ý gieo ngờ vực cho chúng tôi không?
Sĩ Côn: Tôi biết thì tôi mới nói chứ. Nhưng có một điều tôi không hiểu, tại sao khi thử thì kết quả tốt thế, mà đến lúc đúc thật thì lò lại nổ được?
Chu Minh: Chính điều đó đến lúc này chúng tôi vẫn còn đang tìm hiểu.
Sĩ Côn: Mà điều đó thì rất cần phải hiểu. Thật ra thì trước khi bắt tay vào việc là đã phải lo liệu mọi việc cho thật chu đáo. Bác nên nhớ là việc đúc thép của bác vừa rồi, tất cả mọi người đều đang theo rõi. Nếu bác thành công thì tất nhiên thái độ của tôi sẽ thay đổi.
Khả Minh: Không cứ một mình bác, mà tất cả những người giữ thái độ khách quan cũng hết sức bàng quan.
Sĩ Côn: Ấy thế nhưng không may lò lại nổ tan, khiến cho mọi người đều thắc mắc. Trong thời chiến tranh tôi đã may không bị tan xác, có lý nào tôi lại đâm đầu vào cái chết trong thời bình. Nhưng sao bác lại cứ tự ý tiến hành, không hỏi gì đến ý kiến tôi? Bác chưa nắm vững, đã thấp cờ bác lại còn làm ra mặt cứng chơi cờ. Nhưng bác giấu làm sao được sự thật; Nước cờ thấp che làm sao nổi cơn bối rối! Bác đã không tự tin như thế, tại sao bác không cầu cứu, hỏi ý kiến của tôi?
Chu Minh: Hỏi ý kiến bác ấy à? Nhưng bác có cần nghĩ tới ai bao giờ đâu. Bác chỉ biết có bác thôi. (Vừa lúc đó Phan Đích, Ái Khanh ở trong buồng ra).
Xuân tình 2
Bác chỉ muốn là một người đơn độc
Bịt tai không cần học
Lại còn dùng lời trêu chọc
Dèm pha khích bác cười chê
Trách không cùng bác đây bàn bạc
Quả là con người lạc hậu
Còn nặng đầu óc cá nhân.
Bác vốn là một công nhân
Có rất nhiều khả năng vun đắp
Để góp phần đắc lực
Kiến thiết cuộc đời tươi vui
Nhưng bác chỉ nói mà thôi
Và chẳng hề nghĩ tới một ai
Bác đóng vai khách, bàng quan
Tự cho mình là già nua
Nhắm mắt cố tình làm ngơ…
Sĩ Côn: Anh cứ nói thích mồm đi
            Nói đi nghe, anh Chu ạ
Xem anh sẽ đến đâu
Anh khoe tài khoe giỏi
Hay ba hoa thuộc được vài câu
Gặp ai cũng quen mồm chỉnh
Phan Đích: Xin anh cứ nói hết lời
                        Thế mới là để xây dựng cho cha tôi!
Sĩ Côn: Mày xui giục nữa đi nào
            Có lẽ chúng mày định chửi tao!
Phan Đích: Thưa thày, em Khanh và con rất khổ tâm vì thày. Cho đến mãi giờ phút này, thày vẫn không thấy gì khác ngoài căn nhà nhỏ với đàn dê cái. Thày có thấy toàn dân đương quyết tâm đấu tranh cho công cuộc hòa bình, đẩy lùi đi bóng tối của chiến tranh, để kiến thiết nước nhà, nên phải ra công đúc thép, giành lấy cuộc sống tươi đẹp yên vui.
Sĩ Côn: Chúng mày còn trẻ và còn sống lâu, có phải đâu là sớm với chiều, mà lại phải lao đầu vào kiến thiết với xây dựng.
Ái Khanh: Thưa thày, vì chúng con không muốn chết, chúng con không muốn có chiến tranh. Chúng con không muốn rằng đất nước tươi đẹp này đương…
Long hổ hội
                        Còn sặc mùi bao tóc tang
                        Nay lại thêm nhuốm máu
                        Mẹ chúng con chết vì bom đạn
                        Thân chẳng người chon. Ấy là do
                        Bởi tại chiến tranh. Nói làm sao
Hết nỗi đau lòng. Thày quên sao
Mà lại thản nhiên ngồi yên ngắm nhìn
Phan Đích: Đúng đấy!
Ái Khanh: Thày lạ gì, Đông và Tây
                        Cả nước đều hướng mắt về phía ta
                        Rõi nhìn công việc ta làm từng phút từng giây
                        Tin tưởng, hòa cùng cuộc đấu tranh chung
                        Thống nhất nước nhà. Mà nay
                        Thày chỉ bo bo đòi dê với nhà…
Phan Đích: Thày không biết chứ, trong các cuộc họp đoàn thanh niên, anh em lúc nào cũng cứ hỏi con: Này Đích, anh đã giáo dục được ông cụ nhà anh chưa?
Sĩ Côn: (Cười khẩy) Mày mà lại giáo dục tao hả Đích?
Phan Đích: Thưa thày, con biết như thế là ngược. Con mà lại giáo dục cha là một điều không thể tưởng tượng được. Nhưng nếu thày không tự nguyện tự giác theo đường phải thì em Khanh và con sẽ bỏ nhà ra đi.
Ái Khanh: Vâng, đúng đấy. Chúng con sẽ bỏ nhà đi hẳn.
Phan Đích: Thày sẽ ở lại một mình trong căn nhà mới và bày dê cái của thày. Đấy, rồi thày xem...
Sĩ Côn: Chúng mày... Hừ! Chúng mày dọa tao bỏ nhà đi thật phỏng? (Khả Minh ra).
Ái Khanh: Vâng, thực đấy. Nếu thày không chịu thay đổi thái độ. Thày không chịu hòa mình vào tập thể; không chịu gương mẫu làm việc với mọi người, thì chúng con đi thật đấy!
Sĩ Côn: (Tức tối) Được... được. Chúng mày mà thế thì được... được... (Không chào ai, vùng vằng bỏ vào).
Khả Minh: (Với Phan Đích) Ý kiến anh như thế là rất đúng, nhưng cứng quá anh Đích ạ. Anh không nên dùng lối nói như thế. Dù sao, bác Côn cũng là cha đẻ anh. Anh nên về tìm thày anh đi, và nói sao cho nhẹ nhàng thôi.  
Phan Đích: Thưa bác, cháu không thể nào chịu được sự ngoan cố như thế. Cháu không thể nói ngọt mãi được.
Khả Minh: Không được! Nhất định là anh phải có thái độ mềm mỏng. Anh phải nhớ là anh nói với thày anh kia mà. Thôi, nghe bác, anh về gặp thày anh đi. (Vỗ vai Phan Đích đưa ra cửa. Ái Khanh cũng đi theo. Chu Minh ở trong buồng ra. Khả Minh quay lại).
Khả Minh: Chu này, kể ra bác Côn nói nhiều câu cũng đúng, con ạ.
Chu Minh: Con không hiểu sao bác ấy lại nhắc đến Phan Minh một cách đột ngột như thế?
(Phan Minh ra, tay xách lẵng nước đá).
Phan Minh: Thưa thày, con đã mua được đá về đây.
Khả Minh: Phan, thày muốn con nói cho thày biết rõ điều này, con gọi thày ra để nói cái gì với thày trước khi lò nổ, hả con?
Phan Minh: (Ấp úng) Con… có gọi thày à? À… vâng... Thế mà con quên khuấy đi mất. Con cũng quên không nhớ là về việc gì nữa.
Khả Minh: Thày nhớ lúc đó con bảo là có việc cần lắm. Con cố nhớ lại xem, có phải đó là điều quan trọng?
Phan Minh: Vâng, thày để con cố nhớ xem... (Vẻ hoảng hốt, sợ sệt. Có tiếng chuông gọi cửa. Phan Minh vào buồng Lệ. Trịnh Ngữ ra).
Khả Minh: (Lạnh lùng) Chào ông Ngữ. Ông cần tôi có việc gì đấy ạ?
Trịnh Ngữ: Chào ông. (Mềm mỏng, ôn tồn) Tôi đến có chút việc công đây. Việc rất quan trọng, ông ạ. Tôi đã phải làm việc suốt trong 2 ngày 2 đêm liền. Tôi muốn nói đến cái tai nạn vừa qua.
Chu Minh: (Mỉa mai) Tôi tưởng ông đã nói hết những điều ông muốn nói rồi.
Trịnh Ngữ: (Vẻ buồn rầu, hối hận) Anh Chu ạ, anh mỉa mai tôi như vậy cũng là phải. Bây giờ tôi mới biết là tôi sai lầm. Tôi là người rất có lỗi. Tôi đã phạm vào cái tội thờ ơ trước sự nghiệp chung, nên trong lòng rất là hối hận... (Để rơi mình xuống ghế. Mọi người im lặng). Ông Khả Minh ạ, tôi thấy đau khổ và lương tâm cắn rứt lắm. Trông thấy kỹ sư Lê Ba quằn quại trong vũng máu, tôi mới thấy là chính kỹ sư Ba đã chết thế cho tôi. Cái chết ấy vô cùng anh dũng. Anh Chu ạ, những lời mỉa mai của anh rất đúng. Trước mắt anh và cha anh, cũng như trước toàn thể nhân dân đương tích cực đấu tranh, tôi xin cúi đầu nhận là một tên giao động, cầu an, đào ngũ, ươn hèn...
Vọng cổ 1
            Đã vì lòng tự ái nhỏ nhen, chưa được luyện rèn, chưa kịp hòa mình với cuộc sống đang lên, lại chưa quyết tâm gạt bỏ những nếp cũ thói quen, tự đắc ngang nhiên đi ngược lại quyền lợi thiêng liêng của non sông đất nước…
Khả Minh: (Vội nói xen lời Trịnh Ngữ) Kỹ sư Trịnh Ngữ, chúng tôi là những người lao động chân tay, bao giờ cũng đặt lòng tin vào những người lao động trí óc yêu nước như ông.
Trịnh Ngữ:
Vọng cổ 2
            Chỉ vì quá câu nệ vấn đề chuyên môn, quan niệm chuyên môn một cách máy móc vô hồn, không phân tích suy xét thiệt hơn, để gắn liền chính trị với chuyên môn, đem khả năng kinh nghiệm sáng kiến trí khôn ra phục vụ muôn người, phục vụ Tổ quốc giang sơn…
Khả Minh: Ông Trịnh Ngữ, chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng tiếp đón ông. Ông hối lúc này cũng chưa muộn.
Trịnh Ngữ: Ông Khả Minh ạ, sau khi lò nổ, tôi thấy phải có trách nhiệm tìm cho ra manh mối. Trong suốt một ngày điều tra, tôi thấy phương pháp đúc và phân lượng kim khí trong phối liệu hỗn hợp phù hợp, đều không có gì quá độ cả. Cho nên tôi quả quyết là, đã có kẻ âm mưu nhét chất nổ vào trong lò… (Phan Minh đứng sau mọi người, lắng nghe, mặt tái đi).
Khả Minh: Có kẻ âm mưu cho chất nổ vào lò. Có đúng thế không?
Trịnh Ngữ: Đúng. Tôi cam đoan với ông là đúng! Tôi khẳng định rằng: đã có kẻ định tâm phá hoại. Thế cho nên kỹ sư Ba với một số anh em thợ đúc mới bị chết thảm như vậy.
Chu Minh: Có thể đúng như thế lắm, thày ạ.
Khả Minh: Tôi cũng đã ngờ như vậy. Đúng, đúng là có đứa âm mưu phá hoại rồi. Ta phải đến xưởng ngay. Kỹ sư Trịnh Ngữ, mời ông cùng đi. Nhiệm vụ chúng ta lúc này là phải có mặt tại xưởng. (Kéo Trịnh Ngữ đi).
Chu Minh: Con sang phòng Giám đốc mời cả ông Quốc Doanh xuống một thể, thày ạ.
Khả Minh: Phải đấy, mau lên con.
(Chu Minh, Khả Minh, Trịnh Ngữ vào. Phan Minh nhìn theo vẻ hoảng hốt. Kỳ Bá và Ái Khanh ra. Phan Minh vội lùi vào trong).
Kỳ Bá: (Thoáng trông thấy Phan Minh, nói với Ái Khanh) Lúc này Khanh cần phải sử dụng cho tốt cái tài đóng kịch của mình… Vai kịch kể cũng nhẹ nhàng thôi, nhưng không thể coi thường.
Ái Khanh: Em thấy cũng khó đấy, anh Bá ạ. Em chót có thái độ dứt khoát với hắn rồi. Bây giờ làm thân lại có lộ quá không?
Kỳ Bá: Được, Khanh cứ yên trí. Tôi sẽ có cách đẩy nó lại gần Khanh. Khanh còn ngại gì nữa không?
Ái Khanh: Thế thì được.  
Kỳ Bá: (Bắt tay Khanh) Chúc Khanh thành công. Vở kịch mở màn rồi đấy, Khanh đi tìm hắn để tôi vào thăm Lệ một chút.
Ái Khanh: Em đi nhé. (Khanh nhanh nhẹn vào. Kỳ Bá tươi cười nhìn theo. Tiếng Ái Khanh) Chào ông Giám đốc. (Quốc Doanh ra).
Quốc Doanh: À, đồng chí Kỳ Bá. Ông Khả Minh có nhà không, đồng chí?
Kỳ Bá: Ông Minh vừa đi xuống xưởng. Ông đến gặp ông Minh về việc nổ lò à?
Quốc Doanh: Phải. Tôi muốn gặp ông Minh để nói chuyện với ông ấy một chút. Thật là ái ngại cho ông ấy.
Kỳ Bá: Tôi định đến gặp ông để đề nghị một việc nữa. (Trân trọng) Có phải tên Mã Huy xin ông vào làm ở phòng thí nghiệm của Giáo sư Lộ Bích không? Tôi đã nhận lời cho nó chuyển sang đó.
Quốc Doanh: Tại sao anh không cho giam ngay chúng nó lại?
Kỳ Bá: Bắt chúng nó lúc này hơi sớm. (Ghé sát thì thầm. Quốc Doanh gật đầu. Lộ Bích ra).
Lộ Bích: A, chào anh Quốc Doanh. Chào đồng chí Bá. (Kỳ Bá chào lại).
Quốc Doanh: Anh Lộ Bích, anh khỏe hẳn chưa?
Lộ Bích: Cảm ơn anh, lúc này tôi thấy thừa sức khỏe để có thể bắt tay vào việc. Việc lò nổ vừa rồi không phải tại phương pháp đúc, mà tại có vấn đề… Chỉ cần kiểm tra qua cũng có thể thấy được. (Quốc Doanh và Kỳ Bá nhìn nhau) Tôi cần gặp ông Minh để bố trí kế hoạch mới.
Quốc Doanh: Việc tiếp tục thực hiện phương pháp đúc thép cấp tốc nhất định là phải tiến hành. Nhưng ngay bây giờ tôi đề nghị anh cho tên Mã Huy sang làm việc ở phòng thí nghiệm của anh.
Lộ Bích: Sao? Trước anh đã gạt đi không nhận, để hắn vào làm việc ở chỗ tôi kia mà.
Quốc Doanh: Nhưng bây giờ anh hãy nhận lời cho hắn vào làm đi!
Lộ Bích: (Hết nhìn Kỳ Bá lại nhìn Quốc Doanh) Anh nghĩ kỹ vấn đề này rồi chứ? 
Quốc Doanh: Vâng.
Lộ Bích: Được. Nếu anh đã quyết định thì để hắn chuyển sang.
Kỳ Bá: Xin phép hai ông, tôi vào thăm cô Lệ. (Kỳ Bá vào. Sĩ Côn ra).
Sĩ Côn: Xin chào ông Giám đốc, tôi vừa đến phòng giấy; đồng chí thư ký bảo ông lại đây.
Quốc Doanh: Có phải ông tìm tôi để giục tôi làm cho ông căn nhà phải không?
Sĩ Côn: Dạ, lần này thì tôi không đến giục ông làm nhà cho tôi đâu. Chúng ta đã đồng ý kiến rồi, tôi tin lời ông hứa. Dạ, tôi đến đây là để xung phong…
Quốc Doanh: Nhưng ông xung phong xin làm công tác gì?
Sĩ Côn: Thưa ông, tôi xung phong xin nhận việc đúc thép theo phương pháp cấp tốc.
Quốc Doanh: À!
Sĩ Côn: Thưa ông, tôi xung phong xin làm việc đó. Bởi vì tôi đã suy nghĩ nhiều và đến nay đã thấy rõ là, trong khi mọi người đều tích cực làm việc, chẳng lẽ một mình tôi lại cứ bo bo bảo thủ…
Sàng xê 1 (8 câu)
            Lạc hậu thụt lùi, tụt lại đằng sau, thành một trò cười cho anh em thợ đúc
Người thợ già như tôi há cam tâm chịu nhục?
            Xin đừng sợ dùng lầm người có thiện ý như tôi
            Vì đã suy nghĩ đắn đo nên tôi mới thân tìm lại đây.
            Tôi cũng không còn ở cái tuổi ngả nghiêng
            Theo hứng nhất thời mà quyết định huyên thuyên
            Tôi đã cân nhắc trước sau vô cùng thận trọng
            Nên trước công việc này, tôi đã quyết định xung phong!
Quốc Doanh: Rất đáng hoan nghênh! (Nắm tay Sĩ Côn) Đây chắc là ảnh hưởng của anh Đích và chị Khanh phải không?
Sĩ Côn: Các con tôi ấy à? À, có lẽ! Tôi không phủ nhận ảnh hưởng đó. Thú thực với ông là, chúng nó khá đáo để... Chúng nó nói đúng nói phải ra dáng, ông ạ!
Quốc Doanh: Bây giờ ông mới nhận thấy là họ khá à?
Sĩ Côn: Làm gì mà không nhận thấy?
(Khả Minh và Trịnh Ngữ ra)
Khả Minh: Các ông đang ở cả đây? Ông Giám đốc, Giáo sư... Chúng tôi đang đi tìm các ông.
Sĩ Côn: (Với Trịnh Ngữ) May lắm! Nhân gặp kỹ sư Ngữ ở đây, tôi xin phép được nói với kỹ sư Ngữ điều này.
Trịnh Ngữ: Vâng, ông cứ nói!
Sĩ Côn: Từ trước đến nay, làm công việc gì tôi cũng tin tưởng và hướng theo ông; nhưng lần này thì xin phép ông tôi được nói thực lòng: Tôi không thể nào theo ông mà đứng ngoài được nữa. Tôi đã mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày này. Tôi đã xác định rõ thái độ của tôi rồi...
Trịnh Ngữ: Xin cảm ơn những lời nói thẳng đó của ông. (Với Quốc Doanh và Lộ Bích) Riêng tôi cũng xin được nói những lời chân thực với các anh... với tất cả các anh...
Khả Minh: Xin mời các ông ngồi xuống cả đã nào!
Trịnh Ngữ: Các anh ạ… Hôm nay tôi mong được nói rõ với các anh, sự hối hận mà mấy hôm nay tôi đã…
Sàng xê 1 (Tiếp thêm 6 câu)
            Mang nặng trong lòng, vì thái độ của tôi
            Tôi đã gieo hoài nghi và làm thương tổn lòng tin cậy
            Đối với phương pháp tối tân về đúc thép và xây dựng kiểu lò
            Ở dưới xưởng mọi người đã điều tra ra rõ mối manh
            Trước các anh và trước nhân dân, tôi là người có tội
            Tôi muốn được cùng mọi người làm việc để chuộc cái tội của tôi…
Khả Minh: Nếu thế thì còn gì hơn nữa!
Trịnh Ngữ: Hôm nọ, các anh có hỏi tôi, theo phát xít hay theo dân chủ? Hôm nay tôi xin trả lời: Tôi xin theo các anh. Tôi thấy không thể nào sống khác được nữa!
Quốc Doanh: (Nắm tay Ngữ) Anh nói rất đúng! Tôi rất sung sướng thấy anh đã hiểu ra. Đúng đấy anh Ngữ: Không thể nào sống khác được đâu!
Lộ Bích: (Cảm động) Anh Ngữ! Tôi rất vui sướng lại được cùng làm việc với người bạn chí thiết.
Trịnh Ngữ: Tôi cũng rất vui sướng, anh Lộ Bích ạ! Anh Quốc Doanh, anh cho phép tôi được trở lại làm việc trong kíp anh Khả Minh. Tôi đã trao đổi với ông ấy rồi.
Quốc Doanh: Rất đồng ý. Tôi xin hoan nghênh những ý kiến của anh.
Khả Minh: Kỹ sư Trịnh Ngữ đã có thái độ dứt khoát như vậy; riêng tôi cũng rất hoan nghênh. Mà chắc anh em công nhân cũng thế thôi!
Sĩ Côn: Thế nào? Thế ra kỹ sư Trịnh Ngữ cũng đã giác ngộ ra vấn đề rồi à? (Nắm lấy tay Ngữ) Thế thì tôi tin tưởng lắm rồi. Tôi lại xin theo ông, theo các ông… Chúng ta cùng nắm tay nhau mà tiến thì không còn gì có thể ngăn cản được!
Trịnh Ngữ: (Cởi mở) Đúng thế đấy! (Nắm lấy tay Sĩ Côn) Tôi cũng nghĩ như ông!
Quốc Doanh: Hoan nghênh! Rất đáng hoan nghênh! (Mọi người cùng nói theo) Hoan nghênh!
Lộ Bích: Chúng ta về xưởng thôi. Phải bắt tay ngay vào việc!
Sĩ Côn: Đúng, phải bắt tay ngay vào việc! Nào đi, mời các ngài, đằng trước, tiến! (Hùng dũng bước vào trước. Mọi người vui vẻ theo sau. Quốc Doanh giữ tay Khả Minh lại).
Quốc Doanh: Ông Minh! Ông ở lại một chút. Tôi có câu chuyện muốn nói với ông.
Khả Minh: Vâng.
Quốc Doanh: Ông Minh ạ, tôi muốn nói với ông một câu chuyện. Ông là người đã từng sống ở ngoài mặt trận, bên cạnh cái chết và đã coi cái chết là chuyện thường. Ông đã từng xông pha trong cảnh núi xương sông máu, anh dũng chịu đựng rất nhiều gian khổ hy sinh. Lần này tôi mong ông can đảm thêm nhiều hơn nữa, dũng cảm nhiều hơn nữa. Và, ông hãy coi như ông chỉ có một người con trai độc nhất là anh Chu!
Khả Minh: Ông nói thế nào? Tôi chỉ nên coi mình chỉ có một người con trai thôi ư? Thế nào? (Hoảng hốt) Thằng Phan, thằng Phan nó làm phản à?
Quốc Doanh: Phải, ông Khả Minh ạ! Chính thằng Phan đã phá lò đúc. Chính nó đã đặt chất nổ vào lò. Chính nó đã giết kỹ sư Lê Ba và anh em thợ.
Khả Minh: Trời ơi! Thằng Phan, thằng phá hoại, tên phản bội!
(Đau đớn gieo mình xuống ghế, hai tay ôm đầu. Quốc Doanh đặt tay lên vai ông, cùng lúc đó Kỳ Bá ra đứng sững ở cửa phòng).

Màn hạ

(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013; Đăng trên Nghệ thuật (Tuần báo Văn chương - Điện ảnh - Sân khấu), ra ngày thứ bẩy, Tòa báo: 112 Hàng Bông. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét