Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

MẸ VÀ CON GÁI(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Hôm nay chị đưa con gái đi thi. Còn chị, không thi nhưng thắc thỏm, bồn chồn.
      Trên những con đường chạy qua cổng trường học, người và xe đông ngẹt. Họ, những ông bố bà mẹ, giống chị, cùng bồn chồn, thắc thỏm. Đến rồi, nơi con chị dự thi. Hà Nội bây giờ rộng lắm, nhiều trường học lắm. Nhưng như sự đùa của tạo hoá, con chị được xếp về thi tại trường này, ngôi trường thuở thiếu thời cách nay gần ba mươi năm chị đã ngồi học. Con chị chào mẹ rồi đi về phía cổng trường.
          Chị lách tìm bóng râm của thân cây ven đường, dựng xe. Hiếm bóng râm quá. Chỉ có nắng, nóng và con người chen chúc nhau. Con người trốn cái nóng, cái nắng. Còn nắng nóng lại thi nhau len lách vào những khoảng trống giữa họ.
          Chị kiễng chân nhìn theo hút dáng con. Con chị kia, cái lưng áo hồng hồng đang dần khuất sau cổng trường. Vẫn là nó, như vừa nãy, như hôm qua, hôm kia và những ngày trước đó thôi. Nhưng chị vẫn dướn lên, vẫn thèm thuồng dõi theo cái dáng vừa khuất hẳn. Thật lạ! Một cuộc đưa tiễn chỉ xa nhau trong khoảnh khắc, khoảnh khắc so với cả cuộc đời, vậy mà chị lại gửi gắm vào đó thật nhiều hy vọng, thật nhiều ước mong. Niềm hy vọng, ước mong đã có từ lâu, dai dẳng, ngay từ khi con chị mới chỉ là phôi thai, mới chỉ là chút mầm của sự sống.
          Gần hai chục năm trước chị mang thai con. Khó khăn cực nhọc không át nổi niềm vui sắp được làm mẹ của chị. Con bé sinh ra chỉ nặng hai cân sáu, nhưng bụ bẫm lắm. Mái tóc dày, đen nhánh ôm trùm xuống má, rất ngộ nghĩnh. Chị ngắm con không chán. Với người mẹ, đứa con nào chẳng là thiên thần.
          Cổng trường đã đóng lại. Tiếng trống vang lên gióng dả. Tim chị cũng đập rộn lên. Chị như sống lại không khí gần ba mươi năm trước. Thế là bắt đầu giờ thi rồi đấy. Chị thấy có ba giám thị. Giám thị hành lang đang đi lại, hai tay chắp sau đít. Có một người đứng cuối lớp, mắt lia ra xung quanh. Ông giám thị chính, tay giơ cao chiếc phong bì đựng đề thi, miệng tuyên bố dõng dạc về sự nguyên vẹn của nó. Còn bọn trẻ, cả con chị đấy, nhấp nhổm chờ đợi.
          Sau đêm sinh con phải cách ly một ngày, chị cũng nhấp nhổm chờ đợi. Chị chờ người hộ lý bế con bé trao cho chị. Không như cách nuôi con bây giờ, người mẹ được cho con bú ngay sau khi sinh. Chị bỗng bật cười lúc giơ tay đón con. Cái cười bất chợt làm chị đau quặn dạ con. Chị nhíu mày, nhăn mặt trong khi vẫn nghĩ: Y hệt bố! Thật không lẫn vào đâu được. Người ta bảo, đứa con đầu lòng, đứa con của tình yêu và hạnh phúc, bao giờ cũng giống cha. Chị ghi lại chính xác giờ sinh con. Mẹ chị thì lkhác. Cụ chẳng nhớ được giờ sinh các con. Có lần chị hỏi:
          - Mẹ sinh con vào giờ nào trong cái ngày ấy?
          - Đâu như chiều thì phải. Lúc hai hay ba giờ gì đấy.
          Chị lấy lá số tử vi. "Ông thày" - một cậu bạn chị - soi đi soi lại mấy cung trong lá số rồi phán:
          - Đây không phải lá số của cậu.
          Rồi "thày" cặm cụi trên máy, lấy đủ mười một lá nữa trong ngày sinh của chị. Rút cục, "thày" phá lên cười:
          - Xét trên phương diện cuộc sống thực tế của cậu, tớ thấy rằng, bà bô lộn ngày sinh cậu rồi. Chẳng cái lá số nào có thể coi là của cậu hết.
          Thật tội cho mẹ. Gần chục lần sinh. Vừa chạy giặc càn, vừa bồng bế các con buôn thúng bán mẹt lần hồi kiếm sống. Bố thì công tác biền biệt. Vài ba tháng đảo qua nhà một lần. Có bận mẹ sinh bị băng huyết. May gặp một cụ lang vườn, thoát chết. Vậy mà khi về đến nhà, thấy sức khoẻ mẹ tạm ổn, bố lại mải mốt khoác ba lô lên đường cho kịp tối buổi biểu diễn phục vụ chiến dịch. Như thế, hỏi làm sao mẹ không lẫn ngày giờ sinh các con!
          "Ông thày" còn bảo chị: "Nếu cố gán một trong mười hai lá số này cho cậu, thì cậu cũng là người chẳng bao giờ có tiền!"
          Khi đó chị chỉ im lặng. Tiền ư? Thế nào là có tiền? Hai vợ chồng chị, kỹ sư ra trường được vài năm, gắng nhặt thêm việc làm ngoài giờ, thôi thì cố tằn tiện vậy. Nhưng con chị, dù thế nào cũng quyết phải nuôi dạy nó nên người. Quanh chị, mọi người có khác gì đâu. Họ còn bảo, muốn giàu có, nhiều tiền, nhẹ nhàng nhất chỉ có đi buôn lậu và có chức quyền. Nhưng coi chừng, của thiên cũng sẽ trả địa thôi. Ngồi nhà đá lúc nào chẳng hay. Mà xưa nay, con cái của những kẻ có tiền, có quyền, mấy đứa đã nên người? Nhiều đứa trong bọn chúng ham chơi, lêu lổng, trấn lột, trêu gái... Thế mà, hôm trước bắt giam, toà xử, tuyên phạt. Hôm sau đã thấy chúng nhởn nhơ, trâng tráo, phóng xe ngoài đường. Thời nào cũng vậy, nén bạc đâm toạc tờ giấy. Nhưng mà, đời công bằng lắm. Còn có thuyết nhân quả đấy!
          Một chiếc xe moto công an đang lừ lừ đi đến. Người cảnh sát ngồi bên chiếc thuyền nhảy phốc ra, huýt còi inh ỏi, hai tay xua xua dẹp mọi người lên hè đường. Cạnh chị, người đàn ông dáng quê mùa đội chiếc mũ cối đã mất núm, đang ngó quanh tìm một chỗ râm để đặt đôi dép nhựa đã mòn vẹt lấy chỗ ngồi. Chiếc túi du lịch cũ sờn khoác trên vai. Đưa con lên Hà Nội thi, chắc toàn bộ tài sản ở trong túi. Không biết có bao nhiêu tấn thóc, những hạt thóc thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn, được quy ra tiền ở trong đó.
          - Oi quá! Bọn trẻ ngồi thi nóng lắm đây - Một bà ngồi vắt vẻo yên xe máy nói. Trên rọ xe, có mấy chai nước ngọt và túi cam. Sáng sớm nay, chị cũng đã kịp đi chợ, mua một lô hoa quả cho vào tủ lạnh. Có hôm thấy con ngồi học miết bên bàn, chị đem cho nó cốc nước cam. Nó ngúng nguâỷ: Chán lắm rồi. Mẹ cho con cốc nước lọc. Thời chị, nước cam là đồ uống xa xỉ. Có tiền chưa chắc mua được.
          - Hôm qua, tôi cứ ngong ngóng nghe thời tiết. Chỉ mong nhiệt độ dịu đi một chút. Thế mà vẫn báo ba nhăm độ. Cả đêm lại mất ngủ vì lo - Người đàn ông có vẻ công chức, mái tóc đã ngả hoa râm, giữa xe gài chiếc ca táp, góp chuyện.
          - Em là em cũng sốt ruột. Nhưng mà thôi, mình cũng đã cố lo cho nó hết lòng rồi, động viên con bằng mọi cách. Có sao cũng tại số - Câu nói tự nhiên, vô tư của người đàn ông khoảng trên bốn mươi tuổi, mặc áo phông, quần sóoc bò, như một cách giúp mọi người giải tỏa tâm lý. Chị mỉm cười. Trên nét mặt những người xung quanh thoáng chút dãn ra, thư thái.
          Đúng vậy, cha mẹ nào chẳng hết lòng vì con. Nhưng mỗi nhà một "kiểu hết lòng". Chỉ giống nhau mỗi một điểm: Phạm luật đầu tư! Ở cơ quan chị mọi người hay đùa: Đầu tư cho con là đầu tư không có thu hồi vốn, chứ chưa nói đến có lãi. Nhưng ai cũng tìm mọi cách để đầu tư. Đầu tư bằng tất cả những gì mình có. Chẳng phải hy vọng được nâng giấc lúc tuổi già. Chỉ mong con nên người. Nên người ư? Phải hiểu như thế nào cho chuẩn đây? Như chị đấy, có nên người không? Vậy mà đến giờ, chị đã phụng dưỡng cha mẹ được ngày giờ nào? Âu cũng là quy luật muôn đời: Nước mắt chỉ chảy xuôi!
          Năm con chị đến tuổi đi học, như nhiều ông bố bà mẹ, chị cố xin cho nó vào học ở một trường trái tuyến có tiếng. Vài ba lần tìm gặp bà hiệu trưởng, chỉ nói được dăm câu ba điều, rồi bà ấy lại bận. Chị đành dò tìm nhà riêng.
          - Chị có việc gì nhỉ? - Giọng bà ta lạnh tanh mặc dù đã giáp mặt chị ở trường không dưới một lần.
          - Dạ thưa, em xin cho cháu vào học trái tuyến - Chị rụt dè.
          - Đông quá rồi, chắc không được đâu - Bà ta nói trống không.
          - Xin chị giúp cho, thêm có một mình cháu - Chị cố nì nèo.
          - Phụ huynh nào cũng nói vậy. Chúng tôi biết giải quyết sao đây? Lớp chật cứng, không đủ chỗ ngồi.
          - Thưa, nếu có khó khăn về cơ sở vật chất, em xin đóng góp một chút gọi là trách nhiệm.
          Chị dè dặt đặt lên bàn chiếc phong bì dán kín, rồi xin phép về. Bà ta lãnh đạm gật đầu chào lại.
          Ngày hôm sau, con chị có tên trong danh sách niêm yết. Liệu tiền trong phong bì có được đưa vào công quỹ hay không? Chỉ biết rằng, chị phải vay mượn của bạn bè, để sau đó kéo cày trả nợ số tiền bằng ba tháng lương kỹ sư hai của chị.
          Chị phải gồng lên để lo bước chập chững đầu tiên của con như vậy đấy. Mất tiền, tiếc tiền là một chuyện. Nhưng nhức nhối trong chị là thái độ bà hiệu trưởng giao tiếp với khách. Những câu đối thoại trống không. Giọng nói trơn truội, thớ lợ. Ánh mắt nhìn nhạt nhẽo, kẻ cả. Thật khó hiểu đó lại là người làm công tác giáo dục thế hệ trẻ.
          Nhưng vài tháng sau đó, chị gặp bà ta ở Uỷ ban nhân dân quận. Bà ta đang giải trình với cán bộ quận xin được đầu tư nâng cấp hạ tầng của trường. Khuôn mặt bà ta sinh động. Ánh mắt đưa đẩy. Giọng nói thẽ thọt, thưa gửi rất êm tai. Quái lạ, cũng con người ấy sao lại có hai bộ mặt, hai trình độ văn hoá khác hẳn nhau thế nhỉ? Giọng bà ta khẩn khoản: "Thôi thì em biết các anh cũng còn nhiều chương trình phải đầu tư. Nhưng đây là vì thế hệ tương lai của chúng ta. Mong các anh quan tâm". Liệu bao nhiêu phần trăm cái khoản vì tương lai ấy đươc sử dụng đúng mục đích!?
          Chị thấy nóng rát sau gáy. Ánh nắng đã chiếu xiên vào nơi chị đứng. Trong lòng như có lửa đốt. Giơ tay, chị liếc nhìn đồng hồ. Thấy vậy, ông dáng nhà quê hỏi:
          - Mấy giờ rồi bác nhẩy?
          - Tám rưỡi bác ạ - Chị đưa mắt trả lời.
          - Sao lâu quá vậy? Tôi cứ nghĩ có đến chín giờ ấy chứ.
          Ông mặc soóc bò lên tiếng:
          - Nuôi dạy nó gần hai chục năm rồi. Thôi còn vài giờ, cố kiên nhẫn nốt bác ạ - Vẫn cách nói làm dịu nhẹ lòng người.
          - Tôi vẫn cứ lo lo là. Ở quê còn mấy sào ruộng lúa sắp chín. Mưa lũ mà về sớm nhỡ không kịp gặt. U cháu ở nhà lại đau yếu.
          Giọng ông nhà quê buồn buồn, trĩu nặng ưu tư.
          Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Hình như ai nấy đều cảm thấy mình còn quá sung sướng so với người đàn ông quê mùa mộc mạc này. Đứa con ông đang ngồi thi trong kia, liệu có thấu đức hy sinh mà ông dành cho nó? Cả tấm lòng người mẹ đau yếu đang phấp phỏng dồn hy vọng vào nó nữa?
          Bà béo không còn ngồi trên yên xe máy. Kê đôi dép lê lên mép hè, bà ngồi thụp xuống, thở dài đánh sượt, phá tan bầu không khí nặng nề:
          - Chẳng biết có nên cơm cháo gì không? Học ngày, học đêm, vẫn cứ lo trượt "tủ".
          Ông công chức chống tay vào hông, vặn người nghe răng rắc, than phiền:
         - Gớm, cái lần tôi chạy tìm cho thằng con cuốn bộ đề, ba bốn hiệu sách chẳng có. Lang thang mấy vỉa hè bán sách cũ, vớ được cuốn mất bìa trước. Giá ghi chỉ có hai bảy nghìn. Thế mà nó thét bốn lăm. Vẫn phải mua đấy.
          - Ôi dào, cứ bộ đề có khi lệch "tủ" ráo. Cũng tội cho lũ trẻ bây giờ. Sách vở cứ chặt cứng ba lô, è cổ khoác đến lớp. Trong vài tiếng đồng hồ, làm sao mà động được đến ngần ấy sách cơ chứ - Ông mặc soóc bò cũng kể lể.
          Chị lắng nghe. Vẫn những suy nghĩ ấy. Vẫn những ý kiến ấy. Chị đã nghe đài, đã xem tivi, đã đọc báo hàng trăm lần rồi. Và, cả những kiến nghị về cải cách việc dạy và học. Chủ trương giảm tải giáo dục cũng được xây dựng thành chương trình, đưa vào nghị quyết. Nhưng thực tế hầu như không có sự chuyển biến. Sách của Bộ. Sách của Sở. Sách giáo khoa chính khoá. Sách tham khảo. Sách hướng dẫn... Có những cuốn chị phải mua theo yêu cầu của giáo viên, nhưng rồi cả năm, không thấy con chị giở ra một lần!
          Cái thời của chị, sao mọi thứ đơn giản thế. Nơi sơ tán, trường xa nhà lắm. Lớp học cheo leo sườn đồi. Mái tranh, vách đất. Gió mùa về lồng lộn múa may trong lớp. Mấy đứa bạn người địa phương chỉ có đúng một manh áo. Co ro. Cúm rúm. Không cầm nổi bút. Năm cấp ba, đã về Hà Nội học còn thiếu thốn đủ đường. Hôm đi thi tốt nghiệp, lớ ngớ thế nào chị lại ngủ dậy muộn. Bố đã đi làm. Mẹ chắc đi chợ. Thế là vớ vội giấy bút, chị đi như chạy đến trường. Vô phúc quá, qua được hai ngã tư, đôi dép cao su đứt phựt quai. Còn một đoạn đường khá dài. Chị bèn lồng hai chiếc vào nhau, tay xách dép, tay mang giấy bút, chạy chân đất đến trường. Khi ngồi vào bàn thi rồi, trống ngực còn đập thình thịch. Thế mà chị đã đỗ vào trường Đại học Bách khoa với số điểm khá cao.
          Còn bây giờ ...
          Qua cái lần phải nhún mình xin học trái tuyến cho con, chị uất ức, dù biết rằng đó là thực tế xã hội, là mặt trái cuộc đời. Tấm huân chương bao giờ chẳng có hai mặt. Mặt trước hào nhoáng, chói lọi thì cái mặt sau còn xù xì, thô thiển. Nhưng chị vẫn kỳ vọng ở những người làm ra nó. Chỉ thêm chút công sức thôi cái mặt sau ấy sẽ nhẵn nhụi dễ nhìn. Nhưng hình như rất khó...
          Lương hai kỹ sư ra trường không nuôi nổi một con cho đàng hàng. Cái chất xám của năm năm đại học chẳng giúp gì được cho chị trong cơ chế bao cấp, chằng chịt các quan hệ ràng buộc thời đó. Nhặt việc làm thuê chẳng đơn giản, nhẹ nhàng gì. Những việc được coi là lương thiện chị trải qua hầu hết. Giống như mọi công chức buộc phải sống trong sạch thời ấy. Nhưng vì con, vì tương lai của nó, chị xoay xở tìm đủ mọi cách để tăng thêm thu nhập gia đình. Khổ mấy cũng không bằng cái khổ của mẹ chị ngày xưa. Chị luôn tự động viên mình bằng ý nghĩ này.
          Trên cái xe mini cũ, chị kẽo kẹt chở con đi học. Hết giờ làm, phía sau con ngồi, phía trước ghi đông treo lặc lè những túi hàng may thuê. Tiếng máy khâu lạch xạch thâu đêm. Mải mốt cho đúng hẹn, xong việc đã ba giờ sáng. Đến lớp ngoại ngữ, cố nén ngáp dài dến nỗi nước mắt chảy dàn dụa, hai vai rũ xuống. Cái mỏi, cái mệt đè chị dúi dụi. Nhưng chị phải học. Học để chuẩn bị cho mình cái "vốn" khi có thời cơ. Không chỉ học ngoại ngữ, chị còn đọc nhiều loại sách khác. Cả xem lại chương trình phổ thông của con. Để còn kèm dạy nó. Để không mất tiền, lại phải cúi luồn trước những kẻ hãnh tiến. Cũng còn để làm gương cho con.
          Một chị bạn khi biết chị là con một người nổi tiếng, thốt lên:
          - Mày là con ông ấy mà cũng vất vả thế à?
          Chị bật cười về cách suy nghĩ quá ngây thơ, lại ở trong đầu một người rất được chị coi trọng về trí thông minh:
          - Con ông trời cũng vậy thôi, chị à, nếu sống lương thiện ở cái đất này!
          Đấy là chị ấy không biết nhiều việc làm thêm khác của chị, những việc còn cực nhọc, bấp bênh hơn cái việc may thuê này nhiều.
          Đứa bạn thân cùng học đại học, khi biết chị đi làm không ăn bữa sáng, nó chu chéo:
          - Mày muốn sống hay muốn chết đấy hả. Thật không tưởng tượng nổi.
          Chị cười. Cái cười giống như mếu. Mày ơi, tao muốn sống chứ. Tao có một đứa con gái. Hồi xưa, chưa lấy chồng, tao cũng là con gái. Tao không muốn nó lặp lại cái sự khó khăn thiếu thốn như mẹ nó. Cũng như, tao không muốn sau này, nó lại có cuộc đời như người đàn bà là tao - mẹ nó hiện nay. Nói vậy, không phải tao trách bố mẹ tao đâu. Thời nào thế ấy mà. Ngược lại, tao luôn cảm thấy mình là đứa con có tội. Nào tao đã phụng dưỡng các cụ được ngày nào. Trong khi tao quần quật suốt ngày vì đứa con gái của mình. Bố mẹ tao là người nhân hậu, sẽ luôn tha thứ cho tao thôi. Rồi bọn mình cũng thế mày à. Sau này cũng sẽ tha thứ cho những đứa con, khi chúng nó vì gia đình riêng mà sao nhãng đạo làm con. Đó là cuộc đời mày ạ! Nước mắt âm thầm làm nghẹn đắng cổ họng chị.
          Trời gần về trưa càng như đổ lửa xuống mặt đường nhựa. Kim đồng hồ chỉ mười giờ. Còn nửa tiếng nữa. Mọi người bắt đầu xê dịch chỗ đứng, chỗ ngồi, nhấp nha nhấp nhổm. Họ cũng như chị. Cái nắng, cái nóng gắt gao giữa hè không hề là nguyên nhân thiêu đốt lòng họ!
          Cuộc đua của bọn trẻ trong kia đang bước vào giai đoạn nước rút. Dù rất tin ở học lực của con, chị vẫn cồn cào lo lắng. Biết rằng, đời là chuỗi liên tiếp những cuộc đua. Đi học. Xin việc. Đi làm. Lên lương. Lên bậc. Lên chức... Tất cả đều là những cuộc đua. Mỗi cuộc đua đều có kẻ thắng, người thua. Sự được thua chỉ cách nhau trong gang tấc. Chị lo cho con là như vậy.
          Sự được thua ở cuộc đời trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay đã phơi bày hết tính khốc liệt. Tính khốc liệt của sự được thua có ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực. Trong giáo dục cũng vậy. Việc học thêm, dạy thêm. Các lò luyện thi tốt nghiệp, thi đại học luôn là đề taì thời sự nóng bỏng trong các công sở, ở mọi cơ quan. Rồi để cạnh tranh, các lò tìm mọi thủ đoạn gièm pha, khích bác, nói xấu lẫn nhau. Sách giáo khoa, sách hướng dẫn, sách tham khảo,... thi nhau xuất bản, thi nhau tăng giá. Việc học hành của con trẻ trở nên quá tải. Gánh nặng ấy bị dồn sang vai phụ huynh. Chị cũng phải nháo nhác tìm mua đủ loại sách cho con. Cũng tham khảo , thăm dò "lò" nào luyện thi có chất lượng, thày nào dạy có tiếng tăm, có tỷ lệ học sinh đỗ cao, cho dù giá thù lao cho thày có "chát". Lại một lần tặc lưỡi: Thôi thì qua mười một năm rồi, cố nốt năm cuối. Lĩnh lương hôm trước, nộp mấy khoản cho con, hôm sau thấy tiền trôi vèo đâu hết. Lại còn sự bồi dưỡng cho con học thi. Bữa trước thịt lợn rồi. Hôm nay ăn gà nhé. Có lẽ mai phải mua cá nấu canh chua thôi. Nào, thích gì, mẹ làm ăn cho đỡ mệt. Ngồi ngắm con gặm chiếc đùi gà, chị nhẩn nha cái cánh, cái chân. Trong lòng thầm nghĩ: Ăn đi con. Ăn để thi cho tốt. Con người ta mười, con mẹ cũng phải bảy tám chứ. Chị cố gân guốc lên vậy. Chứ chị thừa biết rằng, cái mười của con người ta là tiền tỉ trong tay, còn bảy tám của con chị chỉ dựa vào khoản lương ba cọc ba đồng kỹ sư của chị thôi.
         Nhưng chị vẫn cố. Cố như khi chị lên gân vắt kiệt quả cam cho con cốc nước. Phần chị, trệu trạo nhai cái bã còn lại.

         Tiếng trống đổ hồi. Tim chị cũng đập dồn. Mọi người nhớn nhác. Bọn trẻ đang túa ra. Người xe chen chúc. Còi xe máy, ô tô inh ỏi. Tiếng gọi nhau í ới. Của các bậc phụ huynh khi nhìn thấy con mình từ xa. Của bọn trẻ kháo nhau. Cả tiếng rú lên của mấy đứa học sinh gái khi biết mình có đáp số trùng với của bạn. Những gương mặt rạng rỡ. Những ánh mắt tối sầm. Những tiếng cười vui vẻ. Cả sự lầm lì lặng ngắt... Ôi, con chị kia rồi. Còn cách chị mươi bước, chị thấy nó toét miệng cười. Lòng chị bỗng nhẹ bẫng. Đêm nay, chị sẽ có một giấc ngủ ngon!

Báo Lao động Thủ đô (Bị cắt ngắn, đổi tít thành Lòng mẹ)

(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5957.html;
     - In trong tập "Thánh địa", Nxb Thanh Niên, 2003
- Báo Người Hà Nội ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét