Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

NGHỆ SĨ HÀ NHÂN - GIÁM ĐỐC ĐẦU TIÊN CỦA NHÀ HÁT TUỔI TRẺ

Ngày 10-4 tới, Nhà hát Tuổi trẻ (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) kỷ niệm 30 thành lập.
  
Nghệ sĩ Hà Nhân
   Người đề xướng và có công lao đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển Nhà hát - một đơn vị nghệ thuật được đánh giá là năng động hàng đầu của sân khấu miền Bắc là nghệ sĩ Hà Nhân. 
Nghệ sĩ Hà Nhân quê ở làng Xà Cầu, huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Tây), tham gia cách mạng rất sớm, từ khi mới ở tuổi 16. Là một người xông xáo, năng nổ, nhiệt tình, bà được giao giữ sách báo, tài liệu, tuyên truyền Điều lệ Việt Minh, dạy nông dân chữ quốc ngữ, vận động chị em phụ nữ tham gia kháng chiến… Đi tới đâu, làm việc gì, bà cũng được nhân dân, đặc biệt là những người phụ nữ yêu mến, cảm phục và tin tưởng nghe theo.
Thời gian sau này, do yêu cầu của tổ chức, bà được điều động sang công tác văn nghệ.
      Ngày đầu bước chân về "Đoàn kịch Lộng Chương" (Chi hội Văn nghệ Liên khu III tháng 2/1952), bà được phân công ngay vào vai Cúc (vở Du kích thôn Đồi của Lộng Chương). Có một chi tiết mà bà vẫn nhớ đến tận giờ. Trong lúc tập, khi đóng đôi với chính tác giả, do chưa nhuần nhuyễn vai, bà đã bị Lộng Chương quát: “Cô liếc hay lườm tôi đấy”. Vậy mà sau ba ngày tập, rồi công diễn thành công, lại chính Lộng Chương chỉ tay vào trán bà mà rằng: “Hà Nhân là con tinh của sân khấu”.
Kể từ đó, nghiệp “xướng ca” đã vận vào bà như cái duyên tiền định, để rồi cho đến giờ, ở cái tuổi ngót ngét chín mươi bà vẫn không ngơi nghỉ, vẫn đau đáu khôn nguôi với nền kịch nghệ nước nhà.
Trong thời gian hoạt động ở Liên khu 3, bà phụ trách Đoàn Văn công và là Bí thư Chi bộ. Đặc biệt, phải kể đến vai trò Đoàn trưởng Đoàn văn công Điện Biên của bà. Bà đã trực tiếp đưa Đoàn đi phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào và mặt trận Điện Biên Phủ vào năm 1953 và 1954. Trong giai đoạn khắc nghiệt của kháng chiến chống Pháp, Đoàn đã gặp không ít khó khăn gian khổ, nhưng với trách nhiệm của người lãnh đạo, bà đã động viên anh em vượt mọi hiểm nguy, thiếu thốn; đem đến cho bộ đội, dân công lời ca, câu hát, tiếng cười; động viên tinh thần hăng hái chiến đấu của họ; góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc. Đoàn kịch Điện Biên Liên khu III do Hà Nhân làm Trưởng đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Hai.
Giai đoạn những năm 1956 đến năm 1961, Hà Nhân liên tục giữ trọng trách trong các đoàn văn công, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Liên khu 3, Phó trưởng đoàn Đoàn ca múa Trung ương, Trưởng đoàn đoàn tuyển văn công Việt Bắc... Nhưng có lẽ tình yêu sân khấu (chủ yếu là kịch nói) đã ngấm vào máu thịt Hà Nhân, nên những ngôi vị lãnh đạo cao chẳng mấy hấp dẫn bà được lâu. Năm 1961 bà xin đi học đạo diễn ở Liên Xô, trở thành nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam về sân khấu. Sau này, khi Nhà hát Thiếu nhi bị giải thể, ngẫm lại những năm tu nghiệp trên đất nước bạn, bà thấy lớp trẻ của họ được sống hồn nhiên vô tư quá; bà càng xót xa hơn cho thế hệ trẻ của Việt Nam. Mấy chục năm chiến tranh liên miên, các em bé Việt Nam đã bị thiệt thòi quá nhiều, không những về vật chất mà còn thiếu thốn môi trường giáo dục văn hoá, tinh thần. Tấm lòng nhân hậu của người bà, người mẹ trong Hà Nhân đã lấn át tất cả để rồi, kiên trì trong gần cả chục năm trời, bà đệ trình lên Bộ, ý kiến về việc cần phải có một nhà hát cho thiếu nhi. Cuối cùng, ý nguyện của Hà Nhân đã được đền đáp. Ngày 10/4/1978, Bộ Văn hoá ra Quyết định chính thức thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Ngay khi đó, Hà Nhân không ngại ngần rời bỏ ghế Cục trưởng về làm Giám đốc một nhà hát kiểu mới cho thiếu nhi như bà hằng mong ước từ khi còn học ở Liên Xô. Để thực hiện, bà đã huy động cả Cục Biểu diễn giúp đỡ Nhà hát về tổ chức và cơ sở vật chất. Cùng với đó, bà đề nghị và được Bộ đồng ý để bà mời Phạm Thị Thành (vừa tu nghiệp ở Liên Xô) về cùng xây dựng Nhà hát Tuổi trẻ. Là Giám đốc, nhưng bà sắn tay tham gia mọi việc, từ tìm kiếm địa điểm Nhà hát, kiểm tra quá trình xây dựng đến chọn lựa nhân lực… Cho đến lúc ấy, Hà Nhân mới thấm thía được cái nỗi vất vả của người đặt viên gạch đầu tiên cho một công trình, tuy không lớn về tầm vóc vật chất nhưng lại gánh vác sứ mệnh lịch sử lớn lao trong sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Việc lập Nhà hát tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được không ít thuận  lợi do được Bộ Giáo dục, Uỷ ban Thanh thiếu niên Nhi đồng, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan chức năng khác hết sức ủng hộ.
Thế là ngày 1 tháng 6 năm 1979 Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt hoạt động, phục vụ khán giả trẻ. Kể từ đó đến nay, trải nhiều giai đoạn thăng trầm với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô cùng cả nước, Nhà hát luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, đêm đêm sân khấu đỏ đèn, làm trọn sứ mệnh được mang trên vai: đem đến cho thế hệ trẻ những quan niệm đúng đắn, trong sáng về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình; biết trân trọng những giá trị văn hoá đích thực; biết phân biệt cái thiện, cái ác; luôn trau dồi nghị lực, kiến thức để vượt lên những vấp váp của tuổi trẻ, của cuộc đời, vươn tới cuộc sống tốt đẹp và có ích hơn cho xã hội.
Nhìn lại những thành công đó của Nhà hát Tuổi trẻ, không thể không nói tới bà Hà Nhân, người có công đầu cho sự ra đời và lớn mạnh của Nhà hát, người đã dành phần lớn cuộc đời nghệ thuật của mình vì thế hệ trẻ của Thủ đô và đất nước. Cũng với tâm nguyện ấy, bà còn là người có công trong việc thành lập Tổ chức ASSITEJ Việt Nam (Liên hiệp hội sân khấu thế giới dành cho thiếu nhi và thanh niên), mà Việt Nam là hội viên 36 của ASSITEJ thế giới và bà là Chủ tịch đầu tiên (1983). Ngay sau khi về hưu cho tới tận bây giờ, bà đã tham gia làm sân chơi biểu diễn cho thiếu nhi ở tổ dân phố; hỗ trợ, hướng dẫn và tìm vở dựng cho các cháu thuộc câu lạc bộ văn nghệ trẻ em khuyết tật (đặt tại trường tiểu học Trung Tự) diễn.
Với truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn và nhân dịp tới đây kỷ niệm 30 năm thành lập, vừa qua Nhà hát Tuổi trẻ đã khánh thành bức phù điêu chân dung bà Hà Nhân và đặt ở một vị trí trang trọng. Theo Đạo diễn Lê Hùng, “Bà Hà Nhân là một nghệ sĩ đích thực. Chính vì có bà mà Lê Hùng và rất nhiều người thành danh khác mới có ngày hôm nay. Nhưng chẳng hiểu vì sao, một người như bà đến tận giờ vẫn không được phong tặng Danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ Nhân dân”.

Bức phù điêu Nghệ sĩ Hà Nhân treo tại sảnh Nhà hát Tuổi Trẻ

Như vậy là, cho dù nghỉ hưu đã được hơn 20 năm, nhưng bà Hà Nhân - một trong những người khai sinh và là Giám đốc đầu tiên của Nhà hát - đã và sẽ luôn đồng hành cùng với các thế hệ thành viên của Nhà hát trong mọi hoạt động nghệ thuật phục vụ thế hệ trẻ Thủ đô và đất nước. Đó cũng là tâm nguyện cao đẹp cả đời của bà Hà Nhân - người bà, người mẹ của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.      
 

                                                                             
                                    Báo Phụ nữ Việt Nam, số 25, 29/2/2008                                                                                                                                                                                                                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét