Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

DẤU ẤN LỘNG CHƯƠNG TRONG SÂN KHẤU VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Bài phát biểu của Nhà Nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành
 tại Lễ Tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương.

      Mỗi Nghệ sĩ tên tuổi đều khắc ghi dấu ấn của mình trong sinh hoạt kịch trường. Tầm vóc, sự đóng góp của người nghệ sĩ càng lớn thì dấu ấn để lại càng đậm nét đến mức khó phai mờ với thời gian.
Lộng Chương là một nghệ sĩ đã để lại dấu ấn đáng kể trong đời sống sân khấu ngay khi ông còn sống và mặc dù ông qua đời nhưng dấu ấn ấy vẫn hằn in không chỉ trong tâm trí của những ai từng biết ông trong đời hay trên sàn diễn mà sự nghiệp nghệ thuật của ông vẫn chiếm một vị trí nhất định trong những trang sử của nền sân khấu VN hiện đại.
      Sống ở đời ai cũng có một niềm say mê nào đó ám ảnh mình. Ở những bậc tài hoa thì cường độ niềm say mê dường như mạnh mẽ đến khác thường, chẳng ai giống ai. Lộng Chương là một đấng tài hoa! Bởi vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi ông là người say mê nhiều thứ trên đời. Ông say men rượu đến ngất ngư chếnh choáng nhưng biết tìm ở đó nguồn năng lượng để làm việc, sáng tạo vì sâu thẳm trong ông niềm say đời, say kịch, say sân khấu vẫn là những đắm say mạnh mẽ nhất. Sân khấu đối với ông là một đam mê kỳ lạ, có tính định mệnh.
      Khi còn là cậu bé 5,6 tuổi ông đã có cơ hội ngồi ở khu vực hố nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội chứng kiến công việc nhắc vở thầm lặng với người cô ruột và đồng thời hào hứng theo dõi vai diễn của người bác ruột dưới quầng sáng ánh đèn sân khấu … Phải chăng giây phút ấy là một duyên kỳ ngộ đã định hướng đường đời ông sau này, để rồi sân khấu thấm nhiễm vào tận tế bào máu của con người mình. Rất tự nhiên đến tuổi trưởng thành ông đã dấn thân vào chốn kịch trường như một tất yếu, không thể khác. Sân khấu chính là môi trường đặt định, suốt đời ông đeo đuổi như một lẽ sống. Điều đó giải thích, Lộng Chương không nề hà bất kỳ công việc nào mà nghề sân khấu trao vào tay mình. Hơn nữa khi làm những phần việc dù to hay nhỏ, Lộng Chương đều làm hết mình, đều huy động đến tận độ những tiềm năng vốn có trong mình. Dường như được làm bất cứ công việc nào để sinh hoạt kịch trường chuyển động, náo nhiệt là ông lao mình vào đó không toan tính, do dự, so bì.
       Lộng Chương tả xung hữu đột ở cả sân khấu chuyên nghiệp lẫn sân khấu không chuyên ở cơ sở. Với ông đấy là hai đường ray song hành không thể thiếu được nhau để con tàu sân khấu băng mình đi tới những chân trời xa.
       Không những thế trong nghề sân khấu ông lại trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông từng là diễn viên với những vài diễn gây ấn tượng khó quên; ông cũng nhiều lần đảm nhiệm vai trò đạo diễn ở khu vực sân khấu quần chúng. Có dạo ông tất bật giữ cương vị người cầm chịch một đoàn nghệ thuật nào đó. Rồi ông còn giữ vai người thày truyền nghề sân khấu cho thế hệ trẻ v..v..
      Nhưng có lẽ tên tuổi Lộng Chương, dấu ấn đậm nét của người nghệ sĩ tài hoa này được quy tụ lại ở tư cách nhà viết kịch là nổi trội nhất. Trong đội ngũ tác gia sân khấu việt nam hiện đại, đến nay dường như Lộng Chương vẫn là một cây bút viết kịch có một sức lao động bền bỉ đạt hiệu suất cao hiếm có với số lượng đáng nể phục trên một trăm tác phẩm ngắn, dài đã được dựng hay còn ở dạng văn bản, dành cho sân khấu chuyên nghiệp hay không chuyên, thuộc về kịch nói hay kịch hát. Nhưng trong cuộc đời và nhất là trong nghệ thuật số lượng dù quan trọng song chất lượng mới là cái khó đạt tới nhất và thực sự là điều tạo nên giá trị lâu dài còn đọng lại sau này. Xét ở phương diện chất lượng, đâu phải Nhà viết kịch Lộng Chương chỉ được nhắc nhở ở kỷ lục cao với số lượng kịch bản ít đồng nghiệp có thể sánh ngang mà ngay ở phương diện chất lượng tư tưởng và nghệ thuật, ông cũng tạo được một dấu ấn riêng in đậm phong cách và tài năng của mình …
       Chính từ đây tên tuổi Lộng Chương sẽ được ghi nhớ như một tác giả kịch hài nổi tiếng đến hy hữu trong nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Kịch hài Lộng Chương đem vào đời sống sân khấu nước ta những chuỗi cười sảng khoái, tự nhiên, hả hê với nhiều cung bậc và sắc thái đa dạng trong chuỗi kịch ngắn đặc sắc như Hỏi vợ, Yểm bùa, Mối lo của Mụ Cửu, Ma hiện v..v.. cho tới loạt kịch bản dài như Quẫn, Quẫy, Cửa mở hé,…mà trong đó Quẫn sừng sững như một đỉnh cao của dòng kịch hài Việt Nam hiện đại.
      Vở diễn Quẫn với cả ngàn đêm công diễn được ghi nhận như một dấu mốc đáng tự hào của Kịch nói Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là một tập đại thành đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa của sân khấu Việt Nam với sự kết hợp ăn ý hòa quyện để tạo nên một chất lượng nghệ thuật cao từ kịch bản đến đạo diễn rồi diễn xuất của sự gắn bó giữa tác giả Lộng Chương với đạo diễn Trần Hoạt và một thế hệ diễn viên tài danh của Nhà hát Kịch Việt Nam với: NSND Song Kim vai Cụ Đại Lợi, nghệ sĩ Chu Xuân Hoan vai ông Đại Cát, Nghệ sĩ Thu Hà vai bà Đại Cát, NSND Trần Tiến vai “gã hàng xách”…
      Nét độc đáo trong kịch hài Lộng Chương chính là ở chỗ đã tiếp nối truyền thống hề Chèo với những biến đổi để thích ứng với thể loại kịch nói từ đó mang được hơi thở thời sự của hiện thực đương đại. Đây không phải là một thành công đột xuất mang tính ngẫu nhiên mà thực chất là tâm nguyện có ý thức của Lộng Chương và những đồng nghiệp cùng chí hướng ấp ủ, trăn trở trong cả một thời gian dài nhằm: “Làm sao cho kịch nói Việt Nam mang sắc thái Việt Nam”. Sau nhiều trải nghiệm căng thẳng chính Lộng Chương đã ngộ ra rằng: “Phong cách dân tộc phải tìm ở những hình thức nghệ thuật biểu diễn cổ truyền của dân tộc”, từ suy nghĩ đó mà Lộng Chương “tìm vào Chèo” để nhận ra “Tính chất trào lộng của Chèo đã đặc biệt hấp dẫn” và “là ngưồn khai thác chủ yếu được áp dụng trong những vở kịch viết theo phong cách Chèo của Ông như: Hỏi vợ, đặc biệt là Quẫn (trích lời giáo đầu của Quẫn).
      Đáng chú ý là tâm nguyện của ông và những Nghệ sĩ đồng chí hướng khác như: Nhà thơ, Đạo diễn Thế Lữ, Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi, Đạo diễn, NSND Xuân Đàm, Đạo diễn, NSUT Vũ Minh, Đạo diễn, NSUT Đoàn Anh Thắng v..v.. tô đậm bản sắc dân tộc cho kịch, một hình thức sân khấu du nhập từ phương tây, và hướng tới xác lập đường nét riêng mang đậm đà cốt cách văn hóa dân tộc cho sân khấu Việt Nam đã trở thành định hướng chiến lược phát triển lâu dài của cả nền sân khấu chúng ta...
      Trên hành trình tìm về với Chèo để làm kịch, Lộng Chương đã bị hình thức sân khấu dân gian này hút hồn, để rồi ông lại đắm say lao vào viết lại những tích chèo cổ theo tinh thần của cuộc sống hôm nay. Và cũng từ đó ông gặt hái được thành công đáng kể qua loạt vở Chèo cải biên như: “Đôi ngọc lưu ly” (viết lại tích cũ Trương Viên). Tìm tòi, học hỏi sân khấu Chèo ông còn có những suy nghĩ sâu sắc thấu lý đạt tình về đặc trưng của hình thức sân khấu độc đáo này. Không những trầm trồ tâm đắc với cái hay cái đẹp của Chèo truyền thống ở tính văn học ở nội dung lạc quan yêu đời ở vai hề đặc sắc, ở tính đế Chèo tạo nên sự giao lưu mật thiết giữa diễn xuất và công chúng…
      Lộng Chương còn thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế của Chèo truyền thống trên chân đứng hôm nay. Tuy vậy về vấn đề phục hồi cải biên Chèo truyền thống ông đã có một quan niệm đúng đắn được giới trong nghề và dư luận rộng rãi tán thưởng. Những ý kiến của Lộng Chương phê bình về hiện tượng cải biên một số tích Chèo cổ hay đưa những truyện cổ dân gian lên sân khấu Chèo như trường hợp vở “Chị Tấm anh Điền” v.v… là minh chứng cho sự sáng suốt đúng đắn ấy…
      Rồi từ Chèo, Lộng Chương có cơ sở để thử sức mình ở các loại hình kịch hát khác như đến với Cải lương ở kịch bản A Nàng, hay trở về với truyền thuyết lịch sử trong kịch bản Tình sử Loa Thành,… những kịch bản được nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu kịch hát dàn dựng gây tiếng vang rộng rãi trong dư luận, những vở diễn này ít nhiều cũng tạo nên dấu ấn của Lộng Chương trong sinh hoạt kịch trường. Dẫu vậy, qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian và sự phẩm bình, đánh giá của dư luận, có thể nói hai dấu ấn đậm nét nhất mà Lộng Chương ghi khắc vào sinh hoạt kịch trường Việt Nam hiện đại là những vở diễn thuộc dòng kịch hài và những đóng góp của ông khi viết lại tích Chèo cổ từ chân đứng ngoài đương thời.
       Đó cũng là dấu ấn còn lại của người nghệ sĩ tài hoa này, là dấu ấn để tên tuổi Lộng Chương sẽ được các thế hệ ghi nhớ theo dòng thời gian.
      Một phương diện khác của Lộng Chương mà chúng ta không thể bỏ qua đó là sự nghiệp sư phạm sân khấu. Ông không có trường lớp, không có nhiệm vụ giao phó để đảm trách công việc nặng nề và tế nhị là đào tạo nghề sân khấu cho các thế hệ trẻ tiếp nối, nhưng vì tình yêu với nghiệp tổ, với nền sân khấu dân tộc mà ông tự nguyện bỏ tâm sức, thời gian, thậm chí cả tiền bạc và dùng chính ngôi nhà mình cư ngụ để làm nơi truyền nghề cho các bạn trẻ nghe tiếng ông đến từ khắp nơi…
      Có thể nói đóng góp của Lộng Chương đối với sự nghiệp đào tạo truyền nghề cho các thế hệ trẻ cũng là một dấu ấn mà Lộng Chương đã khắc ghi trong đời sống sân khấu VN hiện đại, điều còn chưa được dư luận nói tới nhiều. Rất may rằng về phương diện này những người học trò thân cận và đã thành danh, sau đó trở thành đồng nghiệp đáng tự hào, sánh bước bên cạnh người thày của mình là Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang trong một bài viết của mình từ năm 1979 khi ông còn sống dã thay mặt được các thế hệ học trò của ông lên tiếng tôn vinh ông hay nhất và cũng là sâu sắc nhất, sòng phẳng nhất như sự đối thoại mang tính học thuật giữa hai thế hệ nghệ sĩ trao đổi về nghề…
      Bài viết của Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang chắc chắn sẽ nói thay cho chúng ta về con người, sự nghiệp sân khấu với nhiều đóng góp đáng ghi nhận của người thày Lộng Chương, nhất là những điều ít người được biết…
      Trên đây là những suy nghĩ của một người sinh sau không có may mắn là học trò của ông viết về dấu ấn của Lộng Chương trong sân khấu Việt Nam hiện đại.
3/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét