Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh: CÂY BÚT HÀI KỊCH SỐ 1(*)

Hoài Việt
           
Ký họa Lộng Chương
Kể về tuổi tác thì anh hơn tôi vừa chẵn Giáp. Tuy vậy anh không hề coi tôi là bạn vong niên. Tôi biết đó là từ truyền thống đạo lý của người trí thức Hà Nội, xuất thân trong một gia đình khá giả, có địa vị xã hội.
            Anh tên khai sinh là Phạm Văn Hiền. Thời Tây, anh là điều chế viên ở Phủ Toàn quyền, chuyên ngành hóa học - một quan Phán. Nhưng rồi cách mạng nổ ra, quan Phán Hiền nhập vào cách mạng. Từ đó, người ta biết anh dưới cái tên bút danh Lộng Chương. Bút danh này đã được ký dưới cuốn tiểu thuyết phóng sự Hầu thánh, song sau cách mạng thì nó đứng ở trên đầu các vở kịch ngắn, kịch dài nhiều hơn.
            Tôi biết tên anh từ thuở báo Công Dân (tỉnh Nam Định - Liên khu III) cùng với tên các anh Hoàng Quyết, Trúc Đường, Bùi Hạnh Cẩn, Trần Lê Văn… Nhưng, mãi sau ngày hòa bình lập lại tôi mới được làm quen với anh.
            Ngày đó, tôi và anh Văn Tâm được cử phụ trách Đoàn kịch Tháng Năm của ngành Giáo dục. Chưa có mấy kinh nghiệm sân khấu nên tôi phải tìm đến với anh. Đọc một tác phẩm văn học, dù là kiệt tác, thì chỉ có riêng một mình mình khóc hay cười. Song một kịch bản được dựng trên sàn gỗ, trong một lúc có thể đánh động đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng mấy ngàn trái tim, khối óc… Cảm thông với tình yêu sân khấu của tôi, anh đã sốt sắng giúp.
            Tôi thường sang nhà chờ anh cùng ra Câu lạc bộ Thanh Niên ở hồ Thiền Quang, xem anh hướng dẫn cho các bạn trẻ Hà Nội tập kịch. Số người này thuộc nhiều tầng lớp khác nhau: Công nhân xí nghiệp nhà máy có, thanh niên học sinh có, tiểu viên chức có, cán bộ nhiều cơ quan Trung ương hoặc địa phương có. Đôi khi những người có máu sân khấu ở vài xã ngoại thành hay tỉnh lân cận cũng tìm đến. Từ lớp học ấy, sau này có những tên tuổi lớn như: Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Hoàng Thanh Giang… Tôi cứ ngồi vậy hàng mấy tiếng đồng hồ xem cung cách làm ăn của anh. Có lúc anh lấy một trích đoạn trong vở ra cho tập. Có khi là một kịch ngắn. Anh để học viên tự chọn vai. Rồi anh gọi từng người đến hỏi lý do của sự lựa chọn. Anh hỏi về lý lịch, tâm lý, về cách họ thể hiện tính cách nhân vật đó. Các học viên biểu diễn rồi, anh để anh chị em trong đoàn góp ý. Sau đó, dựa vào sự góp ý, anh mời họ làm lại. Nhiều lúc anh đứng ra thị phạm luôn. Tôi học được ở anh cái say mê, sự lao động không mệt mỏi trong diễn tập. Và đấy là một sự lao động không có lương, tự nguyện hoàn toàn. Mọi người biết vậy nên dù anh có gắt gỏng, họ vẫn rất thương quý anh.
            Lần đến mừng thọ anh ở nhà riêng 47 Hàm Long, từ trong nhà ra ngoài hiên, chiếu trải trên nền đất nện kín khắp; bạn bè và học viên sân khấu Hà Nội, Hà Tây, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa… ngồi la liệt; già có, trẻ có, Kịch nói, Chèo, Múa rối… đủ cả.
            Học được một số ngón nghề của anh, chúng tôi về dựng vở Trác Văn Quân của cụ Quách Mạc Nhược. Tất nhiên có mời Thày Chương đến góp ý. Anh là người hay nói thẳng thừng, song lần đó hay chỉ nhẹ nhàng gảy ra vài điểm chưa đạt. Với riêng tôi, anh nổi máu nghệ sĩ, nói không tiếc lời. Từ anh, tôi thấm thía: Trong nghệ thuật không thể dùng cách nói lấy lòng, làm như thế là giết chết nghệ thuật. Trước lúc đến với anh, tôi cũng đã có tập tọng viết một vài vở kịch ngắn. Rồi được anh giới thiệu đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi quen các anh Trần Thông Côn, Vũ Hà (Công đoàn), Vũ Hà (Tóc bạc) từ đấy. Dần dà, tôi đi vào kịch thơ. Vở kịch thơ đầu tiên Ngô Thì Nhậm do Đoàn Kịch nói Hà Tây dàn dựng. Tôi đề nghị Đoàn mời anh Lộng Chương làm đạo diễn. Anh Chương, sau khi trao đổi với tôi, đã mời anh Nguyễn Đức Nùng làm họa sĩ trang trí và anh Bùi Công Kỳ viết nhạc. Anh Chương lại gợi cho tôi mời anh Hoàng Cầm hướng dẫn cho anh chị em diễn viên ngâm thơ. Từ Kịch nói chuyển thể dựng kịch thơ không phải dễ. Vậy nhưng rồi cũng ra mắt khán giả được. Diễn viên Trần Tư Trắc trong vai Ngô Thì Nhậm, diễn rất khá. Một số diễn viên nữ cũng vậy. Có lần, anh Chương và tôi đạp xe đạp vào thôn Huyền Kỳ, rủ anh Nguyễn Đức Nùng xuống Thạch Bích xem đoàn tập (Lúc này Đoàn Kịch nói Hà Tây sơ tán về nhà thờ họ đạo ở Thạch Bích). Anh em chúng tôi đi đến Hà Đông thì máy bay Mỹ ném bom khu xóm ở gần Huyền Kỳ. Khi đi qua xóm, khói còn bốc lên nghi ngút. Anh Chương đùa: Giá mà cả ba chúng mình đi trúng vào lúc nó cả cái thì văn học nghệ thuật nước nhà cũng khá thiệt đấy ông nhỉ?
NVK Lộng Chương (Ngồi đội mũ) đến chơi NVK Học Phi
                                                    (rót nước) NVK Bửu Tiến (ngồi bên trái), NVK Thế Lữ (ngồi bên phải) 
            Anh đùa như vậy còn nghiêm chỉnh đấy. Lộng Chương mà đùa ác thì cứ gọi là hết… đất sống! Không ai quên vở Quẫn của anh đánh tư sản. Khi Đoàn Kịch Trung ương (Nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) dựng vở Quẫn, anh đã rất thú vị là mời được chị Song Kim đóng vai cụ Đại Lợi. Anh nói với tôi: Cụ Đại Lợi là hình ảnh của một người nhà đã cắm sâu vào đầu óc tôi từ lâu. Bà Kim có cái mông sao mà giống thế!
            Tiếp sau QuẫnCửa mở hé. Cả hai vở, tiếng cười của anh khá… ác. Nhưng chưa ai biết anh còn ôm ấp viết một vở lấy tên là Ngã. Ngã có nhiều nghĩa lắm. Nhưng tôi không dám tiết lộ, cũng như độ mươi năm sau khi nổi tiếng, anh đã làm thơ tự giễu mình cũng kha khá... ác.
            Phải nói rằng trong sự nghiệp của đời anh (viết trên 100 vở Kịch, Chèo, múa rối ngắn dài) có sự đóng góp không nhỏ của chị Lộng Chương. Người phụ nữ hiền thục này không kỳ quản, không tiếc sức; đã ra công phục vụ bạn bè của chồng, cúc cung tận tụy phụng sự chồng; kể cả những lúc khó khăn, bạn bè đến chỉ có nhúm mì nước, chén rượu nhạt. Anh Chương về già hay rượu. Lúc đến chơi, bao giờ anh cũng lôi ra trong ngăn tủ một be kiểu dẹt như chai Whisky, trong đó có loại rượu ngang nổi tiếng. Anh bảo: Tiếc ai thì tiếc, chứ với Niêm, Trần Cồn và ông thì không thể giấu loại tiên tửu này được.
            Mấy năm gần đây, chị Chương không dám cho anh uống thứ nước trắng mà Văn Cao gọi là nước cơm (nước uống thay cơm) ấy nữa. Chị thay bằng Vang Thăng Long cho anh dùng.
            Ở Sài Gòn ra, tôi đến thăm anh, anh cứ hỏi đi hỏi lại: Bây giờ ở đâu. Không còn ở Hàm Long nữa phải không? Hôm nào nắng dẫn tớ lại chơi với nhé. Đi ba chân mà…
            Rồi anh than thở: Tiếc thật, cái Câu lạc bộ Kịch thơ của bọn mình không thành. Trần Huyền Trân ngã rồi ngã luôn. Trúc Quỳnh cũng không còn…
            Anh ngước lên, đôi mắt đỏ tia máu, mơ màng: Cả cái Đoàn Chèo Cổ Phong của bọn này mà ông thường gặp ở nhà tôi - Nguyễn Đình Hàm, Lưu Quang Thuận, Trần Huyền Trân đi rồi. Ông Cầu cũng râu ria như ông lão. Cụ Mẫm, cụ Mược, cụ Trùm Thịnh, chị Hoa Tâm, Dịu Hương… xa rồi. Xa rồi ông ạ!
            Rồi, anh đưa cho tôi chén vang đỏ, gật gù ngâm câu thơ ghép: Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu. Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu(**).
Tôi nhớ xưa, khi gặp chuyện vui buồn, anh vẫn hay cười, tiếng cười thật ròn. Nhưng nay, tợp xong hớp vang thì anh lặng lẽ đưa tay lên chùi râu…

(*) Tạp chí Sân khấu, số 6/2002
(**) Khuyên anh uống cho cạn một chén rượu để cùng tôi quên hết cái sầu vạn cổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét