Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Không thể xưng hô theo kiểu gia đình chủ nghĩa

           Sáng 16/4/2005, trong Chương trình chào buổi sáng của Đài THVN, có chuyên mục khách mời. Khách mời hôm đó là cựu chiến binh Mông Cổ... Ông là người đã sang thăm Việt Nam trước kia và nhiều lần được gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Ảnh minh họa
Ông kể nhiều kỷ niệm cảm động về Người mà ông khẳng định, không bao giờ quên. Sẽ chẳng có điều gì phải bàn, nếu như cách xưng hô trong quá trình phỏng vấn của phóng viên này không gây cho người xem truyền hình cảm giác khó chịu. Đây là một vài ví dụ: "Cháu được biết...", "Thưa bác, xin bác cho biết... "... Nghe thì rất lễ độ đấy. Nhưng xin thưa, cách xưng hô này không thể chấp nhận được, nhất là trong trường hợp anh ta phỏng vấn một nhân vật người nước ngoài. Bởi, lúc này anh ta không phải ở tư cách cá nhân nói chuyện với khách mời của chính anh ta.

           Mà, anh ta phải đứng ở cươngvị một đại diện của Đài quốc gia, làm việc với một khách mời của Đài. Vì thế, trong khi phỏng vấn, ngôn ngữ xưng hô phải dùng ngôn ngữ hành chính. Các đại từ nhân xưng phải là: "tôi", "ông", "bà", "ngài", hoặc là những chức vụ: "Bộ trưởng", "Giám đốc", "Đại tướng"... chẳng hạn. Trừ trường hợp, trong các chương trình làm việc có những đối tượng là thiếu nhi, lúc đó mới có thể xưng hô theo thứ bậc tuổi tác: "chú", "cô", "bác", "cháu"...
            Cách xưng hô trong khi làm việc là rất quan trọng. Xưng hô đúng, sẽ tạo không khí làm việc nghiêm túc, từ đó mà tạo nên hiệu quả. Không thể cứ đưa quan hệ "chú, bác, cháu, anh, em, mày, tao... " vào giải quyết công việc của một cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, công ty sản xuất kinh doanh... được.
Tôi có một thủ trưởng. Giờ ông ta về hưu rồi. Khi còn tại chức, ngoại trừ những lúc đứng lên phát biểu ở cuộc họp có quan khách và trước một vài người đã cao tuổi ở cơ quan, với cấp dưới còn lại hầu như ông đều: mày tao hết, thỉnh thoảng thì cậu tớ. "Này, chiều mày có đi họp với tao không?", "Thế cái việc hôm qua tao giao, mày xử lý thế nào rồi?". "Tao đã bảo mà lại không làm, thôi về làm lại đi".... Rồi thỉnh thoảng ông ta kèm theo những cái cười hề... hề... Cái cách xưng hô không nghiêm túc này dẫn đến một hệ quả: sự bỡn cợt giữa cấp trên và cấp dưới, sự coi thường của cấp dưới với ông. Tất yếu, là sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và kết quả công việc.
Còn nhớ, khi bước chân vào bộ đội, tôi chỉ là một thanh niên non choẹt. Mấy cán bộ tiểu đoàn, đại đội, toàn những ông cứng tuổi cấp tá cả. Đứng trước họ, chúng tôi run lắm, cứ chú chú cháu cháu. Hôm đầu, chúng tôi bị chấn chỉnh liền. Nhưng cũng chưa phải quen ngay được đâu, đôi lúc vẫn cứ run: chú chú cháu cháu. Lại bị chấn chỉnh. Một vài lần, rồi quen. Đến khi quân phục chỉnh tề, đứng trước chỉ huy, khi được gọi thì dõng dạc: "Có tôi", thấy mình chững chạc hẳn lên. Lúc đó, còn nhận thấy cách xưng hô cũng tạo cho mình một tư thế, một ý thức trách nhiệm trước người khác và trước công việc.
Trở lại với chuyên mục khách mời của Đài THVN. Cách xưng hô của  đại diện một Đài tầm cỡ quốc gia lại càng phải chú ý. Dù khách mời ở một lĩnh vực nào thì cuộc phỏng vấn vẫn bao hàm ý nghĩa chính trị, xã hội. Không thể mang quan hệ gia đình chủ nghĩa ra để "bác bác cháu cháu" được. Nhất là, thời gian tới, chúng ta mở rộng quan hệ quốc tế về nhiều mặt. Khi bắt tay với một khách mời nào đó sau khi ký xong một thoả thuận hợp tác, ta lại: "Cám ơn bác nhiều lắm" thì khó nghe quá!     
                                                                        Báo KH&ĐS, 6/5/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét