Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

THÉP ĐÃ VÀO LÒ(*) - Màn 1

(Ca kịch cải lương 5 màn. Chuyển thể từ kịch “Không thể sống khác được” (Lộng Chương dịch từ Kịch nói của Sofronov - Liên Xô, bản chữ Pháp “Impossible de Vivre autrement”). Ca kịch này đã được Đoàn Kim Phụng dựng và trình diễn từ tháng 8 năm 1955. Bản dịch kịch nói Không thể sống khác được” đã đăng trên Báo Nghệ thuật Thứ Bảy, từ số 1 ra ngày 2 tháng 4 năm 1955).


Nhân vật

Khả Minh                  Quản đốc lò đúc thép, Bí thư chi bộ
Chu Minh                  Con trai cả Khả Minh, cai đúc
Phan Minh                Con trai thứ 3 Khả Minh
Quốc Doanh              Giám đốc xưởng thép
Lộ Bích                     Giáo sư, Giám đốc phòng thí nghiệm kim chất
Trịnh Ngữ                 Kỹ sư
Lê Ba                        Kỹ sư
Hồ Mạnh                  Bác sĩ
Sĩ Côn                       Công nhân già, lò đúc
Phan Đích                 Con trai Sĩ Côn
Kỳ Bá                        Cán bộ Cảnh Vệ
Mã Huy                     Gián điệp Mỹ, ở Tây Đức sang
Bà Minh                    Vợ Khả Minh
Lệ Minh                     Con gái Khả Minh, chế hóa viên phòng hóa chất
Anh Đào                    Vợ Chu Minh
Ái Khanh                   Con gái Sĩ Côn, chế hóa viên phòng hóa chất, người yêu của Kỳ Bá
Hai công an và một số thợ nam nữ trong lò đúc thép.
Cảnh: Phòng giấy của Giám đốc Quốc Doanh, rộng, sáng sủa. Ghế bành, ghế tựa ống sắt mạ kền… tủ kính bày những thỏi thép màu. Trên tường có sơ đồ, ảnh các vị lãnh tụ: Staline, Vilthompick, Otto Wall. Phía sau: Cửa sổ lớn trông ra khu nhà máy. Cửa đi thông ra sân ở phía trước.
  
MỞ MÀN

Quốc Doanh gầy, dáng điệu mạnh, sôi nổi, tỏ ra nóng tính, đứng đằng sau bàn giấy, đang nói chuyện trước ống nói. Sĩ Côn ngồi trước bàn, to lớn, đầu hói, dáng điệu chậm chạp.

Quốc Doanh: (Nói trước ống nói) Phải, được rồi! Vấn đề chính là tăng cường vận chuyển. Cần có nhiều toa chở hàng… Đồng ý, tôi sẽ cho gửi ngay thông tri… Được lắm! (Đặt ống nói xuống, nhìn chéo Sĩ Côn, cười mỉm) Ông Côn ạ, tôi đồng ý lời đề nghị của ông. Ông sẽ có căn nhà riêng trong sáu tháng. Một căn nhà thật chắc chắn, ông bằng lòng chứ?
Sĩ Côn: Tôi không đồng ý vì… sáu tháng thì lâu quá.
                  (Có tiếng gõ cửa)
Quốc Doanh: Cứ vào.
Phan Đích: (Ra rất nhanh, không để ý tới Côn) Thưa đồng chí Giám đốc…
Quốc Doanh: Có điều gì cần thế, đồng chí Đích?
Phan Đích: Báo cáo đồng chí là:
                                                Tây Thi!
                                Đoàn thanh niên vừa rồi khai hội xong
                                Mọi người đều nhất trí thông qua
Đồng thanh ký cả vào quyết nghị
Tán thành xây lò đúc kiểu Mác Tanh.
Có hai chục người đã xung phong
Và đã cùng hạ quyết tâm thư
Đề nghị đồng chí hãy chuẩn y
Cho lời yêu cầu kia thực hiện
Để được bắt tay vào việc tức thời!
Quốc Doanh:            Đồng chí Đích! Đồng chí hãy cứ yên tâm
Nếu đoàn thanh niên quyết tâm ủng hộ
Thêm một người là thêm một cánh tay
Thì việc xây dựng này sẽ chóng thành
Phan Đích:                Nghĩa là đồng chí bằng lòng chấp nhận
Cho chúng tôi được mang hết sức mình
Kiến thiết để bảo vệ hòa bình
Chúng tôi sẵn sàng chờ lệnh của đồng chí ở đây.
Quốc Doanh: Được rồi, nhưng trước hết hãy để cho ông Khả Minh bố trí công việc xong đã. Các anh sẽ giúp sức cùng ông Minh. Điều cần nhất là anh em nhớ chú ý đến việc tăng cường và bảo đảm tiến độ vận chuyển, vì mức sản xuất thép ở xưởng ta sẽ tăng lên rất nhiều, mà tăng một cách chắc chắn.
Phan Đích:    Thưa đồng chí, vấn đề đó chúng tôi xin bảo đảm!
Quốc Doanh: Ông Côn, ông đã thấy rõ chưa? Tất cả xưởng đều hăng hái thi đua đúc thép cấp tốc, để đáp ứng cho công cuộc kiến thiết hòa bình, thế mà ông thì vẫn cứ thờ ơ lãnh đạm. Ông chỉ nghĩ đến căn nhà nhỏ bé của ông thôi. Ông không thấy con trai ông đây cũng đương tha thiết đến vấn đề đúc thép đó hay sao?
Phan Đích:    Thế ra ba lại đây để đòi hỏi việc làm nhà đấy à?
Sĩ Côn: Anh muốn chất vấn tôi thì để về nhà hãy hay!
Phan Đích:    Vâng, được, về nhà hãy hay. Đồng chí Giám đốc, đồng chí cứ tin ở chúng tôi. (Vào).
Quốc Doanh: Thế nào ông Côn?
Sĩ Côn: Tôi làm ở xưởng này đã ba năm nay. Ông có công nhận tôi là một người thợ đúc có khả năng hay không?
Quốc Doanh: Có, ông rất có khả năng.
Sĩ Côn: Như thế là quyền hạn của tôi được hưởng một gian nhà. Vậy thì ông cho tôi một căn nhà nhỏ, thế thôi!
Quốc Doanh: Tôi nhắc lại để ông rõ là 6 tháng nữa ông sẽ có một gian nhà thật đẹp. Ông có đồng ý không?
Sĩ Côn: Tôi không đồng ý! Vì tôi không thể chờ 6 tháng nữa. Các con tôi đã lớn cả rồi.
Quốc Doanh: Ông Côn ạ, ông có biết rằng chiến tranh có thể nổ ra không?
Sĩ Côn: Vấn đề đó có liên quan gì đến tôi?
Quốc Doanh: Thật à? Thế thì việc bà ấy bị chết ở tỉnh Đô Mễ vì bom của Mỹ, chắc cũng không liên quan gì đến ông chăng?
Sĩ Côn: À, ông Quốc Doanh ạ, đó chỉ là:
                                    Khổng Minh
                  Một sự không may
                  Ai biết mà hay!
                  Chỉ tại vợ tôi
                  Có tính lôi thôi…
                  Đương yên lành ở xóm Tây Linh
                  Lại lần về Đô Mễ mà chơi!
                  Vô tình hứng lấy
                  Tai họa vào mình…
                  Buồn vì câu chuyện đó
                  Tôi chán nản vô cùng.
                  Lại bực mình bà vợ của tôi
                  Đương ở nhà lại bốc đi chơi!
Quốc Doanh: Thì ngay chính Tây Linh cũng thế
                           Mấy mươi lần đã bị ném bom
Sĩ Côn: Nhưng tôi đã đào hầm
                  Chỉ tan nhà còn người chẳng việc chi
Quốc Doanh: À thế ra cái nhà cũ của ông cũng bị bom Mỹ nó ném bay đi đấy.
Sĩ Côn: Bay đi thì không bay, mà chỉ bị nát ra thôi. Mà chính vì nhà đổ nát nên tôi muốn có một cái nhà ở đây. Ông nên rõ cho tôi, là con Ái Khanh nhà tôi năm nay không gì cũng gần 20 tuổi rồi. Con gái lớn thì tôi phải gả chồng cho nó.
Quốc Doanh: Việc ấy thì tôi thấy cô ấy có thể tự mình liệu lấy được.
Sĩ Côn: Không, tôi phải chọn rể cho nó mới được. Không thể để cho nó tự do trong việc này. Tôi còn đương phong thanh, có một anh công an muốn ngấp nghé nó. Đâu tên anh ta là Kỳ Bá Kỳ Biếc gì đó.
                  (Tiếng chuông điện thoại. Quốc Doanh cầm lên nghe)
Quốc Doanh: A lô! À Giáo sư Lộ Bích. Vâng, tôi xin chờ Giáo sư ở đây. Vâng, 15 phút nữa. Vâng, cả anh em thợ đúc nữa. Vâng 15 phút nữa thì họp… (Bỏ ống nói, xem đồng hồ) Thế nào ông Côn?
Côn: Thì ông cho tôi biết ý kiến về cái nhà của tôi.
Hồ Mạnh: (Ra) Ông cho tôi gặp... (Chợt thấy Sĩ Côn) À!.. xin lỗi ông.
Quốc Doanh: Mời bác sĩ cứ vào. (Hồ Mạnh vào hẳn) Đây, xin giới thiệu với bác sĩ một người bất cần lẽ phải.
Sĩ Côn: Vâng đúng, tôi không cần hiểu gì cả.
Quốc Doanh: Là bố một đảng viên ở một công xưởng đang phát triển mạnh thế này, mà ông ấy cứ khăng khăng nghĩ đến cái nhà nhỏ bé riêng của ông ấy. Ông thật là một người vô cùng lạc hậu. Ông chỉ khư khư với quyền lợi của riêng mình, không nghĩ gì đến người khác, mà ông cũng bất cần tất cả. Không ngờ ông là một người phi chính trị mà lại còn…
Sĩ Côn: Đúng, phi chính trị, nhưng tôi không muốn chết yểu chết non.
Quốc Doanh: Thế ông không nhớ con trai ông là anh Đích đã bị bọn Liêm phóng Tây Đức nó già tay đàn áp trong suốt quãng thời gian mà thanh niên thế giới đang chuẩn bị liên hoan à?
Sĩ Côn: Việc đó tôi không quên, nhưng xét ra nó cũng chẳng có nghĩa lý gì cả. Tôi chỉ cần biết đến bao giờ tôi sẽ có gian nhà đã.
Quốc Doanh: Được, trong ba - bốn tháng nữa.
Sĩ Côn: Ba hay bốn?
Quốc Doanh: Ba tháng.
Sĩ Côn: Tôi sẽ có cả hai con dê cái nữa chứ? Ông đã hứa với tôi như thế?
Quốc Doanh: Cả một con voi nữa, nếu ông muốn.
Sĩ Côn: Không, tôi không muốn voi. Nó to quá, cồng kềnh quá, nó sẽ chiếm mất nhiều chỗ trong gian nhà. À, tôi còn muốn yêu cầu ông…
Quốc Doanh: Được, ông cứ cho biết ý kiến.
Sĩ Côn: Dạ, không có gì quan trọng đâu ạ. Ông cho tôi xin một điếu thuốc lá.
Quốc Doanh: (Đưa thuốc lá) Xin mời ông.
Sĩ Côn: Chắc trong bụng ông lúc này là muốn cho tôi đi ra cho rảnh mắt. Tôi đề nghị là…
Quốc Doanh: Đề nghị gì, xin ông cứ nói?
Sĩ Côn:           Ngũ điểm
                  Đề nghị này cũng giản dị thôi
                  Xin ông chấp nhận lời tôi yêu cầu
                  Ông cho tôi phắt cả bao
                  Là ông rảnh mắt liệu có sao chăng là?
Quốc Doanh: Vâng thôi được, ông cứ cầm lấy cả mà dùng.
Sĩ Côn: (Cầm bao thuốc lá đút túi) Cám ơn ông Giám đốc. Chào bác sĩ.
Quốc Doanh Hồ Mạnh: Vâng, chào ông. (Côn vào).
Quốc Doanh: Thật là một người lạ lùng
Hồ Mạnh: Ông ta chưa nhận thấy là được sống trong một tổ chức tập thể thì sung sướng là thế nào.
Quốc Doanh: Còn bác sĩ cần gì?
Hồ Mạnh: Thưa ông Giám đốc, vẫn chỉ có một vấn đề: Phòng ngừa tai nạn lao động, ông thấy thế nào?
Quốc Doanh: Ta đi vào việc cụ thể.
Hồ Mạnh: Vâng được, ông sắp cho chạy một kiểu lò bằng điện, nhưng tất cả những phương pháp bảo hiểm đều chưa có. Tôi đã có vinh dự là bác sĩ của lò đúc thép Mác Tanh, thì tôi cần phải nắm vững nguyên tắc. Nếu ông làm không đúng nguyên tắc bảo đảm tai nạn lao động là tôi cương quyết không để cho lò chạy đâu.
Quốc Doanh: (Cười nhưng nghiêm trang) Việc đề phòng tai nạn lao động sẽ được chú ý cẩn thận, bác sĩ cứ yên tâm. Vả lại, còn vấn đề này nữa là, nếu chỉ để xảy ra một tai nạn nhỏ thôi, thì cũng sẽ làm cho mọi người hoài nghi phương pháp đúc thép cấp tốc. (Vui vẻ). Vậy xin kết luận với bác sĩ là sẽ không có một tai nạn nào cả.
Hồ Mạnh: Nếu thế thì trên nguyên tắc tôi xin đồng ý với ông Giám đốc. Bây giờ thì xin phép ông, tôi xuống xưởng xem xét anh em thợ... (Vào. Giáo sư Lộ Bích ra, dáng điệu nghệ sĩ hơn là một nhà thông thái, nét mặt hồn hậu).
Quốc Doanh: Tôi chờ Giáo sư mãi.
Lộ Bích: À, công việc đúc thép mới theo phương pháp cấp tốc, đồng chí giao cho cha con ông Khả Minh, tôi rất tán thành. Họ đều là những công nhân xuất sắc trong nghề. Tôi cũng đồng ý cả việc đặc cử kỹ sư Ngũ điều khiển công việc đó. Được lắm!
Quốc Doanh: Có những người tín nhiệm như thế thì mới mong đạt được đúng kế hoặch của Giáo sư nghiên cứu chứ.
Lộ Bích:  À, ông cho phép tôi dùng dây nói một tí. (Nhắc ống nói) Chị cho tôi phòng thí nghiệm. Cô Khanh đấy phải không?... À phải, cô làm ơn đem cho tôi tập hồ sơ tìm… Đúng đấy… Không, tôi đương ở phòng ông Giám đốc đây. (Bỏ ống nói. Có tiếng gõ cửa).
Quốc Doanh: Ai đó? Cứ vào!
Mã Huy: (Ra) Dạ, thưa ông Giám đốc, tôi là Mã Huy, tôi đến để xin việc làm.
Quốc Doanh: Xin lỗi Giáo sư, để tôi nói chuyện với anh bạn đây một tí. (Hỏi Huy) Anh ở bên Tây Đức vừa sang có phải không?
Mã Huy: Phải ạ.
Quốc Doanh: Anh chuyên môn về gì?
Mã Huy: Tôi đã làm ở những phòng thí nghiệm kim chất. Tôi rất thạo về hóa chất. Nếu ông cần nhân viên trong bộ phận khảo cứu… (Đưa mắt nhìn trộm Lộ Bích).
Lộ Bích: (Vô tình) Được đấy, chỗ tôi cũng đang cần …..
Quốc Doanh: (Cắt lời) Thật đáng tiếc!  Phòng khảo cứu của chúng tôi hiện nay chưa cần người… (Đưa mắt sang Bích).
Lộ Bích: Ờ phải, tiếc quá! Chúng tôi chưa cần …
Quốc Doanh: Theo những giấy chứng nhận của anh đưa cho tôi, thì anh cũng thành thạo cả các kiểu lò đúc Mác Tanh?
Mã Huy: Dạ, đúng đấy ạ, tôi…
Xuân tình 4
                  Am hiểu tất cả các kiểu lò
                  Thiết kế trên sơ đồ
                  Khả năng chuyên môn thực hiện
                  Nhưng mà theo nguyện vọng của tôi
                  Là được ở trong phòng thí nghiệm
                  Chung quanh có nhiều phương tiện
                  Sưu tầm khảo cứu cho hiểu biết rộng ra
                  Đó mới thật là ý nguyện
                  Không tin xin ông hỏi lại
                  Vị kỹ sư đúc thép có tài tên gọi là Lê Ba
                  Sẽ biết tường tận, rõ ràng
                  Ở bên Tây Đức trước đây
                  Tôi đã có công tác cùng
                  Trong một thời gian khá lâu
Quốc Doanh: Tôi đã rõ, nhưng rất tiếc là hiện nay chưa cần người.
Mã Huy: (Khéo léo) Nếu vậy xin ông cho tôi làm việc ở trong lò đúc cũng được. Thưa ông, liệu đến bao giờ thì ông cho tôi nhận việc?
Quốc Doanh: Ngày mai.
Ái Khanh: (Mang hồ sơ ra) Xin phép các ông. Thưa Giáo sư, có phải Giáo sư cần tập hồ sơ này không ạ?
Lộ Bích:  (Cầm hồ sơ) Phải rồi, cám ơn cô Khanh nhé.
Quốc Doanh: Thế nào? Nhóm ca kịch của cô vẫn hoạt động đấy chứ? Hình như tôi nghe nói các cô sắp trình bày một vở kịch 2 màn nói về đời sống Tây Đức, mà cô thì thủ vai chính phải không?
Lộ Bích: Tất nhiên rồi! Cô Khanh bao giờ chả đóng vai chính.
Ái Khanh: Không hẳn thế đâu ạ. Nhưng phần nhiều là các chị ấy cứ gán cho phải đóng những vai chính thì có.
Quốc Doanh: (Chợt nhớ đến Huy) Anh có thể về được. Vấn đề của anh đã xong. (Huy cúi đầu chào, nhìn Khanh rất ý tứ, rồi vào) Giáo sư có nhận thấy là cô nữ nhân viên của Giáo sư đã làm cho anh công nhân vừa rồi đứng ngẩn ngơ như người mất hồn không?
Lộ Bích:  Thế à! Tôi không để ý.
Ái Khanh: Ông Giám đốc, ông cứ nói thế… (Vẻ xấu hổ).
Quốc Doanh: À cô Khanh này, ông cụ nhà ta vừa đến đây đòi tôi phải làm ngay một cái nhà xinh xinh cho ông cụ đấy. Ông cụ tuy không ở trong nhóm văn nghệ, nhưng kể ra lại có nhiều nghệ sĩ tính cơ đấy.
Ái Khanh: Về vấn đề làm nhà thì cha tôi có thể đóng kịch rất tài, nhiều khi lại rất bi đát nữa.
Quốc Doanh: Cô không giác ngộ được ông cụ à?
Ái Khanh: Anh tôi và tôi đã nói nhiều, nhưng cha tôi không bao giờ chịu nghe. Thưa ông, tôi có thể về phòng làm việc chưa ạ?
Quốc Doanh: Chào cô, chúng tôi sẽ đến dự tối kịch của các cô đấy.
Ái Khanh: Nếu thế thì hân hạnh cho chúng tôi lắm. (Vào).
                        (Khả Minh và Chu Minh ra).
Quốc Doanh: À chào ông Minh, thế nào tình hình ra sao?
Khả Minh:    Phấn khởi lắm. Bao giờ thì ông cho bắt tay vào thực hiện phương pháp đúc thép cấp tốc?
Quốc Doanh: Khi nào Giáo sư Ngữ chuẩn bị xong là bắt tay vào việc ngay. Đúng 27 này thì có thể được rồi đấy.
Chu Minh:    27 này tức là 15 ngày nữa.
Quốc Doanh: Vậy thì đúng 27 nhé… Còn đề nghị của ông về việc tuyển dụng anh Phan mới ở Tây Bá Linh về, thì tôi thấy không có điều gì cản trở cả. Anh ấy có thề nhận việc ngay.
Khả Minh:    (Vẻ miễn cưỡng) Cảm ơn ông Giám đốc. Thực ra tôi rất khổ tâm về việc này. Đã từ lâu tôi không còn coi nó là con tôi nữa. Một dòng máu độc đã làm nhơ bẩn cả dòng máu họ Minh nhà tôi.
Quốc Doanh: Tôi rất thông cảm với ông… Nhưng hoàn cảnh đã xảy ra như vậy, ta phải tìm cách giải quyết cho thích đáng…. Ông Minh ạ, xưởng ta tuyển dụng có tới hàng trăm công nhân ở phía Tây trở về… Chả lẽ thêm một người con ông mà lại không nhận được sao!
Khả Minh:    Thưa ông Giám đốc, chính vì nó là con tôi nên tôi càng khó xử…
Chu Minh:    Thưa ông Giám đốc, đúng như thế… Gia đình tôi không còn ai chờ đợi ngày nó trở lại, thì đùng một cái nó trở lại. Lại mang theo một tên nữa… về ở nhà chúng tôi.
Quốc Doanh: Tôi biết, người bạn của anh Phan tên là Mã Huy. Hắn vừa ở đây ra.
Chu Minh:    Ông cũng đã hiểu. Ngay hôm chúng nó dẫn xác về, ba tôi và tôi đã tống cổ chúng ra khỏi nhà… Nhưng mẹ tôi… mẹ tôi còn thương nó… khóc lóc xin ba tôi cho nó ở lại…
Quốc Doanh: Các bà ấy bao giờ cũng nặng tình thương con cái hơn chúng ta.
Khả Minh:    Thưa ông Giám đốc, nhưng theo ý tôi thì…
Xuân tình 3
Thương như thế thật là nguy hiểm vô cùng
Một đứa đã có tội tầy đình
Làm những điều phản bội
Đã theo tên trùm phát xít Hít Le
Rồi xung vào đội quân phá hoại
Đến khi đoàn quân giải phóng
Tiến tới kinh thành Bá Linh
Nó lại còn quay đầu gục mặt
Trốn chạy theo cùng lũ giặc
Chẳng nghĩ gì đến giang sơn tổ quốc
Thì hỏi còn thương nó làm chi?
Quốc Doanh: Ông Minh,
                  Đế quốc gây chiến tranh phá hoại
                  Đương xô đẩy tất cả thanh niên
                  Vào sâu con đường tội lỗi
                  Ta càng cần chặn chúng lại ngay
                  Đặt rõ vấn đề tranh thủ
                  Đưa thanh niên vào con đường vinh quang
                  Con đường của thế hệ ương lai
                  Lấy lao động mà cải tạo mới xong
Khả Minh:    Xin lỗi ông Giám đốc, để ông phải mất thời giờ … về  một việc riêng của gia đình tôi… Chúng tôi xin đồng ý với ông, ta vào công việc đúc thép.
Quốc Doanh: (Gật đầu cười, nhấc ống nói) A lô, cô cho tôi kỹ sư Ngữ (Trịnh Ngữ ra đúng lúc ấy).
Trịnh Ngữ:   (Bước vào rất nhanh) Thưa ông Giám đóc, tôi hoàn toàn không tán thành dự án thực hiện phương pháp đúc thép của ông Minh. Đây, tôi xin trình bày ý kiến của tôi về vấn đề đó. (Rút một tập giấy đưa cho Doanh).
Quốc Doanh: Mời ông ngồi. (Cầm tập giấy đọc) Theo ý kiến của kỹ sư Ngữ, nếu xử dụng phương pháp cấp tốc thì lò sẽ sụp. Có phải thế không, thưa kỹ sư?
Trịnh Ngữ: Đúng thế.
Chu Minh:    Kỹ sư, chắc chắn là thế chứ?
Quốc Doanh: (Hơi ngại ngùng) Như thế này… thì đảo lộn cả chương trình… Xin các ông cho biết ý kiến.
Khả Minh: Đồng chí Giám đốc cho tôi có ý kiến hỏi kỹ sư Ngữ. (Với Ngữ) Căn cứ trên cơ sở nào mà ông đặt vấn đề như vậy?
Trịnh Ngữ:   Tôi căn cứ hoàn toàn trên cơ sở chuyên môn. Bao nhiêu năm kinh nghiệm của tôi, tôi dám chắc phương pháp của các ông sẽ đem lại những kết quả tai hại không thể lường được.
Lộ Bích:  Anh Ngữ! Thế anh không biết rằng đây là áp dụng theo phương pháp mới của Liên Xô. Mà chính Liên Xô đã thành công lớn trong việc sử dụng phương pháp đúc thép cấp tốc mới này à?
Khả Minh:    Hơn nữa, chính tôi đã trực tiếp theo dõi công việc đúc thép cấp tốc tại Matxcơva. Chính mắt tôi được trông thấy những kết quả không ngờ kia.
Chu Minh:    Liên Xô làm được như thế thì tại sao ở nước Đức đây không làm được?
Trịnh Ngữ:   Tôi không được sang Liên Xô.
Khả Minh:                           
Tây thi 2
Nhưng tôi thì đã được sang Liên Xô
Xem xét những xưởng máy to
Theo dõi công nhân người ta thực hiện
Chính mắt tôi trông thấy rõ ràng
Trịnh Ngữ:   Tôi đã trình bày mọi việc
                        Trước sau ngọn ngành hơn thiệt
                        Trên giấy tờ cho các ông hay
Khả Minh:                Tôi thấy cũng cần giới thiệu
                                    Để ông biết rõ hết đầu cuối
                                    Ở ngay tại kinh đô Matxcơva
                                    Người ta đã thành công lớn
                                    Trong việc đúc thép, thật nhanh
                                    Cùng với những lò đúc kiểu Mác Tanh
                                    Không khác chút nào những lò ở đây
                                    Chính tôi đã xem tận  mắt, tận tay
                                    Từng tý, từng li vô cùng tỉ mỉ
                                    Lại còn được nghe giảng giải rõ ràng
                                    Ông là người có trình độ chuyên  môn
                                    Lại có nhiều khả năng, kinh nghiệm
                                    Tôi thay mặt toàn thể công nhân
                                    Tha thiết mong ông hãy góp phần
Trịnh Ngữ:               Đó là ông muốn ra lệnh
                                    Bắt làm, chứ đâu phải yêu cầu
Chu Minh:                Xin kỹ sư chớ có hiểu lầm
                                    Vì lợi ích chung, ta cùng góp sức, góp công
Quốc Doanh: Anh Chu cần phải bình tỉnh. Phương pháp đúc thép cấp tốc là một vấn đề quan trọng cần phải thực hiện. Và đây không phải chỉ có vần đề thay đổi về chuyên môn; mà chính là phải đề cập đến vấn đề tư tương, đến phương diện tinh thần. Chúng ta cần phải tự kiểm điểm.
Lộ Bích: Anh Doanh nói rất đúng.
Trịnh Ngữ:   Đã ba mươi năm nay tôi trông nom về việc đúc thép. Tôi đã nghiên cứu tất cả mọi loại lò đúc, tất cả mọi phương pháp…
Chu Minh:    Nhưng còn một phương pháp mà ông chưa biết.
Trịnh Ngữ:   Xin lỗi anh, anh cho biết đó là phương pháp gì?
Chu Minh:    Thưa ông, đó là phương pháp dân chủ.
Trịnh Ngữ:   Tôi không trộn lẫn chuyên môn vào chính trị.
Quốc Doanh: Như thế là ông nhầm.
Trịnh Ngữ: Tôi hiểu nghề của tôi lắm. Tôi ở trong nghề đã lâu. (Với Lộ Bích) Tôi cũng lạ cho anh thật. Anh mà cũng vạch kế hoạch và tán thành những ý kiến ngớ ngẩn như thế được.
Lộ Bích:  Không những tôi tán thành, mà tôi lại còn đồng tình với mọi người nữa. Và nếu cần, tôi sẽ trực tiếp điều khiển lò đúc cùng với ông Minh đây, khi tiến hành phương pháp đó.
Trịnh Ngữ:   Anh không nhớ là trong anh đang có bệnh đau tim à?
Lộ Bích:  Phải, đúng là tôi đương có bệnh đau tim. Trái tim tôi đương cần phải bồi bổ dưỡng khí. Nhưng mà anh Ngữ ạ, tôi thấy không còn cách bồi bổ nào mạnh mẽ bằng cách làm việc cho hoà bình và hạnh phúc dân tộc. Tôi lấy làm lạ là, tại sao anh lại có thái độ như thế!
Trịnh Ngữ:   Tôi nói rõ cho anh biết là tôi không công nhận phương pháp đúc thép cấp tốc của anh đưa ra. Anh đừng hy vọng gì vào sự cộng tác của tôi.
Lộ Bích:  Tôi rất tiếc là tình bạn của tôi đối với anh chẳng được việc gì cả. Anh Doanh, tôi không thể đứng đây nói chuyện được nữa. (Tái mặt, đặt tay lên ngực run run) Xin phép anh, tôi vào (Cố gắng vào).
Quốc Doanh: Anh Chu, anh đỡ Giáo sư về phòng hộ. (Chu Minh dìu Lộ Bích vào).
Trịnh Ngữ:   Tất cả ý kiến của tôi đã trình bày trong bản báo cáo. Tôi đề nghị ông cho tôi sang một kíp khác, hoặc ông đổi ông Minh đốc công thợ đúc đi thì tôi mới làm. Thôi, xin chào ông (Định vào).
Khả Minh:    Kỹ sư Ngữ, ông có thấy ông đã coi thường sự tin cậy của mọi người và lòng tin của tất cả công nhân đã cộng tác với ông để xây dựng một cuộc đời thật mới không?
Trịnh Ngữ:   Ông Minh, tôi xin cảm ơn ông đã nhắc tôi một điều mà tôi đã biết rồi.
Quốc Doanh: Ông Ngữ, ông cho phép tôi hỏi thêm ông một câu.
Trịnh Ngữ:   Tôi chờ câu hỏi của ông.
Quốc Doanh: Câu hỏi này sẽ không dính gì đến vấn đề chuyên môn, mà là một vấn đề chính trị. Ông Ngữ, ông theo dân chủ hay theo phát xít?
Trịnh Ngữ:   Hừ! Dân chủ…
Kim tiền bản
…Là riêng đứt ra một việc!
Và phát xít kia là việc thứ hai
Còn tôi cũng là một việc
Nhưng lại là riêng một việc thứ ba
Muốn hỏi gì thêm thì hỏi đi ông
Để tôi trả lời một thể cho xong
Quốc Doanh: Một câu hỏi thôi là tôi cũng hiểu
                        Là đủ lắm rồi, cần gì hỏi thêm
Trịnh Ngữ:   Tôi báo cho ông biết rõ ý tôi
                        Ông hãy đi tìm người khác đi thôi
                        Để mà thay tôi điều khiển việc này
                        Phương pháp dù hay, tôi không công nhận.
                        (Vào).
Khả Minh:    Kỹ sư Ngữ kìa! Kỹ sư Ngữ ơi!
                        Thế này thì công việc dở dang mất rồi
Quốc Doanh: Đừng lo, đừng lo ông Minh ạ
                        Ta sẽ có ngay kỹ sư khác để thay.
                 

Màn hạ

(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013; Đăng trên Nghệ thuật (Tuần báo Văn chương - Điện ảnh - Sân khấu), ra ngày thứ bẩy, Tòa báo: 112 Hàng Bông. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét