Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

VỢ CHỒNG LÃO TÈO(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học 
      Tin lão Tèo sắp cưới vợ được "Thông tấn xã vỉa hè" loan truyền nhanh như điện. Thì thời đại bùng nổ thông tin mà. Người ta cần gì phải ngồi lê mới mách lẻo được cho nhau. 
      Thế vợ lão Tèo là ai vậy? 
      Không phải cái nhà cô Tí ngày xưa đâu. Ngày xưa, cô Tí chê anh Tèo là con nhà mõ. Lấy anh Tèo, cám chẳng có mà ăn. Lại có chịu rúc trong cái lều rạ cạnh bãi rác không? Mà gia cảnh cô Tí thì hơn gì anh Tèo. Mẹ chửa hoang với nhà Lý Bang, đẻ ra cô. Mặt rỗ. Chân vòng kiềng. Chê anh Tèo, kết cục chẳng ma nào nó sờ cho. Đành chịu để mốc, hết giá. Hết giá từ cái thời tám hoánh nào rồi. Có là thằng Chí Phèo nó cũng ỉa vào, chứ đừng nói lão Tèo. Lão Tèo bây giờ cao giá ra phết!
      "Xin chết" với lão là cô Hồng xinh tươi một thuở. Yêu yêu, đá đá hết anh nọ đến anh kia. Sau chạy chọt, làm một chuyến xuất khẩu lao động sang Tây. Ý định lấy Tây, không trở về. Chẳng may gá phải thằng Tây đểu.
Nó chơi cho tã ra, rồi bye bye. Tuy vậy, khi về nước cũng có xe máy Sport, xe đạp Mifa, radio và cả đống nồi niêu xoong chảo, dao dĩa nữa. Thời ấy, đi Tây về được thế là ghê rồi. Dân buôn nơi trung tâm Thành phố cũng phải nể, chứ đừng so cái làng nghèo xác nghèo xơ này làm gì. Nhờ có tý của, cô Hồng tóm được chồng dễ như lật bàn tay. Cô "chấm" anh nhà thơ trong số cả chục chàng trai ngày đêm lui tới tán tỉnh. Cô biết anh ta nghèo. Nhưng chẳng phải ai cũng làm được nhà thơ. Hiện tại, xã cô có tới mấy chục kỹ sư bác sĩ, còn nhà thơ bới mười đời không ra. Độc đắc chưa!? Hãnh diện chưa!? 
      Thế rồi anh nhà thơ ấy làm chồng cô chưa đầy "ba bảy hai mươi mốt ngày" phải chuồn vội. Bởi anh ta bắt quả tang vợ mình ăn nằm với tay bán thịt chó. Anh nhà thơ tức quá, quát vợ: "Cô coi thịt chó hơn thơ tôi hử?". Thịt chó là thịt chó, thơ là thơ - cô Hồng nghĩ bụng. Sao anh ấy lại hỏi như vậy. Biết nói thế nào bây giờ? Cái mà cô Hồng khó nói cũng chính là cái anh nhà thơ không chịu nhận ra. Đó là sự kém cỏi về phương diện làm tình. Anh ta cứ ngỡ làm như mình là quá đã rồi. Còn cô Hồng khoẻ khoắn, đĩ tính, dám chịu thằng Tây to gấp mấy người mình, thì cái khoản làm tình của anh ta khác nào chuột mút mỡ trong lọ. 
      Sau anh nhà thơ, cô Hồng đi bước tiếp. Làm vợ anh kỹ sư, người Thổ Cao Bằng. Anh này sang Tây luôn, nên sẵn tiền. Cha mẹ không còn. Nghĩ là người dân tộc thiểu số hiền lành thật thà, không đưa tiền vợ giữ thì cất giấu đâu nữa. Nào dè anh ta ki kiết quá dân cá gỗ. Quản từng xu. Lại hay ghen. Cấm biệt vợ quan hệ với đàn ông. Khiến cô Hồng ớn lộn mửa. Rõ là... Thổ. Thổ tả! Làm sao mình làm vợ hắn mãi được! 
      Không cam tâm bỏ phí chặng đời còn đang sung sức, song cô Hồng thèm vào lấy chồng nữa. Cô đi làm thuê cho các quán bar, khách sạn. Nơi nào dễ thở thì dừng lại lâu hơn. Nơi dễ thở tức là ở đấy có nhiều khách chơi, kiếm được nhiều tiền hơn. Đến lúc quen khách quen hàng rồi, cô ngồi tại chỗ làm nghề "gái gọi". Như thế vừa nhàn thân, vừa có thu nhập cao. Chỉ cần sắm cái xe máy và chiếc điện thoại cầm tay là đủ. Bất kể sớm tối lúc nào, hễ có khách gọi là đi. Ở tuổi ngoài ba mươi, trắng trẻo, nhanh nhẹn, có nét mặt và cặp mắt ưa nhìn, cô lại biết trưng thân thể qua các mốt váy áo, nên ăn khách ra trò. Thằng đàn ông dê cụ nào đã một lần sờ đến cô, khó lòng bỏ qua cái con người giỏi làm tình này. Đố tìm thấy ở những gái tơ cái sự bặm ăn, xoắn xuýt và dai dẳng như cô. Thế rồi, chỉ vì có sự đố kỵ tranh giành giữa lũ con gái làm tiền với nhau, cô bị công an tóm cổ trong lúc đang ưỡn mình lên, nhằm thoả mãn cái thằng nhãi ranh, con "ông cốp". Thằng này bảo: "Em nghe đồn chị nổi tiếng lắm, nên muốn thử xem thế nào". 
      Cô Hồng bị đi trại cải tạo đâu có nửa năm thì được thả. Thấy nói cô biết dùng "vốn tự có" để chiều chuộng các vị cán bộ, nên được xếp loại tiến bộ nhanh. Thì thả! Chứ giữ mãi lũ gái đĩ trong trại, lấy chỗ đâu chứa hết. Nhốt lâu nhốt chóng, lúc thả ra, cũng có mấy đứa bỏ hẳn nghề đâu. Chung quy chỉ tại sinh kế nó quá khó khăn, nên họ phải lao vào làm đĩ. Mà, loại gái lười nhác lại thích tiền, đi làm đĩ cũng chẳng ít. 
      Cô Hồng thuộc hạng lười nhác thích tiền. Vì thế, vừa ra trại cô lại lao vào nghề cũ. 
      Nhưng từ nay - cô tự răn mình - ta phải tìm cách giữ tiền. Tuổi ta sắp sửa hết thời rồi. Cái nghề này nó ngắn như nghề mấy thằng đá bóng ấy mà. Không thể tiêu sài phung phí như xưa được. Cũng không nên gửi tiền vào ngân hàng Nhà nước, vì mất giá đến chóng mặt. Tốt nhất ta tìm mua một đám đất. Ít tiền, ôm đám đất chó ỉa còn hơn. Đất chó ỉa cũng sẽ có lúc lên ngôi.
      Một hôm cô Hồng ra cái bãi rác sau làng tìm gặp lão Tèo. Mùa hè, mới bảy giờ tối đã thấy nhà lão tắt đèn tối om. Lão bảo, cả đời có biết chơi bời là gì đâu. Ngày xưa đi cày thuê, tối về mệt, chỉ ngủ. Nay suốt ngày quẩn quanh với mảnh vườn, tối cũng chỉ ngủ. Vườn của lão rộng khoảng một vạn mét vuông. Cây ăn quả chiếm phần lớn diện tích. Đám còn lại trồng rau. Các loại rau trồng theo mùa vụ đã cho thu hoạch. Nhờ vào đó, miếng cơm manh áo hằng ngày của lão cũng tạm đủ. Chả dám mơ ước gì hơn. Cô Hồng nói: "Anh có những một vạn mét vườn là quá lớn. Cả làng cả xã này mấy ai hơn nào!". "Ôi dào... nghe một vạn mét vuông nghĩ là to, nhưng mỗi chiều có một trăm mét, bằng trăm bước chân cô là hết". Rồi lão kể rằng, nếu năm xưa Thành phố không lấy cái đầm phía sau nhà này làm bãi rác, thì lão còn sức lấn rộng nữa. Vì phải bàn giao cho cấp trên, nên "ông xã" chỉ làm giấy công nhận lão được sử dụng diện tích có thế. Cái chốn hôi thối này, ngày ấy cả làng cả xã có ai thèm ngó ngàng tới đâu. Nên nó mới dễ dàng rơi vào tay lão. 
      Lão Tèo mải kể, đến nỗi không để cô Hồng nói xen được vào đâu. Chẳng phải lão thích hóng hớt. Chỉ bởi ở độc thân từ tuổi chín mười đến giờ, lại thuộc lớp đáy xã hội, nên hiếm khi lão có dịp mở mồm trò chuyện với ai. Được ai bắt chuyện thì nói. Chứ không dám chơi chòi. Kể đông tây một lô chuyện rồi, lão sực nhớ đến cái sự cô Hồng tới đây chắc có điều gì. Nghe cô Hồng muốn mua một trăm mét đất, lão đồng ý ngay. "Nhưng... - lão nói - cô mua cái đất này để làm gì ý nhỉ? Mà thôi, tôi không cần biết cô mua để làm gì. Nếu cô mua thật thì tôi bán. Quả là tôi cũng muốn có tí tiền để xây chỗ ở cho nó đàng hoàng hơn một chút. Ai lại hết ở lều lại đến gian nhà vách đất, gần một đời rồi. Khổ quá!". Bàn xong việc mua bán, cô Hồng đứng khỏi cái manh chiếu rải ngay đầu hè: "Em về đây. Ngồi khuya, lỡ mang tiếng chết!". Tiếng cái con khỉ. Sợ đếch gì ai. Cô ấy nói đùa, chứ mình đâu phải là đối tượng. Cô ấy mấy đời chồng rồi, lại chơi bời quá đỗi quá đà mà nom còn xôm chán. 
       Bán được đất, lão Tèo làm nhà luôn. Ngôi nhà mái bằng hai gian, có sân thượng hẳn hoi. Dân làng đồn rằng, lão Tèo làm nhà để lấy vợ. Lấy ai? Thoạt tiên mọi người đoán lão lấy cô Tí ngày xưa. Rồi đoán sang cô Hồng. Cô Hồng lấy cớ mua đất, một độ hay thì thụt ở đấy. Dù cô ta làm đĩ, lão Tèo quờ vào cũng là chơi trống bỏi. Hơn cô ta gần ba chục tuổi. Đáng tuổi bố nó còn gì. Mà mấy khi thấy bóng nó ở làng đâu! 
      Sau đó cô Hồng về làng lâu lâu. Người ta đoán cô lẩn tránh điều gì hệ trọng. Đúng vậy. Kẻ hành sự là một "tay chơi" từng gần gũi cô. Hắn nhận năm triệu đồng để làm thuê hai việc. Đuổi hẳn cô khỏi nơi tạm trú và tạo ra thương tích trên mặt. Thuê hắn là vợ tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Bà ta phát hiện chồng mình đã bao toàn bộ chi phí căn phòng trọ cho người tình - là cô. Hắn nói: "Theo anh, em nên về quê. Về quê an toàn cho em hơn. Em còn quanh quẩn ở nội đô, sẽ khó tránh khỏi bị hại. Mụ ta tuyên bố chưa tha em đâu. Còn việc tạo thương tích trên mặt em, anh có cách làm giả y như thật. Khi cần xóa dễ ợt ấy mà!”.
      Một hôm cô Hồng sang chơi nhà người em gái, được khuyên: "Chị nên dừng lại thôi. Dừng lại thì còn chị còn em. Chị đừng đi đâu nữa. Đi mãi không biết mệt mỏi sao. Mà nào chị có gì hơn người đâu. Tổ ấm không. Tuổi xuân thì hết. Theo em, chị nên ở làng. Chịu khó mở cái quán bán vặt vãnh cũng đủ ngày vài bữa. Rồi lấy ai thì lấy. Mù què, có chồng còn hơn không!". Lời khuyên ấy như hồi còi giục giã, khiến cô trằn trọc nhiều đêm. Cả chục năm lăn lộn, xét ra mình chẳng được gì. Tai tiếng thì lắm. Lo âu sợ hãi cũng tam tứ phen. May mà, chưa đứa nào cào nát nổi mặt mình. Mình có quý nhân phù trợ. Nhưng các cụ dạy: đi đêm mãi ắt gặp ma. Cô em khuyên mình dừng lại lúc này chưa quá muộn. Nó lại hứa: "Nếu chị mở quán, em sẽ giúp một tay. Để cho quen việc quen khách trong những ngày đầu mới mẻ". Thôi đành nghe nó vậy. Cô liền mở quán ăn ngay cổng nhà mình. Chỗ này gần chợ, nên không đến nỗi vắng khách. Với lại hàng của cô thuộc loại bình dân, hợp sở thích và túi tiền người nông dân nghèo. 
      Người làng khen cô Hồng đi đây đi đó nhiều nên khéo chọn hàng chiều khách. Còn khen cô tiến bộ. Đấy là câu nói trước mặt nhau. Sau lưng, họ chê bai đủ thứ. Rủa cô là đồ đĩ điếm. Điếm Tây điếm ta. Con điếm thay chồng như thay áo. Để xem cái quán ăn ấy thọ được mấy ngày. Sớm muộn lại ngựa theo đường cũ thôi. Nhưng làm đĩ đến lúc hết thời thì nuôi miệng bằng gì? Thì lại lấy chồng. Ở đâu không biết, chứ nội cái làng này ma nó chẳng thèm. Nghe lời xa tiếng gần, cô Hồng đều cười, cốt để cho qua. Không cho qua, chỉ còn cách chan tương đổ mẻ vào mặt nhau thôi. Dân làng này, cả đám cán bộ nữa, đầy dẫy chuyện thối tha sờ sờ. Vậy mà cứ gân cổ lên dạy dỗ đạo đức làm người. Dạy ai? "Dạy ai, mặc họ - em gái cô Hồng bảo chị. Bây giờ chị chỉ nên nghĩ làm thế nào cho cái quán có nhiều khách là hơn". Lão Tèo lại nói: "Từ nay cô không phải cất công đến tôi làm gì. Sáng sáng tôi sẽ đưa hàng tận nơi đỡ cô. Buôn bán đơn sơ như cô cũng bận chứ lỵ. Mà lại chỉ có mỗi mình. Mệt ra phết!". Ừ, lão Tèo thế mà hay. Thế là từ nay mình bớt được một đầu việc. Theo thói quen, mỗi lần nhận hàng xong, cô Hồng lại cảm ơn lão. Lão nhe bộ răng cải mả, cười hềnh hệch: "Ơn huệ cái gì. Chẳng qua tiện một công đôi việc ấy mà. Đằng nào tôi chả đến ăn quán cô". 
      Từ ngày nhận đưa hàng đến cho cô Hồng, sáng sáng lão Tèo rời giường rất sớm. Khắc phục được hẳn cái bệnh nằm ì dậy muộn vốn dĩ lâu nay. Mấy buổi đầu, lão có ngại một tí. Quen rồi, lại thấy khoẻ ra. Sau tua đạp xe từ nhà đến quán cô Hồng, ngồi làm chén rượu với bát bún, lão thấy ngon tuyệt trần. Cũng có khi lão không muốn ăn, cô Hồng vẫn ép. Sáng sớm uống rượu nhịn ăn hại dạ dày chết. Bỗng rồi, lão thấy mình có da có thịt hẳn hoi, chứ không gầy quắt như trước kia. Nhiều người còn khen lão Tèo trẻ nữa. Em gái cô Hồng có lần trêu: "Nhờ chị em mà bác Tèo trẻ khoẻ ra!" Biết đó là câu nói đùa, lão Tèo ngập ngừng giây lát để tìm lời phụ họa: "Tôi cũng nghĩ vậy". Cô Hồng: "Thế mà bác ấy mới ăn ở đây có bữa sáng thôi đấy". "Thế thì mỗi ngày bác nên ăn cả ba bữa với chị em". "Cái đó để xem cô Hồng có đồng ý không đã". Nói rồi lão Tèo mới thấy là chẳng nên. May mà cô ấy không tỏ thái độ khó chịu. Lại còn cười cười. Cười cười là thế nào nhỉ? 
      Đêm hôm ấy, chẳng hiểu sao lão Tèo khó ngủ. Có lúc cũng nghĩ tới cô Hồng. Thương cho cái kiếp má đào lận đận long đong. Mấy đời chồng để rồi không vẫn hoàn không. Lại còn mang tiếng mang tai đủ điều. Cứ cho là thiên hạ chê bai đúng đi, nhưng đó chỉ là một thời. Một thời lầm lỗi. Nay cô ấy khác rõ ràng. Khác gần một năm rồi. Ngày nào tối nào cái quán ăn ấy chẳng mở cửa. Tức cô ấy không sa đà vào con đường hư hỏng nữa. 
      Sáng hôm sau lão Tèo rời giường sớm hơn nếp cũ. Để có thời giờ nhặt rửa sạch sẽ các loại rau, rồi mới đưa tới cô Hồng. Lão quyết định từ nay đỡ cô ấy thêm việc này. Mình chỉ bỏ mươi phút đồng hồ, không nặng nhọc gì, nhưng cô ấy khỏi mất công nhặt nhạnh, rửa ráy. Cô Hồng vừa cười vừa nói: "Em cám ơn bác nhiều nhiều. Thỉnh thoảng bác lại phát huy sáng kiến đỡ thêm việc cho em". "Tôi ở hơi xa. Chứ mà ngay cạnh, tôi phụ cô được khối việc". Đúng thế. Bác ấy không nói bốc. Không ba hoa, khoác lác. Con người thật thà chịu khó thế, mà sao cứ chịu ở vậy một mình. Có lẽ em gái ta hiểu lão hơn cả. Nên nhiều lần tìm cách gán ghép lão với ta. Lại còn quả quyết: "Chị chấp thuận lão Tèo là hơn đứt lấy những người khác. Lấy chồng lần này, chị phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu để sơ sảy, chị không đủ sức làm lại mãi được". Vậy ta có nên lấy lão Tèo không? Với lão, cái nghề mõ là chuyện xa xưa. Hơn nữa, bố mẹ lão làm mõ, chứ đâu phải lão. Kể cả lão làm mõ thì đã sao nào. Người làng này thừa biết, ở xã bên có anh mõ đi theo cách mạng, sau đeo đến lon Thiếu tướng. Biết đâu cuộc đời bể dâu, sẽ có lúc lão Tèo được thiên hạ tung hô ngưỡng mộ. Dù không được thế, thì xưa nay lão chẳng phải hạng người xấu bụng. Lão tốt hơn quá nhiều người. Khối tay cán bộ còn lâu mới tốt được như lão. Cái hạng cán bộ làm việc cho dân mà ăn trộm ăn cắp như ranh, thử hỏi tốt ở chỗ nào? Vậy mà một thời dài dài, chính ta từng ôm ấp lũ trộm cắp ấy tại các quán bar, nhà nghỉ, khách sạn. Mà sao khi ấy ta không ghê? Những thằng đàn ông bụng phệ như đàn bà chửa. Những đứa mồm thối, nách hôi. Những tên nói năng thô lỗ. Cả những lão già mắt toét, quá tuổi lão Tèo bây giờ... Tất cả, ta đều ôkê! Thế thì vì cớ gì ta không chấp nhận lão Tèo làm chồng? Lão cũng có cảm tình với ta. "Hai người thành vợ chồng, biết đâu có lúc giàu ú hụ!" - cô em ghé sát tai chị, nói rồi cười khanh khách. "Ừ thì để tao nghĩ thêm!". Ấy là cô Hồng nói thế. Thực bụng cô chỉ chờ cái cớ gì đó để thể hiện với lão Tèo thôi. 
      Việc lão Tèo bị cảm chính là cái cớ ủng hộ cô Hồng. Sáng ấy, chờ tới sáu giờ không thấy có rau, cô đoán lão làm sao rồi. Tiện thể một công đôi việc, cô đến lấy rau, mang theo cặp lồng bún chân giò cho lão ăn. Thấy cô, lão vội ngồi dậy. Cô đem chậu nước vào tận trong nhà cho lão rửa mặt. Rồi bắt ăn bún ngay cho nóng. Buổi trưa, buổi tối, cô lại mang cơm tới. Lão cảm động nói: "Thế này thì phiền cô quá!". "Anh khỏi lo. Em giúp anh chóng khỏi, để anh phục vụ lại em ấy mà!". 
      Lúc cô Hồng ra về rồi, lão bỗng thấy trong nhà trống vắng hẳn. Và một cảm giác cô đơn buồn buồn lởn vởn trong đầu. Vì lẽ gì cô Hồng gọi mình là anh. Chẳng phải cô ấy nhầm. Nhầm thì chỉ một lần. Đằng này, suốt tối cô ấy gọi: Anh. Có phải cô ấy tỏ ý yêu mình? Vì sao yêu mình. Mình còn có gì để mà yêu. Yêu thật hay là trò đùa? 
      Hôm sau, cô Hồng đến nhà lão Tèo đã thấy rổ rau được nhặt rửa sạch sẽ, tinh tươm. Cô tỏ ý không hài lòng: "Anh đang ốm, ai cho dậy sớm thế?". Lão Tèo nói giọng ngập ngừng: "Cô Hồng à,... xin cô đừng... đùa tôi làm gì". Hiểu ý lão, cô Hồng nói: "Thế anh cho là em đùa ư?". Bắt gặp mắt cô nhìn vào mắt mình, lão luống cuống đáp: "Thì... tôi hiểu vậy mà". "Sao anh không nghĩ đó là sự thật? Thì anh trả lời em thế nào nào?". Lão Tèo vội đáp: "Thế thì... xin cô để tôi nghĩ đã". Dịch tô bún về góc bàn phía lão, cô giục: "Anh ăn đi kẻo nguội mất!". 
      Trước khi ra về, cô Hồng còn nói: "Anh hãy coi em ngỏ lời rồi nhé. Đừng đắn đo nhiều làm gì cho khổ thân ra. Số phận anh và em phải gắn với nhau…". 
      Có thật số phận ta phải gắn với nàng? Câu hỏi ấy được lão Tèo đáo đi đáo lại nhiều lần. Hỏi rồi tự đáp. Để tìm kiếm niềm tin. Và để củng cố lòng tự tin. Mặc dù giấc ngủ chập chờn suốt đêm, song lão vẫn đủ sức bật khỏi giường thật sớm. Lão đưa rau tới cô Hồng còn sớm hơn bất cứ lần nào trước nay. Và, lần đầu tiên cô Hồng thấy lão ăn mặc cẩn thận. Áo sơ mi xanh cỏ úa bỏ trong quần kaki cùng màu. Hai tay áo sắn cao thành nếp. Chân vẫn đôi dép nhựa lê, nhưng nó đã được cọ rửa sạch sẽ. Cả hàng ria mép cũng cắt tỉa gọn gàng, chứ không để quặp môi như trước nữa. Cô mỉm cười nhìn lão. Cứ đà này, hình thức lão sẽ thay đổi nhanh ấy mà. Ngoài áo quần đúng mốt, cần chăm lo cho lão ăn uống đủ chất, sẽ trơn lông đỏ da ngay thôi. Cô còn nhận ra nét xốn xang trên mặt lão. Bởi đây là sự va chạm tình yêu đầu tiên trong đời lão. Cô thì đâu còn cảm giác xốn xang như thế. Chọn lão làm chồng, cô biết sự ấy không thể vội vàng. Lão sẽ khó chấp nhận cái lối yêu đương "mì ăn liền" của lớp trẻ. Phải để cho lão có thời gian suy xét. 
      Về phía lão Tèo, qua một đêm trăn trở nghĩ suy, lão thấy không nên nghi hoặc lời tỏ tình của cô Hồng. Còn cái sự quá khứ của cô ấy, ta biết rồi. Có va vấp thế, cô ấy mới chịu lấy ta. Lấy ta, không chỉ cô ấy mong dựa ta. Ta cũng cần chỗ dựa. Nhất lúc về già, sống đơn độc thì khổ biết bao. Vậy không nên đắn đo quá mức làm gì. Đắn đo để mất cơ hội thì sao?... 
      ... Thế là họ trở thành vợ chồng. Sau khi đăng ký kết hôn, họ làm hai mâm cơm, mời vợ chồng cô em gái với mấy người đằng ngoại dự. Họ hàng phía lão không có ai. Bố mẹ lão là dân ngụ cư làng này, mất lâu lắm rồi. 
      "Thông tấn xã vỉa hè" lập tức lại thông tin bình luận. 
      Lão Tèo cưới cô Hồng sao không mời dân làng nhỉ. Sợ thiệt à. Thiệt đếch gì. Thời nay thiên hạ kinh doanh đám cưới lãi to, nhất là con các vị có chức sắc. Đã kinh doanh là phải có kẻ được người thua. Phần thua cầm chắc thuộc phía những ai được trân trọng kính mời. Bởi thế chẳng mấy người vui khi nhận giấy mời ăn cưới. Nhiều người còn công khai đả kích cái trò mời mọc này. Xem bữa cơm thân mật đám cưới như bị buộc ăn cơm bụi giá cao. Song, thực tế không ai dám vắng mặt. Số đông coi đó là cái sự trả nợ miệng nhau. Có người xuất hiện để phòng sau này cưới con mình đỡ vắng khách. Kẻ thì mượn dịp trả ơn, nịnh hót. Có kẻ lại chỉ vì sĩ diện... Thành thử, cái việc mời cỗ cưới chẳng những không phế bỏ được, mà đã trở thành tục lệ. Nào ai dám phá? Mấy chục năm nay, ở làng này chỉ thấy lão Tèo với nhà cô Hồng phá tục lệ, chứ còn có ai. Nhưng... chấp làm gì hạng ấy - một tay mõ và con điếm sề. May cho chúng, sống ở cái thời dân chủ cộng hoà này. Chứ thời trước ấy à, lấy nhau mà không sửa mấy cơi giầu thưa trình ông Lý, ông Hộ với các cụ vai vế, thì chỉ còn cách bỏ làng ra đi. Với lại, giả như đôi ấy bày đặt cỗ bàn thì đâm gây khó cho những ai được mời. Dự, mang tiếng hạ cố với tham ăn. Không dự, cũng có phần áy náy, và tránh sao có lúc bị vợ chồng nó mở mồm trách cứ. 
      Rồi, từ sự bình phẩm mời mọc, người ta quay sang bắt mạch tương lai đôi vợ chồng này. Qua bao nhiêu tiên đoán, rút cục, họ đồng ý với nhau rằng: vợ chồng lão Tèo sẽ dần dần khá giả theo đà phát triển chung của xã hội. Cái chính là trông vào một vạn mét vuông đất đã được công nhận quyền sử dụng hợp pháp. Thế tức thị nhà nước cho không lão Tèo một tài sản kếch xù? Cái nhà cô Hồng lấy lão là nhòm mảnh đất ấy đấy. Đất có trăm nghìn giá khác nhau. Đất bãi rác trong cái xó xỉnh ấy còn mục xương chửa gặm được. Thế là lấy nhau vì đất, chứ yêu yêu đương đương chết tiệt gì. Không may lão Tèo sớm ngỏm, hương hoả rơi tất vào tay cô nàng. Lúc ấy, lại tha hồ tí tởn. Có khi cao giá thật lực. Đố ai biết trước được sự vật trên đời này vần xoay thế nào!        Đúng là không ai biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra. Không ai nghĩ, chỉ một năm sau mảnh đất chó ỉa của vợ chồng lão Tèo bỗng dưng giá cao ngất ngưởng. Là nhờ con đường vành đai ba của thành phố chạy kề ngay cửa nhà lão, sẽ được xây dựng nay mai. Khiến vợ chồng lão phải tiếp khách luôn luôn. Khách hỏi mua đất có. Khách là cán bộ địa bàn đến nắm tình hình cũng có. Cho dù chủ đất chưa có ý định bán đổi ra sao, nhưng khách đã đặt giá đến mười triệu đồng một mét vuông. "Thế ra đất của vợ chồng mình có giá tới một trăm tỷ đồng cơ à?". Cô Hồng cười ha há, liền ôm choàng lấy chồng, lắc lư lắc lư. Theo đà, cái giát giường cũng kêu kèn kẹt. Niềm sung sướng bỗng kích thích hứng tình, cô vật ngửa chồng ra, và tự tay tụt quần mình. "Anh à - cô khẽ nói - vợ chồng mình phải quyết kiếm đứa con trai thôi. Để cho nó kế nghiệp". Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu, cô Hồng ngỏ ý muốn có con. Lão Tèo im lặng. Lão cũng muốn có con, nhưng thấy khó. Là tại mình kém sức rồi. "Kìa anh!". Phải đợi vợ giục, lão mới sực nhớ đến việc cần tập trung hết thảy sinh lực trong lúc này, thì mới có thể làm ăn được. Mặc dù lão đã thầm bảo mình phải cố, cố hơn mọi bận, song vẫn chẳng thấm tháp gì trước đòi hỏi của vợ lão. Lão chuyên để vợ trong cảnh đứt gánh giữa đường. "Thôi thì anh nghe em, nay mai anh đi ông lang khám bệnh cắt thuốc tăng lực vậy. Mà em cũng nên kiểm tra cái chứng kinh nguyệt thất thường xem. Để cùng phối hợp cho nó chắc ăn". Cô Hồng lim dim mắt, khẽ gật đầu đồng tình. Nhưng rất tiếc cái sự đồng tình ấy không dẫn tới kết quả như ý họ. Kết quả kiểm tra cho hay: cô vô sinh. Tuy thế, lão Tèo không mấy buồn. Bởi xưa nay đối với lão, sinh con thì tốt, không cũng chẳng sao. Chỉ tiếc cái tài sản của vợ chồng lão lớn như thế mà không có người thừa kế nối giòng. 
      "Không có người thừa kế nối giòng, âu cũng là số phận mỗi người - ông cán bộ địa bàn động viên vợ chồng lão - Nhưng với hai bác, có cuộc sống khá giả thế này cũng đã là hạnh phúc hơn rất nhiều người. Nếu hai bác mà lại đồng tình ý kiến tôi đề xuất hôm xưa, ủng hộ xã một trăm mét vuông đất, thì tiếng tăm hai bác để lại sẽ còn mãi mãi sau này. Cái trạm y tế xã sẽ được xây dựng tại mảnh đất này. Sẽ dựng bia ghi công hai bác đàng hoàng. Cả trạm y tế và bia ghi công làm sao dễ mất đi. Có phải thế không ạ?". Lời nói vừa lễ phép vừa ngọt xớt, mà rất phải chứ lị - lão Tèo nghĩ. Vợ chồng mình không có con thì để lại dấu ấn bằng việc hiến đất là điều rất nên. Hơn nữa, diện tích đất còn lại, thả sức cho vợ chồng mình sung sướng quá trăm tuổi. Xây biệt thự. Sắm ô tô. Thuê con ở... Muốn gì chẳng xong! Được miếng, lại được tiếng tăm để đời, cả làng này dễ có mấy ai? Thì ra cổ nhân nói đúng: Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời! 
      Sau khi vợ chồng lão Tèo thống nhất ý định, đã diễn ra cuộc bàn giao đất thật long trọng ngay tại thực địa. Đủ mặt cán bộ xã - thôn tới dự. Và, lần đầu tiên người ta nhìn thấy những cái bắt tay vô cùng bình đẳng, hết sức thân thiện, giữa vợ chồng lão Tèo với quan khách. Rồi, mấy ngày liền sau đó, đài truyền thanh xã ra rả biểu dương lòng hảo tâm đặc biệt của vợ chồng lão Phạm Công Tèo, cùng bà Trần Thị Hồng. Đây là một nghĩa cử cao thượng, hiếm hoi, đáng để toàn dân noi theo. Ngoài ra, còn mấy anh nhà báo Thành phố và Trung ương kéo về phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh vợ chồng lão Tèo cơ!

(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5922.html;
      -  In trong tập “Chuyện đời 3”, Nxb Hội Nhà văn, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét