Giang Trung Học
Vừa quặt vào con đường rẽ về quê thì tôi gặp Cường - bạn cởi truồng với nhau ngày trước. Dù vội đi họp xa, anh vẫn kịp khoe: "Đấy, cậu thấy không, quê mình bây giờ tuyệt lắm. Gần như mọi gia đình đều bê tông hoá nhà cửa. Cả con đường này mấy năm trước còn là đường đất, nay rải nhựa phẳng lì, hai ô tô tránh nhau ngon lành". Khi Cường đã cho chiếc xe gắn máy nổ rồi, anh còn nói với trở lại: "Tối nay cậu sang tớ chơi, chúng mình nói chuyện nhiều".
Chiếc taxi chở tôi lướt nhanh về làng. Trên đoạn đường hơn một ki lô mét, tôi để mắt ngắm nhìn, trong lòng tràn ngập niềm vui. Đúng là bộ mặt quê tôi đổi thay mau quá. Tất cả làng xa xóm gần đều san sát những ngôi nhà mái bằng mái dốc, cao hai ba tầng. Nom đẹp hơn hẳn phố xá nội thành cách nay trên mười năm. Dọc hai bên đường, ngày trước là đồng ruộng, bây giờ đã san lấp kín. Lác đác mọc lên mấy khu chung cư cao tầng và khu cơ quan hành chính sự nghiệp đang được thi công. Trên công trường, người xe hối hả bận rộn. Cứ đà này, có khi không bao năm nữa bộ mặt quê tôi sánh ngang thành phố mấy nước Đông Âu hiện tại. Không khéo có lúc tôi lại phải tìm cách bò về quê hương sinh sống thôi.
Ảnh minh họa |
Nghe tiếng chuông, bà bác tôi dò dẫm bước ra giữa sân thì dừng lại. Nhận được giọng nói tôi, bác mới đi tiếp ra cổng. Vừa run run tay mở khoá, bác vừa thanh minh: "Mấy năm nay mắt bác chả nhìn thấy gì. Không phải người quen thì chẳng dám mở cổng đâu, cháu ạ. Tình hình bây giờ nó phức tạp lắm. Trộm cướp như ranh ấy, chứ không như ngày xưa".
Ngày xưa, thời tôi còn ở với bác, cái làng này, và cả vùng ven đô này, nó êm đềm yên ổn lắm cơ. Chẳng nhà nào cần cổng rả, song có ai mất mát gì đâu. Bác tôi bảo, nay sơ sảy một tí là mất. To nhỏ đều có thể mất. Từ xe máy, tivi đến cái nồi, cái chảo, con gà, quả trứng... Tôi không tự giải đáp nổi vì sao lại như thế. So với ngày xưa, rõ ràng quê tôi bây giờ khá hơn hẳn. Ngày xưa cả làng không hề có ngôi nhà mái bằng nào. Nhà xây gạch lợp ngói cũng chỉ vài chục nóc. Tức mới chiếm độ một phần mười tổng số hộ. Nghèo mà mọi người vẫn lương thiện tử tế với nhau. Sao bây giờ đời sống khá giả thì tệ nạn trộm cắp lại phát sinh? Biết bác không dễ gì giải thích nổi nguyên nhân, nên tôi không tiện hỏi thêm.
Liền đó, ông anh tôi từ tầng trên bước xuống cầu thang, vừa đi vừa ngáp rõ dài. Tôi nhìn đồng hồ chỉ chín giờ ba mươi phút, nói: "Có thể bác cháu em nói cười to, khiến ông anh mất ngủ. Chắc tối qua anh làm việc khuya?". Anh lại làm một cái ngáp dài nữa, rồi mới đưa tay ra đón chào tôi. Giọng anh rè rè ngái ngủ: "Có việc mẹ gì ra hồn để làm đâu. Thức khuya ngày nay trở thành cái mốt sống của lớp trẻ". Tôi nói: "Anh không đùa đấy chứ. Chỉ chơi, lấy gì mà sống?". "Không hề đùa. Ruộng đất, nhà nước lấy hết rồi còn gì. Sống thì cứ phải sống thôi!". Tôi chưa hẳn tin lời anh. Nếu như vậy thì cuộc sống quá bi đát. Nếu như vậy thì bác tôi đây lấy gì để xây ngôi nhà hai tầng khá to như thế này. Tầng trệt gồm phòng khách, phòng ngủ của bác, phòng bếp và phòng vệ sinh. Trên nóc tầng hai còn sân thượng, có mái che bằng tôn cách nhiệt, trang trí chậu hoa cây cảnh, xem ra quyến rũ lắm. Lúc tôi đứng chờ ở ngoài cổng nhìn lên, thấy sướng cả mắt. Ngày trước, nơi đây là ngôi nhà tre vách đất, lợp rạ. Nên quanh năm canh cánh nỗi lo. Lo mưa. Lo gió. Lo cháy. Lo đổ... Ngay sau nhà là bếp, chuồng lợn, chuồng tiêu. Làm cho cái không khí ngày đêm ngột ngạt mùi xú uế và khói cay xè. Còn mảnh sân đất phía trước nhà thì, nắng không sao nhưng động mưa rào là nước dềnh lên như mặt ao tù. Tôi đã sống hàng chục năm tại ngôi nhà ấy, từ sau ngày thày u tôi đột ngột qua đời. Và tôi cũng đã rời ngôi nhà ấy mười mấy năm rồi. Ba năm đi làm nghĩa vụ quân sự. Tiếp đến là cuộc bôn ba kiếm sống nơi đất khách quê người. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ bác tôi có được ngôi nhà to đẹp thế này. Với cả mọi thứ đồ dùng cũng khá đầy đủ, như là xe máy, tivi, tủ lạnh... đến cái bếp ga. Nếu chỉ dựa vào đó để mà đánh giá cuộc sống thì không kém gì bên Tây. Thậm chí có cái còn hơn Tây. Chẳng hạn là, đối với một gia đình nghèo như bác tôi mà có ngôi nhà riêng như thế này thì, với lớp nghèo ở bên Tây - nước tôi đang ở - rất ít người có. Thế mà cả làng tôi bây giờ đều có. Tôi mới chỉ "cưỡi ô tô xem hoa" đã thấy nhiều ngôi nhà to đẹp hơn nhà bác tôi. Còn có cả biệt thự nữa. Vậy sao ông anh tôi thở ra đầy những bế tắc?
"Chú mày hỏi thì anh nói cụ thể cho mà nghe. Đúng là nhìn bề ngoài thấy cuộc sống gia đình này, hay rộng ra là cả làng cả xã này - bây giờ gọi là phường, đều có sự cải thiện hơn xưa rất nhiều. Song thực chất sự cải thiện ấy dựa vào đâu? Giá như nó dựa vào sức lao động làm nên thì tốt quá. Đằng này sức lao động chẳng làm được gì. Những năm trước còn ruộng đất thì mọi người dốc sức vào đấy để lấy hạt thóc nắm rau mà sống. Nhưng không phải nhà nào cũng đủ gạo đủ rau quanh năm. Nay ruộng đất hết rồi, đành chơi dài. Là bởi cái làng mình xã mình vốn quê thuần nông, nên mất đất là bó tay. Các bố lãnh đạo đã nhiều phen họp bàn, tìm cách đưa nghề sản xuất thủ công về mà không xong. Để có được nghề, đâu chỉ bằng quyết tâm. Còn phải có tiền. Rất nhiều tiền. Lấy ở đâu? Chờ cấp trên cho, nếu có cũng còn lâu, và chỉ là khoản phụ. Khoản chính phải từ dân. Dân mình thì tính toán chắc lép, không ai chịu góp vốn. Thế là chủ trương kế hoạch tan thành mây khói. Đành ai nấy tự bơi để mà sống. Thế lúc qua đầu làng, chú có thấy đám xe ôm ngổn ngang không? Toàn là thanh niên làm nghề xe ôm. Nhưng ăn thua quái gì. Có những đứa được đồng nào đem nướng quán nước với đánh bạc hết béng. Còn đám con gái thì xô nhau vào trong phố tìm kiếm nghề bán hàng. Bán thuê là chính. Nhiều đứa làm ở các quán bar, khách sạn, một số kiêm nghề làm đĩ. Có đáng buồn không cơ chứ. Đấy, thực cảnh nó là như thế. Như thế thì không thể nói rằng sức lao động làm thay đổi bộ mặt cuộc sống!".
Vậy sự thay đổi bắt nguồn từ đâu?
"Từ đất! Hoàn toàn từ đất! - ông anh tôi nói. Hơn hai trăm hộ ở cái làng này đều xây nhà bằng đất, xắm xe bằng đất, thậm chí miếng ăn hằng ngày của nhiều gia đình cũng bằng đất. Chỉ năm hộ không có đất bán thì đành chịu ở cái nhà bẹp nát tự ngày xưa. Ngay nhà mình cũng nhờ bán đất mà thay đổi được bộ mặt. Nói rộng thêm chút nữa: Cả mấy khu chung cư đang xây ở đầu làng ta cũng dùng tiền từ đấu thầu đất - tức bán đất - để làm. Con đường nhựa về xã thì dùng tiền vay nước ngoài. Đấy là tình trạng chung của mọi vùng trên bước đường đô thị hóa. Bỏ qua cái bề nổi hình thức, mới thấy dân mình nước mình vẫn rất nghèo". "Dân còn nghèo thì nước giàu làm sao nổi" - bác tôi vừa nói vừa đưa tới một đĩa doi thật to. Những quả doi tròn mọng, màu đỏ sậm. Chỉ thoáng thấy, tôi đã thèm ăn. Nó vừa xốp, vừa ròn, vừa ngọt, lại vừa thơm. Mùi thơm rõ nhẹ, khiến người ăn vô tình thì khó lòng cảm nhận được. Tôi bỗng nhớ, đây là giống doi đặc sản tại vườn nhà Cường. Ở cái tuổi chíp hôi, bọn chúng tôi hay trèo hái từ lúc quả còn xanh. Nghe đâu thời ấy, thu nhập từ vườn doi đủ nuôi sống cả gia đình Cường gồm năm miệng ăn. "Thế mà nay chả còn đâu cháu ạ. Vườn doi trở thành mấy ngôi biệt thự của ông to bà nhớn mãi tận trung ương về xây. Còn doi này là từ nhà người em ông cụ Cường. Cũng giống ấy cả. Nhưng chỉ còn một cây thôi. Bác nhớ cháu thích ăn nên sang bên ấy xin về". Anh Tùng tôi nói: "Mua đất xây nhà, nhưng nhiều bố đã ở đếch đâu. Thỉnh thoảng thấy vợ chồng con cái ngồi ô tô ù đến chốc lát rồi lại chuồn". Tôi thả một câu: "Thế mà phá mất cả một vườn doi đặc sản. Mất luôn một vườn bóng mát. Thật tiếc!". Anh Tùng: "Nay mai rồi tiệt giống đặc sản ấy. Cả cái làng này rồi tiệt hết mọi giống cây ăn quả, cây bóng mát. Vì bán đất lời hơn. Nên sớm muộn, ai chưa bán thì sẽ bán. Kẻ có tiền sẽ còn mua. Mua với bất kể giá nào. Vì thế giá đất cứ vùn vụt cao". Bác tôi nói: "Ơn nhờ Đảng lãnh đạo giá đất lên cao, nên bác cũng được nhà cửa khang trang thế này...". Anh tôi phì cười, nói chặn: "Mẹ nói thế là sai đường lối chính sách rồi". Bác tôi cười nheo nheo cặp mắt, nom thật là hiền: "Thì mẹ già cả, biết chi li làm sao được mọi cái đúng sai. Xưa nay mẹ vẫn nghe cán bộ phổ biến rằng, đời sống người dân hơn lên là nhờ ơn Đảng".
Tôi hỏi: "Thế giá đất nhà mình là bao nhiêu?". Anh tôi đáp: "Hiện tại mười lăm triệu đồng một mét vuông. Năm nhà mình bán mười ba triệu. Bán năm mươi mét được sáu trăm năm mươi triệu đồng. Còn đúng một trăm mét để xây cái nhà này và làm tí sân". "Thế xây nhà với sắm sửa đồ đạc xong thì còn bao nhiêu?". "Đâu chỉ có xây nhà với sắm sửa. Còn phải gửi cho cô em gái ở Sài Gòn hai trăm triệu nữa. Nên số còn lại khoảng hai trăm triệu, cộng năm mươi triệu tiền đền bù đất canh tác, không đủ để làm ăn cò con". "Sao lại cò con? Em nghĩ với số vốn ấy, anh đủ sức xoay xỏa thuận lợi chứ lị!". Tôi nói thế là căn cứ vào thời mình còn ở trong nước, thấy người ta chỉ có dăm ba triệu đồng là đã mở được cơ sở sản xuất để kiếm sống ung dung. Nay anh tôi học trường kinh tế ra, lại có số vốn khơ khớ, muốn làm ông chủ nhỏ khó gì. Anh cười, bảo tôi cũ rích. Từ sau cái ngày nhà nước ta bỏ bao cấp, thực hành chính sách kinh tế thị trường, thì những "ông chủ con" lúc ấy - là các hợp tác xã và tổ sản xuất - thi nhau đổ bể. Do "các ông" không có vốn lớn để mua nguyên liệu vật tư phục vụ sản xuất. Nhiều cơ sở còn cần vốn để thay đổi máy móc thiết bị nữa. Lúc này không thể dùng những cái máy tự tạo hoặc cũ rích được. Công cụ sản xuất lạc hậu thì chỉ có thể làm ra sản phẩm vừa xấu vừa đắt, sẽ chẳng ma nào mua cho. Trước nhu cầu về vốn, "các ông" không đáp ứng được, nên không thể tồn tại.
Tất nhiên, do đòi hỏi của sự sống, nó sẽ lại ra đời một loạt đơn vị sản xuất kinh doanh mới. Anh tôi cũng máu me góp vốn làm ăn. Những mong cuộc sống sớm khá giả lên. Chứ tìm cách chui đầu vào biên chế nhà nước, hưởng đồng lương ba cọc ba đồng thì khổ suốt đời. Nhưng chỉ được hơn một năm, anh phải vội rút ra. "May mà mình còn đủ tỉnh táo kịp thu hồi vốn - anh nói. Với cái lối làm ăn lừa lọc, chộp giựt phát sinh trong thời kỳ này đã khiến nhiều thằng trắng tay!". "Sau đó anh làm gì?". "Thỉnh thoảng bọn chúng nó vớ được việc vặt ở những công trình xây dựng quanh đây, thì tham gia cửu vạn. Xong lại nghỉ dài". "Chơi, anh không sốt ruột à?". "Thằng nào chẳng sốt ruột. Nhưng bế tắc. Bế tắc mới đẻ ra lắm sự phức tạp ở xã hội. Nghĩ thật chán đời!". Tôi nhìn thấy sự chán đời hiện rõ trên mặt anh, qua nét buồn buồn đăm chiêu với cặp mắt lim dim không muốn nhìn. Cả cái dáng đi cũng không thèm nhanh nhẹn nữa. Anh khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa anh thuộc loại thông minh, nhanh nhẹn, cởi mở lắm cơ. Học giỏi. Vì giỏi nên anh vào nổi đại học, được miễn gọi nhập ngũ. Nếu không, anh đã phải đi bộ đội cùng đợt với tôi. Đối với hoạt động thiếu niên, rồi đến hoạt động thanh niên, anh luôn gương mẫu và biết lôi kéo bạn bè làm theo. Nên anh hay bị chúng tôi đẩy làm cán bộ. Bây giờ thì... anh nói: "Tớ thèm vào cái trò gương mẫu tích cực nhưng vô bổ ấy. Cả cái bằng đại học kinh tế của tớ còn chưa biết thi thố thế nào để kiếm việc làm đây". Tôi hỏi: "Anh kén việc à?". "Nói kén cũng đúng. Vì bây giờ mình chỉ thích làm ở các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước thôi. Cho dù đồng lương ba cọc ba đồng, song nó vẫn được số đông hướng tới. Mình quá sợ cái kiểu làm ăn bên ngoài rồi".
Không hiểu vì sao anh tôi tìm kiếm công ăn việc làm lại khó khăn đến thế. Ừ thì sắp xếp việc cho số đông, lại chẳng có nghề ngỗng gì, khó là phải. Còn anh tôi có bằng đại học kinh tế loại giỏi, sao không xin nổi việc làm. Chẳng lẽ đất nước mình thừa chất xám? Anh giải thích: thừa thì vẫn thừa, thiếu vẫn cứ thiếu. Tôi không hiểu ý câu nói ấy. Anh bĩu môi rồi cười chua chát: "Thực chất là thiếu. Song không vì thiếu mà dễ dàng xin được việc đâu". Anh từng đâm đơn xin việc tại nhiều nơi thông báo tuyển dụng nhân lực. Có nơi lờ tịt đi. Có nơi gọi phỏng vấn, khen trình độ anh nhưng nói "rất tiếc đồng chí thiếu chứng chỉ tin học văn phòng". Anh đề nghị cho thao tác trực tiếp để thể hiện năng lực tin học của mình. Người phụ trách tuyển dụng liền đưa ra một văn thư có biểu bảng khá phức tạp. Vậy mà chỉ vèo một cái anh hoàn thành. Lại nghe người ta khen nữa. Để rồi... sự khấp khởi chờ đợi việc làm cứ tan biến dần trong. Tuy nhiên, anh không mất hẳn niềm tin. Anh đã cố gắng trang bị cả cái bằng C tiếng Anh. Về tin học, anh cũng lấy đủ chứng chỉ. Anh tin vào hồ sơ xin việc của mình từ nay có giá hơn người. Nhưng vẫn biệt tăm lời mời gọi làm việc dành cho anh. "Vậy người ta cần gì nữa?". Tôi hỏi câu đó vì có láng máng biết tình trạng vòi vĩnh đút lót ở ta. Giọng anh sẵng nỗi bất bình: "Cần gì à? Chúng nó cần ăn tiền. Nên thằng nào mạnh tiền là xong!". "Sao anh không tống cho chúng một ít?". "Những năm ấy tiền ăn chẳng có thì lấy gì để đút lót". Nói thế, chứ nếu có tiền chưa chắc anh đã chịu đút lót. Anh không chịu thật. Bác tôi kể: "Cái độ nhà này có tiền rồi, bạn cùng học với nó xui bỏ năm chục triệu đồng để mua chỗ làm thầy ở trường đại học, mà nó có nghe đâu. Trường ấy, các thầy dạy đều khen nó. Nếu nó muốn về đấy thì rất thuận lợi". Anh nói: "Mình thà làm dân đen nhưng tâm hồn trong sáng còn hơn làm ông thầy vẩn đục". Rõ ràng cái tính thẳng thắn xưa nay của anh, ở thời đoạn này chỉ làm anh khổ thêm. Đương nhiên tôi không hề có ý trách anh. Kẻ đáng trách không phải là anh.
Câu chuyện giữa bác cháu anh em tôi bị cắt ngang, bởi có bà lão hàng xóm sang nhờ anh chở người đến bệnh viện cấp cứu. Anh nhanh nhẩu dắt xe đi liền. Cái dáng lờ đờ chậm chạp bỗng tan biến mất. Bác tôi than vãn: "Có lúc cứ như là anh xe ôm ấy, cháu ạ. Nó được cái dễ tính, lại chắc chắn, nên người ta hay nhờ. Có bận giữa đêm mưa to gió cả cũng đánh xe đi giúp. Dĩ nhiên là người ta phải tìm cách trả công thôi. Thế nhưng bạn bè rủ đi xe ôm chuyên thì không chịu". "Anh ấy sĩ diện hả bác?". "Sĩ diện gì đâu. Chúng nó rủ móc cống đổ thùng còn đi kia. Có điều, nó bảo vào cái nghề xe ôm phức tạp lắm. Phải giành giật thì mới có khách. Mà đã giành giật là khó tránh sự chửi bới đánh lộn nhau. Vì thế nó không làm". "Thế cuộc sống hằng ngày của nhà mình dựa vào đâu hả bác?". "Thì cũng như phần lớn các nhà thôi. Có sao sống vậy. Anh nó kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Còn thì dựa vào cái sổ tiết kiệm lấy lãi ra mà ăn. Tiền tiết kiệm là tiền bán đất đấy!".
Lúc bác ra chợ, tôi mới nhẩm số tiền lãi tiết kiệm của gia đình ước là bao nhiêu. Dựa vào mục quảng cáo trên ti vi đang nói về lãi suất tiền gửi nên tôi tính được. Như vậy, mỗi tháng nhà bác có khoảng một triệu hai trăm nghìn đồng, tương đương tám mươi đô la. Chia bình quân, mỗi người mỗi ngày chỉ được sống hơn một đô la. Anh tôi bảo: "Người làng này, số đông chỉ sống ở mức ấy thôi. Mà chú mày phải hiểu rằng, hơn một đô la ấy không chỉ dành cho ăn. Còn rất nhiều khoản chi cần thiết nằm trong đó”. “Thế thì sống làm sao nổi?". "Chú mày mới rời làng mười mấy năm mà xem ra lơ ngơ như người từ trên trời rơi xuống. Để anh tính cụ thể cho mà nghe". Rít xong điếu thuốc lào, anh thủng thẳng kể. Anh đưa ra mấy khoản bắt buộc phải có cho mỗi bữa ăn như: gạo, rau, mắm, muối… Và mấy khoản không bắt buộc có thường xuyên như: thịt, cá, tôm, cua… Chi ly từng khoản, cộng rồi trừ. Sau rốt anh nói: “Như thế, mỗi tháng nhà này còn khoảng mười đô la để chi các khoản cần thiết khác. Như: may mặc, chữa bệnh, đi lại, hiếu hỉ… Có điều - ông anh tôi vừa cười vừa nói - cấm người nghèo ốm nặng. Bởi một ca phẫu thuật nhỏ có thể phải chi tới mười triệu đồng. Ca lớn lên tới năm mươi, bảy mươi triệu. Lại còn tiền thuốc, tiền viện phí nữa. Mỗi ngày từ nửa triệu đến một triệu đồng trở lên". "Nhưng một đời người, hiếm có ai tránh nổi ốm đau nặng". "Nặng thì vui vẻ mà đón nhận cái chết. Số kiếp người nghèo bao giờ chẳng vậy!". Rồi anh kể bác tôi năm ngoái ốm một trận tưởng chết mười mươi. Nếu không có khoản tiền bán đất thì cầm chắc chết. Phải chi gần tám chục triệu đồng mới cứu nổi. "Trong số đó - anh tôi nói - mười triệu đồng chi khoản tiêu cực".
Tiêu cực phí là cụm từ quen tai đối với tôi từ ngày còn ở trong nước. Nay tôi hay bắt gặp trên mạng internet cụm từ tham nhũng, để chỉ cái mức độ tiêu cực nó hành hoành dữ dội hơn xưa. Tham nhũng đang là tệ nạn phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi trên đất nước mình. Tham nhũng đang làm khốn khổ người dân. Có lời bình rằng: Tham nhũng là ăn cắp căn cướp, sao phải né tránh việc gọi đúng tên nó? Né tránh từ việc gọi tên, thì không hy vọng dập tắt được tệ nạn này. Tôi thầm ái ngại trước thực cảnh gia đình ông anh. Với số tiền bán đất để dành được ấy, nếu chẳng may trong nhà thêm một lần có người ốm nặng hoặc gặp nạn là xoẳn. Không xoẳn, cũng chẳng còn gì đáng kể. Cuộc sống thật đáng báo động! Ông anh tôi nói: "Báo động không riêng đối với nhà này. Mà gần như cả làng cả xã này đều đang sống trong tình cảnh báo động. Biết rõ đấy, nhưng không có lối thoát. Số đông đành âm thầm cam chịu, chưa biết giẫy giụa thế nào. Một số quẫy đạp tìm cách bung ra, song cũng chẳng sáng sủa gì. Có người làm bậy rồi bị ngồi tù".
"Vậy anh có thích thú trước việc quê mình đô thị hoá không?". "Thích chứ. Mọi người đều thích. Nhất là thời gian đầu, không khí làng xã phấn chấn hồ hởi lắm. Thì đang là một vùng quê nghèo kiết xác, bỗng trở thành phường khóm thuộc thành phố mà. Đấy là cái thích trước tiên. Cái thích kế tiếp là tiền. Dường như nhà nào cũng có tiền. Năm bảy trăm triệu đồng, có. Mấy tỷ đồng, có. Gia đình nào chật chội, không thể bán đất, cũng có dăm ba chục triệu đồng, đến hàng trăm triệu. Đấy là khoản nhà nước đền bù đất canh tác bị thu hồi. Khi tiền đã nắm trong tay, người người mới đua nhau xây nhà. Thế là các kiểu nhà cửa thi nhau mọc lên. Lô nhô, cái cao cái thấp. Hướng đông, hướng tây. Bôi xanh bôi đỏ. Nom chẳng ra làm sao. Rồi đến phong trào sắm xe máy. Xe máy bông nhông lũ lượt ngày đêm. Tạo ra một sự đổi đời trông thấy. Sự đổi đời ngoài sức tưởng tượng của hết thảy mọi người".
Nhưng rồi - anh tôi bảo - sau một thời gian, cái thú xây nhà sắm xe nguôi dần, đồng tiền trong túi cũng cạn dần, người ta mới quay trở lại toan tính miếng cơm manh áo một cách cụ thể hơn. Nhiều người mới thấy hẫng hụt bởi sự bốc đồng theo cơn sốt xây nhà sắm xe và xả láng ăn chơi một độ. Cũng bởi có tiền, đến nay làng tôi phát sinh đủ thứ tệ nạn. Cờ bạc. Đĩ điếm. Nghiện hút. Nhiễm HIV. Đâm xe gây thương tích. Ngồi tù... Tất cả đều trong độ tuổi thanh niên. Những tệ nạn này, trước kia không hề xảy ra. Và, đã có mấy gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn trầm trọng. Bởi không dự phòng đồng tiền cho sự cố ốm đau, tai nạn. Khi xảy sự cố, đâm ra cháy túi. Anh dự đoán làng này sẽ còn nhiều nhiều gia đình cháy túi trong những năm tới đây. Cháy túi, tệ nạn tất sẽ càng phát triển. Càng làm đau đầu các nhà quản lý. Các bố đau đầu vì ôm tham vọng quét sạch tệ nạn xã hội. Quét sạch thế nào được. Có chăng chỉ hạn chế nó thôi. Hạn chế bằng nhiều cách. Trong đó, cần quan tâm xoá bỏ nghèo đói bằng việc tạo ra việc làm thường xuyên và bền vững cho mọi người. Song khốn nỗi, vấn đề việc làm và xóa bỏ đói nghèo lại “hóc” nhất.
Tôi hỏi: "Về gia đình mình anh tiên đoán thế nào? ". "Sẽ nguy khốn nếu cả hai người cùng ốm đau bại liệt. Còn xảy sự cố thông thường thì không đáng ngại. Nói thế, chẳng phải mình chỉ trông chờ vào số tiền gửi tiết kiệm. Trong khi tiếp tục tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn, mình vẫn ra sức làm cửu vạn, ôshin đấy thôi". Anh tôi hy vọng, với sự cố gắng làm việc của bản thân có thể hạn chế dần dần, tiến tới chấm dứt việc ngoạm vào đất để sống. Theo anh, đứng ở góc độ kinh doanh mà xét, ăn vào bất động sản là thua lỗ, bại liệt. Như thế, dù ở nhà lầu, đi xe hơi cũng không có gì đáng tự hào cả.
Tôi thấy quan niệm của anh khác hẳn Cường. Cường tỏ ra tự hào và hãnh diện trước mọi mặt thay đổi của quê hương. Chẳng lẽ Cường không biết người dân đang sống đang ăn vào đất đó sao? Anh tôi nói: "Chẳng phải không biết. Cũng nóng lòng sốt ruột lắm, mà chưa biết gỡ bế tắc cho dân bằng cách nào. Còn nó tự hào hãnh diện chẳng qua đang giữ chân cán bộ chủ chốt xã, nay là phường. Hiếm có anh cán bộ không lợi dụng cái bề nổi để khoa trương khoác lác!".
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5890.html
- In trong tập “Chuyện đời 3”, Nxb Hội Nhà văn,
2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét