Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Các nhà nghiên cứu văn học: Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý nói về kịch QUẪN(*)

            (…) Bên cạnh đề tài công nghiệp, kịch nói cũng đi vào đề tài cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở các thành phố, thị xã. Kịch nói về đề tài này có các vở Thói cũ (Trần Vượng), Vòng quay (Phan Mỹ), Quẫn (Lộng Chương). Các vở này đều nhằm nêu lên những mưu mô, thủ đoạn của những kẻ ngoan cố chống đối lại chính sách cải tạo tư sản của Chính phủ, đồng thời khẳng định tính chất đúng đắn và hợp lý của chính sách này.
Ký họa NVK Lộng Chương
             Với Quẫn (Hài kịch 5 hồi và một cảnh vào trò), Lộng Chương đã đánh dấu một thành công mới cho thể kịch hài Việt Nam.
            Phê phán, châm biếm một gia đình tư sản ở Hà Nội trong cuộc cải tạo công thương nghiệp những năm 59 - 60 bằng nghệ thuật trào lộng khi hóm hỉnh, khi chua cay, sắc sảo, vở diễn Quẫn đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và trở thành một vở hài kịch tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất của sân khấu cách mạng nước ta từ năm 1945 đến nay.
            Câu chuyện gia đình tư sản Đại Cát trong Quẫn loanh quanh tìm cách giấu của trước khi vào cải tạo, là câu chuyện khá điển hình về các nhà tư sản “quẫn”: chính họ tự gây ra những điều rối rắm đến nực cười, để tự mình làm khổ mình.
            Ở Quẫn, những tình huống “gay cấn, éo le” một cách hài hước, lý thú, làm bật lên những trận cười ròn rã mà không hề hời hợt, nông cạn. Ngôn ngữ kịch vừa vui, vừa chính xác mà vẫn sống động, bất ngờ. Những nhân vật kịch rất đậm nét, rất thực, rất sắc xảo và lý thú, khiến cho người xem nhớ mãi. Đó là thành công đáng kể của tác giả. Thành công ấy khiến cho mỗi khi nhắc đến Lộng Chương, người ta không thể không nhắc đến Quẫn và khi nhắc tới kịch hài ở nước ta, không thể không nhắc tới Quẫn. Trong đó, nhân vật cụ Đại Lợi vẫn được xem như là một hình tượng điển hình đặc sắc của hài kịch từ trước đến nay (…)





Một số cảnh trong Hài kịch "Quẫn" - Nhà Hát Kịch Việt Nam







(*) - Trích sách “Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam”; Nxb Văn hóa, Hà Nội-1982; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
   - Tên bài do Biên tập đặt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét