Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Về một nhà viết kịch không chuyên

NVK Bùi Nguyên Cát
Đó là ông Bùi Nguyên Cát. Tôi gọi như vậy, e vừa đúng, vừa sai. Đúng! Vì nghề chính của ông là làm chính trị. Sai! Là vì, nhìn vào khối lượng kịch bản so với quỹ thời gian quá ít mà ông đầu tư vào đó, liệu nhiều người viết chuyên có dám sánh cùng ông!?
Có một ngày tôi đến thăm ông. Qua mấy tháng mới gặp lại, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sắc mặt tái xạm của ông. Trong tôi, trào lên nỗi đau khó tả. Cha tôi - nhà viết kịch Lộng Chương, vừa "đi xa", nay nhìn thấy ông - người bạn thân thiết của cha, trong thể trạng sức khoẻ như vậy, xuất hiện trong tôi nỗi lo lắng mơ hồ. Một ngày nào đó, có thể rất gần thôi, tôi e không còn được đến ôm ông, áp má vào nơi trái tim già nua của ông đang dần chậm nhịp đập...
Bùi Nguyên Cát và cha tôi từng cùng học Trường Bưởi (Trường Chu Văn An bây giờ); đã từng rủ nhau viết và đóng kịch ngay khi còn ngồi ghế học trò.
Ông kể, có lần ông cùng cha tôi và nhạc sĩ lừng danh Văn Cao, rủ nhau ra ngoại thành, ngồi bệt ở một gốc đa, vừa ăn cơm nắm chấm muối vừng, vừa đọc cho nhau nghe một kịch bản mới viết. Thế rồi, khi kháng chiến bùng nổ, họ chia tay nhau, mỗi người một phương, phục vụ sự nghiệp chung theo cách riêng của mình. Cái duyên với nghệ thuật kịch không đeo bám Bùi Nguyên Cát như cha tôi, nhưng ông vẫn da diết với nó trong suốt cuộc đời. Những năm tháng dấn thân trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, với tài năng văn chương bẩm sinh của mình, ông thường tranh thủ dùng ngòi bút, tự biên, tự diễn nhiều vở kịch ngắn, động viên anh em bộ đội chiến đấu. Ngay cả mấy chục năm đảm nhiệm chức Bí thư Đảng uỷ một trường Đại học lớn nhất nước - Trường Đại học Bách khoa, với bao lo toan trĩu nặng, ông vẫn không nguôi nỗi ám ảnh về một nền nghệ thuật kịch phục vụ công cuộc chiến đấu và xây dựng nước nhà. Một vở kịch nói ghi đậm dấu ấn của Bùi Nguyên Cát trên sân khấu Thủ đô là vở "Hà Nội đầu năm 46", do Đoàn Kịch Hà Nội dàn dựng. Vở diễn đã gây tiếng vang trong một thời đoạn của lịch sử sân khấu. Dư luận chung hồi đó đánh giá, "Hà Nội đầu năm 46" là một vở kịch tốt, có sức nặng về cả hai mặt: nội dung và hình thức. Với một nhà chính trị, trong bộn bề công việc mỗi ngày, Bùi Nguyên Cát phải thực sự mang trong mình nỗi niềm đau đáu cùng một tình yêu thiết tha với nghệ thuật kịch, mới có thể đạt được thành công ấy. Cũng với tình yêu và niềm đau đáu ấy, cho đến khi về hưu, ông thật vui mừng vì "Giờ mới là lúc tôi có điều kiện để giành tâm sức cùng thời gian để viết kịch".
Cả cuộc đời, rải rác trong từng thời kỳ, Bùi Nguyên Cát còn viết nhiều vở khác: Nhà 3.000, Con bồ nông (1987), Vụ án khó xử (1994), Nàng Luyện kim, Tình người... Những vở này đều đã được dàn dựng và biểu diễn; được công chúng nhiệt tình đón nhận. Còn nhớ, khi đang là nữ sinh Trường Đại học Bách khoa, tôi cùng lũ bạn bè đã đứng chen chúc trong Hội trường lớn C2, mê mải xem vở rối Nàng Luyện kim của ông.
Bùi Nguyên Cát còn nhắc lại tôi nghe, về những vở ông viết giai đoạn kháng chiến chống Pháp và trước đó, khi ông hoạt động ở nội thành, trong Ban Kịch Hà Nội, nay đã thất lạc mất rồi. Với ông, đây cũng là nỗi đau không dễ nói! Trong điều kiện sức khỏe hiện tại, ông khó có thể sưu tầm lại những sáng tác đã bị thất lạc ấy! Không biết, liệu tôi có giúp gì được cho ông!?
 Còn nhớ sinh thời, cha mẹ tôi thật mừng mỗi lần ông đến chơi nhà. Tuy không "ghiền" rượu như cha tôi, ông vẫn nhận ly của mình, nâng lên, đặt xuống cùng cha, thưởng thức đĩa đậu rán ròn mà mẹ tôi nhiệt tình đặt giữa hai người. Nhắc đến kỷ niệm giản dị này, ông rưng rưng nước mắt, giọng nghẹn lại. Ông bảo: Hồi đó, chỉ đĩa đậu rán thôi, cũng là đồ nhắm xa xỉ lắm. Nhưng không riêng gì ta, với những bạn bè khác của cha cháu, mẹ cháu bao giờ cũng tận tuỵ và rất rộng lòng.
Hồi đó, ông đến với cha tôi vì công việc - có. Đến chỉ để thăm nhau một vài phút cho đỡ nhớ - cũng có. Những lúc đó, ông vào nhà, còn bà giữ xe đạp chờ ở cửa. Tôi hiểu, công việc của Bí thư Đảng uỷ một trường Đại học lớn không cho phép ông khề khà lâu ở bất cứ một chỗ nào. Nên, ông đã tranh thủ đến với cha tôi như vậy đó.
Tôi ngồi ngắm ông, nghe ông hoài niệm về một đoạn đời không thể quên, với những gì mà mình từng tâm nguyện giành cho nghệ thuật kịch nước nhà, lại liên tưởng về những ngày ông và cha tôi cụng ly rượu làng Vân trong vắt, cùng cất lên một tiếng "khà" sau lúc nghiêng giọt rượu ướt môi. Nhưng thật lạ... trong mắt ông ánh lên nét buồn buồn khó tả. Tôi hiểu rồi, ông còn muốn viết nữa, muốn những tác phẩm kịch mà ông đã "thai nghén" ngay từ những ngày còn đang gánh vác trách nhiệm nặng nề của Bí thư Đảng uỷ một trường Đại học lớn, phải được "sinh ra". Nhưng giờ thì, theo quy luật của trời đất, ông lực bất tòng tâm. Ông buồn là vì vậy!
Riêng tôi, muốn nói với ông rằng, những việc mà ông đã làm được cho sân khấu, chỉ những việc ấy thôi, ông có quyền tự hào. Và, có quyền được nghỉ ngơi. Bởi, với một nhà viết kịch nghiệp dư (như ông tự nhận), cho ra đời ngần ấy tác phẩm, cũng là quá nhiều!
                       Người Hà Nội 12/8/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét