Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

BÁC LỘNG CHƯƠNG VỚI TÔI VÀ GIA ĐÌNH

Bài phát biểu của NSƯT, Đạo diễn Lê Chức 
tại Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương.

      Bác Lộng Chương có một mối quan hệ đặc biệt trong hoạt động sân khấu với gia đình tôi. Ông từng công tác Tuyên huấn với thân sinh tôi là Nhà thơ, Kịch sĩ Lê Đại Thanh, tại Liên khu Ba những năm đầu của kháng chiến toàn quốc (1946), và giữa hai ông có rất nhiều câu chuyện vui có tính giai thoại trong sáng tác và đời sống. (Ông Hà Văn Cầu kể lại là đã từng nghe bố tôi “giảng” về sáng tác, vì từ năm 1943 đã có kịch bản “Ông giáo Mỹ” của cha tôi được diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, còn kịch bản “Hai người trọ học” của ông Lê Đại Thanh đã được giải của Tự lực văn đoàn cùng giai đoạn với “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc).
      Sau 10/10/1954 cả hai ông trở lại Hà Nội giải phóng. Bố tôi về Hội Nhà văn; bác Lộng Chương tham gia thành lập Hội Sân khấu và là Ủy viên Thường vụ khóa I (1957- 1983). 
      Bác Lộng Chương đưa anh trai tôi là Nhạc sĩ Lê Đại Chương (1936 - 1985) vào Đoàn Chèo Cổ Phong - Hà Đông (nay là Đoàn Chèo Hà Tây thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội). Anh tôi là Nhạc trưởng, sáng tác và chỉ huy ở đó. Bác Lộng Chương đưa chị Lê Mai tôi vào Đoàn kịch Thanh Niên thuộc thành đoàn Hà Nội, rồi Đoàn kịch Công nhân của Công đoàn Hà Nội. 
      Còn tôi - được thể hiện nhân vật Nguyễn Thế Kỷ - Trung úy phản chiến của chính quyền Sài Gòn trong hài kịch nổi tiếng “Cửa mở hé” mà bác Lộng Chương là tác giả, NSND Trần Hoạt sau này - khi đó là Đạo diễn. Đoàn kịch Hải Phòng trước năm 1972 nổi danh nhờ hai vở diễn: “Masa” và “Cửa mở hé”. Do đó mà tôi được làm việc, học hỏi trực tiếp từ bác Lộng Chương và thầy Hoạt. Có thể nói hai ông nghệ sĩ này đã sớm là một “Cặp đôi hoàn hảo” về hiểu nhau và làm tăng giá trị của nhau trong sáng tạo trên sân khấu, và trong cuộc sống là một đôi bạn “tâm đầu ý hợp” gánh đỡ cho nhau trong nhiều tình huống rất đặc biệt khi đi dựng vở, kể cả việc bác Hoạt “ứng” quá tiền nhuận bút đạo diễn thì lấy nhuận bút kịch bản của tác giả Lộng Chương trả thay. Được làm việc với hai bậc thầy này là một hạnh phúc nghề nghiệp, bởi được nghe giảng giải cặn kẽ, được hướng lái để tự “bay lên” với vai Trung úy Nguyễn Thế Kỷ, khi đó tôi mới 24 tuổi đã đạt được kết quả mà cả thầy và trò cùng người xem chờ đợi. Tôi làm nghề diễn viên và không qua trường lớp đào tạo chính quy - phần là do bố mẹ và anh chị em tôi đều làm nghệ thuật, phần nữa là do tôi quá đam mê và tự thân đi vào Sân khấu với sự hướng dẫn ban đầu của thầy Dương Ngọc Đức, Nghệ sĩ Ngọc Hiền. Cho nên được phân vai chính thì mừng và lo xáo trộn nhau. Nhân vật Trung úy Nguyễn Thế Kỷ khá gần gũi với tôi về tuổi đời (dù vai kịch hơn tôi 6 tuổi), nhưng số phận, tình huống kịch, lời kịch và các mối quan hệ thì lại rất rõ để làm cơ sở cho tôi có chỗ bám vào làm cho sáng rõ hơn lên. Tính cách “ngang bướng” của vai kịch cũng dễ làm cho người xem được thích về mặt cảm tính. Khi đó tôi lại có nhiều yếu tố thuận lợi về hình thức và tiếng nói trên sân khấu, nên vai kịch từ chỗ khó thì dần dần bớt đi khoảng cách giữa tôi và viên Trung úy. Có lớp tôi nhảy múa, la hét với các manequin, có lúc lại lắng xuống để bộc lộ mình trước sự trong trắng của cô gái giúp việc có tên là Vỵ; chợt bùng lên tranh luận với người anh là Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Thế Bách và cái gia đình phức tạp của anh ta,… 
     Từ kịch bản đã cho vai diễn của tôi nhiều chất liệu, lại được “thầy phù thủy” Trần Hoạt “gẩy gót” cho, người xem lại ủng hộ - do đó vai diễn của bác Lộng Chương cho tôi trở thành một vai có dấu ấn ban đầu và lâu dài trên sân khấu kịch của tôi. 
      Vở diễn “Cửa mở hé” không đủ vé để bán cho từng đêm. Diễn viên mỗi đêm diễn được mua hai vé để mời người thân. Vé “chợ đen” lên gấp 5 lần tại Nhà hát nhân dân Hà Nội ngày đó với 5600 chỗ ngồi (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô). 
      Năm 1972, Đoàn Kịch nói Hải Phòng đã có một đợt diễn 30 ngày tại Rạp 3/2 Nam Định với hai vở “Masa” và “Cửa mở hé”. Tình hình vé cũng diễn ra đúng như thế. Có một điều lạ là một số anh em người miền Nam ở Nam Định rất thích vở “Cửa mở hé” vì câu chuyện liên quan đến địa danh Huế, xuất hiện ông bà Giáo sư, gia đình Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Thế Bách và các thân nhân của họ trước các sự kiện của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 tác động vào toàn bộ đời sống xã hội của Huế lúc đó. Đặc biệt là nhân vật Trung úy Nguyễn Thế Kỷ do tôi đảm nhiệm với tính cách phản kháng pha chút “ngông nghênh, phá đời” ăn nói những lời triết lý bình dân. Từ đó mà anh em người Nam đi xem từng đêm, mời đón chúng tôi ăn tối, ăn trưa ở một vài nhà hàng “khá nhất” lúc bấy giờ. Đi với nhau, thân thiết mà không ai cần phải biết người mời là ai - chuyện trao đi đổi lại chỉ xoay quanh vở diễn với số phận của các vai kịch trong đó. Xong đợt diễn, về lại Hải Phòng thì là đợt Không quân Mỹ đánh bằng bom B52 nhằm hủy diệt ý chí chiến đấu của chúng ta - Hải Phòng “chao đảo” từng đêm bom đạn và có tin: tôi bị chết với một gói đường trên tay, trong một hầm cá nhân với họa sĩ Tường Vân. Tin về Nam Định, làm người xem nhớ tiếc; anh họ tôi từ đó mà ra Hải Phòng để thăm hỏi. Ông Lộng Chương cũng nhận được lời “phong thanh” đó mà không tìm ra cách nào để xác nhận. Ông tìm gặp những người ruột thịt của tôi ở Hà Nội và đã yên lòng trở lại, bởi ông tâm niệm: hình như vai kịch đó, ông viết là để cho tôi!
      Đến năm 1979 tôi lên Hà Nội để đi học, ông có ý định đưa tôi đến diễn cùng với anh chị em của Đoàn Kịch Công nhân Hà Nội và sau khi tốt nghiệp về nước (1987) tôi có nhiều dịp được đến thăm và tiếp tục “thụ giáo” thầy Chương. 
      Dù chỉ được diễn một vai trong một vở nổi tiếng của bác Chương, nhưng đó là một phần đời nghề nghiệp của tôi, lại ở những ngày đầu tiên, nên dấu ấn là sâu nặng. 
     10 năm nay không còn ông để gặp, nhưng không có gì tôi quên về ông và gia đình thân thương này. 
Hà Nội, cuối tháng 6 năm 2013
3/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét