Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TỪ ANH LỘNG CHƯƠNG

Bài phát biểu của Nhà nghiên cứu văn học Kịch Hồ Ngọc trong 
Lễ Tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương.
     
Nhà nghiên cứu văn học kịch Hồ Ngọc (Người đang đi)

 Tôi quen biết anh Lộng Chương từ những năm 60 thế kỷ trước.
      Hồi ấy, tôi đang công tác tại Viện văn học, chuyên nghiên cứu về văn học kich nên thường được mời tham gia các buổi sinh hoat nghệ thuật do Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức.... Chính anh Lộng Chương và anh Nguyễn văn Niêm là hai người đã giới thiệu tôi vào Hội và sau đó ít lâu rủ tôi về công tác tại Văn phòng Hội, vì lúc đó Hội dang cần có một người tương đối trẻ và năng nổ ... Năm 1968, tôi trở thành cán bộ của Hội và do cương vị công tác lúc bấy giờ là Chánh văn phòng nên thường xuyên phải làm việc với các anh ở Ban Thường vụ, trong đó có anh Lộng Chương.
      Ở lễ kỷ niệm hôm nay, chắc chắn sẽ có nhiều bạn nói về những thành tựu nghệ thuật của nhà soạn kich Lộng Chương. Riêng tôi , với tư cách là người làm việc lâu năm ở Hội, chỉ xin nói đôi điều cảm nhận từ con người anh - một nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Việt nam hiện đại.
      Trước hết, tôi học ở anh đức tính cương trực, thẳng thắn, đặc biệt là tinh thần dám nhin thẳng vào sự thật, dám nói lên những điều dễ làm mất lòng một số người lãnh đạo cấp trên trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thuờng bất tài và cơ hội mà anh rất khinh bỉ. Chính vì tính cương trực này mà anh đã bị thiệt thòi về nhiều mặt. Chẳng hạn, dù anh hoàn toàn đầy đủ điều kiện để trở thành một Đảng viên, và Chi bộ Hội Sân khấu chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị Đảng cấp trên kết nạp anh nhưng lần nào cũng bị gạt đi vì những lý do này nọ. Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại thì thấy việc anh không được kết nạp vào Đảng hồi đó lại hóa hay, vì anh sẽ đỡ bị day dứt về những điều chướng tai gai mắt trong đời sống xã hội hôm nay, với tư cách một người đảng viên có lương tri.
     Hay như vấn đề lương lậu cũng vậy. Theo sự hiểu biết của tôi thì anh là một Ủy viên thường vụ duy nhất ở khối văn nghệ có hệ số lương thấp nhất, mặc dù Hội đã nhiều lần đề nghị sửa sai cho anh nhưng vẫn không qua được “cửa ải thành kiến” của cấp trên. Phải mãi đến sau này, khi anh đã nghỉ hưu, anh Dương Ngọc Đức, Tổng thư ký đương thời phải tích cực can thiệp trực tiếp với Ban Tổ chức Chính phủ, anh mới được nâng lên hai bậc lương cho “phải đạo”, vì sự nâng bậc đó vẫn chưa xứng đáng với trình độ và cương vị của anh. Tuy vậy, anh không hề bất mãn. Mỗi khi chúng tôi nhắc đến những thiệt thòi vô lý ấy, anh chỉ cười và gạt đi, rồi chuyển sang chuyện khác. Là một nhà viết kịch lão luyện, đã từng có nhiều tác phẩm dài hơi xuất sắc như Quẫn, Cửa mở hé v.v... anh Lộng Chương có nhiều dự án lớn cả về sáng tác, cả về nghiên cứu, nhưng anh luôn sẵn sàng gác lại để làm những công việc có thể nói là “nhỏ nhặt” là viết những vở kịch ngắn phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đêm đêm, trong đó phần lớn là những vở kịch viết về đề tài địch vận. Số lượng các vở loại này khó mà đếm xuể, đã ngốn của anh khá nhiều thời gian và sức lực mà chẳng đem lại cho anh lúc đó lợi lộc gì cả về danh tiếng lẫn tiền tài. Tinh thần phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị của anh thật đáng khâm phục, vì trong giới sân khấu thời đó ít có ai dám “dấn thân” vào một công việc vừa vất vả vừa không thu về được bao lăm tiền nhuận bút. Thế nhưng, “người có công, trời không phụ”, chính những kịch bản “nhỏ nhặt” đó cùng với những tác phẩm lớn của anh đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bây giờ, ở Thế kỷ 21 này mà có ai đó lại nêu lên khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị”, “văn nghệ phục vụ thời sự” v.v... thì thật khôi hài… Thế nhưng ở những năm 60, 70 thế kỷ trước, khi hàng nghìn, hàng vạn tấn bom Mỹ dội xuống miền Bắc, khi cả nước rầm rập lên đường vì miền Nam ruột thịt... thì việc anh Lộng Chương lao vào sáng tác phục vụ chính trị bằng hàng trăm những vở kịch ngắn truyền thanh lại là một hành động hoàn toàn đúng đắn và đáng khâm phục. Lịch sử luôn là như vậy. Việc đánh giá đúng, sai, tốt, xấu... đều không thể tách rời khỏi bối cảnh lich sử cụ thể. Có những cái hôm trước đúng, nhưng hôm sau lại thành sai, hoặc ngược lại… Trong đời sống văn học nghệ thuật mấy chục năm qua, chúng ta đã từng chứng kiến và trải nghiệm quá nhiều vụ việc như vậy...
      Một đức tính đáng quý nữa ở anh Lộng Chương là tinh thần hết mình vì thế hệ viết kịch trẻ. Nếu tôi không nhầm thì ở trong ngành sân khấu cho đến nay, hiếm có người nào tận tụy với việc giúp đỡ, đào tạo những người viết kịch trẻ như anh. Số học trò của anh cũng khó có ai có được nhiều như anh. Trong những lần đến nhà, tôi thường bắt găp anh đang làm việc sôi nổi với các bạn viết kịch trẻ đến từ nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau... Trong thời buổi bao cấp đầy khó khăn, anh đâu chỉ tốn công, tốn sức, tốn thời gian... mà lúc nào trên mặt bàn cũng có một chai “quốc lủi” cùng với một đĩa lạc rang - thời đó cũng không phải là chuyện đơn giản - để thầy trò cùng nhâm nhi trong lúc làm việc. Cho đến tận hôm nay, việc chăm lo, đào tạo thế hệ viết kịch trẻ cũng chưa có đươc bao nhiêu tiến bộ so với thời anh Lộng Chương sống. Lại càng ít có những tác giả có nghề nghiệp tận tụy giúp đỡ những người viết kịch trẻ như anh. Đó cũng là một điều mà chúng ta cần suy nghĩ nhân lễ kỷ niệm mười năm ngày mất của anh - một nghệ sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho ngành sân khấu chúng ta.
Hà Nội, những ngày nắng nóng 2013
3/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét