Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

TẾT NHÀ NGHÈO(*)

Truyện ngắn
            Đã hơn mười năm nay, từ khi gia đình bị sa sút, Tết năm nào cha mẹ chàng cũng phải chạy ngược chạy xuôi, vay cào vay cấu, để lo đầy đủ mấy ngày xuân.
Có năm, đến tận gần giao thừa, cha mẹ chàng vẫn chưa về; một là để lánh mặt những khách nợ đang chờ ở nhà; hai nữa, còn mải đi giật tạm đâu đấy ít tiền để sắm vài ba đồ cần thiết cho ngày Tết.
Mấy anh em chàng buồn bã đợi chờ, mỗi đứa ngồi một góc nhà. Cho tới khi tiếng pháo đầu tiên đón mừng xuân mới bắt đầu vang lên, gia đình chàng mới chắc chắn được yên ổn, dù chỉ là sự yên ổn tạm trong mấy ngày đầu xuân.
Đến năm nay, chàng đã đi làm, mà vẫn không sao thoát khỏi cái vòng lo lắng luẩn quẩn ấy. Có lẽ lại còn tệ hơn những năm trước!?
Mấy năm trước, dù có biết tình cảnh gia đình mình quẫn bách lắm, nhưng chàng cũng chỉ có thể lo thay cha mẹ, chăm sóc các em mà thôi. Chứ năm nay, chàng đã trưởng thành, đã đi làm… Mai mỉa chưa! Chàng phải giơ vai gánh đỡ hầu hết các “công chuyện nguy hiểm”, như là ra mặt nhận trả các món nợ để cầu yên cho gia đình. Thế mà vẫn không xong!
Thiện hạ, đối với chàng như một kẻ thù. Kỳ lạ quá! Họ không có lấy một chút nhân đức trong tâm và độc ác như một loài thú dữ.
Chàng tủi cực khi thấy anh em bạn được an hưởng sự đầy đủ trong những gia đình giàu có. Và, chàng chán nản, muốn lìa bỏ hết tình thân ái để sống một cảnh đời lưu lạc, lăn lộn, nguy hiểm để làm giàu.
Vì chàng nghiệm thấy chỉ có tiền mới mong vò bẻ được nhân loại, đè bẹp được thiên hạ dưới bàn tay!
Một ý tưởng nhỏ nhen, ích kỷ quá chừng! Nhưng biết sao? Bởi chàng cũng chỉ là một con người. Chàng đã bị day dứt, khinh miệt, sỉ vả nhiều năm quá. Mà, ở chàng, tính nhịn nhục chỉ có chừng.

                                    *          *          *
Chiều nay sau giờ làm việc, chàng còn phải đi khất một món nợ. Món nợ này chủ nợ đã thúc giục ráo riết từ đầu tháng.
Sau nửa tiếng đồng hồ, chàng đã hết sức kìm nén cơn tức giận trong lòng, bình tĩnh chịu đựng hết những cư xử thô bỉ của chủ nợ, mong tìm được chút lòng thông cảm. Rồi, chàng ra về với nỗi căm hờn sôi sục trong tim.
Chàng oán đời, oán cha mẹ, oán hết. Trong đầu chàng nảy ý định tự sát, lao đầu vào tường, hoặc dùng chiếc thắt lưng treo cổ lên xà nhà.
            Chàng ao ước, thèm muốn nó, như kẻ mệt nhọc mong một giấc ngủ ngon.
            Chàng cúi gầm mặt rảo bước đi giữa cảnh tấp nập của loài người. Họ mua bán sắm sửa ồn ào. Sự xa xỉ đó càng làm tăng nỗi mỏi mệt trong lòng chàng.
            Gặp một bạn quen, chàng hờ hững bắt tay rồi quay đi, vội vàng như người chạy trốn.
            Về đến nhà, chàng chán nản “vứt” người xuống ghế.
            Lại cái cảnh thê thảm bày ra đó, như trêu ngươi. Các em chàng buồn bã, mỗi đứa ngồi một xó. Những đứa lớn mắt còn hoen lệ. Chừng như chúng đang khóc, thấy anh về vội vã lau nước mắt, để tránh cho chàng nỗi đau lòng. Mấy đứa nhỏ thì chẳng thể hiểu được tình cảnh trong nhà, nhưng không đùa nghịch như mọi ngày. Chúng sợ sệt ngồi lẫn trong bóng tối sau cái tủ, nói chuyện thì thào.
            Nỗi uất ức bỗng lại sôi sục dâng lên làm chàng nghẹn họng, như chực thúc hai hàng lệ trào ra khóe mắt.
            Chàng chớp vội mấy cái và thở một hơi dài, hai tay bóp chặt lấy thành ghế, cố giữ vẻ bình tĩnh để yên lòng các em. Nhưng khổ nhục chưa, thằng em bé nhác thấy chàng về, từ trong nhà chạy ra sà vào lòng anh. Nó ríu rít như con chim non: Anh may cho em cái quần mới mặc Tết nhé, quần em rách cả rồi đây này!
            Vừa nói nó vừa giơ cẳng lên cho chàng nhìn thấy cái ống quần vá đụp lại.
            Chàng không biết nói sao, ôm chặt em vào lòng, như muốn trút hết cả tình yêu thương sang cho thằng bé.
            Và hai hàng lệ nơi mắt chàng từ từ chảy theo gò má, rơi xuống mớ tóc rối như tơ của thằng bé - đứa em đã sớm phải sống trong cơ cực, nghèo nàn, thiếu thốn.
            Lúc đó chàng thấy phải sẵn sàng ra tay làm một việc gì thật ghê gớm, táo tợn, để đem lại sự vui sướng cho các em.
            Thằng nhỏ bưng mâm cơm ra đặt trước mặt chàng và sẽ mời chàng một câu. Chàng chợt tỉnh, quay lên ngơ ngác nhìn. Nó vội nhắc lại câu mời.
            Chàng gật đầu, nhưng vẫn ngồi yên như pho tượng.
            Trong óc chàng vẫn đang có một cơn gió thổi dữ dội. Không vội nói gì đến chuyện may quần cho các em, đến ngay như gạo ăn mấy hôm Tết cũng còn chưa có một hột. Mà tối hôm nay đã là hai mươi chín Tết. Còn một ngày nữa là Tết, chạy gạo thế nào?
            Bỗng một tiếng pháo nổ đâu đó, làm chàng càng bực tức.
            Chàng sẽ đẩy đứa em ra bên, đứng dậy đi đi lại lại. Nom chàng lúc đó thấy rõ sự bồn chồn, bứt rứt, quần áo thì lôi thôi, mặt mũi hốc hác, và hai mắt thâm quầng.
            Chàng cau mày vắt óc để tìm ra một lối thoát nhỏ. Nhưng lúc này, chàng càng thấy quẫn trí, đầu óc rối bời và bí rìn rịt.
            Bỗng chàng vùng mở cửa, lao mình đi. Bóng chàng dần lẫn trong sương đêm, lờ mờ, vất vưởng như đời chàng và các em chàng vậy…


(*) Báo Đông Pháp, Thứ bảy, ngày 25 Janvier 1941- Phụ trương đặc biệt, Bút danh: Lộng Chương; “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét