Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

LỘNG CHƯƠNG - NGƯỜI THÀY ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

NSND Trọng Khôi
Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam
         
NSND Trọng Khôi
 
Tôi cũng như NSND Doãn Hoàng Giang và đạo diễn - NSƯT Lê Chức, đều là những học trò của thày Lộng Chương. Đối với chúng tôi, ông là người Thày đầu tiên về sân khấu kịch nói.
Với riêng tôi, nghệ sĩ Lộng Chương là người Thày đầu tiên, từ những năm 1956- 1957, khi tôi còn học phổ thông, tham gia hoạt động trong Đoàn kịch Công nhân Hà Nội. Sau đó, năm 1960 tôi cùng các nghệ sĩ khác như Trần Tiến, Lê Mai, Đoàn Dũng, Ngọc Hiền, Mỹ Dung, Minh Ngọc, Trần Hạnh… và rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi khác, tham gia khóa học đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tốt nghiệp được về hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật cho đến ngày nay, chúng tôi luôn coi mình là học trò của Thày.
Ai cũng biết rằng, Nhà viết kịch, Đạo diễn - Thày Lộng Chương là người đã sáng lập ra Đoàn Kịch Công nhân Hà Nội, Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội, Đoàn Chèo Cổ Phong… và đó là “nguồn” cung cấp, đào tạo ra cả một thế hệ các diễn viên, NSND, NSƯT sau này của Nhà hát Kịch Việt Nam, Đoàn Kịch Hà Nội, Đoàn Chèo Hà Nội…
NSND Trọng Khôi - CT Hội NSSK VN
viếng Lễ 100 ngày NVK Lộng Chương qua đời
Mỗi khi được gặp Thày Lộng Chương, chúng tôi có nhiều điều rất vui. Đặc biệt là khi tiếp xúc, Thày không muốn chúng tôi bị mặc cảm, e dè. Thày chuyện trò thật hóm hỉnh, luôn đối xử với chúng tôi như những người bạn, mặc dù Thày - trò rất chênh nhau về tuổi tác. Vì vậy, khi ngồi cạnh Thày, lũ học trò chúng tôi luôn thấy rất gần gũi, ấm áp và tự tin.
Đối với Nhà hát Kịch Việt Nam, vở hài kịch Quẫn của Thày Lộng Chương đã đặt dấu ấn mạnh nhất, kể từ khi Nhà hát ra đời. Quẫn là vở diễn có tuổi thọ dài nhất, hơn 20 năm trời, với hơn 2.000 đêm diễn từ Bắc đến Nam. Có đến mấy thế hệ diễn viên đóng Quẫn, thế hệ đầu tiên là NSND Song Kim, NSND Trần Tiến…
Đạo diễn - NSƯT Lê Chức khi còn là diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng, đã đóng vai trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong vở hài kịch Cửa mớ hé của Thày Lộng Chương. Vở này trong ngành chúng tôi thường gọi đùa là Hậu Quẫn hay Quẫn tập II. Giai đoạn đó, vở Cửa mở hé cũng đã gây tiếng vang lớn trong một thời kỳ dài.
Thày Lộng Chương là người rất năng động, nhạy bén. Một trong những kỷ niệm thật khó quên là, năm 1959 khi nghe tin về vụ thảm sát Phú Lợi, Thày lập tức ứng tác ngay trong đêm vở Chặn tay chúng lại. Đêm đó, Thày và trò làm việc với nhau cùng một chỗ; Thày sáng tác kịch bản đến đâu, chúng tôi tập diễn ngay đến đó. Tôi được phân vai Sĩ quan ngụy. Chỉ sau một ngày tập, chúng tôi đã diễn tại bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi trước cửa nhà sách Tràng Tiền. Những đêm diễn vở Chặn tay chúng lại của Thày Lộng Chương đã góp phần làm dấy lên trong nhân dân Thủ đô không khí phẫn nộ, sôi sục căm thù kẻ địch đã tàn sát dã man đối với đồng bào ta ở phía Nam.

Tôi muốn nói thêm: Thày Lộng Chương là một nghệ sĩ luôn bám sát cuộc sống lao động và chiến đấu, để phản ánh nhanh chóng và kịp thời vào tác phẩm của mình. Trong hàng trăm vở kịch của Thày, tất cả đều thật gần gũi với quần chúng nhân dân, được dư luận đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Bởi vậy, tên tuổi Thày sẽ còn sống lâu dài với nền nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Thành Hưng 
viếng Lễ 100 ngày Nhà viết kịch Lộng Chương qua đời

 (*) Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét