Truyện ngắn Giang Trung Học
Con nhỏ ngủ truồng, nghiêng nghiêng dưới ánh đèn nê ông sáng trắng. Cặp vú tròn, cương cứng. Mông nở. Nước da nâu săn. Càng ngắm càng thấy ngon. Khiến Giám đốc Tâm dùng dằng đi ở; mặc dù ông đã rời giường, rửa mặt chải tóc xong xuôi.
Ảnh minh họa |
Bay sáng hay chiều? Cuối cùng ông quyết định lui sang chiều.
Về sớm hay muộn thì bà ấy cũng "đi" rồi". Muộn nửa ngày chẳng sao. Giờ đây ông đang thèm tận hưởng con nhỏ này. Chẳng biết chủ đã mua tới giá nào để thết đãi ta. Trả nghĩa ta thì đúng hơn. Dịp hắn ra Bắc, chẳng phải đã được ta chiều hết ý đấy thôi. Đêm đầu, hắn thích con bé thổ dân miền núi khỏe mập. Đêm sau, thích nữ sinh thành thị mảnh mai. Nay hắn dâng ta con nhỏ gốc Ấn. Nói rằng, để anh thấy đồ ngoại khác đồ ta thế nào?
Dứt khoát lui chuyến bay rồi, Giám đốc Tâm cởi phăng quần áo. Trần trụi cho hết vướng. Trước sau, đằng nào chẳng phải vậy. Rồi ông tắt đèn, vén gọn rèm che cửa sổ. Hưởng khoái lạc dưới ánh sáng trời có cái thú hơn hẳn. Được ngắm nghía tường tận người mà ta ôm ấp. Nó kích thích hưng phấn trong ta đến tột cùng. Hại nhất là làm tình trong cảnh tối om ở xó nhà quê.
Vợ ông là người nhà quê. Ở quê. Không hiểu sao ông lại lấy vợ quê, để rắc rối quá nửa đời người. Thật ra, câu hỏi ấy chỉ làm khổ ông những lúc bị người đời chi phối thôi. Và chỉ xảy ra từ khi ông có chức có quyền. Quyền sắp đặt mấy trăm con người trong Sở ông. Chứ chân trắng như độ ông còn là tay cắp cặp theo đuôi, thì chả đứa mẹ nào để ý tới. Nay chẳng có ngày nào ông thoát cảnh bị bủa vây. Để người ta xin được biếu xén, xu nịnh, tâng bốc ông. Có bà có cô sẵn sàng dâng hiến tấm thân, mong ông xếp cho một việc thơm tho hơn người. Cũng giống khi hứng cái ghế Phó giám đốc, rồi Giám đốc, ông luôn phải khọm người xuống hầu hạ người ta. Dám làm nhiều điều phi lý. Cả gan vượt rào chính sách Nhà nước. Cốt sao vừa lòng các đấng bề trên liên quan đến việc sắp đặt chức tước của ông. Đời là vậy. Ta phải có cái để trao, thì người mới ban phát cho cái mình cần. Nắm trong tay chức quyền rồi, vẫn chỉ là thằng ta xưa cũ, nhưng trở thành xuất chúng, đứng trên người người. Nói gì cũng đúng, cũng hay. Nếu ta chưa vợ, tất có cả đống con gái xinh xắn, giỏi giang "xin chết".
Vợ ông là người nhà quê. Ở quê. Bởi thế bạn bè đôi khi đùa rằng, ông có vợ như không. Quanh năm để mốc. Mốc chồng. Mốc vợ. Thiệt hại to! Đúng là ông có thiệt. Song chỉ tí ti thôi. Quả thật bà ấy già so với ông. Kém xinh xắn, giỏi giang. Và vụng về chiều chuộng. Ấy là đứng ở thời điểm bây giờ, và nhìn bằng cặp mắt dân thành phố thì vậy. Chứ thời trẻ, vợ ông thuộc hạng hoa khôi trong làng. Để cưới được cô Thảo, không chỉ anh Tâm - là ông bây giờ, mà cả thày u anh phải cậy cục rã bọt mép mới xong.
Còn phần được của ông to hơn nhiều. Bầu bạn thân sơ làm sao tính nổi. Trước tiên, nếu thiếu người vợ hầu hạ bố mẹ già ở quê, ông không thể lên Hà Nội học hành. Thì làm sao có được vinh hoa phú quý như ngày nay. Trước sau ông chỉ là tay thợ cày. Ăn chưa hẳn đã no. Mặc chưa hẳn ấm. Đâu dám mơ ước nhà lầu xe hơi. Thế mà nay ông có tất. Một toà biệt thự kiểu Pháp, toạ lạc trong khuôn viên năm trăm mét vuông đất thuộc quận mới thành lập. Đường nhựa chạy ngang trước cổng. Toàn bộ thiết bị nội thất của toà nhà đều xịn - hàng Italia, Nhật, Mỹ. Trị giá của nó, như lời cô con gái lên thăm bố về khoe với mẹ rằng: "Chỉ đồ đạc trong chỗ đi ỉa của thày đã hàng trăm triệu đồng, gấp mười nhà của u”. Rồi vẫn giọng vô tư, cô kể về cái chạn bếp. Chạn mà không phải chạn. Gọi là tủ lạnh. Trong tủ lúc nào cũng đầy bơ sữa, giò chả, hoa qủa. Ăn chưa vơi đã có người mang đến. Thày và em con chẳng phải làm gì. Đến quét dọn nhà, giặt giũ quần áo cũng có người hầu hạ. “Mà sao u không ra thành phố ở với thày con cho đỡ khổ?". "U khổ quen rồi, nên không thấy khổ. Chẳng tội gì u đi đâu!".
Nói vậy thôi, chứ đã nhiều bận bà muốn vợ chồng chung sống liền kề bên nhau. Lần đầu, khi láng máng nghe đồn ông bồ bịch, dù chưa hẳn tin, bà đã toan tính đến việc này. Thì đàn ông đàn ang ấy mà. Trong túi sẵn tiền, lại xa nhà, tránh trai trên gái dưới làm sao được. Cách tốt nhất là, vợ chồng phải ở cùng chỗ thì mới quản nổi. Không nổi hẳn thì cũng bơn bớt phần nào. Tuy nhiên, khi đề cập với ông, bà chỉ nêu lý do rằng, vợ chồng cùng mái ấm là để đỡ đần chăm sóc nhau, và dạy bảo con cái. Thoạt tiên ông đưa hết khó khăn này khó khăn nọ nhằm ngăn cản. Lại nói, cần giữ ý với cấp trên, với anh em trong cơ quan. Vì số đông họ cũng phải chịu đựng thiệt thòi cảnh xa vợ con. Ông còn dẫn đủ mọi lý do khác nữa... Thấy chồng kiên quyết phản đối, trong lòng bà quặn đau. Người thực bụng hết lòng vì vợ con thì không ai muốn sống xa cách nhau. Nếu hiện tại ông ấy vẫn hoàn cảnh như ngày xưa, ăn tập thể, ở tập thể, ngủ tập thể, thì mười mươi chịu rồi. Đằng này đã được phân cả căn hộ riêng biệt. Vướng bận gì đến ai cơ chứ. Hẳn chỉ là vướng bồ vướng bịch mà thôi. Nghe nói, đang mê mết cái cô trẻ đẹp ngồi cùng ô tô ông ấy, một lần đi công tác đã ghé qua đây.
Rồi đến lần anh con trai đỗ vào đại học bách khoa, bà lại muốn ra Hà Nội ở. Để hằng ngày trông nom kèm cặp nó. Sao nhãng dạy dỗ con cái, lỡ nó hư hỏng thì toi công. Đời bà sẽ chỉ là con số không tròn trĩnh. Đã mất chồng lại mất con. Mất chồng thì chắc rồi. Bao nhiêu năm qua ông có gần gặn bà đâu. Đàn ông ở tuổi năm mươi, sức vóc cường tráng, không thể thôi ham hố đàn bà. Chẳng qua ông đã có nơi chốn khác. Một bận bà nói mát: "Sao ông không đưa cô gái lần trước về chơi?". Ông sẵng giọng: "Bà nghĩ thế nào về cô ta?". "Là bồ bịch, chứ còn là gì!". "Ai nói với bà?". "Chẳng ai nói. Nhìn thái độ hai người, tôi biết". Sự thật thì, chính anh lái xe cho ông đã kể. Chẳng hiểu sao anh ta dễ dàng mách bà chuyện này. Còn nói: "Em không sợ trả thù đâu. Chỉ mong chị biết sự thật để tìm cách giữ anh ấy.". Lần sau, đưa ông về thăm nhà không phải người lái xe trước. Anh ta đã bị đuổi việc. Bởi ông khẳng định anh ta bép xép chuyện riêng tư của mình.
Lại một lần bà hỏi: "Ông có muốn ly dị nhau không?". Câu hỏi chẳng hề đột ngột đối với ông. Ông từng nghĩ chán rồi. Quyết bỏ nhau thì được. Nhưng mang tiếng. Duy nhất chỉ có ông mang tiếng, với họ hàng, với làng xóm. Mọi người sẽ nguyền rủa ông bội bạc, đã vỗ công vợ săn sóc bố mẹ chồng ròng rã hàng chục năm trời. Nhờ vợ, ông mới được cuộc sống hơn người, cả làng không ai bì kịp. Cũng nhờ vợ, hai đứa con mới lớn khôn. Mà ông chưa một lần phải giặt cái tã cứt cho con. Thậm chí, cả giai đoạn dài trước kia, ông không gửi nổi một đồng về nuôi chúng nó. Vợ ông vẫn không mảy may kêu ca nửa lời. Rất thông cảm với cảnh sống bằng tiền lương ba cọc ba đồng của ông. Thế nhưng bà vẫn nói: "Thầy cháu không cho thêm thì em nuôi con làm sao nổi". Nay đặt vấn đề ly dị, liệu ông có chịu nổi làn sóng nguyền rủa mình không. Trong làn sóng ấy, ắt gồm cả hai đứa con ông. Đương nhiên phận làm con, chúng không thể phũ phàng. Ngay với họ hàng làng nước có thể cũng không ai chan tương đổ mẻ lên mặt ông. Nhưng làn sóng nguyền rủa là có thật. Nó âm thầm mà dữ dội, dai dẳng, chứ chẳng phải chuyện dễ mau qua. Khổ nỗi là, tuy sống xa làng xóm, song ông không thể bỏ hẳn quê hương bản quán. Hằng năm ông vẫn phải đi về. Vì nơi ấy còn mồ mả bố mẹ ông, và cụ tổ họ Nguyễn ông. Với cả một cơ ngơi, cùng đất đai gần nghìn mét vuông nữa. Quê ông, xưa đất rẻ như bèo, nay giá trị không phải là nhỏ.
Còn cơ quan ông thì sao? Đây là cơ hội tốt cho không ít kẻ tìm cách quật ngã ông. Dậu đổ thì bìm leo. Không thiếu đứa từng nịnh hót tâng bốc ông, cũng sẽ ào lên góp sức lôi cổ ông xuống ghế. Ông ngã, chỉ một kẻ chiếm cái ghế đặc quyền đặc lợi ấy. Còn số đông, chúng biết chẳng thể nhằm nhò gì. Song tính ghen ăn tức ở, không muốn ai hơn mình, vốn là lối sống trong họ. Nên khi có cơ đánh đá lẫn nhau là họ sẵn sàng xung cuộc. Họ sẽ tố cáo ông ruồng rãy người vợ gần cả đời thủy chung nhất mực, cùng tội trai gái lăng nhăng. Biết đâu sẽ có cả bản thống kê dài, về ngày giờ, địa điểm ông ôm gái bấy lâu nay. Thậm chí, họ còn biết cả cô vợ chui và đứa con trai bốn tuổi của ông ở thành phố cảng Hải Phòng. Đó là loạt tội thuộc phần đạo đức. Về mặt kinh tế, sẽ không tránh khỏi một cuộc thanh tra xét hỏi. Mỗi năm thất thoát dăm ba tỷ đồng trong tổng số hàng trăm tỷ qua tay ông ký duyệt chi tiêu và phân bổ, sẽ được bới ra. Với sai phạm như vậy, trước nay thường được bỏ qua. Nhưng đưa nó ra quy tội cũng ngon ơ. Sự đời phải trái trắng đen thật khó lường. Quân chó má! Mỗi khi bực bội ông hay thầm rủa thế. Rủa ai? Là lũ cộng sự xung quanh ông. Cả cấp trên ông. Chúng vừa đểu vừa ngu. Đừng tưởng ta sống xa vợ con chỉ chịu thiệt thòi. Ngược lại, ta tự do tung hoành hưởng thụ...
Lúc này, ông đang mân mê hưởng thụ cặp vú con nhỏ, chợt thấy cần "phôn" cho thuộc hạ trong cơ quan. Gọi Miên - Phó giám đốc, hay Hoàng - Chánh văn phòng? Cả hai đều do ông nặn ra. Cái ghế họ ngồi, bất ngờ với chính họ. Vì chúng đều thuộc lớp tuổi con cháu ông. Có thế chúng mới đội ơn bề trên. Chứ trao chức quyền cho lũ ngang tuổi ông, chúng dễ coi là sự đương nhiên, cần gì ơn huệ ai. Ông vừa bấm số, đã nghe ngay tiếng thưa: "Dạ, Sếp Tâm ạ!". "Hoàng à?... Cậu biết chuyện gì rồi chứ?". "Dạ thưa anh, chúng em được tin chị nhà mất lúc bốn giờ sáng nay. Anh Miên phân công em về ngay quê bây giờ, để cùng gia đình lo tang. Đồng thời cũng sáng nay, anh Miên chỉ đạo thông báo tin buồn đến các cơ quan hữu quan trong thành phố. Xin anh yên tâm. Bọn em sẽ lo chu đáo tất cả. Trước mắt, em cầm về quê hai chục triệu đồng. À, còn ô tô đón anh giờ nào tại sân bay ạ?". Dặn dò thêm mấy việc, ông tắt điện thoại, mỉm cười. Đây là dịp để lũ thuộc hạ thể hiện lòng thuỷ chung với ông. Là dịp để ông gặt hái công gieo trồng. Tốt. Rất tốt! Ông gật đầu nhè nhẹ. Hài lòng. Yên tâm. Bây giờ ông chỉ còn mỗi việc: cùng con nhỏ vào cuộc chơi đến tận cùng. Mỡ đang trước miệng mèo, nhả sao được. Khúc giò lụa thơm ngon, phải xơi cho đã. Ăn chơi, thằng chó nào chẳng thích đã đời. Con người chiến đấu, phấn đấu đều nhằm giành giật lấy cái sung sướng tức thời; dù rằng nó được núp dưới chiêu bài phục vụ nhân dân… Khổ trước thiên hạ. Không! Ta phải chơi cho đã. Để rồi ta vĩnh biệt em. Và về quê vĩnh biệt bà vợ già của ta.
Thế là, từ đây ông không bao giờ phải vương vấn chuyện có ly dị vợ hay không? Mặc dù ông đã khẳng định: Không... Không... Không! Cần quái gì phải ly dị người vợ già ấy. Không ly dị cũng chẳng hề cản trở việc ăn chơi xả láng của ông. Mà không ai có cớ hại ông. Vậy ly dị để làm gì? Có chăng chỉ phù hợp nguyện vọng của hai người đàn bà. Một đã là vợ chui của ông, có con với ông. Người thứ hai là cô gái trẻ làm việc dưới quyền trực tiếp của ông. Nàng từng ăn nằm với ông, sẵn sàng làm vợ ông. Nhưng với điều kiện: "Anh phải ly dị bà vợ nhà quê cơ" - giọng nàng nũng nịu. "Nếu không thì sao?". "Thì sớm muộn em đi lấy chồng". "Nhưng vẫn bồ bịch với anh chứ?". "Tất nhiên rồi". "Đến khi nào?". "Bao giờ anh chán em". Với nội dung đối thoại ấy (hoặc tương tự), nó luôn được lặp lại trong mỗi lần họ gặp gỡ nhau. Khiến ông sung sướng gấp bội. Để rồi, ông ghì chặt nàng trong vòng tay. Để rồi, thêm một lần nữa, ông đè ngửa nàng xuống giường, ngay tại ngôi biệt thự sang trọng của ông.
Sự việc diễn ra đã mấy năm, song con ông chẳng hay biết gì. Có thể anh ta vô tâm. Hay là?… Như thế ông càng được nhờ. Nhờ vợ. Lại nhờ được con. Quả là may. Công minh mà xét, ông không thể chê trách vợ con điều gì.
Trong thâm tâm, ông thừa nhận tâm tính người vợ ở quê quá tốt và độ lượng. Như nhiều người đàn bà khác thì ông gặp lôi thôi to. Bà ấy cứ nhất quyết đến ở với chồng, có trời cản nổi. Lại đốc cái tính cả ghen nữa thì, nhà cửa trở thành chợ búa ồn ào quanh năm. Rồi mọi sự trong nhà vỡ lở ra, góp thêm chứng cứ cho người ngoài quật ngã ông. Người ngoài là đồng chí ông. Là cấp dưới ông. Là lũ tay sai tình nguyện của ông. Có cả cấp trên ông nữa. Với một tổng hợp đối tượng này, khi họ quyết ra tay, ông có vững như kiềng ba chân cũng sụp đổ. Thế nên, ông luôn thầm cảm ơn bà ấy nhiều nhiều. Nhờ bà ấy giấu kín mọi chuyện nhà, nên cả cơ quan chẳng ai biết có sự khủng hoảng trong gia đình ông. Ngay đến họ hàng gần gặn, rồi cả con cái ông cũng không hay biết tí gì. Trước nay mọi người đều coi ông là tấm gương mẫu mực, một lòng kính trọng và yêu mến ông. Cả họ Nguyễn tự hào hãnh diện vì có ông.
Thậm chí cả làng Văn cũng mang niềm tự hào hãnh diện như người họ Nguyễn. Vì từ thời Pháp cai trị đến giờ, làng họ mới có một người làm to là ông. Làm to mà cho làng được nhờ là sự quá hiếm trong thiên hạ xưa nay. Đó là việc vợ chồng ông ủng hộ làng năm mươi triệu đồng, thay cho kế hoạch thu mỗi hộ năm chục nghìn đồng đang gặp khó khăn. Nghe tin, các cụ cao tuổi hể hả lắm. Sao lại được người đức độ hảo tâm đến vậy. Người đời bảo: được vợ hỏng chồng. Đằng này được cả hai ông bà. Quả là hiếm. Hiếm lắm lắm! Được lời khen, song trong thâm tâm ông chẳng sung sướng gì. Bà ấy mà ngãng ra, làm sao ông có thể tự quyết số tiền lớn đến vậy!
Kỳ thực, chuyện ủng hộ làng không phải do ông đề xuất. Mà bắt nguồn từ bà vợ ông. Bà nói: "Bỏ năm mươi triệu đồng ra xây nhà chẳng để làm gì. Ông không về ở. Con cái thì có phận có phần cả rồi. Mình tôi ngôi nhà ba gian xây gạch lợp ngói, thế cũng quá đủ". Ông: "Xây hay không, tuỳ bà. Không xây thì, khoản tiền ấy để dự phòng việc lớn khác xảy ra". Bà: "Chẳng còn việc gì đáng phải phòng. Hay phòng chết?". Giọng ông tỏ vẻ khó chịu: "Bà nói không sai". "Thế thì ông phòng cho ông thì phòng. Còn tôi không cần". "Tôi không chết ở đây!". "Vậy khoản tiền ấy ông để quyền cho tôi sử dụng được không?". "Tuỳ bà!". “Vậy tôi tuyên bố, năm mươi triệu đồng ấy tôi sẽ cung tiến vào việc sửa chữa đình làng”. Ngôi đình có tuổi thọ gần trăm năm, đang trong nguy cơ xuống cấp nhanh. Bà giải thích thêm: "Làm việc này là tôi muốn ông góp phần thiết thực giữ cái công trình mà ông nội nhà này gánh vai thợ cả xây dựng nên. Cả thày cũng tay cưa tay đục trong đó. Giữ đình cũng là giữ cái vẻ vang cho ông thôi!". "Tôi không cần. Cũng không khiến bà!". Bà ghìm nỗi bực bởi câu ông thốt ra. "Có thật ông không cần? Vậy thì, tôi sẽ nói rõ thực chất con người ông cho làng xóm biết. Cho cả cơ quan ông biết. Rằng, đã từ lâu ông thay lòng đổi dạ đối với tôi. Chỉ thế cũng khiến ông mất mặt. Phải không? Nhưng mà, tôi nói thế thôi. Tôi thề giữ kín chuyện ông đến trọn đời. Mà chẳng cần ông phải bận tâm lo lắng gì cho tôi".
Đúng thế! Ông từng thú nhận với riêng mình rằng: Cả cuộc đời bà ấy, ta không phải lo lắng gì. Bà ấy tuy bất bình với ta, nhưng đã trọn đời vì ta. Nhất là từ sau khi sửa đình làng, ông thấy mình càng được trọng vọng hơn. Mỗi khi thăm quê, gặp hội hè hay tuần rằm hằng tháng, các cụ mời bằng được ông ra đình ngồi chiếu trên. Tại đình, tên ông (tất có cả bà) được ghi trang đầu trong Bảng vàng danh dự. Hơn thế, ông nội ông, bố ông cùng được tôn vinh đậm nét trong sách lịch sử đình làng. Thế nên ông không dám như trước kia, thờ ơ xem nhẹ tình cảm quê hương. Còn thầm tự hào về sự vẻ vang của mấy thế hệ trong gia đình ông. Song - ông nghĩ - xét cho cùng, chút vẻ vang của riêng ta là do bà ấy dàn dựng lên thôi.
Chiều nay ông lại về làng. Về để vĩnh biệt bà. Ra sân bay đón ông là cô gái trẻ đẹp - trợ lý giám đốc, trợ lý của ông. Nghe danh thật oai. Tuy nhiên, cái danh ấy không hề có trong chức danh pháp quy Nhà nước. Vị giám đốc nào thích thì tự nặn ra. Giám đốc Tâm vì mê nàng nên đã nặn ra chức danh này, để họ gần gặn nhau hằng ngày cho hợp thức.
Từ sân bay, chiếc xe Ford loại thượng hạng chở ông ghé về ngôi biệt thự riêng. Để mua chót lọt chiếc xe này, ông phải sai thuộc hạ "chạy" thông mấy cửa. Chạy thế chứ chạy nữa cũng ô-kê. Chi tiền Nhà nước cả mà. Không xòe tiền, nó đánh tắc thì bỏ mẹ. Bởi đối chiếu chính sách, ông cóc đủ tiêu chuẩn ngồi thứ xe sang ấy. Nhưng phải ngồi! Của công vốn là của chùa của trời, ai với tới cứ với. Dám bát nháo là được. Trung thực thì khốn nạn suốt đời. Người ta rất cần trung thực với nhau. Song trung thực quá hóa ngu. Thời nay, ai là người trung thực? Ai? Ai?... Chẳng có ai!
Ngay như cậu lái xe được ông tin cẩn số một, song cũng là tay đại bát nháo. Biết ông đang lượng lự, hắn gợi ý: "Theo em thì sớm ngày mai thủ trưởng hãy về quê. Thủ trưởng vừa từ Nam ra, lại đi đêm, rồi cả đêm mất ngủ dễ nguy lắm". Ông chưa kịp đáp, cô trợ lý đưa cặp mắt tình tứ nháy ông: "Nên thế anh ạ. Vì có về đêm nay anh cũng chẳng phải giải quyết việc gì. Công việc chị ở quê đâu vào đấy hết rồi". Đúng vậy. Sáng nay Chánh văn phòng Hoàng đã về phối hợp cùng gia đình lo tổ chức lễ tang. Chiều, Phó giám đốc Miên vớig hai người khác mang chè thuốc và những đồ cần thiết, cũng đã về. Sáng mai thì, cơ quan bố trí hai ô tô to, chở anh chị em trong Sở về viếng. Như thế, chẳng còn gì đáng phải bận tâm. Có điều, ông đã hẹn sớm muộn đêm nay có mặt tại nhà. Cậu lái xe lại lên tiếng: "Em sẽ trực tiếp điện về, nói xe gặp sự cố. Ai chẳng tin!". Ông gật gù, hài lòng kế sách của cậu ta. Cậu ta biết kín mồm kín miệng, biết ăn cây nào rào cây nấy. Nay mai nhớ giúi cho cậu ta tí tiền.
Thế là đêm nay, tại ngôi biệt thự sang trọng này, ông lại cùng cô trợ lý trẻ đẹp thả cửa ôm ấp nhau, trước khi về đưa tang người quá cố. Thế là từ nay, nàng không còn phải mè nheo xúi giục ông ly dị người đàn bà nhà quê nữa.
Hôm sau, họ có mặt tại làng thật sớm.
Thấy ông chớm bước vào sân, phường bát âm kịp thời nổi nhạc tang nỉ non, bi khốc. Và nhất loạt những tiếng khóc gào lên, thật đậm đà tục lệ cổ dân tộc. Có điều, đã là tục lệ thường đặc sệt vẻ hình thức. Cho nên, bao nhiêu tiếng gọi gào - hờ... chị ơi, em ơi, bác ơi, mợ ơi... - cùng những lời kể lể than vãn xót thương chồng chéo, mà vẫn cứ nhạt nhẽo, hững hờ. Những cặp mắt khóc thì khô khốc, ráo hoảnh. Duy nhất có cô con gái nước mắt đầm đìa, nhưng lại không biết kể lể điều gì, chỉ khóc hu hu như đứa trẻ. Rồi thỉnh thoảng, hết ới mẹ lại gọi cha. Như thể thày cô cũng chết rồi. Có người bấm bảo: "Đừng dại khóc thày mày. Thày mày kia kìa!".
Đứng bên linh cữu, ông chồng người quá cố mặc bộ đồ đen - quần đen, sơmi đen. Và, băng đen đeo một bên cánh tay. Đầu cúi. Hai bàn tay bắt chéo, để trước bụng. Nét mặt tỏ ra buồn rầu thương tiếc lắm. Thỉnh thoảng cũng có ngẩng nhìn chậm chạp đó đây. Cặp kính trắng dày cộp che đi đôi mắt lồi thô lố, khiến hình thức ông không đến nỗi nào. Người ta thấy ông chỉ rời linh cữu khi phải tiếp khách cỡ to to. Là các vị lãnh đạo cấp thành phố, như Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân... Hoặc các vị đứng đầu sở ban ngành.
Khách viếng chưa hết mà hoa tang đã kín trong nhà, kín cả bốn bề sân. Phong bì tiền thì chặt mấy túi xách. Trên đường làng thì ô tô đậu nối đít nhau rõ dài. Chà chà... Các cụ các ông các bà cảm động nhận xét rằng: "Xưa nay làng ta chưa đám tang nào to đến thế. Có cả vị Phó chủ tịch thành phố, vị Phó đảng Thành phố về dự. Quý hóa quá!”. Rồi thì là, nơi ông nhà làm việc có hàng trăm người về. Chuyện, chồng làm to nên bà ấy sống được cậy nhờ, mà chết vẫn được cậy nhờ. Thật là sung sướng mát lòng, từ kiếp làm người đến cõi thiên thu. Đáng lưu tâm hơn là, tại điếu văn truy điệu do đại diện Mặt trận Tổ quốc xã đọc, có nhiều câu mới thống thiết làm sao: "... Gia đình bà là một mái nhà ấm êm thuận hoà, đoàn kết nhất trí, thật sự hạnh phúc. Đó là tấm gương trong mẫu mực, rất đáng để mọi nhà mọi người hướng tới, noi theo... Bà qua đời, để lại nỗi tiếc thương cho toàn thể dân làng. Đặc biệt đối với ông nhà và các con thì, nỗi tiếc thương thật vô hạn vô cùng, không gì đo nổi. Bà qua đời, ông nhà và các con mất đi thứ quý giá mà không vật báu nào dám sánh, không một ai thay thế được... Thưa bà, ở cõi bên kia bà có hiểu, rằng từ nay ông nhà và các con như đàn chim cô đơn gãy cánh, và khôn nguôi nỗi buồn, bởi sự trống vắng người vợ, người mẹ trong nhà?...". Lời điếu vừa dứt, tiếng trống kèn sáo nhị lại rung lên. Nhưng không át nổi tiếng gào rõ to của một người thân: "Chị ơi, khổ quá nửa đời vẫn chịu vẫn qua... Đến khi phú quý vinh hoa, sao chị lại thui thủi ra đi một mình?...".
Hơn ai hết, ông chồng người quá cố nhận rõ từng ý từng lời trong điếu văn, và từ những tiếng gào gọi kể lể vãn than. Chỉ lo có sự đả kích nhằm hạ gục ông giữa lúc này. Nhưng thật là mừng. Ông vẹn nguyên hoàn toàn. Đúng là bà ấy đã trọn đời gìn giữ thanh danh cho ta - ông chợt nhớ ý câu nói của bà ngày nào.
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5906.html;
- In trong tập “Chuyện đời
3”, Nxb Hội Nhà văn, 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét