Nhà văn Hoàng Công Khanh |
Người đời ít biết phải chăng vì tác
phẩm của Hoàng Công Khanh có phần mờ nhạt? Không ! Nhiều vở kịch, cuốn truyện mang
tên ông đã một thời gây tiếng vang không nhỏ trong người xem, người đọc. Năm
1946, kịch thơ Về Hồ của ông đã được
Hồ Chủ Tịch khen tặng vì đã bám sát nhiệm vụ cách mạng, kêu gọi toàn dân đoàn
kết chống giặc ngoại xâm. Kịch thơ Bến
nước Ngũ Bồ được nhiều đoàn kịch lưu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn
trong thời gian dài từ 1953 đến 1958... Tiểu
thuyết Đôi mắt màu tím, Vua đen Mai Hắc Đế, Hoàng hậu hai triều Dương Văn Nga,
Vằng vặc Sao Khuê, Cưỡi sóng đạp gió,... cũng là những tác phẩm tiêu biểu của ông được nhiều người trong giới
đánh giá cao.
Trước nay Hoàng Công Khanh từng nhận
nhiều giải thưởng như: Giải Hội Văn Hoá Thái Bình-1947, cho tập chuyện ngắn Trên bến Búng; Giải thưởng địch vận Liên
Khu III-1948 cho tập truyện Chuyện người
tù binh ở Alger; Giải thưởng Đại hội diễn sân khấu-1957 cho 20 vở ca kịch đã
diễn; Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt
Nam-1994 cho tiểu thuyết Đôi mắt màu tím;
và năm 1997 cho tiểu thuyết Hoàng hậu hai
triều Dương Văn Nga; Giải thưởng Thăng Long-1998 của Uỷ ban Nhân dân thành
phố Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam -1999 cho tiểu thuyết Vằng vặc Sao Khuê.
Một số tác phẩm của ông còn được phổ
biến ở nước ngoài như: tiểu thuyết Trại
Tân Bồi dịnh sang Pháp văn, in ở Paris; Kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ, in và diễn tại California-Mỹ, ở Paris-Pháp. Ở Mỹ,
ngay sau khi công diễn, 40 tờ báo tiếng Việt và tiếng Anh đã đưa tin, bình luận,
ca ngợi.
Tác phẩm của Hoàng Công Khanh “nổi”
như thế đấy! Vậy người đương thời ít biết đến ông là tại sao? Ông vui vẻ cười
nói: “Khó giải thích lắm. Con người ta có số thật đấy! Như thi sĩ Trần Huyền
Trân chẳng hạn, thi phẩm của ông kém cỏi đâu mà cả đời người, cho đến gần tháng
ngày tận số mới ra nổi một tập thơ mỏng”. Còn số phận ông? Thời trai tráng, hai
lần bị đế quốc thực dân đầy đọa trong lao tù. Và, giữa địa ngục Sơn La, ông vẫn
dàn dựng kịch Lôi Vũ của Tào Ngu
(Trung Quốc). Ông còn phóng tác tiểu thuyết Le Coupa-ble của Francois de Cooper
(Pháp) thành kịch Kẻ thủ phạm để diễn
vào dịp kỷ niệm ba cái tết trong tù. Có thể xem đó là thời kỳ bắt đầu con đường
sáng tác văn học của Hoàng Công Khanh. Sau này, chính những năm ngồi nhà tù Sơn
La đã thôi thúc ông viết tập ký sự dài mấy trăm trang, mang tên Hoa nhạn lai hồng, xuất bản năm 1992.
Tập sách ca ngợi khí phách anh hùng của những người tù, làm sáng tỏ một số vấn
đề về nhà ngục, thống kê nhiều tư liệu khác có giá trị.
Năm nay, Nhà văn-Nhà viết kịch Hoàng
Công Khanh bước vào tuổi 80, vậy mà bút lực ông còn sung mãn lắm. Năm trước
ông đã hoàn thành vở kịch dài lịch sử Thất
trảm sớ. Chu Văn An dâng Thất trảm sớ, là tiếng sét lớn làm rung động triều
vua Trần Dụ Tông (1341-1369). Kịch nói Thất
trảm sớ của Hoàng Công Khanh mong muốn góp tiếng nói trong việc đấu tranh
chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay. Vở diễn đang được một đoàn nghệ thuật ở
thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng.
Nhà viết kịch Hoàng Công Khanh đã
một thời gắn bó với Đoàn Cải Lương Kim Phụng (Hà Nội), là tác giả hàng chục vở
cải lương “ăn khách” trước kia, vậy sao bây giờ ông không còn gắn bó với loại
hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này? Lời đáp của ông: “Đúng là tôi có
viết nhiều vở cải lương và đã được dựng, như: Ngọn cờ giải phóng, Nữ gián điệp Triều Tiên, Nhạc mùa xuân, Lương Sơn
Bá-Chúc Anh Đài, Mẫu đơn tiên, Phạm Tải-Ngọc Hoa... Lâu rồi, tôi không
viết kịch cải lương vì nhiều lý do. Ngày nay sân khấu cải lương còn đấy, song
ít người sùng tín nó. Khi công chúng không sùng thì làm sao nghề diễn phát
triển được!” Hỏi: “Công chúng không sùng cải lương, nguyên nhân tại đâu?” Đáp:
“Khó nói hết được. Tôi không dám thay mặt ngành sân khấu cải lương để phát
biểu. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ nghĩ sâu về những nguyên nhân này nọ. Chỉ xin
mạo muội đôi lời thế này: Cải lương như thứ đồ cổ rất quý, nhưng không phải vì
thế ai ai cũng thích mê. Hy vọng cải lương mãi mãi nổi trội, thu hút đông đảo
người xem như các loại hình nghệ thuật hiện đại, e đó là điều không tưởng. Tuy
nhiên, không vì thế mà ngành sân khấu cải lương được quyền bất biến. Vì dừng
lại sẽ ngày càng tàn lụi. Song, vươn lên thế nào? Hẳn là cần có sự cải cách lớn
sao cho phù hợp với đương thời mà vẫn giữ được cốt cách cải lương truyền thống.
Cải cách từ kịch bản đến biểu diễn, cả nhạc, cả mỹ thuật trang trí sân khấu và
trang phục. Nhưng trước tiên phải có kịch bản cải lương thật tốt. Kịch bản
không thể mãi mãi khai thác tích cổ, mà phải đưa được hơi thở hiện đại vào đó.
Kịch bản phản ánh tích cũ, song phải nói được cái mới hôm nay... Chà!... Gian
nan lắm... Vì hoàn cảnh riêng, tôi cách biệt sân khấu cải lương quá lâu. Lúc
này nhận biết trong tôi chỉ cho phép viết truyện là phù hợp.”
Những ngày này, nhà văn, tác gia sân
khấu Hoàng Công khanh đang vật lộn với tiểu thuyết lịch sử về Ngô Thời Nhậm,
Tin chắc rằng, người đọc sẽ tìm được nhiều điều mới mẻ như đã tìm được nhiều lý
thú trong kịch thơ Cung phi Điểm Bích
(1989), tiểu thuyết Cưỡi sóng đạp gió
(2000)... của tác giả lão thành Hoàng Công Khanh!
Tạp
chí Điện ảnh kịch trường…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét