Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

THÁNH ĐƯỜNG HỎA NGỤC: Hồi thứ ba

                                                             Kịch xảy ra sau Hồi trước 2 tháng

Cảnh nhất
Vào hồi  1 giờ tối, vẫn ở nhà ông Trương.

Mở màn

Sân khấu trống. Ông Trương vẻ mặt đăm chiêu từ phía cửa trái đi ra.

Ô Trương: (Ngó vào nhà trong, hỏi) Hảo có nhà không?
(Không có tiếng trả lời. Ôn quay lại ngồi xuống giường lấy điếu hút. Chị Hảo ra).
Chị Hảo: Thầy ở nhà đấy à? Nhà con có về qua đây không?
Ô Trương: Không. Tao cũng vừa ở đằng cụ Tiên về tìm nó. Lại có việc gì nữa thế?

Chị Hảo: Anh Thích nhờ con về tìm nhà con. Dân làng nhốn nháo lắm, đang họp cả bên anh Thủ Điền. Chị Thủ điên thật rồi thầy ạ. Bà Mão chết rồi.
Ô Trương: Thế à? Thật là mở mắt ra cả với nhau. Người chết đằng người. Thóc nó đốt đằng thóc. Tưởng chạy vào nhà thờ mà không chết với nó à? Khốn khổ khốn nạn quá. Bên cụ Tiên chúng nó lấy hết thóc rồi. Mả mẹ nó, đến cả cái nước không khuân đi hết được, nó đổ xuống bùn, nhầu như ta nhầu bổi chát tường. Không còn hòng sàng đãi được gì cả, mới ai oán chứ. Chòm bên Xã Bích nó đốt không sót một nhà. Lạy Chúa tôi! Tao tưởng chiều hôm nay thì cháy hết làng. Còn bên xóm Tây ra sao?
Chị Hảo: Bên ấy nó đốt có nhà anh Trinh. Còn thóc thì cả xóm mất sạch. Nhà Lý Trản cũng bị phá, thóc bị lấy gần hết. Vợ Lý Trản lại đang ngắc ngoải.
Ô Trương: Thằng Trản thì thật là oan oan tương báo! Chả cậy thần cậy thế, bóp hầu bóp cổ người ta mãi… Chỉ thương hại mấy đứa con cụ Tiên. Con Son mới mười bốn tuổi mà cũng bị ba - bốn thằng… Khổ! Con bé nằm liệt giường không đứng lên được. Mả cha nó chứ, trông những thằng Tây không khác gì quỷ sứ! Những người chạy vào ẩn trong nhà thờ để Cha Xứ che chở cho, đều bị bắt tất. Thảm hại chưa? Mấy đứa thanh niên bị bắt đi, chỉ có mà làm bia đỡ đạn!
Chị Hảo: Tại mấy cái anh ấy cứ lừng chừng, tin là nó không dám phạm đến nhà Chúa cơ, thì đừng có chết à? Còn toàn thể anh em thanh niên trong làng nghe nhà con, chạy đi thì có ai việc gì đâu!
Ô Trương: (Ấm ức) Tại chúng nó chí tâm tuyệt diệt làng này. Đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp, vây bắt… Phải làm thế nào chứ, để mãi thế này thì không được!
Chị Hảo: Cứ gì một làng ta bị phá hả thầy? Làng nào còn bị nó kiểm soát mà chả thế. Có điều ở nơi khác, nhân dân họ không sợ Tây, họ coi Tây như chó dữ. Họ đều một lòng nhất quyết không theo Tây, mà còn đánh lại nó nữa.
Ô Trương: Phải đấy. Tao thấy bảo ở bên Thượng kia kìa, Tây hay bảo hoàng thò mặt đến là họ đánh cho bỏ mẹ, chạy không kịp ấy chứ!
Chị Hảo: Vâng, ở bên Thượng thì Tây đừng có hòng bắt được một thanh niên đi lính cho nó. Họ vào du kích cả, đánh Tây ra dáng. Còn thóc thì họ giấu đi, họ chuyển ra ngoài kháng chiến. Tây có về tìm được một hạt thóc rơi thì cũng toi mạng, nát xương với du kích.
Ô Trương: Ừ, đối với thằng Tây thì chỉ có đánh. Thế mới được…
Chị Hảo: Thầy cũng nên lại chỗ các cụ xem thế nào? Con phải đi tìm nhà con đây.
Ô Trương: Tao cũng chạy về qua nhà tìm thằng Hảo…
Chị Hảo: Con tìm thấy nhà con, thì con sẽ bảo lại chỗ các cụ ngay.
(Chị Hảo định đi thì bà Trương ra).
Bà Trương: Khổ cực quá! Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Chắc là ít lâu nay nhiều người làm trái lẽ quá, nên Chúa mới ghét làng ta như thế. (Thấy chị Hảo định đi) Mày đi đâu đấy? Có lại đằng Thủ Điền giúp nó một tay, giữ vợ nó lại… Tao chịu! Vợ nó điên dại, làm khiếp lên được.
Chị Hảo: Vâng, con đến anh ấy đây. U về làm gì thế? Sao u không đến với các cụ bà xem có sang giúp đỡ bên bà Mão không?
Bà Trương: Tao về qua nhà một tí… tìm chồng mày. Các bà ấy cứ hỏi là phải làm thế nào chứ? Tao cuống cả lên. Thế thằng Hảo đâu? Hay nó vào Cha Xứ?
Chị Hảo: Con không biết, con đang đi tìm nhà con. (Chị Hảo đi vào).
Ô Trương: (Với vợ) Bà đã thấy chưa? Ngay giữa nhà thờ, chúng nó đè người ra nó hiếp. Chúng nó lột không còn manh áo xống, làm ô uế cả nhà Chúa, mà cũng câm như ngậm hột thị cả với nhau.
Bà Trương: Lạy Chúa tôi, họ là những con quỷ sứ. Phạm đến nhà Thánh, Chúa sẽ trừng phạt họ. Họ sẽ phải xuống hỏa ngục đời đời.
Ô Trương: Hỏa ngục à? Đấy, hỏa ngục đấy chứ đâu. Có nghĩa là chúng nó đi cướp nước người ta. Bọn thực dân ấy, chúng nó thương gì dân mình! Chúng nó chỉ muốn cho mình tuyệt giống, chết đói chết khát, lụn bại như cái năm nào ấy… Chỗ nào chúng đặt chân đến là chỗ ấy hóa hỏa ngục. Cả với nhà Thờ mà chúng nó đến cũng thành hỏa ngục đấy! Sáng hôm nay thằng Hảo mà nó không giữ bà lại thì bà cũng được xuống hỏa ngục nhá!
Bà Trương: Ma quỷ ám vào ông! Có phải Chúa hành phạt làng ta, nên mới có lũ quỷ mũi mỏ diều mắt xanh tóc đỏ nó hiện ra?…
Ô Trương: Làng ta làm gì mà Chúa hành? Có điều là chúng nó đã rước voi về giày mồ… Chúng nó đã rước các bố Tây nó về đây, chúng nó đã phản lại Chúa, đã đánh đu với quỷ sứ để giết con chiên lành của Chúa thì có.
Bà Trương: Lạy Chúa tôi, ông lại sắp nói hành đến các đấng! Cha Xứ thì lúc nào chả thương các con chiên lành của Chúa. Đấy, Cha không thương thì đã chả tha cho bố con ông , thì bây giờ ông vẫn còn ngồi ở nhà giam đấy!
Ô Trương: Bà đừng nói nữa đi. Cha Xứ tha bố con tôi là Cha phải làm theo ý muốn của dân làng. Dân làng mến thằng Hảo, dân làng thấy Cha Xứ để Chánh Phớn bắt giam thằng Hảo không có chứng cứ gì, nên dân làng đòi thả nó ra. Cha Xứ không tha cũng chả yên được!
Bà Trương: Lạy Chúa tôi, từ ngày ông được tha về, thật ông đã bị quỷ ám nên động nói là ông phạm đến các đấng. Cha Xứ không thương thằng Hảo, sao tha nó xong lại tin dùng nó… lại cho nó làm việc, lại giao tiền cho nó.
Ô Trương: Ngu! Cái đồ ngu! Con nó nói như rót nước vào tai mà cứ ù ù cạc cạc, chả hiểu cái nghĩa lý gì. Có điều là Cha Xứ thấy dân làng có tình cảm với thằng Hảo, nó nói gì là dân làng đều nghe ra, nên muốn được lòng dân Cha phải dùng nó, chứ không thì… lão Chánh nó lại không nuốt chửng ngay thằng Hảo đi, chứ có còn mà rộn cả lên.
Bà Trương: Ông dạo này cũng lắm mồm lắm, tôi chả cãi nổi cái mồm của bố con ông!
Ô Trương: (Vênh mặt) Làm con người phải biết cái nghĩa là giác ngộ; biết là không hoạt động, không tranh đấu thì cứ mòn đời cũng chỉ cúi đầu cúi cổ xuống mãi…
Bà Trương: (Nói chặn) Này, ông đừng có nói chủ quan. Thằng Hảo nó đã dặn đi dặn lại mà cứ tồng tộc cái mồm ra thế.
Ô Trương: Thì ra bà chả biết cái gì cả. Cái việc là hôm nay dân làng đã chịu khổ cực quá rồi, không ai chịu được nữa thì là nói cho rõ ra. Dân làng đã đồng lòng rồi thì sợ gì. Mà thôi, bà cũng nên lại đằng cụ Tiên xem các bà ấy đã đến cả chưa. Đứng đấy mà nói chuyện lẩm cẩm mãi.
Bà Trương: Thì cũng phải có thằng Hảo mới được chứ. Tôi biết làm thế nào?
Ô Trương: Được rồi, tôi sẽ đi tìm nó đến. Bà cứ giữ các bà ấy ở cả đấy. Ai chưa đến thì cho đi gọi…
Bà Trương: Lạy Chúa tôi! Đi đến chỗ nào cũng thấy khiếp cả người. Thật khổ cực muôn vàn. (Đứng lên).
Ô Trương: (Cũng đứng lên) Không bảo được nhau thì còn khổ nữa ấy! Thì đến cái túp này (Chỉ lên nóc nhà) nó cũng đốt hết; thì cái mạng già này (Vỗ vào ngực) nó cũng ăn gỏi. Mà không thì nó cũng làm cho chết đói chết khát.
(Bõ già ra. Bõ là một ông già nhăn nhúm, chạc ngoài 60, chậm chạp, đần độn).
Bõ già: Chào ông bà!
Bà Trương: À, chào Bõ. Bõ đi đâu đấy, sao không ở nhà hầu Cha?
Ô Trương: Bõ vào chơi.
Bõ già: (Ngồi xuống giường) Cha đang nói chuyện với anh Hảo. Cha cho tôi đi xem binh tình dân làng ra sao. Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Chúa trừng phạt làng ta nhiều nỗi, nhà nào cũng rầu rĩ vô cùng!
Ô Trương: Tây nó đốt nhà, nó hiếp đàn bà, nó cướp thóc, nó bắt người mà Bõ lại bảo là Chúa trừng phạt à?
Bõ già: (Nhìn chéo ông Trương) Thì vậy! Chúa có trừng phạt thì mới xảy ra cơ sự như vậy.
Bà Trương: (Nói lấp đi) Thế Cha có truyền gì không Bõ?
Bõ già: Lạy Chúa tôi, hôm nay Cha cũng buồn rầu vô cùng. Tôi thấy Cha cứ ra vào bứt rứt. Trưa nay lại nói to với cụ Chánh.
Ô Trương: Thế như? Bõ có thấy Cha to tiếng những gì với cụ Chánh không?
Bõ già: Lạy Chúa tôi. Công việc của Cha bề trên tôi dám gì để ý. Vả lại lúc đó cửa phòng đóng kín, tôi đi qua ngoài vườn chỉ thấy cụ Chánh bảo: “Phải lên đồn kêu với các quan Tây, để quân lính làm thế này mất uy tín”.
Ô Trương: Thì chính các quan Tây cũng hiếp, cũng đốt nhà đấy, còn kêu ai? Mà bây giờ còn kêu gì nữa…
Bõ già: Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Thương thay cái đám bà Mão, thế là chết mất ba người rồi. Lại còn bà Lý Trản nữa, vừa mới nằm cữ được mấy ngày mà các quan Tây cũng làm đến sắp chết.
Bà Trương: Lạy Chúa tôi thật là cay cực vô vàn… Không biết vợ Thủ Điền đã đỡ chưa?
Bõ già: Ui dào, lạy Chúa tôi. Chị ấy làm tôi khiếp quá thể. Tôi vừa đến cửa thì chị ấy chạy ra nắm chặt lấy tôi, tôi không sao mà gỡ ra được. Rồi chị ấy bắt tôi đưa chị ấy lên thiên đường để cầu Chúa. Rồi lại đòi cả xuống hỏa ngục. Rồi chị ấy lại bảo tôi là Tây, chị ấy đòi giết. Tôi kinh hãi quá, mọi người gỡ mãi tôi mới thoát ra được. Lạy Chúa tôi, chị ấy điên thật rồi bà ạ!
Bà Trương: Tội nghiệp!
Ô Trương: Thế còn thằng Hảo, Cha gọi nó vào nhà Xứ làm gì hả Bõ?
Bõ già: Tôi cũng không được hay. Có điều là lúc cụ Chánh ở phòng khách của Cha đi ra, tôi thấy cụ hung hăng lắm. Lúc Cha truyền gọi tôi… tôi vào đã thấy anh Hảo ngồi với Cha ở bàn. Cha truyền cho tôi đi các nhà…
Ô Trương: (Cắt lời) Chuyện trò gì mà lâu thế. Tôi phải đi gọi nó mới được.
(Ô Trương đứng dậy định đi thì chị Hảo ra).
Chị Hảo: (Hấp tấp) Thầy có thấy chị Thủ Điền chạy qua lối này không?
Ô Trương: Không, có việc gì thế?
Chị Hảo: Chị ấy nổi cơn vùng chạy, mọi người không giữ được, tìm mãi chả thấy đâu. Mà nhà con cũng không thấy đâu.
Bà Trương: Chồng mày ở trong Cha đấy.
Chị Hảo: Không, nhà con không còn ở trong ấy đâu, đi ra đã lâu rồi. Thầy đi tìm giúp… nhà con một tí.
Ô Trương: Quái nhỉ, để tao đi tìm nó xem. (Bớt ông Trương).
Chị Hảo: (Với bà Trương) U đến đằng anh Thủ đi, tìm chị Thủ hộ…
Bà Trương: Ừ, tao đến ngay… Mày đến trước đi…
Chị Hảo: U đến ngay nhá. (Chị Hảo tất tả đi).
Bà Trương: Ừ!
Bõ già: (Đứng lên) Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Nhà Chúa không được bằng yên. Tôi cũng phải về xem Cha có truyền gì chăng?
Bà Trương: (Đi theo Bõ) Bõ ạ. Vắng ông lão nhà tôi, tôi mới dám nói. Chứ tôi thấy người Tây chỉ là giống ma quỷ. Họ đến làm loạn nhà Chúa!
Bõ già: Lạy Chúa tôi, sáng nay tôi cũng nhận thấy thế. Tôi về bà nhá.
Bà Trương: Tôi cũng đến đằng Thủ Điền…
(Vừa lúc đó có tiếng cười the thé bên ngoài).
Tiếng chị Thủ Điền bên ngoài: Ai có vào nhà thờ xem hỏa ngục với tôi không? Lạy Đức mẹ lòng lành… Kìa bốn năm thằng Tây râu xồm… Ôi con lạy các quan…
Bõ già: (Vừa ra đến cửa, vội thụt vào, sợ hãi đi giật lùi, ẩn sau lưng bà Trương) Bà ơi, chị Thủ Điền đấy… Bà… bà… giữ chị ấy hộ. Đừng để chị ấy vào đây.
Bà Trương: (Thấy thế cũng sợ) Tôi làm gì được… nó điên dại như thế…
Tiếng chị Thủ Điền: Cha Xứ ơi… Cha để quỷ nó hiện ra mà Cha không làm phép đuổi nó đi… Ối làng nước ôi… Tôi có làm gì đâu… Anh Hảo ơi, anh cho tôi đi… tôi cũng giết được nó. (Tiếng chân chạy) A… ha… cho tôi đi giết Tây các anh ơi… (Tiếng chị Thủ khuất hẳn).
Bõ già: (Mặt tái mét, run lẩy bẩy, ngồi xuống giường) Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng… Bà xem chị ấy đi hẳn chưa?
Bà Trương: (Sợ, nên chỉ ngấp nghé rồi quay lại ngay) Có lẽ nó chạy xa rồi… Thôi đi được rồi Bõ ạ.
Bõ già: Để cho chị ấy đi hẳn đã bà ạ. Khiếp quá!
(Bà Trương cùng ngồi xuống giường. Hai người thẫn thờ một lát).
Bõ già: Bà Trương ạ, tôi không còn hiểu ra làm sao nữa! Cha bề trên vẫn hằng truyền dạy, là người Pháp nhân đạo, bác ái,… người Pháp cũng là con chiên lành của Chúa. Mà sao cứ động trông thấy họ là tôi sờ sợ. Mà sao họ ác thế? Hay là những người này không phải là người Pháp?
Bà Trương: Tôi thấy thằng Hảo nhà tôi nó bảo đấy là Pháp thực dân đế quốc…
Bõ già: (Ngẩn ngơ) Thực dân đế quốc là ác à? Thảo nào…
(Vừa lúc đó ông Trương ra, vẻ bực tức khó chịu).
Ô Trương: Ô hay, bà còn ngồi đấy làm gì? Người ta đến cả rồi kia kìa.
Bà Trương: Tôi sắp đi đây.
Ô Trương: Còn sắp gì nữa. Đi thì đi đi, nhanh chân lên.
Bõ già: (Ngơ ngác nhìn không hiểu, đứng lên) Tôi về bà nhá. Chào ông bà.
Bà Trương: Bõ về đấy như.
Ô Trương: (Buông sõng) Không dám! (Bõ già đi).
Ô Trương: Thằng Hảo đã về đây chưa?
Bà Trương: Chưa. Ông không tìm thấy nó à?
Ô Trương: (Bực tức) Thấy đâu. Vào nhà Xứ hỏi chú Khả thì chú ấy bảo, đã thấy nó ở Cha ra rồi. Và, lại đứng nói chuyện với Lý Trản một lúc lâu ở đầu cổng nhà ông ấy. (Ngồi xuống giường) Không biết nó lại chuyện trò gì với cái thằng Trản ấy nữa. Chả còn hiểu ra làm sao cả! Thôi bà đi đi… đi ngay đi…
Bà Trương: Đã định đi rồi đấy. (Đứng lên) Nhưng con vợ Thủ Điền nó làm hết vía đi được.
Ô Trương: Vợ Thủ Điền à? Nó đâu?
Bà Trương: Nó vừa đứng ở cửa. Nó chạy đi rồi.
Ô Trương: Nó chạy về lối nào?
Bà Trương: Về lối Nhà Chung.
Ô Trương: Bà đi qua nhà Thủ Điền bảo cho chúng nó biết ngay đi đã. Họ đang tìm nó nháo cả lên đấy. Bà đi đi…
(Bà Trương vào).
Ô Trương: (Dáng điệu bực tức, vơ điếu vỗ đồm độp để thông bã) Cái thằng lạ thật, mất tăm mất hút. Nói chuyện với Cha Xứ, lại nói chuyện với cả Lý Trản. Không biết nó định liệu ra sao?
(Ô Trương nhồi thuốc vào điếu, đánh lửa. Vừa lúc có tiếng người gọi bên ngoài).
Tiếng người gọi: Anh Hảo ơi, có nhà không đấy?
Ô Trương: (Sững lại, lắng nghe) Tiếng Lý Trản à? Nó đến đây để kiếm chuyện hẳn? Hay là rầm rộ quá chúng nó biết rồi.
Lại tiếng bên ngoài: Anh Hảo ơi!
Ô Trương: (Hỏi to) Ai gọi gì đấy?
Tiếng bên ngoài: Tôi ạ!
(Ông Trương buông thõng điếu, tỏ ra khó chịu. Lý Trản ra. Lý Trản chạc tứ tuần, mặc quần trắng, áo bành tô, mặt mũi bơ phờ, râu mép vểnh).
Ô Trương: (Nhìn Lý Trản gờm gờm giữ miếng) Ông Lý… lại chơi.
Lý Trản: (Cố lấy giọng thân mật) Chào ông Trương. Anh Hảo có nhà không ông?
Ô Trương: Ông Lý cũng… lại hỏi cháu Hảo… làm gì?
Lý Trản: (Vẫn đứng) Hồi nãy tôi định mời anh ấy vào trong nhà nói câu chuyện, nhưng anh ấy bảo là đang bận chạy đi mấy việc khẩn cho Cha Xứ, nên tôi chưa hỏi được kỹ… (Đứng im).
Ô Trương: (Nghi hoặc, mời gượng) Ông ngồi tạm…
Lý Trản: (Ngồi xuống giường) Thế ra anh Hảo chưa về?
Ô Trương: (Thăm dò dè dặt) Ông Lý muốn hỏi cháu chuyện gì đấy ạ?
Lý Trản: Chả nói giấu gì ông, tôi đến định hỏi anh Hảo đường đất đi ra ngoài vùng tự do… để tìm đến Ủy ban…
Ô Trương: (Vội ngắt) Ấy chết! Thằng Hảo nhà tôi thì nó biết thế nào được những cái việc ấy. Ông hỏi thế, nhỡ ra…
Lý Trản: Không, tôi hỏi thật đấy ông ạ.
Ô Trương: Thì vẫn là ông hỏi thật, nhưng mà… nhỡ ra… tù tội thì ai chịu cho cháu nó.
Lý Trản: Ông ngờ là tôi đến dò la anh Hảo để làm hại anh ấy có phải không? Tôi biết là các ông, tất cả dân làng đều không ai tin tôi cả. Vì tôi đã theo Tây, tôi đã rình mò chỉ đường dẫn lối giết hại mọi người. Tôi biết thân tôi lắm. Tôi nhục quá ông Trương ơi! Hôm nay tôi đến thực tình là muốn nói chuyện với anh Hảo, để anh ấy mách giùm cho tôi lối đi ra tìm Ủy ban… Tôi đi thật… Tôi đi, nếu chúng nó bắt được thì chúng nó chỉ bắt mình tôi. Chúng nó giết tôi. Tôi cũng không cần. Tôi không thể ở lại đây được nữa. Cực nhục lắm, ông Trương ạ!
Ô Trương: (Chưa tin) Ông cứ nói thế. Chứ có làm sao thì cái hạng cùng đinh chúng tôi mới dễ bị bắt, bị giết. Chứ các ông từ xưa vẫn gần các quan… Nói thế nào thì các quan nghe thế.
Lý Trản: Tôi vẫn biết là các ông không còn ai tin tôi nữa. Các ông còn ghét tôi, thù tôi… Các ông có thể giết chết tôi được. Nhưng hôm nay tôi đã hối lỗi. Tôi ân hận lắm. Không những tôi nhờ anh Hảo chỉ đường cho tôi đi ra tìm Ủy ban, để tôi được thú tội và xin chịu tội với cụ Hồ; tôi sẽ còn nhờ anh Hảo nói giúp hộ với dân làng, để tôi có lời xin lỗi dân làng; vì tôi được biết là dân làng quý mến anh Hảo lắm!
Ô Trương: (Tỏ ra hơi thích) Ông cứ nói thế.
Lý Trản: Hôm nay tôi đã thấy những sự độc ác của tôi từ trước. Tôi đã gieo tai rắc họa vào bao nhiêu gia đình. Tôi đã dẫn đường cho Tây đi đốt nhà, cướp của, đi giết người… Bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người đã bị khổ sở đau đớn vì tôi, mà trước kia tôi đã nhơn nhơn không thèm để ý. Tôi chỉ mưu lợi cá nhân, gây quyền gây thế cho mình. Đến hôm nay thì tôi đã mở mắt ra rồi. Hôm nay tôi mới biết khổ sở, đau đớn là thế nào rồi. Tôi mới thấy rằng, những việc tôi làm trước đây là táng tận lương tâm. Những cảnh đốt phá, hãm hiếp trước kia do tôi gây ra, hôm nay đã xảy ra ngay trong nhà tôi, cho chính cái thân tôi… (Tỏ ra uất ức) Vợ tôi đấy, Tây nó hiếp sắp chết rồi. Của cải nhà tôi, Tây nó vơ vét hết rồi. Thóc nó cướp, nhà nó đốt. Mà rồi, đứa con mới đẻ của tôi, mẹ nó mà chết đi… sẽ đói sữa, sẽ không có ai trông nom thì rồi cũng chết… (Giọng nặng nề, đau đớn) Tôi năm nay gần bốn mươi tuổi đầu mới có được một mụn con. Thật là tan nát! (Răng rít chặt) Tiên sư cha thằng Tây, sao nó không giết nốt tôi đi… (Gục mặt xuống hai lòng bàn tay).
Ô Trương: (Sững sờ nhìn Lý Trản. Sau khi nghe rõ chuyện, nét mặt tỏ ra ái ngại nhưng không biết xử trí ra sao, ấp úng) Sao… sao… ông Lý không vào kêu với Cha Xứ?
Lý Trản: (ngẩng phắt đầu) Kêu gì? Nhà Thờ là nơi trong sạch tôn nghiêm mà chúng còn lột trần lột truồng người ta ra, nó hiếp lấy hiếp để. Chúng nó thay phiên nhau làm dơ bẩn đất Thánh, mà Cha còn chẳng nói gì được, thì kêu vào đâu! Tôi thấy cứ nói là phải bảo vệ Chúa, bảo vệ nhà Chúa, không để Việt minh xâm phạm tới, là… nói láo. Việt minh không thấy đâu, chỉ thấy nhỡn tiền những thằng Tây tự do xâm phạm nhà Chúa, tự do làm bậy trong nhà Chúa… (Ngừng một lát) Chẳng qua vì lợi tất… Vì lợi mà quên hết, chả còn biết phải trái gì nữa!
(Hai người cùng im một lúc).
Ô Trương: Thế ông đã bàn gì với cụ Chánh chưa?
Lý Trản: (Nhìn ông Trương, trợn mắt) Chánh quản Phớn ấy à? Cái thằng đểu, xỏ lá xỏ xiên, không có trước sau ấy, nói làm gì cho nó phí lời đi. Mả cha nhà nó, Tây nó đã đốt phá, đã hãm hại nhà tôi như thế, nó không hề đả động đến một lời thì chớ, lại còn cho lính đến bắt lợn của nhà tôi, để về thết các bố nó. Nó bắt ức tôi quá thể. Tôi kêu, nó còn cho lính đến bảo, đấy là việc quan, hãy cứ biết thừa hành, sau sẽ hay! Thừa hành cái gì, thừa hành cái mả cha nó ấy à?
Ô Trương: Thì tôi tưởng cụ Chánh đối với ông tốt như anh em thủ túc ấy chứ. Ngày các quan về đây lập bót, chính cụ Chánh đã nói để ông ra giữ chức Lý trưởng đấy thôi.
Lý Trản: Lúc cần cấp, Tây nó bắt phải có người làm việc ngay, nên nó mới đẩy tôi ra làm đầu sai cho nó, còn lợi thì nó vơ vào ngập mặt ngập mày. Lương tháng nó ăn chặn đường lương tháng. Hàng họ nó mua của Tây về, nó gán bắt phải mua, nó bảo đấy là lệnh của các quan. Quần áo đồ dùng của lính, nó cũng ăn bớt ăn xén. Nó cậy thần cậy thế, ỷ vào Tây để bóp hầu bóp cổ, vu oan giá họa cho mọi người…
Ô Trương: (Lộ rõ căm tức) Có mà bóp hầu bóp cổ, vu oan giá họa được mãi đấy! Cứ tưởng theo Tây được suốt đời để mà ăn cướp. Tây còn thì còn ỉ vào Tây, chứ mà Tây đi thì đừng có hòng sống được với dân làng. Tôi nói thật cho ông biết chứ, dân làng không chịu được nữa đâu. Đấy, rồi ông xem, những đứa theo đóm ăn tàn rồi cũng bỏ mẹ cả.
Lý Trản: (Ngần ngại) Tôi cũng nghĩ thế, ông ạ. Cho nên, tôi thấy là hôm nay, Chúa đã trừng phạt tôi, để tôi mở mắt ra, để tôi biết con đường sống mà theo. Tôi nghe nói thì, những vùng lân cận ta đây, dân chúng đã nổi dậy cả rồi. Bộ đội cụ Hồ đã về vùng này… không chóng thì chầy họ cũng đánh…
Ô Trương: Chả cứ chỉ có bộ đội cụ Hồ mới đánh Tây… dân người ta cũng đánh…
Lý Trản: Phải, rồi cũng phải thế. Chứ điêu đứng mãi thế này thì chịu làm sao! Không thể để nó giết mãi mình được. Thà rằng đánh bỏ mẹ nó đi, rồi có chết cũng hả. Tôi thì tôi nhất quyết rồi ông ạ. Tôi sẽ ra ngoài kia tìm Ủy ban để đầu thú, rồi thì tôi sẽ liệu… Tôi sẽ đi du kích. Cầm bằng tôi thí cái mạng tôi với chúng nó. Ức lắm rồi… (Im lặng).
Ô Trương: (Phụ họa) Phải… Ức lắm!
Lý Trản: (Vùng đứng lên) Thôi, để rồi tôi sẽ gặp anh Hảo nói chuyện cho rõ. Tôi phải về… nhà tôi nguy kịch lắm… Thôi, chào ông (Quay đầu đi).
Ô Trương: Chả dám, ông lại nhà.
Lý Trản: (Đi đến cửa) Nếu anh Hảo về mà còn sớm, ông nói hộ là tôi lại chơi. Tôi nóng lòng nóng ruột lắm rồi. Yên với chúng nó không được!
Ô Trương: Vâng được, tôi sẽ bảo cháu.
(Lý Trản khuất hẳn. Ông Trương nhìn theo, lấy điếu châm lửa hút, vẻ suy nghĩ, rồi băn khoăn nói một mình).
Ô Trương: Chả lẽ nó đến đây dò la mình. Chúng nó là khôn ngoan lắm. Không biết mình có nói gì lộ không? Nghe nó nói thì là nó hối hận thật. (Bực mình) Mà mặc mẹ nó. Nó mà không cải tà quy chính thì là nhà nó vô phúc. Có việc là… cứ phải tranh đấu!
(Vừa lúc đó Hảo và Thích đi ra, dáng vội vàng).
Ô Trương: Úi dào. Mày đi đâu mà mất tăm mất hút, mọi người tìm đâu cũng không thấy là thế nào? Dân làng cứ hỏi mày nháo cả lên.
Hảo: Con đã đến cả mấy nơi rồi. Các cụ đang chờ thầy, thầy đến ngay đi.
Ô Trương: Thì tao đi tìm mày, có mấy cụ muốn tản cư ra ngoài khu tự do, hỏi tao, tao chẳng biết thế nào mà trả lời.
Hảo: Vừa rồi các cụ cũng đưa vấn đề ấy ra hỏi ý kiến con. Con có bảo là, cái việc bỏ đất tản cư là không nên. Nhưng những người không có hoàn cảnh ở lại, nhất là các cụ thì cũng cần linh động một tý. Thôi, thầy đi ngay đi…
Ô Trương: (Gật đầu) Tao đi đây. (Đến cửa, quay đầu lại) À này, thằng Lý Trản vừa đến đây tìm mày. Tao nghi là nó đến đây dò la. Nó biết, liệu có việc gì không?
Hảo: Chúng con cũng vừa gặp nó. Lý Trản nó giác ngộ rồi. Nó cũng đến anh Thủ Điền rồi đấy.
Ô Trương: Thế hả. Thế tao đi. (Ông Trương đi).
Hảo: (Với Thích) Ta vào việc thôi. (Ngồi xuống giường).
Thích: (Ngồi xuống giường cùng Hảo) Anh đi đâu mà chúng tôi tìm mãi không thấy.
Hảo: Ở nhà Xứ ra, tôi phải vào nhà giam thảo luận với anh Giao.
Thích: Anh ấy bảo sao?
Hảo: Thì ngay từ buổi sáng khi được tin dân làng bị như thế, anh ấy bảo, thời cơ đến rồi. Anh ấy vạch rõ kế hoạch đưa dân làng ra tranh đấu, như tôi đã phổ biến với anh và mọi người rồi. Còn vừa rồi là thảo luận thêm một vài điểm.
Thích: Những gì mà lâu thế?
Hảo: Không, thảo luận có một lát thôi. Nhưng sau đó, theo kế hoạch bổ khuyết thêm, tôi phải cấp tốc sang bên Thượng để gặp anh em du kích bên đó bàn phối hợp. May quá, chủ lực tỉnh cũng đang bố trí…
Thích: (Hớn hở) Thế hả?
Hảo: Thế là thời cơ thuận lợi lắm rồi. Anh Giao phán đoán tình hình thật sát. May mà nó còn cuống lên vì chiến dịch của ta đang mở, nên không đem anh ấy đi; chứ không thì lúc này chúng mình sẽ lúng túng bởi thiếu anh ấy.
Thích: (Nôn nóng) Thế bây giờ phải làm gì? Có như kế hoạch đã phân công không?
Hảo: Công việc của anh xong chưa đã?
Thích: Xong rồi. Kế hoạch đã được phổ biến chi tiết. Thanh niên, phụ nữ tập trung chỗ anh Thủ Điền, các cụ đằng cụ Tiên, nông dân đằng ông Mão.
Hảo: Có gì cản trở không?
Thích: Không! Mọi người làm như đến phúng viếng, hoặc thăm hỏi giúp đỡ các gia đình bị nạn, nên ổn lắm.
Hảo: Thế thì được rồi. Còn tình hình bên ngoài thì thế này. Chủ lực đang hoạt động mạnh. Dọc đường số 1, các vị trí của nó đều đã bị nhổ gần hết. Chúng nó thiếu lực lượng cố thủ ở vị trí Chùa Cao. Những nơi khác du kích bao vây chặt. Chúng hoang mang, lúng túng lắm rồi! Còn hôm nay thì du kích các xã khu này sẽ phối hợp với chúng ta. Không chỉ anh em bên Thượng, mà cả Hùng Tiến, Minh Khai cũng sẽ liên hoàn trợ chiến. Đồn Mỹ có thể bị ta đánh đêm nay; nếu không thì du kích sẽ gây rối. Như thế ta không sợ nó ứng cứu về đây nữa.
Thích: (Sung sướng) Thế thì ăn đứt rồi. Tiên sư cha chúng nó!
Hảo: (Chấn chỉnh) Đừng lạc quan tếu vội. Chúng ta còn phải đề phòng “chó cùng dứt dậu”. Ví dụ, có thể Chánh Phớn liều cho xả súng máy vào dân.
Thích: Không sợ. Anh Lục đã làm hỏng máy nói rồi, mắt tôi trông thấy. Còn thằng Kỳ chỉ huy súng máy ngoan cố nhất, thì đã đồng ý theo ta. Vợ nó cũng bị hiếp sáng nay mà. Thế là máy nói gọi lên đồn hỏng, súng máy hộ vệ cũng đi đứt…
Hảo: Thế thì khả quan đấy. Còn anh em vệ sĩ có tập hợp đủ không?
Thích: Cậu Trí phụ trách việc này, báo cáo là một số lớn đã đến tập trung đằng anh Thủ Điền với thanh niên. Còn những thằng khác thì đã hứa, sẽ không hành động gì.
Hảo: Còn thằng Chánh Phớn, từ chiều vẫn có người theo dõi nó đấy chứ?
Thích: Có, anh ạ.
Hảo: Liệu nó có biết không? Nó mà sổng mất thì hỏng cả.
Thích: Chắc nó không biết gì đâu. Từ lúc ở đồn về nó cứ ở lì trong nhà. Có thằng Bạ Beng dò la vác mặt đến Thủ Điền thì bị dân làng nói như chích mặt ra, cu cậu chuồn mất, rồi chúi vào xó nào không thấy bóng dáng đâu nữa.
Hảo: Thế thì xong cả rồi. Anh ra trước… Tôi sang bên nhà giam giải thoát anh Giao, rồi sẽ ra cả đó.
Thích: (Đứng lên) Phải nhanh lên anh ạ, mọi người đang hăng. (Chợt nhớ) À quên, còn vấn đề Cha Xứ?
Hảo: Theo chủ trương chính sách thì, anh Giao bảo trường hợp Cha Xứ ở đây sẽ xử trí linh động. Vì theo anh ấy, Cha Xứ bị động nhiều hơn là chủ động, nên sẽ tùy theo thái độ đối phó của Cha Xứ lát nữa mà xử sự.
Thích: Còn tùy gì nữa. Tôi thì tôi cho là, cứ thẳng tay trừng trị thì mới giải quyết được cái mục lấy lại ruộng. Hoặc là cùng đưa vào một xâu với Chánh Phớn, Bạ Beng nộp ra Ủy ban Kháng chiến cho rảnh mắt!
Hảo: Nhổ được bốt ở đây, bắt được tụi Chánh Phớn là giải quyết được vấn đề đòi lại ruộng. Mình không nhận định cho kỹ, cứ làm quá đi là hỏng cả. Anh Giao vẫn căn dặn thế. Vả lại sau đây giải quyết công việc đã có anh Giao, đã có đoàn thể, đã có nhân dân, lo gì. Lúc này là ta chỉ phải cố gắng và cương quyết…
Thích: Cố gắng, cương quyết thì lúc nào chả cố gắng, cương quyết. Nhưng hôm nay giá được ít súng mà mang đi biểu tình thì có “thớ” lắm!
Hảo: Anh không lo, chúng ta cũng sắp có súng rồi đấy.
Thích: Súng tước của bốt ở đây ý à? Cái món ấy thì đã đành rồi.
Hảo: Ấy, súng tước được đêm nay thì thuộc về vấn đề chiến lợi phẩm, lại do cấp trên định đoạt cơ đấy.  Đằng này võ khí tự túc cơ.
Thích: (Không hiểu) Tự túc thì chỉ có thứ võ khí này. (Rút con dao bẩy thủ trong tay áo giơ ra) Tôi mang đi để đề phòng.
Hảo: Chỉ cái thứ võ khí này Tây cũng đã sợ hết vía rồi. Còn võ khí mình sẽ có là mìn, lựu đạn cơ. (Thích ngơ ngác. Hảo tiếp) Chả là cái số tiền hai vạn Cha Xứ đưa tôi để dùng vào việc mộ lính ấy mà, tôi đã đưa nhờ các anh bên Thượng sắm võ khí rồi.
Thích: (Sung sướng) Thế hả? Phải lắm! Gậy ông lại đập lưng ông. Phen này thì Tây bỏ mẹ với chúng mình rồi!
Hảo: Thôi đừng chủ quan vội đi. Cuộc tranh đấu của chúng ta còn dài và gian khổ. Cái vấn đề là phải thấm nhuần như thế. Tuy nhiên, tình hình đã biến chuyển. Các khu du kích và căn cứ du kích trong tỉnh đã mở rộng. Làng ta cũng sẽ phải thành khu du kích để bao vây giặc, để giữ lấy phần chủ động. Hiện quân ứng chiến của nó đang phải chống đỡ ở các mặt trận trên. Nhưng nay mai chúng nó có thể rút về để lại hoành hành, càn quét khu vực ta.
Thích: Thì lại gian khổ chứ gì? Cái điểm gian khổ là thấm nhuần rồi. Cả nhân dân cũng đã thấm nhuần, đã rõ!
Hảo: Nhưng cũng phải chuẩn bị mọi mặt để mọi người giữ vững tinh thần tranh đấu võ trang nữa chứ. Tranh thủ được nhân dân là thắng…
Thích: (Cướp lời) Phải, kẻ nào đi ngược lại quyền lợi nhân dân là chết!
Hảo: (Cười) Nhớ bài học nhỉ?
Thích: (Hãnh diện) Nhớ chứ… (Vừa lúc chị Hảo ra).
Chị Hảo: (Vội vã) Cả anh Thích cũng ở đây à? Các anh còn thảo luận gì nữa, dân làng đã đông đủ và hăng hái…
Thích: Chúng tôi đang kiểm điểm lại công việc.
Chị Hảo: Đã xong chưa?
Hảo: Xong rồi. Chúng tôi ra cả đây. Còn công việc của nhà đã chuẩn bị xong chưa?
Chị Hảo: Nhiệm vụ của em đã chuẩn bị đầy đủ rồi.
Hảo: Thế tinh thần dân làng thế nào?
Chị Hảo: Mọi người đều hăng hái. Chị em phụ nữ thì quyết tâm lắm!
Hảo: (Gật) Bây giờ nhà và anh Thích ra trước. Tôi sang đưa anh Giao ra sau.
Chị Hảo: Vâng. Đi, anh Thích đi.
Thích: (Vung con dao bẩy) Đi. (Hai người đi).
Hảo: (Dặn theo) Này, nhớ là tuyệt đối không xâm phạm đến nhà thờ đấy nhá!
(Bỗng Bõ già ra. Thích quay lại đứng nhìn).
Bõ già: (Với Hảo) Anh Hảo ơi, Cha Xứ truyền anh vào hầu ngay. Tôi đi tìm anh mãi.
Hảo: Vâng được, tôi sẽ vào.
Bõ già: Ấy, vào ngay cơ đấy!
Thích: (Với Bõ già) Không phải gọi, đến cả bây giờ đấy.
(Bõ già ngơ ngác không hiểu).
Hảo: (Tiến ra bảo Thích) Thôi anh Thích, anh đi ra đi…
(Thích gờm gờm nhìn Bõ già, rồi đi vào).
Hảo: (Ôn tồn với Bõ già) Bõ cứ về trình Cha là tôi xin vào hầu ngay.
Bõ già: (Vẫn ngơ ngác) Lạy Chúa tôi! Hôm nay người nào cũng như là bị ma quỷ ám.
(Bỗng có tiếng Thích hét lên ở ngoài).
Tiếng Thích: Đứa nào nằm đây? À, thằng Beng! Mày chết với ông! Anh Hảo ơi!
Hảo: (Vội chạy vào) Bạ Beng à? Bắt lấy nó!
(Bõ già ngơ ngác làm dấu thì…)

Màn hạ
  

Cảnh thứ hai

Kịch xảy ra tại phòng khách của Cha Xứ. Khởi diễn vào lúc Bõ già đến tìm Hảo ở nhà ông Trương về.
Căn phòng khách đơn giản và cổ kính. Phía trên cao bức tường trong cùng sân khấu, treo chiếc đồng hồ quả lắc; phía dưới là cửa lớn ra hiên, hướng về vườn cảnh, có treo màn gió bằng vải hoa; cạnh cửa ở góc phía phải sân khấu là cửa cầu thang lên gác.
Tường bên phải có bàn thờ, hai cây bạch lạp và thánh giá lớn bằng đồng bạch.
Tường trái kê một tủ nhỏ, trên để bộ chén uống nước bằng sứ hoa xanh, mấy lọ thuốc nhãn rực rỡ.
Giữa phòng bày một bộ bàn ghế thấp. Trên bàn có một chồng sách kinh, một lọ hoa tròn cắm mấy bông hồng, một cái mõ.

Mở màn

Cha Xứ đi bước một suy nghĩ, dáng điệu mệt mỏi; rồi ngồi vào ghế lấy quyển sách, giở vài trang, xong lại đặt lên bàn; tiếp theo, đứng lên tiến ra cửa vén màn trông vào phía trong, vẻ chờ đợi… Thỉnh thoảng Cha Xứ kiễng chân trông chừng ra ngoài, rồi vội vã quay lại bàn, gõ ba tiếng mõ.
Tiếng Bõ già: (Bên trong) Dạ.
(Bõ già hấp tấp chạy ra. Khi thấy Bõ già đến cửa, Cha Xứ ngồi xuống bàn, với quyển sách mở ra, cố tạo vẻ bình thản).
Bõ già: Trình Cha dạy…
Cha Xứ: (Do dự, không hỏi ngay, nghĩ ngợi một tí rồi hỏi qua chuyện khác)
Nấu sữa chưa?
Bõ già: (Đứng khoanh tay, lo lắng chờ đợi) Trình Cha, con đang đun sắp sôi rồi…
Cha Xứ: (Lại yên lặng) Ông già và cậu Khả ngủ chưa?
Bõ già: Trình Cha, ông già và cậu Khả hình như đi ngủ rồi.
(Cha Xứ đứng lên đi về một phía suy nghĩ, tay vẫn cầm quyển sách mở).
Bõ già: (Đứng yên, theo dõi chờ đợi, rồi thưa nhỏ) Trình Cha con xuống.
(Cha Xứ như không nghe thấy, vẫn đứng yên. Bõ già do dự rồi đi vào).
Cha Xứ: (Đột ngột hỏi) Thằng Hảo đâu? Có gặp nó không?
Bõ già: (Vội đứng lại ở mép cửa) Dạ bẩm, sữa chưa thật sôi ạ.
Cha Xứ: (Quay lại) Không, đi đâu thế Bõ?
Bõ già: Không, con xuống bếp.
Cha Xứ: Sao Bõ về không trình tôi biết có gặp thằng Hảo không?
Bõ già: Bẩm trình Cha, có ạ!
Cha Xứ: Nó bảo sao?
Bõ già: Trình Cha, anh ấy bảo là vào ngay ạ.
Cha Xứ: (Quay đi) Hừ! Có thấy ai ở nhà Hảo không?
Bõ già: Trình Cha, có bà Trương.
Cha Xứ: Không, người làng cơ chứ. Người nhà y kể làm chi.
Bõ già: Trình Cha, thế thì có anh Thích.
Cha Xứ: Ai nữa?
Bõ già: (Suy nghĩ, rồi ngập ngừng) À… à… trình lạy Cha, có vợ Thủ Điền.
Cha Xứ: (Im một lát) Vợ Thủ Điền… có làm sao không?
Bõ già: Trình Cha, không việc gì ạ.
Cha Xứ: Sao bảo nó hóa dại cơ mà?
Bõ già: À, bẩm trình lạy Cha, chị ấy điên dại quá thể.
Cha Xứ: Sao Bõ bảo nó không việc gì?
Bõ già: Trình lạy Cha, con nghĩ là Cha truyền hỏi con có bị chị Thủ làm gì không… thì trình Cha, con chỉ bị khiếp một tí thôi ạ.
Cha Xứ: (Như nói một mình) Hóa dại. Hóa dại được cơ à? Sao lại hóa dại? Có thật nó hóa dại không?
Bõ già: Trình lạy Cha, chị ấy thật điên vô cùng… (Một lát) Lạy Chúa tôi, Chúa phạt làng ta nhãn tiền!
Cha Xứ: (Nhìn bâng quơ) Chúa phạt!?
Bõ già: Trình lạy Cha, dân làng chẳng chịu nghe lời răn dạy… Họ phạm tội quá lẽ, rượu chè, trai gái, hút xách, cờ bạc… Chúa phạt làng ta là phải. Trình Cha, Chúa còn phạt làng này hơn nữa…
Cha Xứ: Sao Bõ lại nói, Chúa còn phạt làng này hơn nữa?
Bõ già: Trình lạy Cha, thì con thấy, nếu các quan Tây còn ở đây thì dân làng còn chịu nhiều hình phạt!
Cha Xứ: (Cúi mặt lặng thinh, một lát nói) Dân làng có nói phạm đến… các đấng không?
Bõ già: Trình Cha, chẳng khi nào họ dám thế! Nhưng mọi người đều rầu rĩ  vô cùng. Con đến đâu cũng thấy dân làng thê thảm, không ai nói với con một lời vui vẻ như mọi khi.
Cha xứ: (Lắc đầu) Họ chịu thương khó quá nhiều!
Bõ già: Trình Cha, có phải Cha làm họ chịu thương khó đâu… (Cha Xứ nhìn nhanh Bõ già). Bèn là Chúa sai ma quỷ đến đây dày xéo lên làng này.
Cha Xứ: Ma quỷ? Lỡ ma quỷ thật?
Bõ già: (Đương đà kể tiếp) Trình Cha, buổi sáng nay con cứ tưởng linh hồn con ra khỏi ngay da thịt tức thì…
Cha Xứ: (Quay lại) Sao?
Bõ già: Trình Cha, con thấy mấy ông Tây to béo đang đè vợ Thủ Điền ngay giữa nhà thờ…
Cha Xứ: (Nghẹn lời) Không nói nữa!
Bõ già: (Không nghe rõ, vẫn tiếp) Dạ, con sợ hãi quá. Lại có mấy ông Tây đứng cạnh xem…
Cha Xứ: (Nhắm mắt) Thôi… Bõ…
Bõ già: (Vẫn tiếp) Các ông ấy lại cười sằng sặc. Thì ra cái người “Phú - Lãng - Xa” họ văn minh thật!
Cha Xứ: (Nói to) Không nói nữa! Xuống bếp!
Bõ già: (Giật mình sợ hãi) Dạ. (Đi. Khi vào đến cửa thì có tiếng khóc vẳng ra. Bõ đứng dừng lại, nhìn Cha Xứ ngơ ngác).
Cha Xứ: (Lắng tai nghe rồi gọi) Bõ vào đây! Bên nhà Lý Trản phải không?
Bõ già: (Tiến lại) Trình lạy Cha, có lẽ vợ ông Lý chết. Thế là… (Lẩm nhẩm tính) đám này nữa là bốn.
(Tiếng khóc bên ngoài vọng đến rất rõ).
Cha Xứ: Lạy Chúa tôi. Bà ấy qua đời thật! (Cha Xứ làm dấu. Bõ già làm dấu theo và lâm râm đọc kinh).
Cha Xứ: (Với Bõ già) Bõ ra nhà thờ kéo chuông.
(Bõ già “Dạ” một tiếng và đi. Sân khấu bớt Bõ già. Cha Xứ nhìn theo Bõ già, rầu rĩ tiến đến ban thờ, làm dấu… Định quỳ thì có tiếng chân đi mạnh bên ngoài; Cha Xứ quay lại).
Cha Xứ: Hảo!
(Chánh Phớn ra. Chánh Phớn mặc quần áo đen, đầu quấn khăn mặt, súng lục kín hở trong tà áo, thoáng trông như người dân thường trong vùng địch hậu).
Cha Xứ: Tôi chờ anh đã lâu… Sao bây giờ anh mới tới?
Chánh Phớn: Lạy Cha!
Cha Xứ: (Sững người) À, ông Chánh! Tôi tưởng là thằng Hảo.
Chánh Phớn: (Nhìn chéo Cha Xứ, giọng khó chịu) Bẩm… Cha đang chờ thằng Hảo?
Cha Xứ: (Nói lấp) Tôi cho gọi nó có tí việc. Ông Chánh đi đâu mà ăn mặc cải trang làm vậy?
Chánh Phớn: Trình Cha, đi đêm đi hôm thì phải che mắt chúng nó. Thời kỳ này, phải cẩn trọng thế mới được. (Im một tí) Con vào hầu Cha để báo tin Cha biết.
Cha Xứ: (Nhìn chéo Chánh Phớn) Tin gì thế ông Chánh?
Chánh Phớn: (Thản nhiên) Trình Cha, vợ Lý Trản vừa chết.
Cha Xứ: Vừa nghe thấy bên nhà ông Lý có tiếng khóc, tôi đã biết… đã cho Bõ già ra nhà thờ kéo chuông. Có tin thế thôi à?
Chánh Phớn: (Cười nửa miệng) Trình Cha, nếu chỉ có tin vợ Lý Trản chết thì con không cần vào hầu Cha khuya khoắt thế này! (Ngồi xuống ghế).
Cha Xứ: (Hơi cau mày) Ông có thể nói ngay, không phải đắn đo dè dặt.
Chánh Phớn: Mọi việc trình Cha phải có đầu đuôi rõ ràng… Vợ Lý Trản chết, Lý Trản uất ức lắm… (Im).
Cha Xứ: (Nhìn thẳng Chánh Phớn) Tôi cũng đã đoán thế. Thóc của ông ta cũng bị mất hết phải không?
Chánh Phớn: (Đủng đỉnh) Trình Cha, hình như thế… Trình Cha, hắn có ý phản lại ta. Hắn dám nói hành đến các đấng, phạm đến Cha.
Cha Xứ: Lạy Chúa tôi! Thế có phải, không những Lý Trản oán tôi, phản lại tôi, mà cả làng này cũng đang oán tôi?
Chánh Phớn: Trình cha, Cha đoán đúng. Từ chiều đến giờ, dân làng hình như đang ngấm ngầm âm mưu một việc gì lớn lắm…
Cha Xứ: Ông có được tin tức gì rõ rệt không?
Chánh Phớn: Trình cha, không. Con cho Bạ Beng đi dò la thì từ trưa không thấy mặt đâu cả. Có lẽ nó bị hại rồi.
Cha Xứ: Sao không cho người khác đi dò la xem sao?
Chánh Phớn: Cha bảo còn ai? Chung quanh ta lúc này toàn là kẻ tử thù. Chúng nó chỉ rình giết ta. Những đứa thân tín thì cũng phản lại cả rồi.
Cha Xứ: (Nhìn tận mặt Chánh Phớn) Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Có thể như thế không?
Chánh Phớn: Trình Cha, thì đấy, Lý Trản đấy. Còn đứa nào tin được nữa?
Cha Xứ: (Nghĩ ngợi một lúc) Ông định xử trí thế nào?
Chánh Phớn: Chỉ còn cách đối phó bằng súng đạn.
Cha Xứ: Cách đó không được!
Chánh Phớn: (Quyết liệt) Chỉ khi cho bắn một vài đứa là đâu lại vào đấy hết! Mà cần thì bắn chết những thằng hung hăng nhất.
Cha Xứ: Không được! (Vừa lúc Bõ già nhớn nhác xuất hiện, nhìn Cha len lét).
Bõ già: Trình Cha, các anh gác ở nhà thờ không cho kéo chuông. Các anh ấy bảo, vợ ông Lý Trản chết vì bị Tây hiếp thì không phải kéo chuông. Mấy người chết ban ngày thì có ai được kéo chuông đâu. Các anh ấy đuổi con về.
Cha Xứ: (Nhìn chằm chặp Bõ già, thủng thẳng) Bõ xuống nhà. (Bõ già đi).
Cha Xứ: (Nói với Chánh Phớn) Đấy ông xem. Tôi chắc còn nhiều sự chẳng lành nữa sẽ xảy ra.
Chánh Phớn: (Hùng hổ) Quân này gớm thật! Phải trị những thằng này trước. (Rút súng) Để con ra cho chúng nó một trận.
Cha Xứ: (Ngăn lại) Không nên thế! Nóng nảy lúc này là hỏng. Tôi đã hằng khuyên ông, lúc nào cũng phải bằng tâm mới được. Hôm nay tôi thấy cái làn sóng phản đối chúng ta trong dân làng đang mạnh lắm đấy. Nó tràn đến cả thủ túc của ta. Nó lan đến cả hàng ngũ binh lính rồi đấy. Ông cần phải nghĩ kỹ.
Chánh Phớn: Trình Cha, không có sức mạnh nào bằng súng đạn. Cha để con xử với chúng. (Định đi).
Cha Xứ: (Giơ tay cản, chậm rãi nói) Súng đạn nhiều khi không hẳn là có sức mạnh. Lòng bác ái của Chúa mới là sức mạnh vô cùng!
Chánh Phớn: (Hơi ngạc nhiên) Trình Cha… dạy…?
Cha Xứ: Ông nên về đi nghỉ, Chúa sẽ che chở cho ông. Tôi khuyên ông không nên nóng nảy, phải suy nghĩ cẩn thận, xét lại mình…
Chánh Phớn: (Chuyển giọng) Trình Cha con đã nghĩ kỹ. Con vào hầu Cha đêm hôm thế này, là cần phải nói với Cha mấy chuyện.
Cha Xứ: (Nhìn Chánh Phớn một giây) Tôi cũng đoán thế… ông cứ nói.
Chánh Phớn: (Đột ngột) Đêm nay có thể xảy ra sự chẳng yên. Con vào mời Cha tạm lánh lên đồn.
Cha Xứ: (Suy nghĩ) Đêm nay có thể xảy ra chuyện chẳng yên… lánh lên đồn? Không được! Đi như thế càng làm cho dân oán!
Chánh Phớn: Tình hình các nơi rất nguy cấp. Bộ đội chủ lực của Việt minh hình như đã có mặt ở nơi này. Họ đã chiếm lại nhiều nơi. Trưa hôm nay con lên đồn đã nghe được tin rõ ràng. Các làng chung quanh đây đều đã có du kích. Có thể chúng nó sẽ bất thần đánh đến đây. Mà ở làng này thì từ chiều rục rịch lắm. Con đã tính kỹ, Cha nên tạm lánh lên đồn, con cùng đi với Cha. Lên đấy có lực lượng của quân đội Pháp, súng ống mạnh có thể yên tâm.
Cha Xứ: Đêm hôm như thế này, bỏ nhà Chúa, bỏ con chiên…
Chánh Phớn: Trình Cha, con đã cho lệnh tập trung lính vệ sĩ hộ vệ Cha đi. Cha không sợ! Trưa nay con đã nói trước với đồn rồi.
Cha Xứ: Không được… Tôi thấy Tây họ cũng chả tốt gì lắm đâu. Chạy lên với họ sau khi họ đã làm ô uế Thánh đường, họ đã sỉ nhục tôi trước mặt con chiên, bằng cách họ đã làm những việc ma quỷ ngay trong nhà thờ Chúa… (Cương quyết) Tôi ở lại, ông có cần đi thì đi…
Chánh Phớn: (Sững người, cúi mặt nghĩ ngợi, bỗng đột ngột) Trình Cha, nếu Cha ở lại, nếu có sự bất trắc thì một là phải đầu hàng Việt minh cộng sản, hai là bị tàn sát.
Cha Xứ: (Thản nhiên) Nếu có sự nào thì cũng là do Chúa định!
Chánh Phớn: (Cố tấn công) Trình Cha, con thấy là không thể ngồi yên để cho chúng giết được. Mà nếu rơi vào tay chúng nó, thì thể nào cũng chết.
Cha Xứ: Tôi không nghĩ như ông.
Chánh Phớn: Trình Cha, lại còn của cải, tiền nong, vàng bạc của nhà Xứ nữa chứ. Để lại thế nào cũng mất vào tay chúng nó. Trình Cha, con thấy “Lúc biến ta phải tòng quyền”. Cha nên cứ tạm lánh đi. Và mang cả vàng bạc đi…
Cha Xứ: (Nhìn thẳng Chánh Phớn) Mang cả của cải nhà Xứ đi theo ông?
Chánh Phớn: (Chưng hửng, chuyển sang khiêu khích) Trình Cha, Cha không tin con?
Cha Xứ: (Đủng đỉnh) Tin ông? Tôi đã tin ông nhiều!?
Chánh Phớn: (Vùng vằng, đặt tay vào bao súng, phẫn uất) Cho nên bây giờ Cha không tin con nữa?
Cha Xứ: (Giơ tay chặn) Ông Chánh, ông nên bình tĩnh mà bàn bạc…
Chánh Phớn: (Cười gằn) Thế nghĩa là công con là công cốc? Bao nhiêu công trình con gây dựng… Bao nhiêu việc nguy hiểm con phải đương đầu…
Cha Xứ: Ông kể công với bề trên?
Chánh Phớn: Kẻ có công thì vẫn được thưởng công. Đằng này con có công đã không được gì, mà lại còn bị Cha nghi ngờ không tin dùng… Con thấy như thế là không công bằng!
Cha Xứ: (Nghiêm mặt) Ông mà dám nói đến sự công bằng với tôi kia à?
Chánh Phớn: Trình cha, cái sự công bằng thì con có thể dám nói với tất cả mọi người!
Cha Xứ: (Cười nhẹ) Hôm nay ông Chánh có giọng nói khác! Tôi đã nhận thấy ngay từ lúc ông đến. Tôi hỏi thực, ông muốn gì ông cứ bàn với tôi. Vừa rồi, ông báo cho tôi biết những người thân tín của chúng ta đã phản lại ta rồi, có phải không?
Chánh Phớn: (Gờm gờm) Cha hỏi thế là Cha nghi con làm phản Cha, có phải không?
Cha Xứ: Tôi không nghi ngờ gì ông cả. Nhưng hôm nay tôi muốn giữa ông và tôi không còn điều gì phải nghĩ ngợi nữa. Ông cứ nói thực cho tôi biết, tôi sẽ bàn với ông ổn thỏa.
Chánh Phớn: Trình Cha, Cha đã muốn con nói thẳng thì con sẽ nói.
Cha Xứ: (Vẫn nhìn thẳng Chánh Phớn, chờ đợi) Được, ông cứ nói.
Chánh Phớn: (Quyết liệt) Cha tính toán cho xong số tiền lãi bán vải kỳ trước, để đến bây giờ là lâu rồi ạ!
Cha Xứ: (Hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cố bình tĩnh) Tiền lãi vải? Kỳ nào tôi cũng tính toán với ông rồi.
Chánh Phớn: Trình Cha, chưa đủ. Kỳ mà đáng lẽ mỗi người được hai vạn, thì Cha mới đưa con một vạn.
Cha Xứ: Ông nói thế thì quá lắm. Tiền nhà Xứ bỏ ra, giấy phép tôi xin, vậy mà phải chia đôi lãi với ông?
Chánh Phớn: Nhưng thưa Cha, đứng lên hô hào bán vải, lại chỉ đường cho dân mang ra ngoài kia bán, là con làm… (Dừng một chút).
Cha Xứ: Được, ông nói tiếp đi.
Chánh Phớn: Thế là người có của, kẻ có công. Mà thực ra, con cũng có thể bỏ tiền ra và xin giấy để mua vải được. Có nghĩa là con không muốn như thế…
Cha Xứ: (Thản nhiên, hơi khinh miệt) Nói tiếp đi…
Chánh Phớn: Lại còn cái số bốn trăm mẫu ruộng lấy lại cho nhà Xứ, nếu không phải là công của con thì là công của ai? Nhà Xứ tránh tiếng không ra mặt, con cũng lại phải ra mặt. Ruộng nhà Thờ được hưởng, mà mang oán mang thù với dân thì con hưởng. Như thế Cha cũng phải nên nghĩ thế nào chứ?
Cha Xứ: Lạy Chúa tôi, ông kể công như thế thì quá thể! Nhưng thôi được, hôm nay ông cứ nói hết những ý muốn của ông đi, tôi sẽ làm vừa lòng ông. Còn việc gì nữa không?
Chánh Phớn: (Thản nhiên) Còn cái việc thằng Hảo. Cha tha nó, Cha lại dùng nó làm thủ túc, Cha tưởng là thu phục được nó sao? Con nói thế nào Cha cũng gạt đi. Cha lại đưa tiền cho nó, mà đưa hàng bạc vạn. Con nói để Cha biết, là Cha đã nhầm…
Cha Xứ: Thế ông đã thấy việc gì tỏ ra nó định phản lại tôi chưa?
Chánh Phớn: Nó chưa có dịp giết mình thì nó phải chịu đấy thôi! Cái việc Cha giao cho nó đi cổ động lấy lính là nó đã thừa cơ để xúi giục dân làng, không những chống đi lính, mà còn chống lại mình nữa!
Cha Xứ: Được, ông đưa chứng cứ hẳn hoi đi. Tôi sẽ có cách trừng trị nó.
Chánh Phớn: Nếu có chứng cứ thì không cần chờ đến Cha trừng trị nó, mà khẩu súng này sẽ trừng trị nó ngay. (Vỗ vào khẩu súng).
Cha Xứ: (Đổi sắc mặt) Việc vải và bốn mươi mẫu ruộng tôi sẽ nói chuyện sau. Còn việc thằng Hảo thì tôi nói ngay cho ông biết. Tôi tha thằng Hảo là để yên lòng dân. Và tôi dùng nó là vì dân làng tín nhiệm nó, nó nói gì mọi người đều làm theo. Nên muốn được việc thì dùng nó. Vả lại, dùng nó cũng là một cách ly gián nó với bọn gây rối, nếu chúng nó có liên lạc với nhau thật. Nhưng từ dạo nó ở dưới quyền tôi và ông, thì những việc giao cho nó đều hoàn hảo cả, nó lại tỏ ra mẫn cán, thành thật…
Chánh Phớn: (Cướp lời) Nó là thằng khôn ngoan, nó trá hình…
Cha Xứ: (Chặn lại) Nó là đứa có tài, đứng đắn, biết cách làm việc… Lại còn cái việc quân lính Pháp nhảm nhí sáng hôm nay, đã làm cho dân làng oán thán vô cùng. Và, có thể gây ra những việc chẳng lành! Tôi thấy việc này phải thằng Hảo thu xếp mới ổn thỏa được.
Chánh Phớn: (Uất ức) Lúc nào cũng thấy Cha nhắc đến thằng Hảo. Thằng Hảo tài, còn tôi thì cha không kể vào đâu cả! Thằng Hảo có thể thay tôi được rồi đấy!
Cha Xứ: (Bình tĩnh) Sao ông Chánh lại nói thế? Ông không hiểu hết ý tôi.
(Chợt, vợ Thủ Điền quần áo tả tơi, tóc xõa, mắt long lanh dữ tợn, lừ lừ bước ra, thấy hai người thì dừng lại, lẩn sang cửa cạnh. Hai người không biết).
Chánh Phớn: (Gân cổ) Tôi hiểu lắm chứ, từ xưa tới nay vẫn thế. Khi cần thì dùng. Khi đã có người khác thì bỏ, thì giết. Nhưng nếu Cha nghĩ thế thì Cha nhầm. Cha quên tôi còn là Phó chỉ huy bốt này. Vậy, tôi lấy quyền Phó chỉ huy, tôi bắt thằng Hảo… (Vùng vằng rút súng đi).
Cha Xứ: (Chặn lại) Ông Chánh, ông định phản tôi?
Chánh Phớn: (Đứng ở ngoài hiên nói ra) Tôi không giết nó thì Cha cũng để nó giết tôi! (Vào khuất hẳn).
Cha Xứ: (Tiến nhanh ra cửa) Ông Chánh! (Chánh Phớn đi mất, Cha Xứ bước vào trong hiên đứng nhìn theo, rồi đi nhanh đến bàn gõ mạnh ba tiếng mõ. Vợ Thủ Điền lừ lừ ở cửa ngách tiến ra).
Chị Thủ Điền: Lạy Cha, xin Cha làm phép cho con.
Cha Xứ: (Giật mình) Sao? Sao lại vào đây giờ này?
Chị Thủ Điền: Lạy Cha, xin Cha giải tội cho con.
Cha Xứ: (Trấn tĩnh) Giải tội đâu giờ này? Vợ thủ Điền phải không?
Chị Thủ Điền: (Quỳ chắp tay) Con là kẻ phạm nhiều tội, xin Cha làm phép cho con…
Cha Xứ: (Dịu dàng) Ngày mai Cha sẽ giải tội cho con. Về đi.
(Chị Thủ Điền mắt trâng tráo không trả lời, bỗng cười hét lên).
Cha Xứ: (Giật mình lùi lại) Lạy Chúa tôi!
Chị Thủ Điền: (Vùng dậy) Kìa ông là ai? Sao ông lại ở đây? Ai cho ông được ở cái nhà đẹp này? Lạy Chúa tôi, tôi đau lắm! (Nhăn nhó) Mẹ ơi, mẹ cứu con, con chết mất!
(Cha Xứ hơi luống cuống, nhìn ngược nhìn xuôi, vội tiến lại bàn, gõ mạnh ba tiếng mõ).
Chị Thủ Điền: (Cười khanh khách) Ông gõ mõ tụng kinh à? Thích quá nhỉ.
(Bõ già ra).
Bõ già: (Thấy vợ Thủ Điền) Lạy Chúa tôi!
Cha Xứ: (Chỉ vợ Thủ Điền) Bõ bảo nó đi ra.
Bõ già: (Làm bộ dọa, nhưng vẫn đứng yên) Ai cho phép chị vào đây? Đi ra!
Cha Xứ: Bảo nó nhẹ nhàng thôi. (Định đi vào cửa ngách lên gác).
Bõ già: (Vẫn đứng tại chỗ, chỉ tay ra cửa) Đi, đi ra…
Chị Thủ Điền: (Tiến lên ngăn đường Cha Xứ) Con lạy Cha trăm lạy. (Lạy) Con là kẻ có tội. Xin Cha làm phép cho con…
Bõ già: (Vội tiến lên ngăn lại) Đi ra. Tội lỗi đâu bây giờ? (Giơ tay định kéo chị Thủ Điền).
Chị Thủ Điền: Đi đâu? Về đâu? Cha Xứ ơi, con lạy Cha, con lạy các quan, các quan thương con, đừng làm khổ con (Khóc).
Cha Xứ: (Ôn tồn) Con nên về nhà nghỉ mà tĩnh dưỡng. Sáng mai Cha sẽ làm lễ rửa tội cho. Đi… đi về…
Chị Thủ Điền: (Chỉ lên đầu) Tội ở đầu này này… Ông có đi xem quỷ đánh nhau không? Cha Xứ ơi, Cha Xứ, quỷ đánh nhau ở đâu thế Cha?
Bõ già: (Sợ hãi nắm lấy tay chị Thủ Điền) Nói láo, tao đánh bây giờ.
Cha Xứ: (Đứng lặng nhìn chị Thủ Điền) Không được đánh nó.
Chị Thủ Điền: Kia kìa… nó đang đi… một thằng… hai thằng… bốn thằng Tây các ông ơi. Cứu tôi với… Các ông đi họp đi… Phải họp nhau lại chứ! Ối giời ơi, chúng nó đốt nhà… chúng nó giết người… Cha Xứ ơi… Nó vào nhà Thờ, Cha Xứ ơi… Cha đuổi chúng nó đi… Kìa… kìa… Cứu tôi… (Co rúm người lại, giữ chặt lấy thắt lưng). Con lạy các quan, con đã có chồng… Con lạy Cha… Con là kẻ có tội… Xin Cha thương con cùng… (Gục đầu khóc nức nở).
Cha Xứ: (Lắc đầu, nét mặt tối sầm) Nó điên thật!
Chị Thủ Điền: (Ngẩng phắt đầu) Không, tôi không điên! Ai bảo tôi điên? (Níu chặt tay Cha Xứ) Cụ ơi, cụ cho con một cái kẹo Tây. Cụ cho con một lọ nước hoa. Cụ cho con một hộp phấn, một cái áo màu, một hộp thuốc phiện… Kìa, cả làng đánh lắc đĩa. Con đi đánh lắc đĩa cho cụ xem.
(Cha Xứ đứng lặng, tay bị chị Thủ Điền rung rung).
Bõ già: (Sợ cuống quýt) Bỏ ra, bỏ tay ra. Tao đánh bây giờ. (Định gỡ cho Cha Xứ).
Chị Thủ Điền: (Chỉ vào mặt Bõ già) Không, không được. Ai chạm vào tôi thì tôi giết.
(Bõ già sợ hãi lùi lại. Cha Xứ vẫn đứng im lặng).
Chị Thủ Điền: Tôi có điên đâu! Các người đừng sợ. Các người đứng đây… (Nắm tay Bõ già kéo đến đặt cạnh Cha Xứ, rồi lùi lại nói) Các người có biết tôi là ai không? Tôi ở trên lời xuống, bị các người dụ dỗ phạm tội ác cực trọng, là đưa thiên đàng xuống hỏa ngục, và mang hỏa ngục lên thiên đàng. Các người có trông thấy không? Đấy, hỏa ngục đấy. Hỏa ngục ở ngay trong nhà thờ đấy. Quỷ sứ đấy… Mở mắt ra mà trông. Mở to ra. Tao chọc thủng mắt ra bây giờ. (Bõ già sợ hãi lấy tay che mắt).
Chị Thủ Điền: (Tiếp) Các người trông thấy chưa? Kia kìa, dân làng đang đi rước… a… ha… vui quá… anh Hảo ơi…. Các anh ơi, chờ tôi với…. Cho tôi đi giết Tây các anh ơi… (Chạy ra phía cửa).
Bõ già: (Tiến theo, đuổi vuốt đuôi) Đi ra ngay!
Chị Thủ Điền: Tôi không lên thiên đàng xem quỷ đâu. Tôi đi giết Tây cơ… (Nắm tay Bõ già kéo đi xềnh xệch) Đi… đi… đi xuống hỏa ngục với tôi đi… (Cười hét ở bên ngoài sân khấu. Cha Xứ từ nãy vẫn đứng lặng, vẻ đau đớn, nhìn theo hút hai người; rồi từ từ ngồi xuống ghế, nhìn trừng trừng vào không gian, lại quay nhìn thẳng vào thánh giá làm dấu, xong gục đầu xuống bàn. Sân khấu lắng đi… Bỗng từ xa tiếng súng nổ rền. Tiếng đại bác từng loạt, đến khi Bõ già chạy vào đóng sập cửa lại).
Cha Xứ: (Ngẩng đầu lên) Nó đi chưa?
Bõ già: Trình Cha, nó đi rồi.
Cha Xứ: Bõ cho tôi xin cốc nước lọc. (Bõ già chạy vào lấy cốc sữa mang ra).
Cha Xứ: (Lắc đầu) Không, tôi không uống sữa. Bõ cho tôi xin cốc nước lọc.
(Bõ già chạy vào lấy cốc nước lọc đưa ra, Cha Xứ uống một hơi dài).
Cha Xứ: (Nói chậm chạp) Các con chiên lành của Chúa phải chịu thương khó nhiều quá. Bõ có thấy thế không?
Bõ già: Trình Cha thật khổ cực muôn vàn.
(Cha Xứ nói xong nặng nhọc đi lên gác. Bõ già cầm cốc nước trên bàn đi vào. Sân khấu trống một lát. Rồi Cha Xứ từ trên gác đi xuống, tay cầm cái tráp nhỏ, đến bên bàn mở tráp ra, đếm vàng, tiền; vẻ mặt đăm chiêu. Đếm xong, Cha Xứ xếp lại tiền vàng, rồi gõ ba tiếng mõ. Bõ già ra).
Bõ già: Trình Cha gọi!
Cha Xứ: Anh Hảo bảo thế nào? Sao không thấy anh ấy đến?
Bõ già: Trình Cha, anh ấy bảo con cứ về rồi anh ấy đến ngay…
Cha Xứ: (Giọng quả quyết) Lấy gậy rồi tôi với Bõ đi.
Bõ già: Trình Cha đi đâu ạ?
Cha Xứ: Đi đến anh Hảo!
Bõ già: (Lo ngại) Trình lạy Cha, đêm hôm thế này…
Cha Xứ: (Ngắt lời) Không sợ! Tôi đi gặp dân làng. Tôi đến với các con chiên lành của Chúa. Chúa sẽ che chở cho. Lúc này là buổi sáng, những con quỷ sứ không thể hiện lên được.
(Vừa lúc đó có tiếng tù và gay gắt với tiếng trống dồn dập).
Bõ già: (Ngơ ngác) Bẩm trình Cha, không biết ngoài làng có việc gì mà nổi tù và, đánh trống khuya thế này?
Cha Xứ: (Đứng im lắng nghe) Giờ phút nghiêm trọng đã đến. (Với Bõ già) Ra nhà Thủ xem nào.
Bõ già: Dạ! (Bõ già mở cửa đi. Tiếng tù và với tiếng trống rõ hơn. Cha Xứ đứng giữa phòng, tay đặt lên trán, tay cầm quyển kinh, vẻ mặt băn khoăn chờ đợi, có chút lo ngại nhưng vẫn đĩnh đạc. Bõ già quay lại hốt hoảng).
Bõ già: Trình Cha, phía xóm Đông có rất nhiều ánh đuốc… Hình như đông người lắm. Họ tiến về phía này.
(Cha Xứ gật đầu đứng yên. Tiếng trống thôi thúc tứ phía, tiếng trống gần xa dồn dập).
Bõ già: Trình Cha, cả những làng xung quanh cũng đánh trống. Lại cả tiếng súng, nhiều quá.
Cha Xứ: Phải bình tĩnh! (Nói như tự bảo) Không nên làm trái lẽ bác ái của Chúa!
Bõ già: (Sợ cuống cuồng) Lạy Chúa tôi! (Lại quỳ xuống trước ban thờ lâm râm đọc kinh. Cha Xứ nhấc cái tráp lên tay, dáng điệu sẵn sàng chờ đợi, thì… Bạ Beng chạy ra. Bạ Beng quần áo đầy bùn, đầu tóc rũ rượi, mặt xanh nhợt, thở hồng hộc, nói không nên lời).
Bạ Beng: Lạy Cha!... Nguy cấp lắm… lắm!
Cha Xứ: (Gật đầu) Bạ Beng đấy à? Đầu đuôi thế nào? Cứ bình tĩnh mà nói.
(Bõ già đứng dậy, nép vào góc nhà, nhìn trân trân).
Bạ Beng: Dân làm phản! Thằng Hảo… chúng nó nổi loạn… Cha chạy đi, mau lên…
Cha Xứ: (Ngồi xuống ghế, đĩnh đạc) Không! Đó là ý Thánh chúa! Đã vào được đến đây, hãy cứ bằng tâm. Anh kể tôi rõ mọi sự anh đã trông thấy, nghe thấy những gì?
Bạ Beng: Dạ, con nấp sau nhà thằng Hảo nghe ngóng, thì bị thằng Thích nó trông thấy, nó đuổi bắt. Con… con lẩn được vào bụi tre… ở bờ ao. Nó hô thanh niên lùng bắt, nhưng không thấy con. Rồi chúng rủ nhau về họp dưới xóm Đông. Con sợ quá, không dám ra vì có thằng nó cứ lảng vảng gác ở đấy. Rồi bây giờ chúng nó đi biểu tình… chúng nó đang đi… đông lắm. Con phải luồn qua nhà Chung mới về được đây. Mà… trình Cha… cửa nhà giam bên nhà Chung bị phá tung… Tên cán bộ Giao đã trốn mất rồi…
Cha Xứ: Thế hả? Người ấy chắc cầm đầu đoàn biểu tình?
Bạ Beng: Con không trông thấy hắn, nhưng con trông thấy thằng Lục cầm bó đuốc to lắm.
Cha Xứ: Cả thằng Lục? (Gật khẽ) Mất dây điện thoại! Thế có trông thấy Lý Trản không?
Bạ Beng: Dạ có. Lý Trản đi cạnh thằng Hảo. Thằng Hảo dẫn đầu thanh niên… Bố thằng Hảo dẫn đầu bô lão… Vợ thằng Hảo dẫn đầu phụ nữ, có cả mẹ thằng Hảo… Cả làng họ đang kéo xuống phía này. Có lẽ họ vào nhà thờ.
Cha Xứ: (Nói như tự nhủ) Phải bằng tâm… đây là nhà của Chúa!
Bạ Beng: Lạy Cha, lại cả chú Khả và ông già, con cũng trông thấy đi ở đấy!
(Có tiếng hò reo).
Bạ Beng: (Luống cuống) Cha ơi! Làm thế nào bây giờ?... Cha cho chúng con chạy đi đâu với Cha… Họ đến gần rồi… (Tiếng ồn ào rõ hơn. Cha Xứ đứng dậy).
Bõ già: (Từ nãy đứng sau run lẩy bẩy, vội tiến lên) Trình lạy Cha, xin Cha đừng bỏ con cùng! Cha cho con đi theo… (Tiếng trống nổi gần, tiếng tù và rúc mạnh).
Bạ Beng: Lạy Chúa tôi! Sao cụ Chánh không cho bắn?
Bõ già: (Lập cập) Bẩm… bẩm… trình lạy Cha…
Cha Xứ: (Quay lại dõng dạc) Bõ già sang ngay nhà Thờ, truyền cho thằng Kỳ biết là Cha Xứ không cho phép bắn.
Bạ Beng: Trình Cha, thằng Kỳ cũng có mặt trong đám biểu tình. Nó vác cả súng máy đi theo.
Cha Xứ: (Nhìn Beng) Thế hả? (Tiến lên một bước, lẩm bẩm) Toàn thể nhân dân đã một long. Đi ngược lại làm sao được! (Quay nói với Bõ già) Bõ sang ông Chánh bảo là lệnh Cha Xứ không cho đàn áp đoàn biểu tình bằng súng đạn… đi… Bõ đi ngay đi!
Bõ già: Bẩm… bẩm trình lạy Cha, con khiếp lắm!
Cha Xứ: (Cương quyết) Bõ đi ngay… không sợ gì cả! Chúa sẽ che chở cho… Gặp anh Hảo thì nói với anh ấy là Cha Xứ chờ đã lâu.
Bõ già: Bẩm… bẩm…
Cha Xứ: Bõ đi ngay! (Bõ già run cầm cập, len lét đi).
Bạ Beng: Trình lạy Cha, Cha không nên gặp thằng Hảo… nó… bố con nó đã theo Việt Minh… nó đã xui dân đòi ruộng.
Cha Xứ: (Gạt đi) Không nói nữa! Biết là thế rồi, đứng yên đấy!
(Bên ngoài có tiếng reo ầm ầm. Và tiếng hô: “Bảo vệ nhà thờ, không cho Pháp dùng làm nơi đóng quân!”; “ Đả đảo giặc Pháp làm ô uế Thánh đường!”; “ Tiêu diệt giặc Pháp và bọn tay sai giết hại đồng bào!”. Tiếng hò reo, tiếng tù và vang dội. Có tiếng hét: “Không để cho Chánh Phớn chạy thoát… Vây chặt lấy mọi ngả, anh em ơi!”).
Bạ Beng: (Hoảng hốt) Úi giời ơi! Chạy đâu bây giờ? Cha ơi… Chết rồi!
Cha Xứ: (Dõng dạc, nhưng giọng hơi lạc) Đứng yên đấy!
(Bên ngoài lại có tiếng hô: “Đả đảo âm mưu dùng người Việt đánh người Việt của giặc Pháp!”; “Không đi lính cho Pháp! Không đi lính cho Pháp!”; Tiếng reo hò vang trời, nổi rõ tiếng hô lớn của Thích: “Đả đảo bọn tay sai cho giặc cướp ruộng của dân! Trả lại ruộng cho dân!”. Từ nãy Cha Xứ vẫn đứng lặng giữa phòng lắng nghe. Bạ Beng chúi vào một góc nhà, rũ người như sắp chết).
Cha Xứ: (Khi nghe đến khẩu hiệu: Trả lại ruộng… như chợt nhớ, lẩm bẩm) Còn bốn mươi mẫu ruộng… trả lại dân… (Vội vàng đi lên gác. Sân khấu bớt Cha Xứ. Bên ngoài có tiếng hò hét: Bắt được thằng Chánh Phớn rồi, anh em ơi! Hoan hô… hoan hô… Giết chết tiên sư nó đi… Xé nhỏ nó ra… Bạ Beng hốt hoảng, cuống cuồng, lò dò tiến ra cửa nhìn, rồi lấm lét vội quay vào).
Bạ Beng: (Một mình) Không vây nhà Thờ… Chạy trốn… Chết! Họ giết chết!...
(Bỗng nhìn thấy tráp vàng, mắt hắn sáng rực, lấm lét nhìn vào lối lên gác. Và… nhanh như chớp, hắn chạy tới mở tráp, tay run bần bật vơ vàng cho vào bọc, nhìn quanh rồi chạy ra cửa. Tới cửa, xô phải Bõ già ở ngoài đi vào. Bõ già ngã dúi dụi. Bạ Beng bỏ chạy).
Bõ già: (Rú lên) Lạy Chúa tôi, tôi có làm gì đâu! (Khi nhận ra Bạ Beng, lổm ngổm bò dậy) Bạ Beng, quân quỷ ám! (Còn đang run bần bật thì Cha Xứ ở trên gác đi nhanh xuống).
Cha Xứ: (Tay cầm tờ giấy tiến ra) Có việc gì thế?
Bõ già: Trình lạy Cha… không biết Bạ Beng chạy đi đâu, đâm cả vào con…
Cha Xứ: Giống ma quỷ, nó chạy đi với ma quỷ. Anh Hảo đâu?
Bõ già: Trình Cha, con không dám gọi.
Cha Xứ: Sao không dám gọi? Tình hình thế nào?
Bõ già: Trình lạy Cha, con có dám ra đến nơi đâu ạ.
Cha Xứ: (Sẵng) Sao? Tôi truyền cho Bõ đi cơ mà?
Bõ già: Trình lạy Cha, họ đông lắm, mà họ dữ tợn quá… Con nép vào một chỗ con nhìn ra… họ không lại đây… Họ phá nhà ông Chánh… họ bắt được ông Chánh rồi ạ!
Cha Xứ: (Gật đầu) Họ có làm tội ông Chánh không?
Bõ già: Trình Cha, dân làng đánh ông Chánh đau lắm ạ… Bẩm… chính Lý Trản bắt trói ông Chánh, điệu ở trong nhà ra cho dân đánh. Họ hô giết ông Chánh, nhưng anh Hảo giữ lại không cho giết…
(Bên ngoài có tiếng ồn ào. Tiếng súng xa dồn dập hơn).
Cha Xứ: (Dáng vẻ kiên quyết) Đi… Bõ mang cái tráp kia. (Cha Xứ chỏ cái tráp trên bàn, nhưng khi nhìn thấy tráp mở toang, ngạc nhiên tiến lại, hốt hoảng).
Cha Xứ: Mất hết vàng rồi! (Chợt nghĩ ra) Thằng Beng! Quân phản bội! (Với Bõ già) Thằng Bạ Beng chạy lối nào?
Bõ già: Trình lạy Cha… y chạy lối… (Chỉ tay ra ngoài. Vừa lúc đó có tiếng ồn ào bên ngoài, ánh đuốc bập bùng… Và Hảo, quần áo gọn gàng, điệu Bạ Beng tay bị trói chặt ra đằng sau, cùng đi ra. Tiếng reo hò lại nổi lên. Loáng thoáng có bóng người nhấp nhô ngoài vườn).
Cha Xứ: Anh Hảo! (Trông thấy Beng, cau mày) Bạ Beng, ma quỷ!
Hảo: Trình Cha, dân làng bắt được Bạ Beng ở đây chạy ra, khám trong người có rất nhiều vàng, chắc là nó đã ăn trộm của nhà Xứ. Chúng con điệu vào đây… (Hảo giở ra một bọc vàng).
Cha Xứ: (Trỏ vào tráp) Nó vừa ăn trộm vàng ở đây rồi chạy trốn.
Bạ Beng: Bẩm… bẩm… trình lạy Cha… thương… (Quay sang Hảo) Anh Hảo ơi, anh thương tôi…
Hảo: Im ngay đi!
Cha Xứ: (Với Hảo) Anh giữ lấy số vàng để rồi chuyển đưa dân sử dụng. Tôi cũng đang định đưa ra để dân quyết định.
Hảo: Trình cha, vàng của nhà Xứ, dân không có quyền chiếm đoạt để sử dụng. Con xin hoàn lại nhà Xứ.
Cha Xứ: (Hơi ngạc nhiên) Thế anh cho tôi biết dân làng biểu tình có mục đích gì, tôi sẽ làm theo.
(Bóng Thích và Lý Trản hiện ra ở ngoài hiên. Ánh đuốc hắt vào rèm cửa, trông rất dữ tợn).
Tiếng Lý Trản: Thưa Cha, dân làng biểu tình đòi không theo Tây nữa!
Tiếng Thích: Dân làng đã cử anh Hảo, ông Lý không cần phải nói. Để anh Hảo nói cho Cha hiểu.
Hảo: (Đẩy Bạ Beng ra ngoài) Anh Thích điệu Bạ Beng giúp tôi ra trước; đưa đến giam cùng với Chánh Phớn. (Thích nắm cổ Bạ Beng dúi đi, Hảo quay lại Cha Xứ) Trình Cha, dân làng đứng dậy tranh đấu, không phải để cướp vàng của nhà Xứ. Nhưng để chống giặc Pháp… bắt bọn tay sai cho giặc, bảo vệ Thánh đường, bảo vệ Chúa… (Cha Xứ hơi cúi mặt lắng nghe Hảo nói tiếp) Và dân làng sẽ cùng toàn thể nhân dân cả nước đấu tranh giành tự do, giành quyền sống.
Cha Xứ: (Lẩm bẩm) Giành lại tự do… Giành lại quyền sống!?
Hảo: Trình Cha đúng thế. Giặc Pháp chiếm đóng các nơi, chia rẽ nhân dân ta, lợi dụng tôn giáo chiếm đóng nhà thờ, dùng những tên Việt gian làm tay sai để đàn áp, cướp phá, hãm hiếp, giết chóc nhân dân… Đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, nên nhân dân phải đứng lên tranh đấu.
(Thích và Lý Trán dẫn Beng đi từ lúc nãy, nay trở lại).
Tiếng Thích: (Nói như hét) Dân làng yêu cầu mau lên, anh Hảo ơi!
Hảo: (Quay vào trong) Được rồi. (Với Cha Xứ) Trình Cha, dân làng ủy con vào… (Vừa lúc đó tiếng giận dữ của Lý Trản vọng tới).
Lý Trản: Dân yêu cầu mời Cha Xứ ra gặp dân làng ngay.
Hảo: (Tiếp) Xin mời Cha ra dự mít tinh với dân làng… chứng kiến cuộc “tố khổ” Chánh Phớn, và sau đó Cha cho biết ý kiến cùng những hứa hẹn với dân làng.
Cha Xứ: (Gật) Phải! Tôi cũng đã có ý kiến là… là sẽ giữ trọn nhiệm vụ thờ Chúa…
Hảo: Vâng, lát nữa xin Cha nói với dân làng. (Đến cạnh bàn, đặt bọc vàng xuống) Còn số vàng này xin Cha cho cất đi.
Cha Xứ: Được… Cha sẽ ra với các con chiên lành của Chúa và hứa sẽ chia sẻ những thương khó với mọi người. Nhưng (Giơ tờ giấy cầm tay) anh vừa cho tôi biết dân làng đứng lên giành lại những quyền sống thiết thân… thì tôi thấy đây cũng là quyền sống thiết thân của dân. Anh giữ tờ cam kết của dân trả bốn mươi mẫu ruộng cho nhà Xứ… nay trả lại cho dân. (Hảo đỡ tờ giấy).
Cha Xứ: (Tiếp) Lát nữa tôi sẽ nói rõ với dân làng…
Hảo: Trình Cha, trước khi Cha ra với các con chiên, con xin phép trình Cha một ý kiến.
Cha Xứ: Anh nói đi.
Hảo: Trình Cha, dân làng chúng con, các con chiên lành của Chúa sở dĩ phải đứng lên tranh đấu, cũng là chúng con theo lời răn của Chúa. Trình Cha, Chúa đã răn phải: “Kính chúa và yêu nước!”. Vậy chúng con kính Chúa nên phải bảo vệ Chúa, chúng con yêu nước nên phải đứng lên tranh đấu tiêu diệt giặc Pháp. Chúng con vẫn là con chiên lành của Chúa!
Cha Xứ: (Gật đầu) Đã biết. Giặc Pháp chỉ là giống ma quỷ! (Xếp vàng vào tráp, quay lại bảo Bõ già).
Cha Xứ: Bõ mang cái này theo tôi. (Với Hảo) Ta đi…
(Để Cha Xứ đi sau với Bõ già, Hảo tiến nhanh ra trước, đứng ở hiên nói to)
Hảo: Cha Xứ ra gặp dân làng…
(Bên ngoài sân khấu, giữa tiếng ồn ào có tiếng hô lớn: “Bộ đội đã diệt đồn Mỹ rồi, bắt được nhiều Tây lắm, anh em ơi!”… Và tiếng: “Hoan hô” vang dậy. Bóng mấy người đi ra).

MÀN HẠ
(Sơn Viện, Thanh Hóa. Từ đêm Noel 1952 đến 16/3/1953)
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét