Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

LỘNG CHƯƠNG QUA KÝ ỨC VÀ SUY NGHĨ CỦA TÔI(*)

NSND Doãn Hoàng Giang
 Năm 1957
Tôi đứng trước anh như đứng trước một thần tượng.
NVK Lộng Chương và NSND - Đạo diễn Doãn Hoàng Giang
           Anh cao vời, nghiêm nghị như một vị quan tòa. Đôi mắt anh nhìn tôi soi mói và phán xét. Tôi, một cậu thanh niên trẻ măng, còn hôi mùi sữa đang muốn học đòi theo "nghiệp phấn son", đến anh xin thụ giáo. Tôi không biết tôi đã đứng trước mặt anh trong bao nhiêu lâu. Tôi không nhớ tôi đã nói những gì. Và cũng không còn biết mình đã làm bao nhiêu cử chỉ lố bịch, khờ dại, ngớ ngẩn. Anh vẫn nhìn tôi và tôi cảm thấy số phận mình được quyết định qua cái nhìn ấy. Thế là hết! Không còn hy vọng gì nữa.
Anh hỏi tôi:
- Cậu muốn làm diễn viên à?
- Vâng ạ.
- Cậu đã đóng kịch bao giờ chưa?
- Dạ, em có đóng một vài vai ở các đội kịch khu phố ạ.
- Các vai gì?
- Dạ, các vai ngụy ạ.
- Sao cậu nhát thế?
 Thôi chết rồi, đến xin làm diễn viên mà bị chê là nhát thì còn hòng gì nữa. Tôi ngồi dại đi, mặt nóng bừng, tay chân thừa thãi một cách đáng ghét. Rồi bỗng ma xui quỷ ám thế nào, tôi gạt chiếc cốc rơi xuống đất, "choang" một cái, vỡ tan. Thế này nữa thì hết thật. Giá mà mặt đất nẻ ra, tôi chui xuống liền. Ai mà thương được một anh chàng khờ khạo, vụng về như vậy. Tôi im lặng chịu tội chờ phán xử. Phút lặng im sao mà dài quá vậy. Nghe thấy đồng hồ chạy, tiếng con chim xẻ non kêu trên một nóc nhà xa, thấy cả tiếng tim mình đập bình bịch... Chợt anh cười, nụ cười đầu tiên tôi bắt gặp trên khuôn mặt khắc khổ, nghiêm nghị của anh. Nụ cười đầu tiên và là duy nhất trong suốt cái buổi tôi đến xin "nhập môn" ấy. Nụ cười như một tia nắng xuyên qua mây mù, như một cánh cửa thâm u vừa mở. Nụ cười thể hiện rõ tâm hồn anh, ý nghĩ anh... Và, nhìn nụ cười đó, linh tính trong tôi bảo rằng: "Ông ấy có vẻ bằng lòng. Mà bằng lòng thật. Không hiểu sao lại như vậy nhỉ?".
Bỗng anh bảo tôi:
- Ngày mai cậu đến sinh hoạt nhé!
“Ngày mai cậu đến sinh hoạt nhé!”. Thế là đời nghệ thuật của tôi đã mở đầu từ câu nói ấy.
Mỗi người đến với nghệ thuật bằng một con đường khác nhau; có người là sự tình cờ, có người là do duyên nợ, có người vì chẳng tìm được một nghề nào khác… Nhưng có người cũng vì say mê, mơ ước và may mắn nữa. Say mê, mơ ước và may mắn - đó chính là trường hợp của tôi.
Hồi đó tôi đang "múa may" ở các đội kịch nghiệp dư khu phố. Nói theo cách nói vui vui của chúng tôi ngày ấy là: "Cơm nhà đi vác ngà voi". Tháng tháng lĩnh lương của "bà bô", ngày hai bữa chén đẫy và đi "chơi kịch". Cho tới một lần, tôi có người anh họ ở Nam Định lên thăm, thấy tôi quá ham mê sân khấu, bèn bảo: "Chú cứ chơi èng èng kịch khu phố thế, sao mà giỏi được? Tôi quen ông Lộng Chương, để tôi giới thiệu cho. Chú có nghe tiếng ông Lộng Chương không?". Lạy trời đất! Ngày ấy tôi là một chú “nhóc" ngoại đạo, nhìn vào giới sân khấu như nhìn vào một cõi thánh thần. Những tên tuổi chói lọi như: Thế Lữ, Lộng Chương, Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh... là những cái tên thiêng liêng, vời vợi… chỉ nghĩ đến thôi đã đủ nể, đủ sợ rồi, đâu dám mơ đến cái hạnh phúc được gần gũi, học tập. Nghệ sĩ Lộng Chương khi đó đang giúp chỉ đạo và trực tiếp bồi dưỡng nghệ thuật cho Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội. Thế là, tôi chớp lấy thời cơ ấy, nằng nặc bắt anh họ tôi dẫn đi ngay.
Và, tại ngôi nhà của nghệ sĩ Lộng Chương, vốn là cái chùa cũ ở giữa phố Hàm Long, tôi đến xin làm lễ “nhập môn" với anh, như đã kể trên.

*          *         *

Lộng Chương!
Tên tuổi anh trải dài trong khắp thời gian từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, qua kháng chiến chống thực dân Pháp, đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ,... cho tới bây giờ. Tên tuổi anh gắn bó với bao nhiêu tổ chức: Tham gia chỉ đạo Ban Kịch Bình Dân (1945 - 1946), tham gia Ban Tuyên truyền xung phong kháng chiến (1947 - 1948), tổ chức Nhóm Kịch Báo Công Dân - Nam Định kháng chiến (1948 - 1949), tổ chức Đội Kịch Duyên Hải, trực thuộc Chi hội Văn hóa Hải Kiến (1949 - 1950), Đội trưởng Đội công tác Văn nghệ trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (1950 - 1951), Ủy viên Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu III - phụ trách ngành Sân khấu, thành lập Đoàn Văn công Liên khu III - Đoàn trưởng kiêm chỉ đạo nghệ thuật (1951 - 1954), Thường trực Ban Sân khấu Hội Văn nghệ Việt Nam (1955 - 1956), Uỷ viên Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 - 1978)...
Tên tuổi anh gắn liền với biết bao vở kịch, với biết bao công việc xung quanh cái sân khấu thân yêu. Anh đến với sân khấu từ thuở ấu thơ, 6 - 7 tuổi, ngồi dưới "hố nhắc vở” Nhà hát lớn thành phố Hà Nội với người cô để xem bác ruột của mình biểu diễn những vở kịch của Mô-li-e; và rồi cái "nghiệp chướng" ấy, (nói theo cách nói của anh) đã đeo đuổi anh cho tới bây giờ, lúc anh về hưu. Viết về anh là viết về một người hoạt động sân khấu đa dạng và phong phú. Anh không chỉ là tác giả, không chỉ là đạo diễn, không chỉ là người huấn luyện, đào tạo, tổ chức, diễn viên. Anh làm tất cả - tất cả những công việc gì có liên quan đến sân khấu. Anh làm với hết lòng mình, với hết sức mình, với tất cả những gì anh có. Anh bán đồ đạc gia đình để góp vào xây dựng một đoàn nghệ thuật. Ngôi nhà anh ở đã từng là nơi đi lại, ăn ngủ của mấy chục diễn viên nơi xa nơi gần. Với một chiếc xe đạp ở cái tuổi ngót nghét sáu mươi, anh vẫn đạp đi về dưới bom đạn của máy bay Mỹ, để đặt "những viên gạch đầu tiên" cho Đoàn Kịch Thanh Hoá. Anh vẫn đạp đi về con đường Hà Tây, Hà Bắc trong những ngày Mỹ bắn phá ác liệt để làm một "Tổng trấn lưỡng Hà" cho hai đoàn kịch nơi đó. Anh làm việc đến phát ốm không chịu ngơi. Anh đi giảng bài, về đêm ngã ngất trên đường. Cho đến bây giờ, khi về hưu rồi, ngọn đèn bàn làm việc của anh đêm khuya vẫn sáng. Những trang bản thảo của anh vẫn ngồn ngộn ngập bàn. Đoàn thực nghiệm kịch thơ anh đang thành lập và... những dự định ngày mai của anh vẫn lấp lánh trong đầu.

Lộng Chương - tác giả
Tôi chưa một lần nào tò mò hỏi anh: Vì sao anh lại đặt bút danh là Lộng Chương? Nhưng theo dự đoán và cách hiểu theo cái trình độ chữ Hán A - B - C của tôi thì, Lộng có nghĩa là trào Lộng, Chương là văn Chương. Như vậy, tên anh có nghĩa là văn chương trào lộng. Có lẽ cũng chính vì thế mà trong buổi mừng sinh nhật anh sáu mươi tuổi, Hà Văn Cầu - Nhà nghiên cứu Chèo, một trong những học trò lớp đầu của anh đã tặng anh đôi câu đối:
Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào Lộng
Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn Chương
Cũng có lẽ vì thế mà hầu hết những tác phẩm của anh đều là những vở kịch vui, những hài kịch. Anh cười đả kích bọn xâm lược, bọn tay sai (Bầu bán, Cửa mở hé, Ma túy...). Anh cười châm biếm, phê phán giai cấp tư sản trong cái vòng tính toán luẩn quẩn trước công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (Quẫn, Quẫy, Đổi đầu heo...). Anh cười chế giễu những thói hư tật xấu ngay trong chúng ta, trong những người chung quanh ta (Hỏi vợ, Hoa giấy, Yểm bùa trừ sâu...). Tiếng cười của anh khi thì cay độc như một đòn đánh mạnh vào kẻ thù, khi thì độ lượng như một lời khuyên răn, nhắc nhủ. Khi thì sảng khoái, khi thì rủ rỉ, lúc trang nghiêm, lúc nghịch ngợm. Hình như tính chất trào lộng, châm biếm của sân khấu Chèo cổ đã hấp dẫn anh, và cũng là nguồn khai thác chủ yếu để anh vận dụng xây dựng những vở kịch hài hước, hầu như đã trở thành sở trường, phong cách Lộng Chương.
Người xem Việt Nam có thể nào quên được Quẫn của anh? Vở kịch có một sức sống thật dài, nó ra đời từ cuối năm 1960, cho tới bây giờ - 1979. Mười chín năm sau, nó vẫn là một vở diễn thường xuyên của Đoàn Kịch nói Trung ương. Một vở diễn được quần chúng yêu thích, và tất nhiên nó cũng mang lại doanh thu không nhỏ cho Đoàn. Qua tài năng diễn xuất điêu luyện của Song Kim (cụ Đại Lợi), Chu Xuân Hoan (ông Đại Cát), Thu Hà (bà Đại Cát) Vũ Đình Hải (Ba Lường), Trần Tiến (hàng xách nam)... các nhân vật của vở kịch đã trở thành những nhân vật sắc sảo, đậm nét, không quên được trên sân khấu của chúng ta. Một cụ Đại Lợi - Song Kim, cặp ông bà Đại Cát - Chu Xuân Hoan, Thu Hà là những nhân vật sẽ còn mãi, ít nhất là trong ký ức của mỗi người đã từng xem kịch. Có thể kể rất nhiều về tài năng diễn xuất của Song Kim, nhưng có thể nào không nghĩ rằng: Song Kim khó có thể sáng tạo một cụ Đại Lợi nếu không có sự đóng góp lớn lao trong những trang viết tài tình, chân thực của Lộng Chương! Trong Quẫn cũng phải kể đến sự đóng góp đầy sáng tạo của đạo diễn Trần Hoạt, anh vẫy vùng trên sân khấu như một cầu thủ trứ danh trên sân cỏ. Anh đã tạo nên những mảng kịch sinh động, hóm hỉnh, nghịch ngợm rất Trần Hoạt, mà chưa một đạo diễn nào làm được. Những mảng kịch đã đưa Trần Hoạt lên vị trí cao của một đạo diễn. Những mảng kịch đã hình thành một phong cách độc đáo của anh. Nhưng có thể nào nghĩ rằng: sự sáng tạo của Trần Hoạt lại thoát ly được một bố cục như miếng đất màu mỡ cho tài năng anh bừng lên rực rỡ như trong Quẫn của Lộng Chương? Và, trong Cửa mở hé cũng của Lộng Chương, mà cũng chính Trần Hoạt đã dựng cho Đoàn Kịch Hải Phòng, Đoàn Kịch Thanh Hoá, chẳng cũng đúng như trường hợp dựng Quẫn đó sao!
Trần Hoạt trong một cơn say ngà ngà đã nói: "Có Trần Hoạt mới có Lộng Chương!", nhưng ngay lúc tỉnh sau đó anh đã sửa lại: "Có Lộng Chương mới thành Trần Hoạt”. Tất nhiên, đó là câu nói trong lúc quá chén và một câu chuộc lại, nhưng nó cũng phản ánh sự kết hợp đẹp đẽ một mối duyên "ý hợp, tâm đầu” của một tác giả và một đạo diễn. Các anh đã bổ sung cho nhau, làm rõ nhau và cùng đưa nhau lên một thành công nhất định.  
Ngồi trước một bản thống kê những vở kịch đã viết của Lộng Chương, tôi không khỏi kinh ngạc về sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, đầy nghị lực của anh. Tôi không khỏi thán phục vì những đóng góp của anh. Tôi không khỏi giật mình vì một khối lượng đồ sộ những vở viết, những vở dựng trên sân khấu, những vở in trong sách, những vở đã phát trên đài, những vở chỉnh lý sửa chữa cho bạn hữu và lớp đàn em, những vở dịch thuật, những tập thơ - ca dao, những phóng sự, ký sự kháng chiến, những tiểu luận - lý luận phê bình sân khâu, những bài báo... và... những vở kịch còn nằm trong ngăn kéo của anh. Dưới đây là vài con số về sáng tác của anh: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: 17 vở kịch dài và ngắn; Thời kỳ chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội: 43 vở kịch dài và ngắn; Và những vở kịch chỉnh lý, sửa chữa cho anh em viết không chuyên nghiệp: 21 vở dài và ngắn. Tổng cộng là 81 vở kịch dài và ngắn. Nhưng, chắc chắn còn chưa đủ!
Ngoài ra, anh còn viết: Truyện thơ và ca dao: 9 tập; Phóng sự - Ký sự kháng chiến: 5 tập; Tiểu luận - lý luận phê bình sân khấu: 7 bài; Bài báo viết về sân khấu: 29 bài. Ai đã làm việc với anh, thân thiết anh, quen anh, đều có thể thấy được sức làm việc của anh, sức làm việc kỳ lạ ẩn chứa trong một cơ thể gầy gầy, xương xương... Anh viết liên tục, đều đặn như những công việc cần thiết hàng ngày, viết như đứng trước những đòi hỏi cấp bách của đời sống. Ngay giờ phút này, giờ phút tôi đang ngồi viết những dòng này, có lẽ anh cũng đang ngồi viết. Viết như một lẽ sống của anh, như một bữa ăn, một giấc ngủ. Nghĩ về hình dáng của anh là nghĩ về hình dáng của một người đầu luôn nghiêng xuống những trang bản thảo. Những ngày này anh đang ngồi viết, hầu như không một chút gì khác với hơn hai mươi năm trước đây tôi thường thấy anh ngồi viết. Anh có một khối lượng tác phẩm đồ sộ như vậy có lẽ vì anh viết nhanh nữa, nhanh với tốc độ ít tác giả sân khấu nào bì kịp. Anh viết ào ạt như tất cả đã được nghĩ sẵn, nhẹ nhàng, thanh thoát như ngồi uống rượu, ngắm phong lan. Tôi đã có nhiều dịp làm việc với anh và cũng đã nhiều lần tôi thấy được cái tốc độ đó. Hồi Mỹ - ngụy gây vụ thảm sát Phú Lợi, giới sân khấu chủ trương xuống đường vạch mặt, tố cáo bọn sát nhân bằng những tác phẩm kịp thời của mình. Một buổi chiều, anh bảo tôi:
- Tập hợp anh chị em lại, ngày mai tập một vở kịch.
Báo Độc Lập và Thủ đô Hà Nội đưa tin về 
vở diễn "Chặn tay chúng lại" của Lộng Chương;
Đoàn kịch Thanh Niên HN 
diễn ngay sau vụ thảm sát Phú Lợi  

- Kịch bản đâu ạ?
- Đêm nay sẽ có.
Và ngay đêm hôm đó, một nhóm trong Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội chúng tôi bên anh, với một chiếc máy chữ, một chiếc máy quay rô-nê-ô, anh viết trang nào, chúng tôi in luôn trang đó. 5 giờ sáng kịch bản hoàn thành. Ngay ngày hôm đó, dưới sự chỉ đạo của anh. Chúng tôi đã tập vở kịch ấy bằng tất cả lòng say mê và sự căm thù, đau xót của mình. Chúng tôi vừa tập vừa khóc, vừa như thét lên những tiếng kêu phẫn nộ trước kẻ thù. 5 giờ chiều vở kịch tập xong. 7 giờ 30 tối, xuống đường công diễn giữa phố Tràng Tiền - Hà Nội, trong không khí sôi sục của cả miền Bắc trước đau thương của đồng bào, đồng chí miền Nam. Vở kịch Chặn tay chúnglại của anh đã ra đời như vậy. Đó là một vở kịch đầu tiên, tiếng nói phẫn nộ đầu tiên của giới sân khấu trong những ngày đấu tranh đó. Lộng Chương chưa bao giờ từ chối viết những tác phẩm kịp thời phục vụ cho từng giai đoạn chính trị. Có lẽ chính vì thế nó đã thôi thúc anh viết nhanh và hầu như chưa bao giờ thiếu anh trong mỗi sự kiện quan trọng. Anh có mặt như một người lính đi đầu với vũ khí chắc trong tay, sẵn sàng nổ những phát súng kịp thời và cần thiết. Điểm lại những vở viết của anh, so sánh với từng giai đoạn, ta thấy rất rõ điều đó. Anh không từ chối viết những tác phẩm kịp thời, nhưng anh thường băn khoăn suy nghĩ về những tác phẩm lớn, đặt thành kế hoạch sáng tác lâu dài trong cả đời người. Bên cạnh những vở ngắn, viết nhanh, ồ ạt, anh vẫn dành thời gian và tâm huyết cho những vở dài. Bên cạnh những Đổi đầu heo, Dì Mai, Quẫn, Quẫy. Bên cạnh Bầu bán Cửa mở hé. Bên cạnh Người nữ tự Vệ áo trắng 19 tháng 12... Tất cả đã làm cho Kịch mục của anh phong phú và dày dặn, trở thành một cây bút khó ai bì kịp.
Một cảnh trong vở "Chặn tay chúng lại"
Một cảnh trong vở "Chặn tay chúng lại"

Một cảnh trong vở "Phá khu trù mật"
Lộng Chương nắm vững nhân vật của mình như những người quá quen thuộc. Những nhân vật trong giai cấp phong kiến, tư sản, những nhân vật thuộc tầng lớp cũ, những con người cổ hủ... đã được anh mô tả thật đậm nét, bằng một thứ ngôn ngữ sắc sảo. Chính họ tuy bị phê phán, chế giễu, đả kích, cũng không thể chê anh được. Tôi đã nghe một người thuộc tầng lớp đó nói rằng: "Ông ấy viết tôi đấy. Ông ấy hơi quá lời. Nhưng ông ấy tài thật!”.
Anh đã thành công trong một loạt nhân vật ấy. Nhưng chúng ta có nên đòi hỏi anh thành công thêm nữa không? Thành công ở những nhân vật mới trong xã hội chúng ta? Bởi vì hình như trong tác phẩm của anh còn thiếu những hình tượng con người mới được nổi lên, được tô đậm nét như anh đã viết về những con người cũ. Phải thế không? Tôi theo dõi hầu hết những vở viết của anh và tôi cảm thấy đúng như vậy. Những nhân vật mới của anh chưa có một độ dày, chưa có một chiều sâu, chưa được mô tả bằng những bút pháp điêu luyện, nếu đem so sánh với những nhân vật trong tầng lớp cũ. Chưa kể những bố cục, ngôn ngữ trong các vở của anh cũng rất ít đổi mới theo đòi hỏi của cách tân sân khấu. Có thể đó là một sở đoản, một nhược điểm của anh. Và tôi, một học trò của anh đã một vài lần nói tới điều đó. Nhưng anh cười, nụ cười pha một chút ngạo mạn, một chút ngang tàng. Thế thì... tất nhiên anh không nghe rồi. Biết sao được? Vì chính nụ cười ấy, theo tôi cũng là một nhược điểm của anh. Giờ anh đang viết gì bên ngọn đèn bàn vẫn luôn thắp sáng? Một vở ngắn sắp ra đời nay mai cho một yêu cầu cấp thiết nào đó, hay một vở dài cho những tháng năm sau? Anh đang viết gì? Đó là câu tôi thường hỏi mỗi lần đến thăm anh. Và thường bao giờ tôi cũng được trả lời bằng một tên vở mới.
-         Anh đang viết gì? Tôi hỏi anh trong một buổi sáng gần đây nhất.
Anh trả lời:
-         Vở kịch chưa có tên!

Lộng Chương - đạo diễn, người xây dựng, đào tạo lớp kế tục mới cho sân khấu
Người ta ít kể tên anh trong những dòng tên đạo diễn, có lẽ anh ít thành công trong lĩnh vực này, có lẽ vì ít thấy sự xuất hiện của anh trong cương vị người đạo diễn ở các đoàn kịch chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn coi anh là một đạo diễn. Bởi vì chính anh đã làm công việc đó một cách cần cù, nhẫn nại trong mấy chục năm. Từ những ngày thành lập Đoàn Chèo Cổ Phong (nay là Đoàn Chèo Hà Sơn Bình), giúp chỉ đạo phong trào sân khấu của thanh niên Hà Nội, giúp đỡ Đoàn Kịch Công nhân Thủ đô,... tới bây giờ anh lại sải tay vào nhóm thực nghiệm Kịch thơ. Anh vẫn làm việc bền bỉ, kiên trì, để thực hiện những dự định về sáng tác và phong cách nghệ thuật của mình.
Anh ao ước làm sao cho Kịch nói việt Nam có sắc thái Việt Nam. Và anh đã cố gắng đưa vào sân khấu Kịch nói những đặc điểm của phong cách Chèo cổ. Những vở kịch anh dựng bao giờ cũng đượm màu sắc, cũng phảng phất hương vị, cũng thoáng qua hình dáng của một sân khấu cổ truyền. Anh muốn có một chút gì đó rất riêng - như là một cá tính, một phong cách sân khấu được thể hiện, khi thì trong trang trí, trong kịch bản, trong hình tượng đạo diễn, khi thì ẩn hiện ngay trong diễn xuất của diễn viên. Sự giao lưu chan hòa giữa những vai kịch và người xem, sự cách điệu những đường nét thể hiện với lối diễn phóng đại bỏ qua chi tiết sinh hoạt tự nhiên... là những điều anh thường quan tâm và chỉ đạo diễn viên đi theo hướng đó. Đấy cũng là cái "riêng" của anh. Lần đầu tiên tôi làm việc với anh là nhận đóng vai ông Đoán trong kịch Hỏi vợ của anh. Ông Đoán là một trung nông làm ăn tiến bộ. Nhưng từ cái thời phong kiến lạc hậu ông đã là nạn nhân của tệ tảo hôn rồi. Ông lấy một người vợ hơn ông đến mười tuổi. Nhưng rồi cũng phải có với nhau một thằng cu Đoán. Thằng cu Đoán năm nay mới 9 - 10 tuổi. Thế mà bà Đoán đã rắp ranh định hỏi chính chị phụ trách thiếu nhi của nó về làm vợ nó. Bà đem chuyện bàn bạc với ông. Câu chuyện bà bàn úp mở, ông nghe không thủng, tưởng bà thương mình ngày xưa phải lấy bà hơn tuổi mình một cách quá đáng, nên bây giờ muốn hỏi vợ bé cho mình. Còn rơi rớt một chút "máu lạc hậu” trong người, ông đâm hí hửng và chắc mẩm chuyến này mình vớ thêm được một cô vợ trẻ măng, xinh đẹp. Nhưng rồi câu chuyện chẳng đi đến đâu. Bà chỉ là miếng mồi ngon cho mụ đồng Môi chuyên nghề mối lái xoay xở, lừa bịp. Còn ông thì tất nhiên, cái hí hửng vơ vào ấy chỉ là vơ vào hụt mà thôi.
Câu chuyện Hỏi vợ được sắp xếp trong một bố cục hết sức hài hước và nghịch ngợm; bởi vì chính bản thân cái mâu thuẫn xung đột ấy cũng đã là một cái gì trào lộng, gây cười rồi. Đến khi biểu diễn, anh đã chỉ đạo chúng tôi vào lối diễn xuất cách điệu hết mức, có cả tiếng đế như trong Chèo cổ ở hậu trường, luôn được sử dụng một cách ngọt ngào, đầy hiệu quả. Đôi khi anh lại sử dụng tiếng đế (tất phải có) ngay trong người xem.
Cái đoạn ông Đoán tưởng bà Đoán hỏi vợ bé cho mình, cái đoạn hí hửng, lố bịch nhất của ông, lúc đó sân khấu chỉ còn lại mình ông. Lộng Chương hỏi tôi (ông Đoán):
- Lúc này cậu làm gì?
- Tất nhiên là được lấy vợ bé thì tôi thích lắm!
(Xin nhớ: Tôi trả lời theo tâm lý và hành động của nhân vật ông Đoán chứ bản thân tôi thì... rất sợ).
- Đúng là thích rồi, nhưng cậu có thấy cần thiết phải làm gì lúc này không?
- Làm gì ạ?... À, phải rồi, tôi phải ngắm vuốt, sửa sang lại người ngợm một tí chứ - Sắp có cô vợ bé trẻ măng, xinh đẹp chứ bỡn à?
- Đúng rồi! Làm đi!
Tôi lấy chiếc gương treo trên vách xuống. Tôi ngắm nghía, tỉa tót, bỗng phát hiện thấy cái mặt mình hôm nay cũng hay hay, kẻng mẽ ra phết. Tôi cười.
Anh bảo tôi:
-         Đoạn này cậu thử bỏ chiếc gương đi xem.
-         Bỏ gương thì tôi ngắm vuốt, tỉa tót vào đâu?
-         Cứ coi như tất cả khán giả là chiếc gương, một chiếc gương rất to, cậu ra đấy mà soi, soi khắp người, làm dáng khắp người.
Thế là tôi vứt bỏ chiếc gương đi thật. Tôi tiến ra cái gương - toàn bộ phía người xem - mà anh đã quy định cho tôi. Tôi đứng ngắm, tôi uốn éo, tôi làm đỏm, tôi õng ẹo "cưa sừng làm nghé", tập làm duyên... Tất nhiên là người xem lúc ấy hoàn toàn thấy hết được sự lố bịch của tôi, sự lố bịch được khoa trương lên, cường điệu quá đáng lên, và... tiếng cười cũng được tăng lên ròn rã.
Một lần anh lại bảo:
-         Cái đoạn soi gương ấy, cậu có muốn hỏi ý kiến ai, xem mình thế nào không?
-         Có chứ. Nhưng lúc ấy tôi chỉ có một mình, biết hỏi ai?
-         Hỏi ngay người xem ấy!
Thế là, sau một hồi ngắm ngắm, vuốt vuốt, tôi nhìn thẳng xuống người xem, rất chân thành, tôi hỏi:
- Trông thế nào hả bà con?
Tất nhiên là bà con cười ầm ĩ và trả lời mỗi người một kiểu. Các ông già trả lời:
- Còn trẻ chán!
Các bà trả lời:
- Già rồi còn chơi trống bỏi!
Các thanh niên trả lời:
- Già khốt lắm!
Thỉnh thoảng một nữ thanh niên trả lời rất to:
- Già mà xấu, không mê nổi!
Một lần tôi hỏi anh:
- Tôi có được cãi nhau với người xem không?
Anh trả lời dứt khoát:
-         Sao lại không? Cứ cãi!
-         Lập tức các buổi sau, nghe chê, tôi cãi. Lại chê to hơn, tôi cũng cãi to hơn. Càng bị chê dữ dội, tôi càng cãi hăng hơn. Nhưng cuối cùng bao giờ cũng là một câu cãi chày, cãi cối vì đuối lý của tôi.
Chính vì nhờ những đoạn kịch xử lý tương tự như vậy, Lộng Chương đã tạo nên sự giao lưu sinh động giữa vai kịch và người xem, đã tô đậm được cá tính nhân vật và tạo nên một không khí sôi nổi, hoà đồng, rộn rã những chuỗi cười kéo dài, sảng khoái với người xem.
Nhưng, giá những sự tìm tòi của anh đi theo một chiều hướng như vậy? Giá những sự tìm tòi ấy luôn là sự kết hợp giữa truyền thống tốt đẹp của sân khấu Chèo cổ với tinh hoa của sân khấu mới bây giờ? Nhưng anh đã không làm được trọn vẹn như ý đó. Anh chưa có một vở dựng nào đầy đủ sức thuyết phục, đầy đủ những tìm tòi chứng minh cho sự nghiên cứu của mình. Vở dựng của anh thường ở những đoàn không chuyên nghiệp, nên có thể không đủ điều kiện để anh thực hiện ý đồ của mình chăng? Hay công việc tìm một sắc thái Việt Nam cho sân khấu Kịch nói Việt Nam phải là một quá trình tìm tòi, nghiên cứu lâu dài, phải là một công trình đóng góp của rất nhiều người, phải là sự thực nghiệm, thử thách tháng năm trên sân khấu và trong các đoàn kịch. Mà anh thì lại không có một đoàn kịch chuyên nghiệp trong tay. Thật đáng tiếc!
Hơn nữa, anh thường mong muốn một sự kết hợp giữa cái hiện đại mới mẻ và những truyền thống cổ. Nhưng những vở dựng của anh cái cổ đã chiếm quá nhiều. Tôi hiếm thấy sự tiếp nhận của anh với những cái mới, hiếm thấy anh trăn trở vì một cái mới, cho một cái mới. Tôi, một học trò của anh, đã có lần nói với anh điều này. Nhưng anh lại cười - nụ cười như tôi đã viết ở trên. Nụ cười - một nhược điểm của anh, bất lợi cho anh. Anh biết vậy. Nhiều người cũng biết vậy.
Ai đã đến ngôi nhà Lộng Chương, đến nhiều lần, đều phải ngạc nhiên về những khách khứa của anh, đều phải suy nghĩ về tình cảm những người khách ấy đã giành cho anh. Anh quan hệ với rất nhiều lớp người, với rất nhiều lứa tuổi khác nhau: Những bác sĩ, những nhà giáo, những sinh viên, những công nhân, những văn nghệ sĩ… những người lớp tuổi bảy - tám mươi, đến những thanh niên lông tơ còn mượt trên má. Người sáu - bảy mươi gọi anh là anh. Cả những thanh niên kém tuổi con anh cũng thường gọi anh là anh. Hơn hai mươi năm quen biết anh, hầu như không một lần nào tôi đến thăm, lại không thấy anh đang tiếp ít ra là một hai người khách. Anh Hà Văn Cầu một lần đã phải nói: "Riêng tiền nước chị Chương phải đun tiếp khách cho anh Chương trong ngần ấy năm, đủ xây mấy gian nhà". Mà đúng như vậy thật. Anh tiếp khách bằng cơm, bằng rượu "quốc lủi", bằng chè, bằng thuốc lá (gần đây là thuốc lá sợi)... Anh nghèo cũng chính vì thế. Với một khối lượng vở viết, vở dựng, vở in... của anh nhiều như thế, lẽ ra anh phải giàu mới phải. Nhưng cái khoản tiếp khách kia đã ngốn đi của anh khá nhiều. (Xin các vị khách đừng vì những dòng viết này mà ít đến thăm anh).
Hãy điểm lại những đơn vị nghệ thuật mà anh đã góp phần xây dựng từ ngày "nghiệp chướng" đã vận vào thân cho tới bây giờ, ta có thể dễ dàng thấy đối tượng khách của anh là ai. Đó là: Đoàn Văn công Liên khu III (1951), Đoàn Chèo Cổ Phong (1956 - 1957), Đoàn Chèo Nam Hà (1960), Đoàn Kịch Thanh Hoá (1966), Đoàn Kịch Hà Tây (1968 - 1969), Đoàn Kịch Thanh niên và Đoàn Kịch Công nhân Hà Nội (từ 1957 đến nay),...
Anh còn bồi dưỡng nghiệp vụ cho rất nhiều lớp sáng tác kịch ở các địa phương và trại sáng tác của các ngành, các cơ sở. Vậy nên, khách của anh là những văn nghệ sĩ đến trao đổi công việc, là các đoàn nghệ thuật đến xin vở hoặc cầu cứu một việc gì đó, là một bạn viết đến nhờ góp ý bản thảo, là một diễn viên đến thăm, một học trò từ nơi xa về...
Lộng Chương không có trường lớp nghệ thuật trong tay, nhưng học trò của anh thật nhiều, hầu như ở khắp các địa phương. Những diễn viên đã làm việc với anh, những người sáng tác trẻ (dù tuổi cao) được anh giúp đỡ đều gọi anh là thày. Chữ thày với đầy đủ ý nghĩa cao quý của nó. Không có trường lớp, không có sách vở, không có những bài giảng theo giáo trình, giáo án, nhưng anh đã đào tạo nên nhiều lớp diễn viên xuất sắc, đầy tài năng, gánh vác những vai trò chủ chốt của một số đoàn kịch lớn hiện nay: Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Trọng Khôi... (Đoàn Kịch Trung ương), Trần Hạnh, Trịnh Mai, Hoàng Quân Tạo... (Đoàn Kịch Hà Nội), Ngọc Hiền, Bích Lân... (Đoàn Kịch Hải Phòng)... Và bao nhiêu diễn viên khác nữa! Tất nhiên những diễn viên này đã được đào tạo thêm ở những trường chính quy khác, đã được bổ sung bằng kiến thức của những người thày khác nữa. Nhưng người thày đầu tiên, bài học đầu tiên chẳng là một điều quan trọng đã tạo nên những thành công sau này cho họ hay sao? Anh cũng đã đào tạo nên một loạt những người viết trẻ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, mà những tác phẩm của họ dù dài, dù ngắn, dù hay, chưa hay, dù đã diễn hay chưa diễn, đã in hay chưa in... đều đã bộc lộ những tài năng, những manh nha hứa hẹn. Lúc này anh đã về hưu rồi. Cái tuổi hơn sáu mươi cần được nghỉ ngơi sau những năm dài lao động. Tôi thường đến thăm anh, và tôi cũng thường bắt gặp những nét buồn buồn trong con người vốn cao ngạo của anh. Hình như anh buồn vì thấy mình chưa làm trọn vẹn một điều gì đó, chưa thực hiện được một ước mơ nào đó. Anh buồn vì (theo lời một người bạn anh nói lại với tôi) có thể lo mình không còn đủ thời gian viết tập Hồi ký "Sân khấu đời tôi" của mình.
Bên giàn phong lan ngoài cửa sổ, bên một thân xương rồng vút thẳng, những phút dừng việc anh thường ngồi đăm chiêu... và, một nét buồn trong đôi mắt.
 
Anh!
Tôi muốn nói với anh rằng:
Bao nhiêu vở kịch của anh còn đó. Bao nhiêu học trò của anh đang đi tiếp con đường của anh... Và như vậy, anh đã hoàn thành một công việc lớn với đời. Còn tập Hồi ký, xin anh cứ tiếp tục. Và nghỉ ngơi, uống rượu, ngắm hoa... Sao anh lại không vui?
Lộng Chương ngồi trước kịch bản "Viết đêm"
_____________________
(*) TC Sân khấu, số 4/1979; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân Khấu, 2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét