Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Một số gương mặt tiêu biểu trong nửa thế kỷ sân khấu: LỘNG CHƯƠNG(*)

(Trích)
            … Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó một số vở có tiếng vang, Lộng Chương đã khẳng định vị trí của mình đối với nền kịch Việt Nam, đặc biệt ở thể loại hài kịch, trong mấy chục năm qua.

           Mười năm đầu tham gia ngành kịch, Lộng chương hoạt động chủ yếu như một “tài tử” trong các ban kịch; đồng thời ông cũng chính là người tổ chức, thành lập các ban kịch như: Ban Kịch Bình Dân, Nhóm Kịch Báo Công Dân (Nam Định kháng chiến), Đội Kịch Duyên Hải… 
            Mười bảy vở kịch ngắn của ông xuất hiện trong vòng 6 năm (1948-1954), là con số đáng kể đối với một người mới cầm bút sáng tác. Những tác phẩm của ông ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đều đã được các đoàn văn công dàn dựng và biểu diễn ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, sau đó được in trong các tuyển tập, trên báo chí hoặc in thành tập riêng. Những tác phẩm này mang nội dung tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngòi bút của Lộng Chương hoạt động trên một bình diện rộng, mở ra nhiều đề tài khác nhau, nhưng đều hướng vào mục đích là đáp ứng kịp thời những yêu cầu trước mắt của cách mạng. Ở ông có thể thấy rõ sự cần cù, chịu khó và hết mình khi đi vào những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong xã hội.
Nằm trong mối quan tâm chung với các tác giả khác về chiến tranh du kích, một vấn đề trung tâm của thời kỳ đó, Lộng Chương đã viết 4 vở về đề tài này: Lý Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đoàn quân tóc trắng (1954). Có thể coi đó là những phác họa của tác giả về quá trình đấu tranh dũng cảm của dân quân du kích vùng địch hậu, đồng thời vạch trần bộ mặt độc ác của địa chủ cường hào. Tuy chưa sâu sắc, chưa phải là những đòn hiểm hóc đánh vào kẻ thù, nhưng bằng ngôn ngữ kịch trong sáng, cô đọng, nhân vật giàu chất hiện thực, sinh động, tác giả đã trực tiếp chuyển đến công chúng tinh thần của cuộc chiến đấu, thức dậy trong lòng mọi người ý thức căm thù giặc và quyết tâm bảo vệ đất nước. Vì thế các vở này đã gây được sự chú ý và có tác dụng nhất định đối với phong trào đấu tranh của quần chúng thời kỳ đó. Vở Chiến đấu trong lòng địch là một trong những vở về đề tài này của Lộng Chương, được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học 1945-1955.
            Giai đoạn thứ hai trong cuôc đời sáng tác của Lộng Chương, là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điểm lại những sáng tác thời kỳ này, chúng ta thấy trong vòng hơn hai mươi năm, Lộng Chương vừa viết vừa chỉnh lý, viết lại trên 60 mươi vở, gồm nhiều kịch chủng, chứ không chỉ có kịch ngắn như thời kỳ trước.
            Vào những năm 1960, những nét hài hước thể hiện ngày càng rõ trong một số vở hài kịch của Lộng Chương. Ông thực sự được chú ý và đánh giá cao từ vở hài kịch Quẫn. Sự ra đời của vở Quẫn là lời khẳng định cho sự xuất hiện thể loại hài kịch Việt Nam, trong đó Lộng Chương là người có công đầu, người đặt nền móng cho thể loại hài kịch.

Những ấn phẩm in sáng tác của NVK Lộng Chương

            Tên tuổi của Lộng Chương gắn liền với vở Quẫn. Tiếng cười của Lộng Chương mang nhiều sắc thái khác nhau: khi thì vang lên rộn rã suốt 5 hồi kịch như Quẫn; nhưng cũng có khi chỉ rộ lên ở một vài cảnh như Cửa mở hé, hoặc một số vở kịch vui khác như Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Mối lo của cụ Cửu… Hai đặc điểm: thời sự và trào lộng của Lộng Chương, đã tạo cho ông một phong cách riêng biệt so với các tác giả cùng thời. Đó cũng là điểm mạnh trong sáng tác của Lộng Chương.
            Ngoài khối lượng tác phẩm sáng tác rất lớn, Lộng Chương còn tham gia chỉnh lý, viết lại, chuyển thể khá nhiều kịch bản của các tác giả khác, theo yêu cầu dàn dựng sân khấu. Với hơn hai mươi tác phẩm thuộc loại này, Lộng Chương ngày càng trở nên gần gũi và quen thuộc với công chúng ở khắp các tỉnh trong cả nước. Đó là những vở: Vòng quay (Nxb Lao động, 1964), Một dòng (1963), Giờ quyết định (1964), Năm 1946 (1965), Người giám khảo cuối cùng (1976)…      
            Người ta trân trọng tác giả Lộng Chương không chỉ ở phần sáng tác, mà còn ở khả năng đạo diễn, và hơn thế, là ở thái độ nhiệt tình, say mê với nghề nghiệp của ông.


(*) Tạp chí Sân khấu, Số 173 - tháng 9 năm 1995; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét