Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Về 3 vở kịch: LÝ THỚI, QUẪN và CỬA MỞ HÉ (…)

Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không ít vở kịch gợi lên tiếng cười nhạo báng, đả kích kẻ thù đã được viết và diễn ở nhiều nơi, nhất là trên sân khấu nghiệp dư (...) Lý Thới (1952) của Lộng Chương là một trong những vở tiêu biểu. 

 
(...) Quẫn là vở hài kịch thành công nhất trong tất cả những vở hài kịch của ta. Kịch đánh vào những phần tử tư sản không chịu cải tạo theo yêu cầu của chủ nghĩa xã hội. Vợ chồng Đại Cát - nhân vật chính của kịch - tuy vào công tư hợp doanh nhưng lại tìm cách giấu vàng, sắm sửa đồ đạc, chia gia tài, cưới chồng cho con rất linh đình; thậm chí còn lo cả khoản ma chay cho bà mẹ già đang sống và cho cả bản thân vợ chồng y. Đây là lối sống hai mặt, luôn luôn tìm cách che đậy việc làm xấu xa, bản chất phản động của mình bằng cái vỏ đậy mĩ miều, giả nhân giả nghĩa, cầu tiến bộ. Đại Cát nói nhiều đến nghĩa vụ làm dân, nhưng lại tìm cách chống đối ngầm chính sách của Nhà nước. Y bày mưu tính kế làm thế nào tạo ra được bề ngoài che đậy mục đích vị kỷ, vụ lợi của chủ nghĩa cá nhân. Vợ y thật sự là một người đàn bà mù quáng tham lam, chỉ biết có tiền, ngoài ra không cần biết đến những cái gì khác nữa.
Mẹ y thì đặc biệt là một mụ già phong kiến cổ hủ, cay nghiệt, đay nghiến chì chiết tất cả mọi người, kể con và cháu; suốt ngày gõ mõ niệm phật cầu kinh và cố bám lấy cái lề thói gia phong quá ư lạc hậu mà chính con cháu mụ cũng đang tìm cách rũ bỏ. 
Bằng nhiều thủ pháp gây cười, tác giả Lộng Chương đã dựng lên được những tính cách hài kịch nhiều vẻ trong một gia đình tư sản bán phong kiến Việt Nam, ở vào thời kỳ quá độ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Lộng Chương đã tìm được đúng đối tượng cho tiếng cười đả kích của mình. Đây không phải là tiếng cười nhằm tiêu diệt đối tượng, mà là tiếng cười nhằm cải tạo đối tượng bằng một thái độ phê phán trào lộng rất quyết liệt, sâu cay, xuất phát từ sự nhận thức đúng đắn bản chất hai mặt của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam. (…) Sau này vào năm 1972, chúng ta lại thấy Lộng Chương xuất hiện với vở Cửa mở hé, do Đoàn kịch Hải Phòng dựng diễn. Vở kịch đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh xác định thể loại của nó. Theo ý kiến của một số người, kể cả tác giả, thì đây là một vở hài kịch đích thực. Nhưng theo ý kiến chúng tôi, vấn đề không hoàn toàn như vậy. Bởi lẽ, nếu căn cứ vào nội dung tư tưởng, chủ đề, đặc biệt là tính cách nhân vật trung tâm thì Cửa mở hé có xu hướng thiên về loại hình bi kịch nhiều hơn. 
 
Rõ ràng, vấn đề đặt ra trong vở Cửa mở hé chính là vấn đề về những con người như giáo sư Nguyễn Thế Tòng và con trai út của ông là trung úy Nguyễn Thế Kỷ - những con người đang đi theo cái gọi là “con đường thứ ba” tuy rất chán ghét chế độ Mỹ - Thiệu, nhưng lại không có khả năng và đủ lý trí sáng suốt nhận ra ánh sáng của chân lý cách mạng. Do sự từng trải bản thân, sớm nhận thức được bộ mặt thật xấu xa của bè lũ Mỹ - Thiệu, nhưng không đủ nghị lực đứng ra gánh vác việc đời hoặc hướng về cách mạng, giáo sư Tòng tìm lối thoát thân bằng cách lui về ở ẩn, và bằng con đường dạy sử để bộc lộ chí hướng của mình, đồng thời đóng kín cửa lại để khỏi phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng do kẻ ngoại bang và bọn mại quốc cầu vinh gây nên. Xét theo một ý nghĩa nào đó, việc làm ấy của ông cũng là một cách tỏ thái độ phản kháng thực sự. Ông không hoàn toàn thuộc vào loại người trí thức trùm chăn bàng quan trước thế sự. Ở ông có cái tích cực là nỗi đau của người dân mất nước, nhưng lại tiêu cực trong hành động và không biết cách hành động như thế nào cho đúng hướng. Khác với cha, trung úy Kỷ vốn là người “nhập thế” tích cực, đã từng dốc lòng phụng sự chế độ “cộng hòa” mà anh ta cho là hiện thân của lý tưởng xã hội hiện tại. Đã có một thời anh ta lao vào cuộc chém giết không run tay. Tâm hồn vốn trong sạch nhưng mù quáng của anh ta bị tấm màn đen xuyên tạc sự thật bưng bít và lừa dối. Tự nhận là người theo chủ nghĩa quốc gia, thay mặt cha, anh ta phát biểu thẳng thừng trước luật sư Lê Phương Danh quan điểm của giòng họ Nguyễn Thế nhà anh ta là “không bao giờ đầu hàng cộng sản”. Dĩ nhiên, con đường từ đó đến với cách mạng ở anh ta còn nhiều quanh co, khúc khuỷu. Như vậy, kịch kết thúc ở hành động im lặng của anh ta là hợp lý. Về cơ bản, chỉ nên xem anh ta là kẻ lầm đường đã và đang được lương tâm thức tỉnh, chưa phải là người đã được cách mạng giác ngộ. Có thế mới hiểu được vì sao suốt cả tiến trình kịch, trung úy Kỷ tồn tại như một nhân vật hành động mất phương hướng, có lúc tự thú ăn năn, có lúc hò hét đập phá. Thông qua hai nhân vật này và bằng cách đặt họ vào thế đối lập với tên đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Thế Bách, hơn nữa xoáy sâu vào sự phân hóa của gia đình họ, tác giả vở kịch Cửa mở hé muốn dựng nên một bức tranh thu gọn của xã hội miền Nam vùng tạm bị chiếm để, một mặt, lên án tệ nạn “Mỹ hóa” đang lan tràn ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ, mặt khác và là mặt chủ yếu, kích động tinh thần dân tộc ít nhiều còn lại trong hàng ngũ những người trí thức và sĩ quan “quân đội cộng hòa” còn lương tri. Phải chăng vì thế, tác giả không lấy việc miêu tả những sự kiện về cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân ở bên ngoài làm bối cảnh chính? Và những chi tiết về vợ chồng con cái Nguyễn Thế Bách, Việt Mỹ Kỳ Lang, cố vấn Mỹ, thậm chí cả cuộc tấn công chớp nhoáng của quân giải phóng chỉ là những đường viền bao quanh cái nền của chủ đề đó? Tuy nhiên, vì thiên về bút pháp gây cười, cho nên tác giả không thể không để cho Nguyễn Thế Bách xuất hiện trong vở kịch gần như một nhân vật trung tâm cùng với sự miêu tả khá sinh động những nhân vật Tòng phu nhân, Bách phu nhân, vốn là những nhân vật thuộc sở trường loại kịch hài của tác giả. Sự chú ý của người xem tự nhiên bị phân tán vào những nhân vật ấy, cũng như các nhân vật Việt Mỹ Kỳ Lang, cố vấn Mỹ, là những nhân vật thực sự mang tính hài kịch của thời đại hiện nay. Tập trung vấn đề là ở chỗ, phong cách thể loại của vở không được xác định. Một mặt, với dụng ý chủ quan muốn xây dựng tác phẩm theo hướng hài kịch, tác giả cũng như đạo diễn không thể không chú ý đặc biệt đến những chi tiết gây cười ở các nhân vật phản diện, nhưng mặt khác do tư tưởng chủ đề như đã nói trên quy định, thì nhân vật trung tâm của kịch lại không thể không là giáo sư Tòng và trung úy Kỷ - những nhân vật mang tính bi kịch nhiều hơn là tính hài kịch - mặc dù đây cũng là một loại người “quẫn” hiểu theo một nghĩa nào đó. Bởi vậy, ý kiến cho rằng phong cách thể loại vở Cửa mở hé không ra bi kịch cũng không ra hài kịch, theo tôi, là có cơ sở. Tình hình đó đã ảnh hưởng không tốt đến việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Thông thường, tư tưởng chủ đề của tác phẩm được thể hiện qua nhân vật trung tâm. Nhưng ở đây, nhân vật trung tâm không nổi lên được. Nói cách khác, người xem không nắm chắc được nhân vật nào là nhân vật trung tâm… Giáo sư Tòng, trung úy Kỷ, hay tên đại tá Nguyễn Thế Bách? Tư tưởng chủ đề của tác phẩm vì thế trải ra và mờ đi. Thế mà, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của kịch là tư tưởng chủ đề phải tập trung và rõ nét. Cửa mở hé có thể có những thành công về mặt khai thác đề tài, về sự cố gắng bám sát yêu cầu chính trị thời sự, về ngôn ngữ được gọt dũa, về thủ pháp đan cài chi tiết; nhưng còn bị hạn chế về mặt ổn định thể loại, nhân vật trung tâm và chủ đề tư tưởng. Mà đó là những mặt rất cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau trong nghệ thuật sáng tác kịch (…) 

 (*) Trích Luận án Phó tiến sĩ khoa học: “Cuộc sống chống Mỹ, cứu nước và con đường phát triển kịch Việt Nam” của Bùi Ngọc Trác, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1987.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét