Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

LỘNG CHƯƠNG - HẾT MÌNH VÌ SỰ NGHIỆP SÂN KHẤU(*)

                                                 Nhà văn Hoàng Công Khanh

Cùng hội cùng thuyền
         
Nhà văn Hoàng Công Khanh (trái)
cùng con rể út NVK Lộng Chương
 
Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947, Lộng Chương làm báo Công Dân ở Nam Định, tôi làm báo Sóng Mới ở Thái Bình. Vì cùng máu mê sân khấu, tôi viết thư sang rủ anh và một số anh em văn nghệ nữa, lập một nhóm kịch, tổ chức biểu diễn ở hai thị trấn Quỳnh Côi và Đống Năm.
         Do cộng tác với nhau lâu ngày, tôi biết được những nét chính về thân thế anh. Tên thật anh là Phạm Văn Hiền, bút danh là Lộng Chương. Bạn bè giải thích biệt hiệu đó lấy trong sách cổ (không nói rõ sách nào): "Nam giả lộng chương, nữ giả lộng ngọc", tạm hiểu là "Trai chơi văn chương, gái chơi châu ngọc". Gần đây, có người lại giải thích khác, cho là chữ rút trong Kinh Thi: "Nãi sinh nam tử, tài lộng chi chương", có nghĩa là: "Sinh con trai thì cho chơi ngọc chương". Chữ "Chương" ở câu này là biểu tượng của cái "Đẹp" (trong đó có văn chương và nghệ thuật) mang tính khát quát cao, rộng hơn, sang và đắt hơn. Quê gốc Lộng Chương ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.
Các cụ thân sinh anh có một cửa hiệu buôn bán nhỏ ở Hàng Bạc, Hà Nội. Anh ra đời ở đây ngày 5-2-1918, năm con "Rắn" nhưng là con rắn lành; chỉ dùng cái uy mãnh bên ngoài để đe nẹt, cảnh tỉnh và chỉnh đốn những thói kiêu căng, tráo trở, phản bội, hy vọng những kẻ hư đốn ấy sợ mà tự sửa, để sống cho ra người. Hình rắn mà tâm phật. Đúng như cái tên Hiền. Hiền ở bản chất, sắc sảo ở hiện tượng. Trước 1945, anh tốt nghiệp trung học, vào đời ngoài tuổi 20. Là nhân viên phòng Thí nghiệm của sở Thanh tra Nông Lâm, nhưng anh không chuyên tâm nghiên cứu khoai lúa, rừng rú; mà lại chăm chú nghiên cứu thế sự và con người, rồi lần lượt thể hiện những chiêm nghiệm của mình trên báo chí văn học. Khuynh hướng hiện thực phê phán bằng bút pháp trào lộng thấp thoáng trong tập tiểu thuyết đầu tay "Hầu Thánh" của anh. Và nó sắc nét dần, định hình dần, từ tia chớp loé trở thành sấm sét sau này dưới vòm trời sân khấu. Chúng tôi sống bên nhau tuy thời gian có ngắt quãng, tôi vẫn là một trong số bạn bè đã chia sẻ cùng anh ít nhiều vui buồn, thành bại đáng cười, nên khóc, trên sàn diễn và cả trong cuộc đời.

Ở chung một nhà

            Đó là đầu 1949. Nhóm kịch chúng tôi tổ chức hai đêm công diễn ở thị trấn Đống Năm thuộc Thái Bình. Đống Năm ở ngay trên đường số 10, gần mặt trận Hải - Kiến khoảng 20 km. Sở Văn Hoá Thông Tin khu III (tả ngạn sông Hồng) đã có một tốp kịch nhỏ do Lê Đại Thanh phụ trách, lưu diễn trong các xã để tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp và tham gia kháng chiến. Chỉ là những buổi biểu diễn đột kích, đánh nhanh, rút nhanh. Lần này chúng tôi liều mạng diễn công khai, có quảng cáo và bán vé hẳn hoi, dưới danh nghĩa của nhóm kịch Sở Thông Tin và Hội Văn Hoá - Văn Nghệ khu III. Lộng Chương, Trần Lê Văn, Phạm Tăng từ Nam Định vượt sông Hồng sang hợp sức với anh em ở Thái Bình gồm Trần Trọng Khang, Trần Phúc, Tống Ngọc và tôi. Nam thì đủ nhưng nữ diễn viên thì khó kiếm. Rất may, hai chị Tuyết Khanh (vợ Hoàng Cầm) và Kiều Liên, lúc đó đương là hai nữ chủ quán café ở thị trấn Phụ Dực, Lộng Chương đã tìm đến thuyết phục. Hai chị tạm khép cửa liếp, xách ví son phấn riêng đến với nhóm, vừa để dùng vừa viện trợ thêm cho bạn diễn vẽ mày trát mặt. Án kịch của nhóm có tới 11 vở. Trong 5 kịch dài (Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng, Người dân quân của Vi Huyền Đắc, Trùm kèn và Hầm thị trấn của Lộng Chương, Ở chung một nhà của tôi), Lộng Chương với tư cách đạo diễn của nhóm, anh đề nghị chọn Ở chung một nhà làm thí điểm.
Quảng cáo Chương trình biểu diễn của 
Nhóm Văn nghệ Hải Phòng
 tại Thị trấn Quỳnh Côi (Thái Bình)

Nếu thành công thì sẽ nhắc dần đến các vở khác. Tự xét tay bút mình còn yếu, tôi muốn rút, Lộng Chương bảo:
            - Không, cứ diễn vở ấy. Nội dung nó hợp với lúc này hơn cả.
            "Ở chung một nhà" đặt ra vấn đề gì? Đó là một số người đại diện cho những tầng lớp khác nhau, thân phận khác nhau, vừa hoà hợp vừa xung khắc nhau trước luồng gió mạnh của Cách mạng 19-8. Kẻ theo, người chống, họ quằn quại văng vật, cuối cùng phân hoá thành hai thế lực đối kháng. Nhưng cuối cùng, dù muốn hay không, họ đều bị cuốn đi, hoặc hoà nhập thuận chiều vào dòng chảy của thời đại, hoặc táp thành những đống rác, hoặc bị ném văng lên bờ, chơ vơ bên rìa cuộc sống vận động không ngừng. Tất cả những con người ấy đều ngẫu nhiên ở chung dưới một mái nhà: Tượng trưng cho mọi tầng lớp người sống chung trong một đất nước(I).
            Thấy tôi vẫn băn khoăn, Lộng Chương nói tiếp:
            - Thực lòng, trong giai đoạn này, mình muốn thử sức ở công việc đạo diễn là chính. Đạo diễn vở người khác thì ít nhiều cũng rút ra được một cái gì đấy, hoặc hay hoặc dở, làm giàu cho cách nhìn và viết của mình.
Lộng Chương vỗ vai tôi:
            - Hãy tin mình! Mình sẽ vừa đạo diễn vừa đóng vai chính cùng với Tuyết Khanh. Chúng mình sẽ hợp sức với cậu nâng kịch bản lên ít nhất cũng ở mức có thể chấp nhận được.
Quảng cáo Chương trình biểu diễn của 
Nhóm Văn nghệ Hải Phòng
 tại Thị trấn Quỳnh Côi (Thái Bình)

         Lộng Chương đã đánh vật với kịch bản. Sửa và tập đều cùng mệt nhoài. Cuối cùng, những cây đèn manchon cũng sáng xanh trong ngôi đình lớn được kê dọn thành sân khấu tạm thời. Chúng tôi đã lầm to. Hăng máu quá làm chúng tôi mờ mắt. Ngoài số đại biểu, chỉ có những dân từ thành thị tản cư đến xem, nửa vì tò mò, nửa có ý ủng hộ. Còn dân chúng sở tại
phần nhiều là nông dân chỉ thích cải lương và chèo, chưa quen với kịch. Nên họ chỉ đến nghiêng ngó những tấm quảng cáo viết tay to tướng dán trước các quán thị trấn và trước cửa đình rồi bỏ đi. Tác dụng tinh thần không thể đo được, nhưng chắc chắn là không đáng kể; còn kết quả về kinh tế thì thất bại. Thu không đủ bù chi, vốn cũng rất eo hẹp. Không biết Lộng Chương làm cách nào (xuất tiền túi ra, hay vay mượn, hay được ai đó hảo tâm ủng hộ) đã mau trả hết các khoản nợ chính: tiền thuê làm phông cảnh theo thiết kế của hoạ sĩ Phạm Tăng, tiền thuê dầu đèn, thuê người phục vụ tạp dịch cho hai đêm diễn. Còn tiền túi diễn viên ứng ra trước để ăn tập, tiêu pha trong những ngày tập dượt và trình diễn đều mất hút. Gay nhất là số anh em ở Nam Định, đã phải vượt từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng, nay phải quay về với số tiền còn lại chỉ đủ để chi phí đò giang và ăn bánh chưng, khoai luộc đi đường. Quẫn bách như thế, nhưng vốn tính thích đùa, lại cũng rất mẫn tiệp trong cách làm thơ trào phúng, Trần Lê Văn ứng khẩu mấy câu trong buổi chia tay:
                        Phen này đếch "ở chung nhà" nữa!
                        Ông ở riêng ông, một xóm làng!
            Đe thế thôi, chứ đến lần tổ chức biểu diễn sau, các anh lại vượt sông Hồng sang ngay với nhóm. Mới vấp váp thế mà đã cạch không chơi với nhau, cắt đứt cái duyên nghiệp văn chương thế nào được!
                                               
Sự cố sân khấu

            Chỉ sau hai tháng, nhóm chúng tôi lại tổ chức luôn hai buổi dạ hội ở thị trấn Quỳnh Côi -  Thái Bình. Lần này do Ban Mùa Đông Binh Sĩ  Hải Phòng bảo trợ. Đã có quỹ tài trợ nên chúng tôi thư tâm. Rút kinh nghiệm, chúng tôi đưa ra ba kịch ngắn được viết tương đối kĩ: Lý Thới của Lộng Chương, Bộ Ba của Trần Lê Văn, và Màn Cửa Vàng của tôi. Số lượng vai kịch không nhiều nhưng diễn viên chính thiếu. Thế là tác giả kịch bản cũng phải vào cuộc. Trần Lê Văn đóng vai thi sĩ Hoài Ngông trong Bộ Ba của anh. Có người đóng hai vai như Tống Ngọc, Trần Trọng Khang. Tôi làm anh nhắc vở. Riêng Lộng Chương làm đạo diễn kiêm luôn ba vai chính của ba vở (Lý Thới trong Lý Thới của anh, Ba Vẹt trong Bộ Ba của Trần Lê Văn và bác sĩ Đường trong Màn Cửa Vàng của tôi). Tình hình co kéo, lấn bấn - như chạy Show tại chỗ - làm cố vấn chuyên môn Vi Huyền Đắc lo lắng ra mặt. Lộng Chương nói chắc nịch:
            -Yên trí! Sẽ ổn cả thôi!
          Mà ổn thật. Sẽ là cực kỳ xôm trò nếu không xẩy ra một bất ngờ. Nguyên trong kịch bản Màn Cửa Vàng, có lớp cần hai nhân vật cứu thương phải lướt qua sân khấu khoảng một phút. Nghĩ là vai phụ, ai cũng làm được, lại đương thiếu người, Lộng Chương nhờ một dân quân ở thị trấn đóng cặp đôi với anh kéo màn là hoạ sĩ Phạm Tăng. Đến lớp kịch ấy, không thấy anh dân quân đâu. Hoá ra anh đương ngồi xem cùng khán giả, chờ đến lượt mình nhưng bị các vai diễn cuốn hút nên quên mất. Hậu trường lúc ấy chỉ còn có tôi và người kéo màn. Ngoài sân khấu, vai bị thương nặng đã nằm chờ quá lâu. Bác sĩ Đường (Lộng Chương đóng) năm lần bảy lượt ghé vào cánh gà giục: "Ra đi! Cứu thương! Ra đi!". Cấp bách quá, tôi cuống lên, ném vở nhắc, vơ vội lấy cái cáng, kéo tay Phạm Tăng cùng lao ra sân khấu làm nhiệm vụ. Ở dưới khán giả xôn xao, cười như nắc nẻ nhưng không biết vì chuyện gì.
Quảng cáo Chương trình biểu diễn của Nhóm
 Văn nghệ Hải Phòng  tại Thị trấn Quỳnh Côi (Thái Bình)

Sáng hôm sau, Lộng Chương cười cười bảo tôi: 
            - Này có một khán giả nữ khen vai cáng thương cậu đóng rất tuyệt.
            - Chỉ bịa! Tuyệt ở chỗ nào?
            - Ở chỗ cái "cà vạt" xanh có hoa của cậu ấy.
Tôi nhớ ra ngay. Vì là người phải giới thiệu đầu tiên cho đêm diễn, nên tôi đóng hộp chỉnh tề. Trong lúc cập rập, tôi chỉ kịp cởi áo "vét" vứt lại, còn cái "cà vạt" vẫn lủng lẳng ở trên cổ, trong vai anh cứu thương.
Vẫn với nụ cười hóm hỉnh, Lộng Chương ghé tai tôi nói khẽ, kèm theo một cái nháy mắt:
            - Này, cô khản giả ấy còn nói trong vai diễn ấy, cậu đáng yêu ghê lắm, và ngỏ ý muốn được gặp cậu.
            Nửa tin nửa ngờ, tôi rụt rè:
            - Cô ấy thế nào?
            - Xinh!
            - Có biết cô ấy ở đâu không?
            - Biết quá đi chứ! Vợ cậu đấy!
Một miếng kịch, một thủ pháp đột xuất (coup de théatre) rất "Lộng Chương"!

Đôi vần tâm sự

Sau lớp "Tu dưỡng Trần Đăng" ba tháng liền ở Đông Môn (cửa Đông thành Tây Đô - Thanh Hoá) của tất cả các văn nghệ sĩ Liên khu III, IV và một số đại biểu ở Hội Văn Nghệ Trung Ương, chúng tôi chia tay nhau đi mọi ngả: theo một binh đoàn hay một đoàn dân công ra hoả tuyến, về các hợp tác xã nông nghiệp, một số nhỏ trở về Chi hội của khu mình, tiếp tục làm báo. Trước đây, tôi với Lộng Chương cùng làm báo "Phản Công" của Hải Phòng, "Sóng Mới" của Chi hội Văn Nghệ Khu III, lúc này là tờ "Lúa Mới"! Nhưng chỉ được ít lâu, chúng tôi lại phải chia tay nhau, mỗi người một nhiệm vụ. Hôm tôi lên đường, anh lặng lẽ đưa tặng tôi bài thơ do anh làm sau đợt học tập ở Đông Môn:
                                               
                                                Hoài
                                   Hồn lạnh hoang sơ lộng gió lùa
 Xa rồi luỹ cũ nếp thành xưa!
Vàng reo lỡ điệu trao mày lệ
Đường loạn Kim hài lạc hướng mơ!

Đêm hội Thiên Thai lửa dị kì
Mắt ngời suối thẳm đổ hàng mi
Nét hoa ngưng đọng lời xao Xuyến
Đôi lứa nghiêng sầu mưa biệt ly!

Tiền thân diễm lệ chuyện Tây Sương
Ngọc chuốt Thôi - Oanh đẹp dị thường
Luân hồi hò hẹn đêm giao cảm,
Mây tóc vương tình trao phấn Hương.

Phấn Hương nào thắm Trác Văn Quân
Rèm hoa xiêm lả tóc buông trần
Phím tơ Tư Mã tròn đêm mộng
Ngõ hạnh cầm ca trăng ái ân!

Tặng ngọc ai cầm một thuở xa
Khi lời mắt ngỏ ý phong ba
Hợp hoan đâu kể niềm ly cách
Ta của Em rồi! Em của ta!
                                                
                Mưa tháng hai, 1951
(Nhớ đêm Màn Cửa Vàng Mùa giải phóng biên giới)

            Lộng Chương ít làm những bài thơ lẻ. Có lẽ đây là bài thơ tâm tình độc nhất của anh đưa cho tôi sau buổi tái diễn Màn Cửa Vàng trong đêm liên hoan cuối cùng của lớp học tu dưỡng Đông Môn. Tôi hiểu Lộng Chương. Anh là người nghiêm chỉnh cả trên sân khấu và ngoài đời. Đây không phải là bài thơ tình, nhớ nhung một nàng Kiều bằng xương bằng thịt nào đó. Đây là nỗi nhớ sân khấu anh gửi vào chữ Hoài đầu đề. Các chữ Vàng trong thơ là kịch Màn Cửa Vàng, Đường là vai bác sĩ Đường, Hương tức vai Quỳnh Hương (cũng là tên thật của nữ diễn viên đóng đôi với anh), Xuyến là vai nữ y tá Xuyến (cũng là tên thật, nguyên là thư kí văn thư của Chi hội Văn nghệ Khu III). Những thiên tình sử Thôi Oanh Oanh - Trương Văn Thụy và Trác Văn Quân - Tư Mã Tương Như là biểu trưng cho những cuộc tình  hợp tan trên sân khấu và cuộc đời. Đến chữ Em cuối bài thơ chính là duyên nghiệp sân khấu buộc lấy anh. Cũng là lời nguyền của anh: chung thuỷ với Em ấy trọn đời.

Điểm tựa - Đòn bẩy

Trước mặt tôi là "Tập kịch Lông Chương" đồ sộ, khổ 19x28, 932 trang, chữ nhỏ (Nhà xuất bản Văn học 1997). Mục lục ghi 54 kịch bản, hầu hết đã được trình diễn trên các sân khấu lớn trong nước. Thực ra đây chỉ là số mà Phạm Hồng Thắm và Giang Trung Học (con gái và con rể anh) thu thập rồi đem in trong số vài trăm kịch bản đã mất hoặc còn tản mát đâu đó qua hai cuộc kháng chiến. Nếu không vì những công việc đạo diễn, lập các đoàn kịch (Thanh Hoá, Thanh Niên, Công Nhân…) và làm báo thì chắc chắn anh không chịu nhường bước cho tác giả viết nhiều kịch bản nhất nhì trên thế giới, người Tây Ban Nha: Lopé de Véga (trên 500 tác phẩm). Rất mừng là trong số 54 kịch bản còn lại, có đủ những tác phẩm hài kịch xuất sắc nhất của anh: Quẫn, Cửa mở hé, Quẫy, Hỏi vợ, Trở nồm, Ngã v.v. Có vở diễn trên hàng nghìn đêm; báo chí giới thiệu, phẩm bình, ngợi khen nhiều năm trời. Cũng trong tập kịch bề thế này, ở phần cuối, bạn bè, học trò đã viết khá đầy đủ về hoạt động sân khấu hết mình của anh, đặc biệt là giai đoạn từ sau hoà bình 1954 trở đi. Xung lực sáng tác mạnh mẽ, dồi dào, chất lượng kịch bản sắc sảo, cuốn hút, nghệ thuật điều tiết tài tình. Tôi chỉ thêm vào đôi chút góp phần. Lộng Chương toàn tâm toàn ý cho sân khấu bởi anh có một điểm tựa vững chắc. Đó là chị Nguyễn Thị Quy, vợ anh, người đã thay anh "nuôi đủ tám con với một chồng", người đã gánh vác mọi lo toan gia đình, là cái bến bình yên để con tàu anh neo đậu, tránh gió bão, lại là lực đẩy nó phóng ra khơi khi biển lặng sóng ngừng. Chị vừa là điểm tựa vừa là đòn bẩy. Thành công của anh có công lao của chị! Phạm Hồng Thắm, con gái thứ bảy của anh, trong bài viết Người đứng sau sân khấu: Mẹ con ở cuối tập kịch, ước mong rằng tất cả mọi tác phẩm của cha cô "khi hai chữ Lộng Chương đặt dưới tên kịch bản, thì bao giờ cũng phải có tên của một đồng tác giả - đó là Mẹ con". Tôi xin thêm, với hai giải thưởng: Giải thưởng Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam và Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý, dù không có văn bản nào quy định, ta cũng cứ nên tự hiểu rằng: Chị Nguyễn Thị Quy đã làm nên một nửa thành công của Lộng Chương. Thế mới thấu tình đạt lí, mới trọn lẽ công bằng! 

 Ký họa Lộng Chương của Họa sĩ Ngọc Linh

  _____________________________
(*) - Báo Văn nghệ số 28 - 14.7.2001;  Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân khấu, 2003
(I) Sau 1954, về Hà Nội, Lộng Chương và tôi cùng được đọc kịch bản Dưới mái nhà Thượng Hải của tác giả Trung Quốc Hạ Diễn, có nội dung tương tự  Ở chung một nhà. Tất nhiên Hạ Diễn (người cùng lớp với Tào Ngu, Điền Hán, Trần Bạch Trần, Quách Mạt Nhược...) viết hay hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét