Trên một chiếc
xe đạp cà tàng, ông vẫn rong ruổi được mọi nơi. Thậm chí, vẫn lọ mọ đi dự đám
cưới vàng của người bạn vong niên trong một tối thu lành lạnh; dù từ nhà ông
đến nơi dự lễ phải đi ngang qua cả Thành phố; dù rằng năm nay ông đã ngoại bát
tuần. Ông là Nhà văn Hoàng Công Khanh.
Nhà văn Hoàng Công Khanh với tác giả bài báo |
Gặp ông tôi
hỏi: “Ông ơi, độ này ông đang viết gì?” - “Thôi, chán rồi. Viết cũng chẳng để
làm gì? Trước thì còn có bà ấy. Còn cần có chút tiền. Nay một mình…”. Câu nói
bị bỏ lửng, xa xót…
Đồng cảm được
nỗi đau, tôi im lặng! Nhưng tôi vẫn đinh ninh, đó chỉ là chút nhất thời; chỉ là
thoáng dỗi hờn với cuội đời; chỉ là quá đớn đau sau cuộc chia lìa vĩnh viễn
người bạn đời yêu quý… Tôi đinh ninh nghĩ vậy vì tôi biết, con người Hoàng Công
Khanh không dễ gì xuôi tay, không dễ gì nhắm mắt, không dễ gì buông bút đầu
hàng, ngay trong cả quãng dài bầm dập của cuộc đời.
Và ý nghĩ của tôi đã đúng!
Trong những ngày đầu đông này, khi bước chân đến căn hộ nhỏ của ông ở Khu tập
thể Phương Mai (Hà Nội), tôi bắt gặp ông đang “lạch cạch” trên bàn phím máy
tính. Ông đang viết về bà, đang hồi tưởng lại quãng thời gian gần ít xa nhiều
của cuộc sống lứa đôi đầy gian nan, bất trắc; chẳng ít khổ đau nhưng cũng tràn
trề hạnh phúc của mình!
Xuất thân từ
một gia đình có của ăn của để, được theo học Trường Thăng Long tăm tiếng, với
những ông thày nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp… năm 22 tuổi, Hoàng
Công Khanh đã đậu tú tài triết học; nhưng cũng năm đó, ông bị bắt đi đày ở Nhà
tù Sơn La, do tham gia biểu tình chống Pháp. Vậy là, cậu thanh niên trí thức
Hoàng Công Khanh đã bỏ nhà bỏ cửa, phơi phới “bay” theo tiếng gọi của cuộc đấu
tranh giành độc lập tự do cho dân tộc; để rồi “được nếm mật nằm gai” nhiều năm
ròng trong nhà tù Sơn La - cái nôi lớn của Cách mạng Việt Nam; “được” giam
chung xà lim với chiến sĩ cách mạng nổi tiếng Tô Hiệu ròng rã suốt bốn năm
liền. Và, cũng là ông, suýt “được” dính mũi tên tẩm thuốc độc của một người dân
Tày khi ông chạy trốn khỏi nhà tù Sơn La. Trong thời gian bị đày, Hoàng Công
Khanh cùng bao chiến sĩ đấu tranh cho tự do khác như: Nguyễn Văn Trân, Trần Huy
Liệu, Đặng Khánh Côn, Xuân Thuỷ, Nguyễn Văn Huyên… từng viết kịch, diễn kịch và
tổ chức các phong trào đấu tranh khác trong nhà tù, động viên nhau giữ vững
tinh thần cách mạng.
Sau Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, Hoàng Công Khanh được phân công phụ trách Ban Thông tin
tuyên truyền Hải Phòng; Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hải Phòng; Chủ tịch Hội
Văn hoá Cứu quốc Liên khu III; cùng Lộng Chương, duy nhất chỉ hai người, từng
ra báo Phản công, phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng của thành phố cảng;
Chủ bút tờ Dân ý (Thành uỷ Hà Nội)… Trong thời gian này, ông vẫn tiếp tục viết
kịch, diễn kịch, cùng Lộng Chương và nhiều người khác (Vi Huyền Đắc, Trần Lê
Văn, Tống Ngọc, Phạm Tăng…), chỉ bằng khối óc và đôi bàn tay trắng, xây dựng
các đoàn kịch tuyên truyền kháng chiến. Tất cả với ông, đều phới phới, nhẹ
nhàng, hăng say hết mình mà chẳng hề màng đến danh đến lợi. Trong ông, cách
sống của con người trí thức tư sản dường như không tồn tại. Ông đã hoà mình vào
cuộc sống của những người kháng chiến; tự nhiên và thanh thản, như con người
sinh ra đã là của thiên nhiên, của đất trời; thậm chí, không ngại đối mặt với
mưa gió, bão giông! Ông hồn nhiên sống. Hồn nhiên viết. Hồn nhiên diễn kịch.
Và, hồn nhiên chấp nhận cả rủi ro; những rủi ro như là định mệnh. Nhưng thật ra
trong ông, không chỉ là sự hồn nhiên chấp nhận; mà còn ăm ắp sự tự tin về thiên
chất trời phú. Để rồi… cùng với sự hồn nhiên ấy, ông khẳng định mình; khẳng
định ngòi bút chưa từng biết mệt, chưa từng cạn kiệt, chưa từng ngơi nghỉ…
trong hơn sáu chục năm qua. Cho dù, có một quãng ngắt khoảng ba chục năm trời,
Hoàng Công Khanh rất ít cầm bút, mà chủ yếu bươn bả mưu sinh bằng mọi thứ nghề
có ở trên đời (chỉ duy nhất một nghề, theo quan niệm đa phần trong xã hội, đó
là thứ nghề mạt hạng - nghề lấy trộm phân tươi đem bán, là ông không thể!). Và,
cho dù trong giai đoạn chiếm đến hơn một nửa quãng đời cầm bút ấy, Hoàng Công
Khanh không công bố một tác phẩm nào, thì theo tôi, quãng ngắt đó cũng chính là
một thứ “động lực” thôi thúc ông càng cần phải vững tay sáng tác; phải đứng lên
bằng chính ngòi bút của mình; phải khẳng định sự trong sạch từ những tác phẩm
của chính mình!
Bên cạnh nét
hồn nhiên trong trẻo, con người Hoàng Công Khanh còn chứa chất ngồn ngộn lòng
bao dung nhân hậu. Lòng bao dung nhân hậu ấy cùng với quan niệm nhân văn về văn
nghệ nhân dân, lấy dân làm gốc đã giúp ông gạt bỏ sang bên bao đắng cay ai oán
của một thời đoạn, của những oan khiên; cho ông thanh thản, cho ông vững lòng
cầm bút. Ông bảo: “Cái gì đã qua thì cho nó qua. Nhắc lại mà làm gì. Điều chủ
yếu là mình phải thể hiện những cái gì mình có; những cái gì là của chính mình.
Đó mới là tư cách của mỗi người”. Tôi hiểu điều ông nói. Tôi cũng hiểu, chính
với những quan niệm đàng hoàng đẹp đẽ ấy, ông mới thanh thản đến thế để vượt
qua bao trắc trở đoạn trường; để cầm bút trở lại trong những tháng năm qua; để
liên tục sản sinh ra những tác phẩm văn học chan chứa nét nhân văn trong trẻo;
với những câu chuyện luôn đề cao nhân phẩm con người; thể hiện đúng phẩm chất
con người Hoàng Công Khanh. Cũng chính với những quan niệm đẹp đẽ ấy trong sáng
tác, ông liên tục thành công, liên tục nhận giải cao của Uỷ ban Liên hiệp VHNT Việt Nam, của Hội
Nhà văn; Giải Thăng Long của Hà Nội… cho một loạt tác phẩm công bố từ sau năm 1986 tới nay.
Ông bảo tôi,
ông viết cũng là để “giải tỏa”. Vâng, thật là một cách giải tỏa quá tuyệt vời!
Nhiều người, rất nhiều người, để “giải tỏa” những bức bối tâm lý, đã tìm đến
rượu, đến thuốc lá, đến ma tuý và đến cả với gái. Nhưng ông “giải tỏa” theo
cách của ông và nhờ có sự “giải tỏa” ấy, chúng ta đã có được cả một kho sách
văn học, kịch bản đồ sộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hoàng Công Khanh đã xuất
bản hơn 60 tác phẩm đủ thể loại: kịch nói, kịch thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tiểu luận, dịch… Và tới đây, ông
còn tiếp tục bổ sung cho kho sách ấy đầy đặn hơn nữa. Cũng nhờ có phương cách
“giải tỏa” tuyệt vời của ông mà, vợ ông - một nữ y tá hiền lành, nhân hậu cùng
bốn người con gái đã “Cưỡi sóng đạp gió” (tên một tiểu thuyết của ông), vững
vàng ngẩng mặt với thiên hạ, chứng minh tư cách đàng hoàng, trong sạch và khả
năng tồn tại của họ trước bất cứ một gian nan khắc nghiệt nào trong cuộc đời.
Tên tuổi Hoàng
Công Khanh giờ chẳng còn lạ lẫm gì với công chúng yêu văn học Việt Nam và thế
giới. Đầu năm 2005, Nhà Xuất bản Thế giới vừa xuất bản cuốn Từ điển Văn học.
Cuốn Từ điển dày 2181 trang, giới thiệu hàng ngàn nhà văn nổi tiếng trên toàn
thế giới (đến năm 60 của thế kỷ XX trở về trước), trong đó có ông. Vậy, đây
tiếp tục là một đánh giá công bằng và vô tư của những nhà biên soạn Từ điển đối
với ông, với một con người chưa bao giờ biết cúi đầu trước hiểm hoạ, luôn biết
tìm cho mình sự thanh thản để không ngừng “rút ruột”, dâng tặng cho đời những
hoa thơm trái ngọt. Cho đến những ngày này, đôi tay ông gõ bàn phím máy tính
vẫn dẻo lắm. Vẫn di chuột để tìm “file”, “open”, “save”, “clouse”… nhanh lắm.
Trên khuôn mặt ông vẫn luôn nở nụ cười xoà dung dị dễ mến. Chẳng vậy mà, cảm
nhận về tình yêu đôi lứa trong ông ở cái tuổi ngoại bát tuần sao trẻ trung,
tươi rói đến vậy:
“… Mưa sa gió
táp cùng mình,
Vô tình mà rất
đa tình, em ơi!
Tiếng yêu lấp
lửng trên môi,
Si mê không
nói lên lời, thành câm…”.
Ngồi ngắm ông
bên bàn máy tính, cần mẫn như con tằm mải miết nhả tơ, mới thấy sức làm việc
bền bỉ, cương cường; dường như vô biên, vô tận của Nhà văn Hoàng Công Khanh.
Trong tôi bất ngờ loé lên ý tưởng, có thể… Vâng, rất có thể… ông sẽ ngồi triền
miên bên bàn cho đến lúc… Lúc ấy, cả người ông đổ gục lên chiếc bàn phím máy
tính; chiếc bàn phím gắn bó thiết thân, làm bạn với ông trong những năm tháng
cô quạnh cuối đời; đã đem lại cho ông sự thanh thản đến tuyệt đối mỗi khi ông
gõ “lạch cạch”… “lạch cạch”…; mỗi khi ông ngước đôi mắt đầy ắp ánh khoan dung
lên màn hình; mỗi khi… mỗi khi…
Rồi, thế là
ông ra đi, thanh thản, lặng lẽ!
Báo
Kinh tế&Đô thị, 17/1/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét