Kịch 3 hồi
Nhân
vật
Ông Trương Mậm 50 tuổi
Bà Trương Mậm 48 tuổi
Chị Hảo 22 tuổi
Chị Thủ Điền 28 tuổi
Thích 30 tuổi
Bạ Beng 40 tuổi
Cha Xứ 45 tuổi
Chánh quản Phớn 48
tuổi
Bõ già 60
tuổi
Lý Trản 38 tuổi
Hảo 25 tuổi
Và những tiếng
hậu trường
Kịch xảy ra tại một thôn công giáo vùng
tạm chiếm, thời kháng chiến 9 năm chống Pháp.
Nhà ông bà Trương, giáp dãy kho nhà Xứ,
đã biến thành nơi giam những người kháng chiến.
Phía tường trong cùng, trên cửa sổ nhỏ
có cánh che bằng phên nứa, một “sít-đông” gỗ, nơi đặt bàn thờ “Đức mẹ hằng cứu
giúp”. Dưới bàn thờ có một bục gỗ cũ.
Hai phía trái - phải: cửa ra sân, cửa
vào nhà trong và cửa ra vườn.
Hồi
thứ nhất
MỞ MÀN
Sân
khấu trống. Bên ngoài bỗng nổi lên tiếng còi rít gay gắt, hàng tràng dài. Một
tràng liên thanh ngắn dọa, rồi tiếng giầy đinh rầm rập đi qua, tiếng lôi xềnh
xệch… Và hỗn độn tiếng Pháp xì xồ dạo nạt:
-
“Em
menes les”! Allez vite… pes de discussion!
Một tiếng khác:
-
“Allez “ti”, “mao lên”!
Tiếng đánh, đá, tiếng khóc:
-
Ối!
Lạy các quan! Con không làm gì!
Tiếng Pháp:
-
“Si, si, toi Việt minh!”.
Tiếng một bõ già:
-
“Lạy
các quan, con tôi oan”.
Tiếng Pháp:
-
“Allez
“ti vê” – “Bo gia ti vê!”.
Tiếng đập, đánh và tiếng kêu la nhỏ dần.
Trong khi có tiếng hậu trường, sân khấu vắng lặng.
Khi tiếng ồn ào hết thì văng vẳng
những tiếng khóc ấm ức, tiếng lào xào bàn tán.
Bỗng chị Hảo trong bộ quần áo xốc
xếch, đầu tóc rũ rượi, hấp tấp đi vào từ cửa bên trái. Chị Hảo vào đến cửa còn
quay lại nhìn ra ngoài, rồi đi tới giường ngồi xuống, vấn lại khăn. Nét mặt tỏ
ra uất ức.
Tiếp đến là Thích từ cửa trái bước ra,
thái độ nhớn nhác, quần áo rách rưới bẩn thỉu.
Chị
Hảo:
(Trông thấy Thích) À, anh Thích. Anh
mới được về đấy à?
Thích: (Tới ngồi phịch xuống góc giường, nhìn chị
Hảo, giọng buồn rầu) Phải. Nó vừa ra lệnh cho về là tôi cắm đầu đi mải mốt đến
ngay đây. Mấy hôm đi phu trên đồn
nghe thấy chúng nó kháo nhau, tôi nghĩ cứ buồn quá! Không hiểu làm sao lại đến
nông nỗi thế không biết?
Chị
Hảo:
Anh thấy họ kháo nhau thế nào hả anh?
Thích: (Nhìn chị Hảo, hơi ngạc nhiên) Chúng nó
bảo ngoài kia vừa xử tử một số lính vệ sĩ bị bắt trong trận vừa rồi mà lại.
Chúng nó kể tên có cả anh Hảo cũng bị.
Chị
Hảo: Bà
Xã Tôn đi chợ Ngoài về cũng nói thế. U tôi từ hôm qua cứ khóc ra khóc vào, khổ
sở quá! Nhưng tôi thì…
Thích:
Ấy,
mới đầu thấy nói thì tôi cũng không tin. Thì từ cái hồi năm ngoái, từ cái dạo
anh em bên ngoài mở mặt trận đánh chùa Non Nước ấy, chỉ thấy nói lính bảo hoàng,
vệ sĩ bị bắt làm tù binh là đều được tha về, chứ chưa thấy nói bị xử tử bao
giờ.
Chị
Hảo:
Tôi cũng nghĩ thế, nên sáng hôm nay đến phiên xóm ta phải gánh gạch nộp đồn để
xây công sự, đáng lẽ thầy tôi đi, nhưng tôi gánh thay để nhân thể lên đấy dò la
tin tức nhà tôi cho đích xác.
Thích:
Thế
đích xác chứ?
Chị
Hảo:
Nào tôi đã hỏi được tin tức gì đâu! Vừa đến cổng đồn chưa kịp hạ gánh thì một
lũ Tây ở trong đã chạy xồ ra, túm lấy mấy bà ở phía trên kéo đi. May quá tôi đi
sau cùng nên vội vứt gánh đấy, chạy thoát được về…
Thích:
(Bực tức) Mả
mẹ chúng nó!
(Hai
người cùng im lặng một lát)
Thích:
Nhưng
mà chắc đích xác rồi. Có nghĩa là… (Hậm
hực) Cứ nghe nói ngọt là bỏ mẹ tất! An ninh trật tự chẳng thấy đâu… Cứ thế
này thì rồi chết! Chết hết! (Chợt nhớ)
À, cái người bị bắt hôm tôi phải đi phu vẫn còn bị giam bên nhà Chung đấy chứ?
Chị
Hảo: Vẫn
bị giam bên ấy.
Thích:
(Ghé gần chị
Hảo)
Có phải đích là anh Giao, năm xưa vẫn về xã ta phải không?
Chị
Hảo: Tôi
cũng thấy bảo thế thôi.
Thích:
Khổ
quá! Lúc này giá có anh Hảo… (Im).
Chị
Hảo: (Nhìn
Thích)
Có nhà tôi thì làm gì hả anh?
Thích:
(Nhìn quanh len
lén)
Thì có anh ấy cũng… còn chuyện trò một vài câu cho nó… đỡ buồn! (Vò đầu vò tai) Trong làng này bây giờ,
người nào mặt cũng cúi gằm cả xuống… (Đột
nhiên vùng đứng dậy) Thôi tôi về xem trẻ mỏ ra sao.
(Thêm
bà Trương. Bà Trương người cục mịch, quần áo cũ kỹ, áo dài trắng cháo lòng
buông lõng thõng).
Bà
Trương: (Trông thấy
Thích, bù lu bù loa) Anh Thích ơi, thằng Hảo chết rồi anh
Thích ơi… Ới Hảo ơi là Hảo ơi! Anh Thích anh ấy đây, mày chẳng về mà trò chuyện
với anh ấy… Hảo ơi…
Thích:
Thôi
bà ơi! Cái việc nó đã như thế rồi…
Bà
Trương: Con
ơi, lá vàng còn ở trên cây… Hảo ơi là Hảo ơi…
Chị
Hảo: U
đừng khóc nữa u!
Bà
Trương:
Hảo ơi, mày bỏ mẹ già vợ dại lại, mày đi đâu, Hảo ơi. Con cướp công mẹ con ơi!
Chị
Hảo: Con
xin u, u đừng khóc nữa thêm rầu rĩ cửa nhà ra. U đi đọc kinh cầu nguyện cho nhà
con đi.
Thích:
Phải
đấy. Bà hãy cầu nguyện cho linh hồn anh Hảo. Chứ bây giờ bà cứ khóc mãi thì anh
Hảo cũng chết rồi…
Bà
Trương: (Vẫn khóc tấm
tức)
Hu… hu… Con để thương để nhớ cho mọi người, con ơi.
Thích: Thôi
thì cái sự nó đã xảy ra như thế, bà cũng nên khóc nó vừa phải thôi.
(Ông
Trương ở cửa trái bước ra, tay xách chai rượu).
Ô
Trương:
(Mặt lầm lì) Anh Thích đấy à… (Đặt chai rượu xuống giường).
Thích:
Ông
đã về.
Ô
Trương: (Quay sang vợ) Khóc
mãi! Đã bảo có khóc đến mù mắt đi, thì nó cũng không sống lại được nữa. Khóc
lắm cũng chẳng có ai thương đâu!
(Bà
Trương tay lau nước mắt lùi lũi đi vào phía phải. Chị Hảo đi theo).
Ô
Trương: (Gọi giật chị
Hảo) Này
Cả, mày chạy thoát được ở đồn về phỏng? Hà… tao đã bảo là cái thứ đàn bà, con
gái không thể dẫn xác lên đấy được. Vợ Nhiêu Ve, bà Phó Nợi, con Cúc, còn bị ở
trên đồn đấy.
Chị
Hảo: Thì
các ông ấy bị bắt đi phu cả, đến phiên không gánh đi… lại năm mươi đồng bạc
phạt… cũng chết!
Ô
Trương: Tao
đã bảo để tao gánh, sao mày cứ nằng nặc đòi gánh thay. May mà chạy được.
Chị
Hảo: Thì
con cũng định lên đấy hỏi tin nhà con.
Ô
Trương: Tin
với tức gì nữa. Thế là mất toi mạng chứ còn gì! Rồi thì đến tuyệt diệt cả làng
ấy… Để cho mấy đứa nó sống với nhau mà đi với Tây.
Thích: Con
về ông ạ. Mười mấy hôm vắng nhà, chả rõ tình cảnh mẹ con các cháu ra sao? Con
về với các cháu một tí, mai con lại sang.
Ô
Trương: Ở
đây cái đã. Anh có về thì mẹ con nó cũng đến nhịn đói ăn củ chóc thay cơm, chớ
có hơn gì. Mà về sớm lúc nào là lại gánh gạch lên đồn sớm lúc ấy, chứ có được ở
nhà đâu mà vội. Ở đây làm mấy tợp rượu cho đã đời! Vừa bán được mấy cái trứng
mua rượu đây… Rượu suông với khoai luộc… (Quay
sang chị Hảo) À Cả này, mày đi rỡ nốt mấy hàng khoai ngoài Cõi về để độn
chứ… (Chị Hảo vẫn đứng).
Thích: Thôi
con về, nhớ các cháu nóng ruột lắm. Hãy cứ về rồi sao hãy hay. Ông dùng rượu
thôi, con lỗi phép ông. (Với chị hảo)
Tôi về chị nhá.
Chị
Hảo: Vâng,
chào anh về.
Ô
Trương:
Về thật à? Ừ, thôi anh về. (Thích đi vào
bên trái sân khấu).
Chị
Hảo: Hôm
nay thày lại uống rượu. Con sợ thày uống say nói quá lời, họ lại lôi thôi. Nhà
con thì không còn…
Ô
Trương: Lâu
không uống. Hôm nay làm một vài “chách” cho nó khuây ruột khuây gan.
Chị
Hảo:
Lỡ ra họ bắt bớ lôi thôi… Thầy có buồn có nhớ nhà con, thầy cũng chỉ nên để
trong lòng.
Ô
Trương:
Không say rượu thì nó cũng bắt. Đấy, thằng Minh, thằng Tạo lúc nãy đấy, nó về
bắt đi rồi. Mà hai đứa ấy thì tội gì? Họ chỉ có nói “Sống như thế này, không
chết đói cũng chết vì bị bắn”. Thế mà đến tai Tây đấy!
Chị
Hảo: Chắc
lão Bạ Beng nói với cụ Chánh báo Tây về bắt. Thế cha không nói giúp cho hai anh
ấy à?
Ô
Trương: Nói
được thì đã chả điêu đứng như thế này. Chỉ còn cách đến cụ Chánh, biếu cụ ấy
dăm nghìn để cụ nói lót hộ các quan thì mới hòng thoát. Mẹ nó, chỉ tiền!
Chị
Hảo: Nhà
các anh ấy thì làm gì ra tiền mà chạy!
Ô
Trương: (Ngồi xổm lên
giường) Không
có tiền thì bán nhà bán đất đi. Bán cho cụ Chánh, cho Lý Trản ấy. Nếu không thì
tù, thì chết… (Rót rượu ra chén. Chị Hảo
đi vào trong nhà. Chỉ còn mình ông Trương. Ông Trương uống một hơi dài, rồi dằn
mạnh chén xuống giường, ngồi bó ngồi, nhìn trừng trừng vào khoảng không. Một
lát sau lẩm bẩm).
Ô
Trương:
Ức lắm… (Lại rót rượu, tợp một tợp rồi
gục đầu trên gối. Bỗng trong nhà có tiếng khóc vẳng ra).
Tiếng
khóc của bà Trương: (Ấm
ức, kể lể)
Hảo ơi, con ơi, con đi đâu, ở đâu bây giờ? Con để thương để nhớ cho mẹ con ơi
là con ơi!
(Ông
Trương từ từ ngẩng đầu, nhấc chén tợp một hơi, rồi đưa tay áo chùi mép).
Tiếng
bà Trương:
Hảo ơi… Người ta có năm có bẩy. Thân mẹ có một mình con. Con ơi là con ơi…
Ô
Trương: (Ngẩng phắt đầu
lên) Đã
bảo thôi mà lại! Khóc lóc ầm cửa ầm nhà lên, ai chịu được! (Lại uống rượu).
Tiếng
bà Trương:
Ối con ôi là con ôi! Con chết đi…
Ô
Trương:
(Sốt ruột) Im! Khóc cái gì? Chính bà
giết con bà. Chính bà giết nó còn khóc lóc nỗi gì?
Tiếng
bà Trương: (Càng khóc to) Ối
con ôi! Sao con chẳng về đây mà nghe bố con vu oan giá họa cho mẹ, con ơi!
Ô
Trương: (Vươn cổ lên) Còn
oan gì nữa? Bố con tôi nghe bà ở lại làng nên mới thảm hại thế này… Cứ để yên
cho người ta chạy, người ta tản cư thì đâu đến nỗi!
Tiếng
bà Trương:
Sao bây giờ không chạy đi?
Ô
Trương: (Nổi nóng, đập
tay xuống giường) Bây giờ còn chạy cái mả mày nữa ý à? Khi
cái mặt trận nó lan gần đến đây, bố con ông thu xếp chạy thì mày gàn lại a. Mày
bảo Cha dạy những thế này thế nọ. Cụ Chánh nói là những thế nọ thế kia. Đi thì
đừng hòng trở lại. Đi thì tiệt đường. Cha Xứ và cụ Chánh sẽ che chở cho. Đấy,
che chở đấy!
Tiếng
bà Trương:
Hai bố con ông chẳng thò tay ký vào giấy xin lập tề, lập bốt đấy ư? Bây giờ còn
định đổ cho ai?
Ô
Trương: Ở
lại trong làng mà không ký thì tù sớm… Ông vì mày mà ông khổ. Con ông chết oan
vì mày. Bây giờ ông thành cô độc… (Tợp
rượu. Tiếng bà Trương vẫn khóc nỉ non). Ông cứ nghĩ đến cái hôm làng phải
ký giấy trả bốn mươi mẫu ruộng cho nhà Xứ mà ông tức hộc máu mồm ra.
Tiếng
bà Trương: Ruộng ấy là ruộng của Chúa, của nhà Thờ, thì phải
trả cho cho nhà Thờ chứ!
Ô
Trương: Đồ
ngu. Ngu tuốt! Tuyền những đứa đầu chầy đít thớt, cắn hột cơm không vỡ. Đứa nào
mở mồm ra cũng không được, để cho thằng Bạ Beng nó cứ toang toác cái họng lên,
nó vơ vào cho các bố chúng nó.
Tiếng
bà Trương:
Biết thế sao hôm ấy không nói?
Ô
Trương:
Nói cái gì? Lão Chánh Phớn ngồi lù lù đấy. Cả thằng Bạ Beng, thằng Lý Trản, như
một lũ quỷ sứ, ai theo kịp mồm chúng nó. Đành cứ ngồi im thin thít cả nút. Hôm
ấy mà còn thằng Hảo, thì nó nói cho mà biết! Ông là ông biết hết. Chúng nó mưu
mô với nhau cướp cơm của chúng ông.
Tiếng
bà Trương: (Vẫn nức nở) Ối
Hảo ơi…
Ô
Trương: Trong
nhà Xứ chỉ có một Cha, một thầy già, một cậu bé, với một Bõ. Vị chi là đi bốn
người. Thế mà cấy những bốn nhăm mẫu ruộng mùa. Chúng ông một tấc đất cũng không
có, suốt đời đi làm thuê, cổ cầy vai bừa… Mà, miếng ăn cũng chả đủ đút vào mồm…
(Bà
Trương đi ra, mắt còn đỏ).
Bà
Trương:
Tôi van ông! Tôi lạy ông! Ông nói hành nhà Xứ, tức ông nói nhảm!
Ô
Trương:
(Vùng đứng dậy) Thế mà mày cho là
nhảm à? Ông nói cho mà biết, con ông chết rồi, ông chẳng cần gì nữa. Ông chẳng
sợ đếch thằng nào cả! Chúng nó có giỏi thì giết nốt ông đi…
Bà
Trương:
Lạy chúa tôi! Quỷ nó ám vào người ông đấy à? Ông không sợ chết mất linh hồn, sa
hỏa ngục hay sao mà dám nói hành đến các đấng, các bậc thế?
Ô
Trương: Hỏa
ngục ở đâu? Ở bên cái nhà giam đằng sau kia ấy phải không? Sao mày không dỏng tai
mà nghe lão Chánh Phớn hằng ngày nó đến tra tấn giết người ở đấy?
Bà
Trương:
Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng. Tôi đi trình Cha…
(Đi
vào phía trái. Sân khấu bớt bà Trương).
Ô
Trương: (Nói một mình) Ông
sợ đếch gì!
(Có
tiếng Bạ Beng chào bà Trương ở bên ngoài).
Tiếng
Bạ Beng:
Chào bác! Khổ lắm, sao hai bác còn to tiếng thế? Bác đi nhà Thờ đọc kinh cầu
nguyện cho linh hồn cháu thì hơn. Khóc lóc than vãn làm gì!
(Bạ
Beng ra hẳn sân khấu, tay bưng khay đèn).
Bạ
Beng:
Bác đang uống rượu đấy à?
(Ông
Trương không trả lời Bạ Beng, khủng khỉnh quay đi).
Bạ
Beng: Tôi
được tin cháu Hảo từ sáng kia, nhưng bận quá, bây giờ mới sang với bác được.
(Ông
Trương vẫn quay đi không nói).
Bạ
Beng: (Đặt cái bàn đèn
xuống giường, rồi ngồi xuống, vừa gãi vừa nói) Mọi việc ở đời
này là do Chúa định cả. Từ cái tóc trên đầu chúng ta rụng xuống cũng là do bề
trên muốn cả bác ạ. Buồn rầu thì việc cũng đã rồi (Liếc ông Trương, thấy đã nguôi nguôi, bèn tấn công). Này, hút với
tôi vài điếu cho khuây. Già rồi còn sống được bao nhiêu nữa mà buồn…
Ô
Trương: (Nhìn chéo sang
cái bàn đèn, nói trong nước mắt) Tôi nghĩ cực thân lắm cậu ạ!
Bạ
Beng: (Thở dài tỏ ra
não nuột)
Con người ta là hữu thân hữu khổ, bác ạ! Đấy, (Ngâm nga) “Kể từ khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban
đầu mà ra…”.
Ai cũng khổ cả.
Mỗi người khổ một cách. Dưng cái cảnh hai bác kể thì cũng buồn bực thật. Năm
sáu lần sinh còn được mình cháu nó. Thằng Hảo mất đi thì chả cứ hai bác thương.
(Nói giọng thổn thức) Chính tôi và
hầu hết mọi người, ai cũng tiếc. Nhưng thôi bác ạ. Việc Chúa đã định thế. Vả
lại ở đời này, khối người không con, chứ riêng gì hai bác.
Ô
Trương:
(Phân trần) Cậu tính, vợ chồng tôi đã
già, trông cậy có một mình cháu…
Bạ
Beng:
Cái lý là như thế đấy! Nhưng giả dụ cháu nó còn sống mà lại có quyền cao chức
trọng, lại giầu có như Thạch Sùng, Vương Khải cũng chẳng là cái gì ở đời này
cả! Ảo mộng! Ảo mộng tất! Bác nghe nhá. (Đứng
lên ngâm ê a) Kìa đắc chí như ông Hoàng Cao Khải, Giầu có như Sừ Bạch Thái, Trai
gái như thím Tư Hồng, Tiếng đã lừng Nam, Bắc, Tây, Đông, Cũng một tiếng mơ mòng
trong vũ trụ!...”.
Mộng, mộng cả!
Bác nhớ lẽ đạo đấy chứ? Chán lắm! Chán lắm!... Cho nên, được lúc nào là ta phải
chơi cho thỏa. Cổ nhân đã chả nói là: “Được ngày nhàn ta chơi cho thích, cho
phong lưu thanh lịch mới là trai. Thảy ai ai ta cũng
ai ai, Ai ai ấy thì ta cũng ấy!...”. Chơi là lãi đấy, bác ạ!
Ô
Trương: Cứ
được như cậu ấy. Thủ túc của cụ Chánh, của Cha Xứ mới nói đến ăn chơi được. Chứ
cái thứ chúng tôi, thức khuya dậy sớm, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm chả đủ và vào
miệng, còn nói gì đến ăn với chả chơi nữa!
Bạ
Beng:
Khổ lắm, bác không chịu hiểu cái lý phải ở đời này!
Ô
Trương: Sao
tôi lại không hiểu? Có điều là tôi không nói được đấy thôi!
Bạ
Beng: Tôi
thấy từ ngày các quan Tây về lập bốt ở làng ta thì, hầu hết dân làng đều khá
cả. Ai cũng buôn bán được. Một xúc vải mang ra ngoài là có lãi bạc nghìn rồi.
Tôi không hiểu tại sao hai bác lại không chịu làm?
Ô
Trương: Kể
ra thì ở làng chỉ còn cái nghề buôn hàng của nhà Xứ, của cụ Chánh là kiếm ăn
được. Nhưng nói lỗi phép chứ, nhà tôi ít phúc đức lắm. Có thằng con thì chết
mất xác rồi, còn mấy cái mạng già nhỡ ra… cái thời đạn lạc tên bay này… Lại còn
vốn nữa chứ, của đâu mà buôn?
Bạ
Beng: Chao
ôi! Cái nghề nó phải thế. Có nguy hiểm mới ra tiền, chớ mà cứ một nắng hai
sương cày sâu cuốc bẫm thì ra gì? Ruộng mình không có, đi cấy rẽ cấy độ thì ra
cái đếch gì! Cái chuyện làm ruộng thì ta hãy bỏ đi. Bác cần vốn buôn à? Được,
chỉ một canh là có ngay. (Quay vào trong,
có ý tìm) Con cháu Hảo nó đâu ấy nhẩy?
Ô
Trương: Cậu
hỏi gì nó?
Bạ
Beng:
À, để nhờ nó một việc. (Ghé gần ông
Trương) Cho nó đi bảo Hai Tý gọi người đến lập một canh lắc… cho vui nhà.
Mà này, cứ cái món tiền hồ một canh thôi, là cũng có cái vốn còm cho bác gái
buôn rồi nhé! (Ông Trương chần chừ, Bạ
Beng kéo tay ông Trương) Chúng mình vào trong này, để tôi bảo cháu xong, ta
lên đèn làm một vài điếu cho khuây khỏa.
(Vỗ vào túi) Tôi mang sẵn cả thuốc đây rồi. Đi bác.
(Bạ
Beng bưng khay đèn đi vào phía nhà trong. Lúc ông Trương đứng lên thì bên ngoài
có tiếng chị Hảo).
Tiếng
chị Hảo:
Con xin phép lạy Cha ạ!
Bạ
Beng: (Nghe thấy, đứng
lại ở cửa phía bên phải) Cha Xứ đến, bác ở ngoài này hầu Cha. (Nói xong, Bạ Beng đi vào khuất).
Tiếng
Cha Xứ: (Bên ngoài) Thày
con có nhà chứ?
Tiếng
chị Hảo: Vâng
ạ!
(Ông
Trương vội mặc áo dài, đội khăn, và rải thêm cái chiếu lành lên phản. Cha Xứ
ra. Cha Xứ mặc áo thâm chùng, tay chống ba toong, tay cầm cuốn sách Kinh, đĩnh
đạc bước).
Ô
Trương: (Khúm núm) Con
xin phép lạy Cha!
Cha
Xứ:
Bà Trương trình ông đang uống rượu kia mà?
Ô
Trương:
Bẩm… bẩm… Xin rước Cha ngồi ạ.
Cha
Xứ: (Từ tốn ngồi
xuống giường) Thế nào ông Trương, uống đi chứ.
Ô
Trương:
Bẩm… bẩm… Trình lạy Cha. Rất là… cái sự… ngày hôm nay… Rất là một sự… con buồn
bực!
Cha
Xứ:
Biết là hôm nay ông buồn bực vì thằng Hảo qua đời, cho phép ông được uống rượu.
Song uống rượu mà nói nhảm, nói phạm đến các đấng, các bậc là không xong…
Ô
Trương: Vâng!
Cha
Xứ:
Nên biết rằng trong làng ta được an cư lạc nghiệp như thế này là nhờ các đấng
đã lo liệu cho.
Ô
Trương:
Bẩm, trình lạy Cha, rất là một sự, có cái nghĩa là… trong làng chúng con được
đội ơn Cha muôn vàn!
Cha
Xứ: Hừ,
biết vậy sao ông dám nói phạm đến các đấng?
Ô
Trương:
Dạ bẩm… bẩm con oan ạ!
Cha
Xứ:
Không nên chối cãi làm vậy. Phải biết nhận sự lỗi của mình đã phạm, thì mới
mong Chúa tha tội cho. Tôi đến đây khuyên ông nên ăn năn sửa mình, chớ nên mê
ăn mê uống. Chớ nên tham lam những sự phú quý giàu sang ở ngoài đời này! Hãy
nhớ lời Chúa phán rằng: “Được lời lãi cả, mà thế gian này mất linh hồn sa hỏa
ngục, thì được ích gì?”. Ông nhớ chứ?
Ô
Trương:
Dạ.
Cha
Xứ: Có
chắc là thằng Hảo qua đời chăng?
Ô
Trương: Bẩm
trình Cha, rất là một sự chắc chắn. Bà Xã Tôn đi chợ ngoài về nói thế. Mà cả
nhà con từ hôm qua cứ nóng lòng sốt ruột thờ thẫn cả người.
Cha
Xứ: Sao
lại tin rông dài nhảm nhí làm vậy? Mà ví bằng thằng Hảo có qua đời thật, thì
ông cũng không nên đau đớn sầu não quá lẽ làm vậy. Phải thầm thì kêu van Chúa
ban ân cho mình được sự thương khó này. Thế mới đáng là con chiên lành của
Chúa.
Ô
Trương: Bẩm…
bẩm… nhưng vợ chồng con có một mình cháu, sao Chúa lại cất về làm vậy?
Cha
Xứ: Ờ,
ông này lẩn thẩn! Chúa cất thằng Hảo về là ý Chúa chẳng muốn cho nó ở thế gian
này nữa. Bèn là Chúa gọi nó về sớm ở trên nước trên lời, để chầu chực Chúa đời
đời… Ông nên hằng nhớ rằng, thằng Hảo chết ở tay Việt Minh là nó đã làm sáng
danh đạo thánh Chúa vậy!
Ô
Trương: Bẩm…
bẩm… con con chết để sáng danh đạo thánh Chúa! Vậy nếu con con không chết thì
đạo thánh Chúa không sáng danh ạ?
Cha
Xứ: Xì…
Sao ông lại nói những câu dối đạo làm vậy?
Ô
Trương: Bẩm
lạy Cha, con dốt nát không biết nói, xin Cha tha cho. Bẩm con nghĩ là con con
chết đi để sáng danh đạo thánh Chúa… mà… mà vợ chồng con mất nó thì… (Khóc) Con có một thân một mình, bây giờ
trong làng này sẽ nhiều người ăn hiếp con.
Cha
Xứ: Kẻ
nào hà hiếp ông thì kẻ đấy có tội trước Chúa… và ông chịu được sự hà hiếp ấy
thì ông được công trạng trước tòa phán xét chung sau này mà chớ! Ông nhớ lời
Chúa dạy chứ?
Ô
Trương:
Dạ!
Cha
Xứ: Những
sự khốn khó hiện ông đang chịu là ý Chúa muốn thử lòng ông. Nếu ông vững lòng
mà vâng theo thánh ý Chúa thì Chúa sẽ trả công sau này mà chớ!
Ô
Trương:
Bẩm con vững lòng theo ý Chúa thì Chúa có cho cháu Hảo sống lại về với con
không ạ?
Cha
Xứ:
Ma quỷ! Ông là kẻ dối đạo! Ông bị quỷ ám hay sao mà ông hỏi những câu làm vậy?
Ô
Trương:
Bẩm… bẩm… quả là một sự con nghĩ sao con nói vậy. Bẩm… con không biết nói cho
thông ạ.
Cha
Xứ: Vậy
thì bây giờ ông chỉ nên biết cầu xin Chúa ban phước cho, thế thôi! Chiều tối
nay sẽ cho nhà thờ đọc kinh cầu bằng yên cho nhà ông, và sáng mai sẽ làm lễ
theo chân cho linh hồn thằng Hảo.
Ô
Trương: Bẩm…
Bẩm… Cha thương chúng con vô cùng. Trình lạy Cha, có cái nghĩa là nhà chúng con
chẳng được bằng yên bao giờ?
Cha
Xứ: Đấy
là không đi xưng tội chịu lễ, không siêng năng sớm tối nguyện ngắm cầu xin, nên
chẳng được bằng an mà chớ!
Ô
Trương:
Bẩm… bẩm…
(Chánh
quản Phớn ra. Chánh quản Phớn béo lùn, mắt sếch, lông mày nét mác, quần áo
kaki, đeo súng).
Chánh
Phớn: Lạy
Cha ạ!
Cha
Xứ:
À, ông Chánh.
Ô
Trương:
Lạy cụ Chánh ạ.
Chánh
Phớn: Không
dám, ông Trương chén rồi chứ?
Cha
Xứ : (Với Chánh Phớn)
Ông
cũng đã biết tin thằng Hảo rồi à?
Chánh
Phớn: Bẩm,
đã ạ. (Với ông Trương) Chúa cất nó về
sớm lại càng được phúc. Với lại chết đứa này rồi lại đẻ đứa khác, lo gì! Ông bà
còn trẻ chán, còn khỏe mạnh, còn đẻ được. Cố đi, ông Trương ạ, sang năm lại có
cậu con trai… hố… hố… hố… (Cười trắng
trợn. Bạ Beng ra).
Bạ
Beng: (Xun xoe) Lạy Cha
ạ. Lạy cụ Chánh ạ. (Cười nịnh) Tiếng
cụ Chánh cười làm con giật nẩy cả mình.
Chánh
Phớn:
Phải! Anh Bạ đến với ông Trương hôm nay là đúng lắm. Anh ở đâu là vui đấy. Có
cả bàn tĩnh đấy ư?
Bạ
Beng: Trình
lạy Cha và cụ Chánh, hai bác cháu từ sáng đến giờ khổ cực lắm. Con xin phép Cha
và cụ Chánh cũng có mang bàn đèn đến để làm khuây cho hai bác cháu. Dạ, bẩm có
cái nghĩa là thế ạ. Cháu Hảo nó qua đời thì hai bác cháu cứ là lo đủ mọi đường
ạ! Con đã nói với hai bác cháu là mọi sự cứ trông cậy ở Chúa! (Cha Xứ gật đầu). Còn sự sống chết thì
đã có Cha Xứ và cụ Chánh đây, sẽ thương cho hai bác cháu ruộng cấy vụ này. Bẩm
là con trộm phép Cha và cụ Chánh, xin Cha và cụ Chánh thương!
(Bạ
Beng nói đến ruộng thì Cha Xứ và Chánh Phớn nhìn Beng, xong lại nhìn nhau).
Cha
Xứ: Ruộng
à? Điều ấy thì… để xem!
Chánh
Phớn : (Cau mày)
Ruộng à? Ông không lo. Cha và tôi không bỏ ông đâu. Bảo bà ấy hay vợ thằng Hảo
lại tôi, tôi để cho ít hàng rẻ mà mang đi bán. Thế nào tôi cũng tính giá hạ cho.
Bạ
Beng : (Kể công với
ông Trương) Cha và cụ Chánh thương bác nhiều lắm đấy. Thế là
không phải lo đói nữa nhá!
Chánh
Phớn : (Với Cha Xứ) Con
xin phép Cha sang nhà giam. (Với ông
Trương) Bờ ao nhà ông vẫn có lối đi sang nhà Chung đấy chứ?
Ô
Trương: Bẩm
rào rồi. Nhưng cụ cứ cho rỡ, rồi nhà con rào lại sau ạ.
Bạ
Beng: Bác
đưa cụ Chánh đi rồi rào lại ngay bác ạ.
Chánh
Phớn: Con
sang hỏi cung tên tù xong, con xin vào hầu Cha. Đi, ông Trương!
(Chánh
Phớn và ông Trương cùng vào).
Bạ
Beng: (Nhìn theo, rồi
quay lại)
Trình lạy Cha, con lập cả bàn lắc đĩa ở đây đêm nay, để chia cho hai bác cháu
ít tiền hồ ạ. Bẩm, gia cảnh nhà hai bác cháu nghèo lắm. Dạ, có tiền thì… bẩm,
đau xót mấy cũng phải quên ngay! Trình lạy Cha, con cứ rập theo đúng cái chương
trình kỳ tháng trước con thi hành ở nhà Nhiêu Tý, khi thằng con trai nó chết vì
mìn Việt Minh, thì thế nào cũng xong xuôi hết ạ.
Cha
Xứ: (Đứng dậy) Tôi
không muốn có những việc đánh bạc… Song…
Bạ
Beng: (Đỡ lời) Bẩm
chính con cũng không muốn thế ạ. Nhưng xin Cha thương, con chỉ cho họ đánh tùy
từng dịp thôi ạ.
Cha
Xứ: Chỉ
được lắc đĩa đêm nay. Từ mai thì thôi đấy.
Bạ
Beng: Dạ,
con xin lĩnh ý Cha ạ!
Cha
Xứ:
Đến giờ đọc kinh, tôi về…
Bạ
Beng:
Con xin phép lạy Cha.
(Cha
Xứ đi vào phía trái, vừa lúc ông Trương bước ra. Bạ Beng vào cửa phải).
Ô
Trương: (Chào theo Cha
Xứ) Con
xin phép lạy Cha.
(Sân
khấu bớt Cha Xứ, Bạ Beng. Ông Trương đứng nhìn theo hút Cha Xứ, mặt thẫn thờ,
quay lại vớ lấy chai rượu định tu. Bỗng phía hậu trường nổi lên tiếng đánh đập,
tiếng hét. Ông Trương đứng sững, hạ chai rượu đang cầm thõng ở tay thì chị Hảo
ra).
Chị
Hảo: (Hỏi ông Trương)
Cậu
Bạ đâu thày?
(Ô
Trương chỉ vào phía phải, không nói. Chị Hảo tiến về phía phải, đứng ở cửa nói
vào).
Chị
Hảo: Ông
ấy bảo được. Lát nữa ông ấy đến đấy cậu ạ.
(Bỗng
có tiếng thét ở bên trong: Á…Ông
Trương, chị Hảo đứng sững lắng nghe).
Chị
Hảo: Hình
như cả con trai cụ Chánh cũng đến tra tấn, thày ạ. Anh ấy hôm nay đến chết mất!
(Ô
Trương bò lên giường dựng cánh cửa sổ, quỳ gối ngó vào trong. Chị Hảo kiễng
chân nhìn qua vai ông Trương. Tiếng đánh, tiếng rít, tiếng hét rõ hơn).
Ô
Trương:
Bố con thằng ăn cướp. Nó đánh người ta thế kia thì chết chứ còn gì!
Tiếng
Chánh Phớn: Gan với ông à? Có nói không? (Tiếng gậy quật mạnh).
Ô
Trương: (Quay ra) Nói
cái mả bố mày, Phớn ạ.
Chị
Hảo:
Thày chửi nó làm gì.
Ô
Trương: (Đứng xuống đất)
Chồng
mày bị Việt Minh bắt, chắc cũng bị tra tấn thế này đây.
Chị
Hảo: Không,
ngoài ấy là thời dân chủ, không tra tấn người như thế này đâu.
Ô
Trương: Việt
Minh không tra tấn à?
Chị
Hảo:
Không ạ.
Ô
Trương:
Sao chồng mày bị chết?
(Chị
Hảo chưa kịp trả lời thì có tiếng Bạ Beng).
Tiếng
Bạ Beng: Bác
vào đây bác, nghiện làm sao được.
Chị
Hảo: Cậu
Bạ gọi thày.
Ô
Trương: Mặc…
(Ngồi xuống) Tao chắc là chồng mày bị
tra tấn… rồi mới chết. Hay là chồng mày bị xử tử?
Chị
Hảo:
Nhà con có tội gì mà bị xử tử?
Ô
Trương:
Cái con này dở người. Trước chồng mày là dân quân hoạt động , rồi sau thành vệ
sĩ, tội nặng lắm chứ!
(Tiếng
vọng bên nhà giam: Chúng mày mà cũng mở mồm nói đến lý
tưởng à, quân mất giống!)
Ô
Trương: Tiếng
anh cán bộ Giao đấy phải không?
Chị
Hảo: Vâng.
Ô
Trương: Lý
tưởng là thế nào?
(Bạ
Beng bỗng ra, tay đang nạo sái).
Bạ
Beng:
Là vào trong này hút vài điếu. Lý tưởng là hút thuốc phiện, là rượu… vào đi
bác!
(Tiếng
đánh đập, tiếng nói rít qua răng).
Ô
Trương:
(Trỏ sang phía nhà giam) Cụ Chánh
đang tra tù. Họ chết mất!
Bạ
Beng:
Thấm vào đâu. Chết thế đếch nào được. Cái thứ tôi và bác mà thiếu thuốc, thiếu
rượu, thì mới chết chứ! (Kiễng chân nhìn
qua cửa sổ) Nghĩa lý gì! Róc thịt nó ra thì nó mới khai. Tôi mà tấn thì
phải biết!
(Chị
Hảo lườm Bạ Beng rồi đi vào phía trái).
Bạ
Beng: (Kéo tay ông
Trương)
Thôi, đi vào trong này.
Ô
Trương:
Cậu cứ vào trước đi.
(Bạ
Beng đi vào phía phải).
Ô
Trương: (Ngồi lại một
mình, rót rượu, mặt thẫn thờ) Bị tra tấn thế thì chết chứ còn gì. (Khóc thút thít) Hảo ơi, con cũng bị
đánh thế này rồi con chết... (Gục đầu nức
nở).
Tiếng
bà Trương:
(Thảng thốt) Ông Trương ơi, ông ơi!
Thằng Hảo…
(Ông
Trương giật mình. Bà Trương ra).
Bà
Trương:
(Thở hổn hển) Thằng Hảo còn sống… Nó
về kìa… Đang đi với Cha Xứ…
Ô
Trương: (Cuống cuồng
chạy ra cửa) Đâu… đâu…
Tiếng
Bạ Beng:
(Ở phía trong) Thằng Hảo à? Đâu?
(Cha
Xứ và Hảo ra).
Ô
Trương: (Rối rít) Lạy
Cha… Bẩm… bẩm… Hảo ơi! Con ơi. (Ôm con).
Hảo:
Thầy… U… (Ông bà Trương níu lấy Hảo kéo
về một góc nhà).
Cha
Xứ: (Mặt sáng lên,
dõng dạc)
Đây là do lời cầu nguyện mà Chúa rủ lòng thương ban ân lành cho nhà ông.
Ô
Trương:
Lạy Cha… Bẩm…
Cha
Xứ: Trước
khi cả nhà đoàn tụ chuyện trò, hãy quỳ xuống để Cha làm phép rồi đọc kinh đền
tạ.
(Cha
Xứ đứng, mọi người quỳ xuống. Beng ở trong nhà chợt ra, tay còn cầm dọc tẩu,
thấy mọi người quỳ, cũng vội vàng quỳ xuống. Cha Xứ vừa giơ tay làm phép thì…
bên nhà giam vọng sang tiếng hô của Giao: Nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa muôn năm! Cha Xứ sững
người, dừng tay làm phép. Beng giật nẩy mình. Hảo ngửng phắt đầu, mắt sáng quắc).
Màn
hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét