Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Phóng sự: Công chức(*)

 Thời kỳ ấy, nay chỉ còn là cái bóng mờ!
“Chỉ mong đi học làm Thày Phán / Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!”
            Đời sống “oanh liệt” của các ông Phán hồi hai ba mươi năm về trước, chỉ còn phảng phất ở trong câu thơ của Tú Xương mà thôi. Thời kỳ ấy các ông Phán cũng chẳng lương cao bổng hậu gì: trước 19p50 rồi sau lên 25 đồng; nhưng giá thực phẩm rẻ, rất rẻ; giá thuê nhà cũng vậy; thành ra các ông được sống ung dung lắm!
            Ngày nay, phương Đông chiến tranh, phương Tây chiến tranh; kẻ chợ nhà quê, người đông như nêm cối; giá thực phẩm cao như giá vàng. Cuộc sống vui tươi chỉ dành cho các người có nhiều tiền.
            Tiền đây là tiền nghìn bạc vạn, chứ không phải tiền trăm bạc chục.
            Cuộc đời của các người kiếm bạc chục bạc trăm hàng tháng chỉ là một chuỗi ngày “cười ra nước mắt”.
            Thi sĩ Tú Xương đã ghi cuộc đời sung sướng của các ông Phán-cổ gọn lỏn trong 2 câu thơ rất thú vị kể trên. Nay muốn bắt chước Tú Xương nhưng không có khiếu về môn “gò vần”, chúng tôi xin ghi bằng một thiên phóng sự: thời kỳ cười ra nước mắt của các công chức trong buổi đời mới này.
                                                             Công chức

            Nghề cạo giấy, hay gọi cao quý hơn “nghề làm quan Phán”, đã thành một cái đích cho tất cả - tôi nói tất cả - thanh niên Việt Nam ngắm, trong khi còn cắp sách đi học. Họ sung sướng khi được ngồi vào buồng giấy, trong một tòa nọ hay một phủ kia. Họ khoan khoái khi nghe đến tên họ đi liền với một danh từ mới mẻ và danh giá: Quan Phán! Họ mang bộ mặt tự túc của những người mãn nguyện!
            Xưa kia, thì có thế thật. Nhưng bây giờ đây, những giọng cười mãn nguyện đã biến thành nhữngtiếng thở dài… hay hơn nữa, những tiếng “kêu cứu”. Lẽ cố nhiên là chỉ có hạng công chức công nhật, lương ít, mới cần đến những tiếng “kêu cứu” đó thôi. Nhưng tôi không những muốn biết cái sự chua chát của những người này, tôi còn muốn đi sâu hơn chút nữa, muốn rõ mọi nỗi vinh-nhục của nghề.
                                                 Một tên lính mới

            Vừa được tin anh H, bạn tôi, đi làm buổi sáng; buổi tối tôi đến nhà anh ta ngay. Anh đang ăn cơm. Thấy tôi mở cửa bước vào, anh vui vẻ đứng dậy bắt tay. Tôi hỏi:
-          Thế nào? Quan Phán?
Anh cười hỏi lại:
-          Thế nào?
Và anh chỉ cái ghế trước mặt, mời tôi ngồi. H vừa ăn cơm vừa nói chuyện:
-          Ai bảo mà anh biết tôi đi làm?
-          À, anh T. Anh đi làm sở nào, xem chừng có dễ chịu không?
Anh đặt bát cơm xuống bàn:
- Ở sở C.N. Còn dễ chịu hay không, chưa biết. Xem chừng thì phần khó chịu hơn phần dễ chịu. Nhưng vừa vào việc, tôi đã làm cho anh cu tham tá một vố tỉnh người. Anh chàng đưa cho tôi độ hai mươi trang giấy bảo: Ông ngồi đánh cái này, chiều đưa cho tôi. Ông phải xếp đặt cho khéo, cần nhất cái “présentation” cho gọn gàng sáng sủa. Rồi tôi không nói gì, ngồi đánh thoáng một giờ xong, đưa vào. Anh ta lác mắt nhìn tôi trừng trừng hỏi: Xong rồi? Tôi cũng trả lời cụt ngủn: Ông xem đó! Rồi đi ra.
Tôi hỏi:
-          Anh làm lương công nhật?
Ý tôi muốn nói sao anh “bướng” thế. Và anh đã hiểu:
- Công nhật! Nhưng tôi được ông Directeur đưa vào, cần gì!
Và anh cười, một cái cười của kẻ đắc chí!
Thấy anh còn cầm bát cơm, tôi vội nói:
-    Anh hãy ăn cơm đi đã, rồi nói chuyện!
-          Vậy xin lỗi anh nhé!
Anh ăn vội mấy bát cơm, xong khoát tay, bảo người nhà dọn đi. Thằng nhỏ đưa cho anh cái khăn mặt ướt, sau khi đã bưng mâm cơm vào trong nhà. H lau qua miệng, kéo ghế ngồi ngay ngắn lại. Thấy chưa có nước uống, anh gọi:
-          Ờ nhỏ, sao bảo lấy nước lại chưa lấy hả?
Một tiếng “dạ” từ nhà trong. Rồi thằng nhỏ khệ nệ bưng ra một cái khay, trên có đĩa chuối và cái ấm chuyên với hai cái tách.
Anh hoan hỉ rót nước ra chén và mời tôi ăn chuối. Tôi từ chối.
-          Thế thì mời anh uống nước vây!
Anh đặt ra trước mặt tôi một tách nước.
Tôi cầm tách đưa lên miệng. Hương chè ngát, làm tôi cười thầm: “Chưa chi đã ra vẻ lắm!”.
Tôi nói với H: “Giá anh cứ cho uống nước vối như mọi khi, có lẽ hơn!”.
Anh cười. Anh vừa bóc chuối vừa nói:
-          Lạ, đi làm chỉ có ngồi đấy thôi mà mệt anh ạ! Anh tính… có làm đâu, chỉ ngồi khểnh góp chuyện láo. Thỉnh thoảng lão “sếp” mới ra một tí; mà trước khi ra, lão ta đứng dậy là y như cái ghế xê đi. Thế là ở bên ngoài biết hiệu, đâu đã vào đấy rồi. Lão ra, đưa cái gì cho đánh máy, xong lại vào ngay.
Tôi khen một câu:
-          Sung sướng thật!
Anh khoái chí, phân trần:
-          Anh xem có phải không nhớ. Tội gì mình học thêm lấy cái Tú tài! Ừ, giá bảo mình có học đến nơi đến chốn thì hãy cố học nữa. Chứ học xong cái Tú tài lại quay đầu đi làm thì, chi bằng đi làm ngay từ bây giờ. Tôi tính anh nghe: Nếu tôi học thêm, phải ba năm nữa. Phải, ít ra là ba năm nữa. Ấy là học trơn chu đấy, tôi mới kiếm được cái Tú tài. Rồi nằm ở nhà một năm để chờ những kỳ thi, như thi Tham tá chẳng hạn. Thế là bốn năm. Trong bốn năm ấy tôi đi làm, nếu được vào chính ngạch thì tính cả tiền phụ cấp, lương tháng, tôi cũng xấp xỉ bằng lương Tham tá tập sự rồi. Đó là không kể tôi lại đi làm trước những bốn năm.
-          Thế độ bao giờ anh được vào chính ngạch?
-          Chỉ độ từ giờ đến cuối năm. Sở tôi về, hồi kinh tế khủng hoảng, mấy lần nhà nước đã định bỏ. Nhưng nay họ muốn khuyến khích và khuyếch trương nghề nông và kỹ nghệ trong nước, nên sở tôi được chính phủ mở mang to lắm. Và nhất định thế nào cũng có “ngạch”.
Anh uống một tách nước và sung sướng kể cho tôi nghe thêm những ý định về đời anh.
Khi bắt tay anh ra về, tôi nghĩ đấy là một người mãn nguyện!
Nhưng mấy tháng sau, một hôm tôi gặp H trên xe điện. Nom anh gầy đi nhiều. Tôi hỏi, anh than phiền:
-          Nó tống tôi xuống phòng thí nghiệm, suốt ngày phải ngửi những hơi như hơi ngạt. Nào hơi chlore, nào hơi acide, anh bảo làm gì chẳng sút người đi.
Tôi ái ngại:
-          Nhưng sao anh đương làm ở phòng giấy lại phải đổi?
Một tia giận thoáng qua trong mắt H, trả lời:
-          Chà! Không hợp cảnh!
Tôi không hiểu, nhưng thấy vẻ buồn hiện trên nét mặt H, nên im lặng.
Chợt nghĩ đến cái “ngạch” anh nói, tôi hớn hở hỏi:
-          Thế bao giờ anh được vào chính ngạch?
-          Ngạch gì? Có ai tính đến nữa đâu!
Tôi hỏi vớt một câu:
-          Tôi thấy trong báo hàng ngày nói, tăng những bao nhiêu phần trăm lương công chức công nhật cơ mà?
-          Chỉ có chút ít thôi!
Rồi anh lặng yên.
Lòng tôi phân vân, có cảm giác như vừa đến thăm một người ốm ở bệnh viện.
  (Kỳ sau: Một ông Chúa Chổm)(**)
  
Ảnh chụp Phóng sự "Công chức" đăng trên báo Đông Pháp
(*) Đông pháp, thứ hai, ngày 16 Octobre năm 1939 với bút danh Triều Dương; Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.
Ghi chú: Phóng sự này chỉ tìm được 1 số. Phần còn lại đã mất.
(**) Số báo này không tìm được tại Thư viện Quốc gia - Hà Nội.
                                                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét