Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

HÀ VĂN CẦU - Nhà nghiên cứu sân khấu dân tộc quý hiếm(*)

Tác giả được Giải thưởng Nhà nước năm 2001
           
            Nhà nghiên cứu Sân khấu - PGS Hà Văn Cầu là một trong số 14 người của Hội Nghệ sĩ Sân khấu vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Ông không chỉ là Nhà nghiên cứu sân khấu, còn là tác giả kịch bản có tên tuổi.
Tác giả bài báo thăm GS. Hà Văn Cầu
           Với lĩnh vực nghiên cứu sân khấu, chủ yếu ông đi sâu vào bộ môn Chèo. Có người hỏi: "Phải chăng bác sinh ra ở đất Chèo truyền thống Thái Bình nên đã chọn đối tượng nghiên cứu là loại hình nghệ thuật Chèo?" Ông lắc đầu đáp: "Không!" Rồi thong thả kể rằng: "Thậm chí, khi đã vào đời nhiều năm, tôi còn chưa dám nghĩ mình sẽ chọn con đường nghiên cứu nghệ thuật. Bởi tôi coi lãnh địa đó là "linh địa", chỉ dành riêng cho những ai có tài bẩm sinh. Năm 1952, thấy tôi ham thích sách vở, bác Đặng Xuân Thiều bảo tôi bám cụ Nguyễn Đình Nghị - Nhà nghiên cứu chèo và là tác giả nổi tiếng thời bấy giờ, để học lấy nghề, tôi đã trốn. Tuy thích văn nghệ nhưng tôi chỉ thích kịch nói, chứ không ưa Chèo, coi đó là nghệ thuật "ê-a".
Anh Lộng Chương nghe tin, tìm đến tôi, nói: Cậu ngốc lắm! Chèo là vàng, là ngọc của dân ta. Tớ là cậu thì tớ "ký" cả bốn tay. Tôi nể anh nên đành chấp thuận việc phân công của bác Thiều. Đó là cái mốc đầu tiên trên con đường đưa tôi đến với sân khấu Chèo. Và, Chèo thật sự có sức cuốn hút cả cuộc đời tôi. Chỉ tiếc rằng, trên con đường tìm kiếm, nghiên cứu về nghệ thuật Chèo, tôi chẳng làm được bao nhiêu". Ông khiêm tốn nói vậy thôi. Thực ra, phần đóng góp của ông trong lĩnh vực này không nhỏ.
            Sau cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, liên tục trong nhiều năm ông đã dành thời gian đi sâu vào Chèo. Ông lần tìm sách vở nói về Chèo trong các thư viện. Ông lặn lội đi nhiều tỉnh, tìm gặp các nghệ nhân Chèo và từng gánh hát Chèo để học hỏi, nghiên cứu. Mặc dù khi ấy sách vở chuyên ngành hiếm hoi, không giúp được ông là mấy, song bằng sự tiếp cận lăn lộn trong đời sống cộng đồng đã giúp ông gặt hái thành công, đáng để mọi người khâm phục. Vốn kiến thức của ông từng được viết thành giáo trình giảng dạy cho sinh viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh trong mấy chục năm qua. Ông là một trong số thày dạy đầu tiên của trường này. Ông cũng đã cho xuất bản nhiều tập sách quý như: Tìm hiểu phương pháp viết Chèo (Nxb Văn hoá - 1969), Tấu thơ và Tấu chèo (viết cùng Thanh Tịnh, Nxb Văn hoá - 1972), Tuyển tập Hề chèo (Giải A - Hội Văn nghệ dân gian - 1972, Nxb Văn hoá - 1972), Mấy vấn đề Kịch bản Chèo (Nxb Văn hoá - 1979), Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật Cải lương (Giải nhất Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - 1993, Nxb Sân khấu - 1994), Bình diện kỹ thuật trong diễn xuất Chèo (Nxb Sân khấu và Nhà hát Chèo VN - 2000)... Ông còn được mời tham gia soạn Từ điển Bách khoa VN và Bách khoa thư Hà Nội về chuyên ngành nghệ thuật Chèo; đóng góp nhiều ý kiến vào việc soạn thảo nghị quyết của BCH TW Đảng về vấn đề giữ gìn và phát triển nền văn hoá - văn nghệ truyền thống Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc...
           Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí: Đức, Pháp, Hunggari, Nhật Bản,...        
            Trong lĩnh vực sáng tác, Nhà nghiên cứu Sân khấu - PGS Hà Văn Cầu là tác giả của gần ba mươi kịch bản Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch nói (gồm phần lớn là Chèo): Giấc mơ của ông Cò (Chèo, Giải khuyến khích Nha Bình dân học vụ - 1956), Nên vợ nên chồng (Chèo, Giải nhì Hội Liên hiệp Phụ nữ VN - 1957), Tống Trân - Cúc Hoa (Đoàn chèo Hưng Yên - 1961), Từ Thức (Nhà hát chèo TW - 1990), Thạch Sanh (Đoàn Tuồng TW - 1972), Người Công dân số 1 (viết chung, Đoàn Cải lương TW - 1976), Sang Sông (Nhà hát kịch VN - 1970). Đáng chú ý  là, hai kịch bản Quán ba côLê Quý Đôn của tác giả đã đoạt Giải Nhất và Giải Nhì, do Hội nghệ sĩ Sân khấu VN tặng năm 1993. Hầu hết kịch bản của ông đều được dàn diễn. Kịch bản Tống Trân - Cúc Hoa được diễn đến hàng nghìn buổi và diễn kéo dài suốt mấy chục năm, nay vẫn đang tiếp tục. Ngoài viết kịch bản, ông từng giúp đỡ nhiều đoàn chèo của các tỉnh dựng vở diễn. Nhiều người coi ông là người thày, là chuyên gia của ngành Chèo. Nay ông đã vào tuổi 75, phải từ chối nhiều chuyến đi xa hướng dẫn dựng vở, phải từ chối cả những buổi đứng trên bục giảng, ông thật tiếc. Vì, "lực bất tòng tâm" mà!
            Nhà nghiên cứu Sân khấu - PGS Hà Văn Cầu không chỉ am hiểu sâu sắc bộ môn nghệ thuật Chèo, ông còn hiểu rộng nhiều lĩnh vực khác: Lịch sử, Văn học, Triết học, Thiên văn, Địa lý,... Vốn kiến thức này ông học chủ yếu bằng con đường tự nghiên cứu qua các sách vở trong thư viện. Ông rất biết ơn thày Trần Văn Giáp đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông được tiếp cận với kho sách quý của Thư viện Khoa học TW trong cả thời gian dài tới chục năm. Ông nói: "Không có kho sách quý hiếm đó, tôi không thể đạt được kết quả gì trong các lĩnh vực khoa học này!". Cũng từ ham sách, ông đã học tốt hai ngữ: Pháp và Hán, để đọc thông thạo và hiểu sâu sắc nội dung của sách. Không có sách thì không có tri thức - câu nói nổi tiếng này của V. Lênin được ông tụng niệm và thực hiện thành công trong cả cuộc đời mình. 
            Tuy là trí thức đa tài, nổi tiếng, song cả cuộc đời ông vẫn giữ nếp sống nghèo mà thanh bạch. Trong gian nhà nhỏ đơn sơ ở cái ngõ nhỏ bên chợ Ngọc Hà (Hà Nội), suốt ngày ồn ào hỗn tạp, nhưng ông bà và con cháu luôn vui vẻ, không thiếu tiếng cười. Chẳng phải ông thiếu cơ hội kiếm tiền để thay đổi cảnh ngộ sống như thế. Có điều, từ trong sâu thẳm tâm can, ông không bao giờ chấp nhận sự "nói một đàng, làm một nẻo". Bởi sống như thế là lừa lọc đời, là thiếu đạo đức phẩm giá làm người. Còn nhớ, trong một chuyến công tác ở nước ngoài, biết ông là Nhà nghiên cứu Chèo có nhiều công trình sáng giá, một thành viên đại diện Chính phủ Mêhicô đã tha thiết mời ông thăm đất nước họ. Biết thực chất, đó chỉ là chuyến đi chơi để có tiền, ông đã từ chối với lý do: Cả dân tộc Việt Nam còn đang dốc sức đánh giặc ngoại xâm, ông không có lý do chính đáng để chấp nhận lời mời. Nghe ông trả lời, người đại diện phía mời bày tỏ lòng khâm phục ông - người trí thức cộng sản đức độ tuyệt vời!
            Đánh giá về Nhà nghiên cứu Sân khấu - PGS Hà Văn Cầu, Nhà nghiên cứu Sân khấu Từ Lương viết như sau: "Ông là Nhà nghiên cứu Sân khấu dân tộc thực quý, thực hiếm".
                        TC Thi đua và khen thưởng, số 17 (10/2001)


                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét