Đến căn nhà nhỏ của Giáo sư nghiên cứu chèo Hà Văn
Cầu (GS) một sớm ngày Tết, tôi cảm nhận
sự yên tĩnh, thanh tịnh lạ. Ngày thường,
nơi
đây huyên náo lắm. Bởi,
chốn này là một chợ xép, nằm ngay cạnh bến xe Kim Mã.
Đã đến đây thăm GS nhiều
lần, ấy vậy mà lần nào tôi cũng phải thầm cảm phục đức “kiên cường” chống chọi
lại cái sự bát nháo của chốn thương trường của GS để chìm sâu được vào cõi “vô
thường”, tìm câu chữ sáng tạo nên những áng văn bất tuyệt của vốn cổ văn hóa
Việt - đó là Chèo.
GS. Chèo Hà Văn Cầu |
Vẫn nhớ… Chèo ngày xưa ấy
Có lẽ, cái ngày xưa ấy mãi in đậm trong ký ức của GS
là bởi nó trong sáng quá, vô tư quá, đẹp đẽ quá. Thế nên, GS nhắc lại ngay với
tôi câu chuyện của hơn 50 năm trước. Ngày đó, tiền không, trụ sở không, diễn
viên không… nghĩa là cái gì cũng không hết. Vậy mà các ông (Trần Huyền Trân, Lộng
Chương, Hà Văn Cầu, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm) đã dám bỏ tiền túi thành
lập Đoàn Chèo Cổ Phong.
Và rồi, muốn có “bột” để gột nên hồ, các ông đã dày công
tìm kiếm, sưu tầm một lượng lớn các tích chèo cổ. Rồi chính các ông lại nghiên
cứu, khảo tả, chỉnh lý, bổ sung… trước khi dàn dựng. Cùng với đó, các ông đã
mời nhiều nghệ nhân tăm tiếng như: Năm Ngũ, Cả Tam, Trùm Thịnh, Hoa Tâm… để các
cụ truyền thụ những làn điệu chèo mẫu mực cho các diễn viên thế hệ sau. Tối
diễn vở ra mắt Đòan, ngòai các lãnh đạo ngành văn hóa, còn có đông đảo bạn bè
trong giới văn nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô
Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Bùi Xuân Phái, Thế Lữ, Phạm Viết Song, Bùi
Huy Phồn, Văn Cao, Bửu Tiến, Chu Ngọc, Đoàn Giỏi, Nguyễn Sáng, Lưu Chi Lăng,
Ngô Huỳnh…
Vở diễn thành công ngoài dự kiến. Mọi người đều hồ
hởi. Rượu được mang ra. Tất cả nâng ly. Đặt xuống. Lại nâng lên… cho đến tận lúc
trời tàn sao!
Nhắc lại kỷ niệm của một thời đã qua, GS bảo: Đó
không chỉ là tâm huyết, tình cảm thiêng liêng với nghệ thuật Chèo; mà còn là ý
thức, là trách nhiệm nghệ sĩ, biết nâng niu, trân trọng di sản văn hóa đẹp đẽ
được kết tinh từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc của các cụ ta
đấy.
Và… chèo ngày nay!
Đưa bàn tay đã hơi run run, GS rót mời tôi một chén
trà. Nước trà xanh sóng sánh trong chiếc chén sành màu nâu như đậm đà hơn nơi
đầu lưỡi. Tay run như vậy, nhưng giọng GS còn khỏe lắm, chắc lắm. GS bảo: Buồn
lắm, xem chèo mà chẳng thấy chèo đâu! Tôi đã bảo với các ông có chức sắc trong
ngành rằng, muốn chèo đứng được phải có vở hay. Mà vở hay phải luôn bảo tồn
được những chuẩn mực vốn dĩ đã được lưu truyền, gìn giữ từ hàng trăm năm nay; Phải
phù hợp với nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân; nguyện vọng luôn muốn vươn tới những điều đẹp đẽ hơn, hoàn
thiện hơn. Đạt được những tiêu chí đó vở mới “đứng” được. Nhưng xem ra, nay
thật khó tìm được một vở chèo đạt được những tiêu chí đó. Ai đời, những mảng
miếng mẫu mực của chèo thì chẳng thấy đâu. Chèo gì mà toàn thấy nói, chẳng thấy
hát. Gán vào miệng nhân vật cách nay hàng trăm năm những câu thơ của người thời
nay… Chán thật. Ấy thế mà, tôi góp ý thì “nó” cứ lờ tăm tít đi.
Vẫn
đắm đuối với “nghiệp” ở tuổi 84
Chống tay vào đùi từ từ đứng dậy, GS Hà Văn Cầu đi
lại bàn viết, ôm một chồng bản thảo đưa cho tôi xem. Đó là giáo trình hướng dẫn
sáng tác tác phẩm chèo. Mở từng trang giáo án, GS giới thiệu từng phần viết với
nét chữ đều đặn, rắn rỏi. GS nói với tôi, thôi thì còn sức, còn tỉnh táo, mình
cứ viết ra đây. Hy vọng để lại một chút gì đó cho những tác giả trẻ đi sau
mình. Ngay cả bây giờ, tôi cũng muốn được tự mình đứng lớp. Nhưng nếu được giao
đứng lớp, tôi có nguyện vọng: Tôi phải
được tự chọn học sinh. Một lớp chỉ từ 3 đến 5 người. Phải có thi đầu vào. Tuyệt
đối không được “học gửi”, “học nhờ”. Chương trình của tôi là: 30% lý thuyết,
còn lại là thực hành. Có vậy, mới hiệu quả. Chứ trước nay, các ông ấy hay đào
tạo “chay”. Làm sao mà khá lên được. Sáng tác chèo không dễ như viết tiểu
thuyết đâu. Nó hạn chế đủ thứ. Hạn chế về độ dày tác phẩm. Hạn chế về không
gian, thời gian thưởng thức. Hạn chế về lời thoại…
Tôi hỏi GS: Thế theo ông, các tác giả sáng tác chèo
“ra chèo” giờ có được những ai? GS: Có lẽ, chưa đếm được đủ ngón tay của một
bàn tay. Thế nhưng, những người có thể kể ra được đó, lại bị… “vướng” vì những
điều khác - những điều chẳng dính gì đến chèo. Thế mới chán chứ! GS nói xong
cười buồn - cái cười buồn sâu thẳm của một người yêu “nghiệp” từ thuở đầu xanh
cho đến tận lúc này - lúc tuổi đã gần trọn trăm năm!
Xin phép GS ra về, tôi thầm mong tới đây ông đủ sức
chống chọi với tuổi già, với mọi khắc nghiệt trong nhân gian… để góp phần lưu
giữ được hồn cốt thiêng liêng của một nét văn hóa cổ - đó là CHÈO!
Báo Người Cao tuổi, số 169, tháng 3/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét